Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Nguyễn Đại : Mất ăn mất ngủ vì Bắc Triều Tiên

Link : http://huynhngocchenh.blogspot.com.es/2013/01/mat-mat-ngu-vi-bac-trieu-tien.html

Nguyễn Đại
images

Như lời ông đại tá – PGS – TS Trần Đăng Thanh (*) thì ta phải học tập Bắc Triều Tiên (BTT): “có vũ khí nguyên tử làm thế giới mất ăn mất ngủ”. Tôi không hiểu làm cho người khác mất ăn mất ngủ thì có gì hay mà phải học! Không biết có ông bố nào dạy con “mày phải học thằng ăn trộm, ăn cướp có nghề, nó làm cho nhân dân mất ăn mất ngủ!” không. Nói như ông Thanh sao hồi trước ta không học luôn Polpot, Hitle vì làm TG mất ăn mất ngủ cho nó tiện. Trong khi bao nhiêu nước có rất ít sức mạnh quân đội mà họ vẫn sống văn minh, sống đàng hoàng, giàu có thì không học. Có sức mạnh quân đội để… canh giữ cho hòa bình thế giới thì còn đáng học, chứ ai lại đi học thằng Chí Phèo làm cả làng Vũ Đại mất ăn mất ngủ bao giờ!
 Tuy nhiên, có một thực tế là những người có lương tri đang mất ăn mất ngủ vì chuyện ăn thịt người ở BTT. Cách đây vài chục năm, Mao Trạch Đông đã đưa nhân dân Trung Quốc vào hoàn cảnh phải ăn thịt người trong thời kỳ đại nhảy vọt thì nay đến phiên BTT.
Câu chuyện Triều Tiên là một thực tiễn rõ nét nhất về sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài. Cùng con người, cùng tố chất, cùng hoàn cảnh địa lý, thế mà kinh tế chênh lệch khủng khiếp. Nam Triều Tiên (NTT) là nền kinh tế lớn nằm trong TOP 10 thế giới, thu nhập bình quân đầu người trên 25.000 USD, GDP khoảng 900 tỷ USD. Bắc Triều Tiên (BTT) thì đang đối diện với nạn đói, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 USD và GDP khoảng 20 tỷ USD.
Nếu như những “tuyên truyền viên” còn có lý do cho rằng miền nam Việt Nam giàu hơn miền bắc là do “tiền của Mỹ” thì chắc hẳn chẳng còn lý do gì cho câu chuyện Triều Tiên nói trên. “Do NTT được Mỹ đầu tư ư?” Thì nước nào muốn phát triển chẳng cần đầu tư! Có chính sách tốt, có kinh tế thị trường lành mạnh thì người ta mới đầu tư! Mà BTT cũng được Trung Quốc đầu tư đấy chứ. “Do BTT bị cấm vận ư?” Thế tại sao người ta cấm vận? Rừng rú, mọi rợ, tàn ác thì có quốc gia văn minh nào dám đến gần. Nói “nghèo do cấm vận” chẳng khác gì tự thú “tao khốn nạn nên người ta lánh xa tao”. “Do đổ tiền làm tên lửa hạt nhân ư?” Dân thì đói nhăn răng còn anh thì vét cạn tiền chơi tên lửa! Y như Liên Xô thời trước. Mỹ làm ra 10 đồng, chi 3 đồng vô vũ khí và lên mặt trăng. Liên Xô làm ra 3 đồng, chi luôn 3 đồng vô vũ khí và lên mặt trăng cho không thua kém bọn tư bản. Lên tới mặt trăng thì đất nước tan rã.
Như trên đã nói, BTT và NTT chỉ khác nhau ở một thứ là chế độ chính trị, còn lại các điều kiện khác là như nhau. Cả 2 có điểm xuất phát như nhau tính tại thời điểm 1953 – năm kết thúc nội chiến, văn hóa như nhau, trí tuệ như nhau. Quái lạ là ở BTT, điều kiện chính trị… ưu việt hơn NTT nhiều:
-        Được trang bị chủ nghĩa Mác – Lê nin vô địch, sau đó phát triển thành chủ nghĩa Chủ Thể
-        Có một người cầm lái vĩ đại là Kim Nhật Thành, vĩ đại đến nỗi trở thành chủ tịch vĩnh viễn.
-        Nếu nói về ổn định chính trị thì chẳng có quốc gia nào bì lại với BTT. Kim ông nắm quyền đến chết truyền ngôi cho Kim cha. Kim cha nắm quyền đến chết truyền ngôi cho Kim con hiện nay. Không hề có cạnh tranh, quyền lực cha truyền con nối, rất ổn định.
-        Có sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của một đảng duy nhất đỉnh cao trí tuệ là Đảng Lao Động Triều Tiên.
-        Có một sự đoàn kết nhất trí cao độ. Có khoảng 100 đầu sách ca ngợi Kim ông, 70 đầu sách ca ngợ Kim cha. Bầu cử quốc hội ở BTT luôn đạt 99% phiếu ủng hộ ứng cử viên… duy nhất thuộc Đảng Lao Động.
-        Đặc biệt ưu việt internet, điện thoại di động bị cấm cho nên nhân dân không bị nước ngoài đầu độc. Người dân yêu thương lãnh tụ còn hơn cha mẹ của mình. Lãnh tụ chết là kéo nhau ra ngoài đường khóc tè le toét loét. Thậm chí lãnh đạo chưa chết, đi thăm trường học, giáo viên và học trò cũng khóc hu hu.
-        Không chỉ nhân dân, đến cả trời đất cũng thương yêu lãnh tụ. Sự ra đời của Kim Chính Nhật tại núi Paektu đã được báo trước bởi một con chim nhạn, và một điềm triệu là sự xuất hiện của một cầu vồng đôi bắc qua núi cùng một ngôi sao mới trên bầu trời.
Nói chung, thể chế chính trị của BTT là cực kỳ ưu việt. Còn NTT thì chỉ có một thể chế bình như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có. Đó là nền chính trị đa đảng, nhân dân trực tiếp bầu ra Tổng Thống (dân chủ không tập trung). NTT khác BTT chỉ có thế và giàu có gấp 40 lần BTT.
Có những điều khó giải thích đến độ phải dùng đến tâm linh. Tại sao đất nước BTT nghèo đói thì giải thích được. Nhưng người dân BTT có tội tình gì với trời đất mà phải khốn nạn đến thế để cha con họ Kim giàu sụ (tài sản khoảng 4 tỷ USD) thì đúng là chịu!
Quả là BTT làm thế giới mất ăn mất ngủ.
Nguyễn Đại – 30/1/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét