Vntinnhanh.vn - Năm 2014, Đô
đốc William H. McRaven, người là cựu sinh viên Đại học Texas (UT), đã trở lại
trường và trao cho các sinh viên sắp tốt nghiệp 10 bài học về cuộc sống giá trị
mà ông đúc rút được sau thời gian tham gia huấn luyện tại lực lượng đặc nhiệm
SEAL của Hải quân Mỹ.
Ông McRaven, cựu tư lệnh Bộ chỉ
huy các lực lượng đặc biệt Mỹ (USSOC), người tổ chức cuộc đột kích tiêu diệt
trùm khủng bố Osama bin Laden, đã nêu lên nhiều bài học cuộc sống giá trị, ý nghĩa,
thông qua chính trải nghiệm của bản thân.
Bài phát
biểu của ông được đăng tải lần đầu trên tờ Military
Times, trước khi được tờ Business
Insider đăng tải lại.
Dưới đây là nội dung bài phát biểu đặc biệt này:
"Tôi đã là một người lính
SEAL của Hải quân trong 36 năm. Nhưng cuộc đời binh nghiệp chỉ bắt đầu khi
tôi tốt nghiệp trường UT và tham gia khóa huấn luyện cơ bản của SEAL ở
Coronado, California.
Đó là 6 tháng chạy khổ nhọc trên
cát mềm, bơi giữa đêm trong làn nước lạnh giá ngoài khơi San Diego, các bài
vượt chướng ngại, các bài tập thể lực không ngừng nghỉ, nhiều ngày không ngủ,
luôn ở trong tình trạng ướt, lạnh và khổ sở.
Đó là 6 tháng thường xuyên bị
lăng mạ bởi các thầy huấn luyện chuyên nghiệp, những người luôn tìm các điểm
yếu trong tâm hồn và thể xác của học viên rồi loại bỏ chúng, trước khi họ trở
thành một người lính SEAL.
Nhưng hoạt động huấn luyện còn là
để tìm hiểu xem các học viên có thể hoạt động bình thường trong một môi trường
thường xuyên phải chịu áp lực, sự hỗn loạn, thất bại và cả khó khăn hay không.
Với tôi, huấn luyện SEAL cơ bản
giống như các thách thức của cả cuộc đời, được nhét vào trong vỏn vẹn 6 tháng
trời.
Vì thế, dưới đây là 10 bài học
thu được từ hoạt động huấn luyện SEAL mà tôi hy vọng sẽ có giá trị với bạn, khi
bạn tiến lên trong cuộc sống.
Mỗi buổi sáng trong hoạt động
huấn luyện SEAL cơ bản, các thầy của tôi, những người đều là cựu binh thời
chiến tranh Việt Nam, sẽ xuất hiện trong phòng của tôi ở doanh trại và điều đầu
tiên họ làm là kiểm tra giường ngủ.
Nếu bạn dọn giường chuẩn xác thì
các góc phải vuông vắn, ga giường phải phẳng phiu, gối được đặt ở vị trí trung
tâm, giữa tấm ván đầu giường và chăn phải được gấp gọn gàng, đặt ở chân giường.
Đó là một nhiệm vụ đơn giản, bình
thường. Nhưng mỗi buổi sáng, chúng đều được yêu cầu phải dọn giường sao cho đạt
tiêu chuẩn hoàn hảo. Lúc ấy chuyện có vẻ kỳ cục, đặc biệt khi tất cả chúng tôi
đều đang nóng lòng muốn trở thành các chiến binh thực thụ, những người lính
SEAL dạn dày lửa đạn chiến trường. Phải mãi về sau, tôi mới nhận thấy sự thông
thái trong hoạt động có vẻ đơn giản này.
Nếu dọn giường vào mỗi buổi sáng,
bạn đã hoàn thành công việc đầu tiên trong ngày. Nó sẽ cho bạn chút cảm giác
kiêu hãnh và khuyến khích bạn làm thêm việc này hoặc việc khác. Tới cuối ngày,
công việc hoàn thành đầu tiên đó sẽ biến thành rất nhiều công việc khác, cũng
được thực hiện xong.
Dọn giường còn củng cố sự thực
rằng ngay cả những điều nhỏ bé trong cuộc sống cũng có ý nghĩa.
Nếu bạn không thể làm đúng ngay
từ những điều nhỏ nhất, bạn sẽ không bao giờ có thể làm đúng những điều lớn
hơn.
Và nếu chẳng may bạn có một ngày
tồi tệ, bạn sẽ về nhà với một chiếc giường được dọn dẹp ngay ngắn - do bản thân
thực hiện. Và chính chiếc giường được dọn dẹp tới hoàn hảo đó sẽ động viên bạn
rằng ngày mai có thể sẽ khá hơn.
Vì thế,
nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc dọn giường!
Trong hoạt động huấn luyện SEAL,
các học viên được chia thành từng nhóm nhỏ 7 người để tham gia chèo thuyền. Cứ
3 người lại ngồi vào một bên của chiếc thuyền cao su nhỏ và một người còn lại
sẽ cầm lái.
Mỗi ngày, đội chèo thuyền của bạn
lại xuất hiện trước bãi biển và được hướng dẫn cách chèo qua vùng sóng vỗ và đi
vài cây số dọc theo bãi biển. Mùa Đông, những con sóng ở San Diego có thể cao
từ 3 tới 4 mét và rất khó để chèo qua chúng, trừ phi tất cả mọi người cùng tham
gia.
Mỗi cú khua chèo phải được thực
hiện đồng bộ với nhau. Tất cả đều phải dồn sức lực như nhau, nếu không con
thuyền sẽ xoay ngang trong con sóng và bị ném trở lại bãi biển.
Và như
vậy, để tới được đích, tất cả mọi người đều phải chèo thuyền.
Bạn không thể một mình thay đổi
thế giới - bạn sẽ cần ai đó giúp đỡ. Để đi từ điểm xuất phát tới đích, bạn sẽ
thực sự cần bạn bè, đồng nghiệp , thiện chí của người lạ và một người lái
thuyền mạnh mẽ để hướng dẫn tất cả.
Nếu muốn
thay đổi thế giới, hãy tìm ai đó giúp bạn chèo thuyền.
Chỉ sau vài tuần huấn luyện, lớp
SEAL của tôi đã từ 150 người giảm xuống còn 35. Nay mỗi chiếc thuyền chỉ còn
lại 6 người thay vì 7 người như ban đầu.
Tôi từng ở trong một con thuyền
với những anh chàng cao to, nhưng đội chèo thuyền giỏi nhất chúng tôi có được
lại hợp thành từ những anh chàng nhỏ con - đội chèo thuyền của các chú lùn, như
những người khác đã gọi họ - với không ai trong đó cao hơn 1m65.
Đội chú lùn có một người gốc thổ
dân, một người gốc Phi, một người gốc Ba Lan, một người gốc Hy Lạp, một người
gốc Italy và hai anh chàng nữa tới từ vùng Trung Tây. Nhưng họ đã chèo vượt tất
cả các đội thuyền khác.
Những anh chàng to con trong các
đội thuyền khác thường trêu chọc đội chú lùn, dựa trên những đôi dép nhỏ họ đi
trước mỗi buổi luyện tập. Tuy nhiên những chú lùn đó, tới từ mọi ngóc ngách
trên thế giới, rốt cục lại chiến thắng - họ chèo thuyền nhanh hơn bất kỳ ai
khác và tới đích trước toàn bộ các nhóm còn lại.
Hoạt động huấn luyện SEAL là một
thước đo hoàn hảo. Không thứ gì có thể giúp ích cho bạn, ngoại trừ ý chí thành
công. Không phải là màu da, nguồn gốc chủng tộc, trình độ giáo dục hay đẳng cấp
xã hội của bạn.
Nếu bạn
muốn thay đổi thế giới, hãy đánh giá ai đó theo trái tim của họ, chứ không phải
kích cỡ đôi dép họ đi dưới chân.
Mỗi tuần vài lần, các thầy huấn
luyện sẽ bắt cả lớp xếp hàng và kiểm tra quân phục. Đó là cuộc kiểm tra vô cùng
kỹ càng.
Chiếc mũ và quần áo của bạn phải
được gấp nếp rõ ràng, không tì vết. Thắt lưng của bạn phải sáng bóng, không có
vết bẩn nào.
Nhưng dù bạn dồn bao nhiêu công
sức chuẩn bị, dường như các nỗ lực ấy vẫn là không đủ. Các thầy sẽ luôn tìm ra
vấn đề nào đó.
Và nếu không đạt trong bài kiểm
tra quân phục, học viên sẽ phải chạy nguyên quần áo vào vùng sóng và rồi khi đã
ướt như chuột lột từ đầu tới chân, anh ta sẽ phải lăn vòng trên bãi biển, cho
tới khi thân thể đầy cát bám.
Hình phạt đó được gọi là
"bánh quy bọc đường". Bạn sẽ phải mặc bộ quân phục đó suốt cả ngày,
trong điều kiện lạnh run, ướt nhèm và đầy cát bám.
Có rất nhiều học viên không chấp
nhận được thực tế rằng nỗ lực của họ rốt cục lại trở thành vô ích. Rằng không
cần biết đã chuẩn bị quân phục kỹ tới cỡ nào, họ vẫn chẳng thể thành công. Các
học viên đó đã không thể vượt qua đợt huấn luyện.
Các học viên đó không hiểu được
mục đích của bài tập. Bạn không bao giờ có thể đạt được sự thành công trong bài
đó. Bạn sẽ không bao giờ có được bộ quân phục hoàn hảo cả.
Đôi khi, không cần biết đã chuẩn
bị kỹ thế nào, bạn vẫn có thể trở thành một chiếc bánh quy bọc đường. Bởi vì
cuộc sống là như thế.
Nếu bạn
muốn thay đổi thế giới, hãy chấp nhận việc trở thành bánh quy bọc đường và tiếp
tục tiến lên.
Mỗi ngày, trong quá trình huấn
luyện, bạn sẽ bị yêu cầu thực hiện nhiều hoạt động tiêu tốn thể lực khác nhau -
chạy cự ly dài, bơi trên cự ly dài, vượt chướng ngại vật, nhiều giờ tập thể lực
không ngừng - nhằm kiểm tra tinh thần của bạn.
Mọi bài tập đều có các tiêu chuẩn
- khung thời gian mà bạn phải đáp ứng. Nếu không đạt chuẩn, tên bạn sẽ được đưa
vào một danh sách và vào cuối ngày, những người trong danh sách đó sẽ được mời
tới một "rạp xiếc".
Một rạp xiếc chỉ hoạt động thể
lực kéo dài thêm 2 giờ nữa. Việc này nhằm khiến bạn mệt mỏi rã rời, đánh quỵ
tinh thần của bạn, buộc bạn phải bỏ cuộc.
Không ai muốn vào "rạp
xiếc" cả. Một lần vào "rạp xiếc" sẽ gây thêm mỏi mệt và điều này
đồng nghĩa với việc hôm sau khó khăn sẽ tăng lên gấp bội, dẫn tới việc bạn nhận
thêm nhiều đợt tới "rạp xiếc" khác.
Vào lúc này hay lúc khác trong
quá trình huấn luyện SEAL, mọi người - tất cả các học viên - đều đã góp mặt
trong danh sách vào "rạp xiếc". Nhưng khi đó, sẽ có điều thú vị xảy
ra với những người thường xuyên vào danh sách. Theo thời gian, các học viên đó
- những người phải tập luyện thêm 2 giờ mỗi ngày - trở nên khỏe hơn so với kẻ
khác.
Nỗi đau khổ của việc phải vào các
"rạp xiếc" đã âm thầm tạo ra sức bền về thể lực mà họ không biết.
Cuộc sống luôn đầy các "rạp
xiếc" như thế.
Bạn sẽ thất bại và thất bại sẽ
thường xảy ra. Thất bại sẽ luôn gây đau đớn, gây nản lòng. Đôi khi, thất bại
thách thức cả các giá trị sâu xa nhất nằm trong con người bạn.
Nhưng nếu
muốn thay đổi thế giới, hãy đừng sợ các rạp xiếc.
Ít nhất 2 lần một tuần, các học
viên được yêu cầu tham gia bài tập vượt chướng ngại vật. Bài tập này có 25
chướng ngại vật, bao gồm một bức tường cao 3 mét, một tấm lưới dài 10 mét và
một màn chui rào thép gai.
Nhưng thách thức lớn nhất là
"cú trượt của cuộc đời". Nó gồm một cây cột 3 tầng, cao 10 mét, nằm ở
một đầu và 1 cây cột thấp hơn ở đầu bên kia. Giữa các cột này là một đoạn thừng
dài chừng 65 mét.
Bạn phải leo lên cây cột cao và
khi tới đỉnh thì đu lấy đoạn dây thừng rồi dùng chân tay kéo mình sang đầu bên
kia.
Kỷ lục thời gian vượt qua chướng
ngại này đã đứng vững trong nhiều năm, khi lớp học của tôi bắt đầu huấn luyện
vào năm 1977. Kỷ lục đó dường như là bất bại, cho tới ngày nọ, một học viên
quyết định dùng biện pháp mới.
Thay vì đu mình dưới thừng và
nhích từng chút một về phía bên kia, anh dũng cảm nằm lên đoạn dây thừng, chúc
đầu về phía trước rồi vừa tự cân bằng vừa kéo mình sang đầu bên kia.
Kỹ thuật di chuyển đó rất nguy
hiểm và thậm chí còn trông có vẻ ngu xuẩn vì đầy rủi ro. Nếu ngã khỏi đoạn dây
thừng, học viên ấy có thể bị thương và lập tức bị loại khỏi hoạt động huấn
luyện.
Nhưng rốt cục học viên ấy chỉ mất
nửa thời gian so với những người khác để tới đích và đồng thời phá luôn kỷ lục
được lập ra trước đó.
Nếu bạn
muốn thay đổi thế giới, đôi khi bạn phải cắm đầu lao tới trở ngại.
Trong giai đoạn huấn luyện chiến
đấu trên bộ, các học viên được đưa tới đảo San Clemente, nằm ngoài khơi San
Diego.
Vùng nước ngoài khơi San Clemente
đầy cá mập trắng. Để vượt qua hoạt động huấn luyện SEAL, các học viên phải thực
hiện nhiều bài bơi cự ly dài, với một bài diễn ra trong đêm.
Trước bài đó, các thầy vui vẻ
hướng dẫn cho học viên biết thông tin về mọi loài cá mập đang sống ở vùng nước
ngoài khơi San Clemente.
Họ đảm bảo với bạn rằng không một
sinh viên nào từng bị cá mập ăn thịt, ít nhất là cho tới gần đây. Nhưng bạn
cũng được cho biết rằng nếu cá mập bắt đầu bơi lòng vòng quanh mình, hãy ở yên
một chỗ. Đừng bơi đi, nhưng cũng đừng tỏ ra sợ hãi.
Và nếu con cá mập, dĩ nhiên đang
đói nên mới mò đi kiếm ăn trong đêm, lao về phía bạn thì hãy dồn toàn bộ sức
mạnh để đấm vào miệng nó. Con vật sẽ xoay mình và bỏ đi.
Thế giới có rất nhiều cá mập. Nếu
muốn hoàn thành chặng bơi của mình, bạn sẽ phải đương đầu với chúng.
Vì thế,
nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy đừng sợ cá mập.
Trong vai trò lính SEAL, một
trong những hoạt động chúng tôi phải thực hiện là tiến hành tấn công dưới nước
chống lại tàu địch. Chúng tôi tập rất kỹ hoạt động này trong quá trình huấn
luyện cơ bản.
Nhiệm vụ tấn công như thế sẽ
khiến 2 lính SEAL mặc đồ lặn được thả xuống nước trong đêm, tại khu vực bên
ngoài bến cảng của "quân địch". Họ phải lặn 3km vào bờ, không sử dụng
đồ gì khác ngoài một máy đo sâu và một chiếc la bàn để định vị.
Suốt quá trình lặn, vẫn có chút
ánh trăng xuyên qua làn nước ở trên đầu, khiến bạn cảm thấy khá thoải mái.
Nhưng khi bạn tới gần con tàu đã neo đậu, ánh sáng bắt đầu tắt dần. Cấu trúc to
lớn của con tàu sẽ chặn lại ánh trăng, chặn ánh đèn đường và gần như mọi ánh
sáng khác.
Để thành công trong nhiệm vụ này,
bạn phải lặn dưới tàu và tìm sống tàu, thứ nằm ở giữa con tàu, tại khu vực sâu
nhất.
Đó là mục tiêu của bạn, nhưng
sống tàu cũng là khu vực tối nhất của con tàu - nơi bạn xòe tay ra trước mặt
cũng không thể nhìn thấy gì, nơi tiếng ồn từ hệ thống máy móc của tàu phát ra
gây đinh tai nhức óc, khiến bạn rất dễ mất phương hướng và gặp thất bại.
Mọi người lính SEAL đều biết rằng
dưới khu vực sống tàu, tại khoảnh khắc đen tối nhất của nhiệm vụ - lúc mà bạn
cần phải bình tĩnh - là khi mọi kỹ năng, chiến thuật, sức mạnh thể lực và tinh
thần của bạn cần phải được lôi ra.
Nếu bạn
muốn thay đổi thế giới, hãy thể hiện năng lực tốt nhất của mình trong khoảnh
khắc đen tối nhất.
Tuần thứ 9 của hoạt động huấn
luyện được gọi là "Tuần địa ngục". Đó là 6 ngày không ngủ, thường
xuyên bị quấy rối về thể lực và tinh thần. Trong đó có một ngày đặc biệt được
gọi là Mud Flats - chỉ khu vực đầm lầy nằm giữa San Diego và Tijuana.
Ngày Mud Flats nằm trong thứ 4
của Tuần địa ngục và bạn phải ngâm mình trong bùn suốt 15 giờ đồng hồ, cố gắng
sống sót qua điều kiện bùn lầy lạnh giá, gió lạnh thổi ràn rạt cùng áp lực bắt
bạn phải bỏ cuộc từ các thầy huấn luyện.
Khi mặt trời bắt đầu lặn vào
chiều ngày thứ Tư đó, lớp huấn luyện của tôi được lệnh ngâm mình xuống bùn. Bùn
sẽ ngập dần tới cổ từng người. Các thầy huấn luyện nói rằng chúng tôi chỉ có
thể rời khỏi tình cảnh khốn khổ nếu có 5 người bỏ cuộc - chỉ 5 người thôi và
chúng tôi sẽ thoát ra khỏi cái lạnh khủng khiếp.
Nhìn quanh, tôi thấy một số học
viên đã muốn bỏ cuộc. Vẫn còn tới 8 giờ nữa Mặt trời mới mọc - tức 8 giờ lạnh
thấu xương.
Những hàm răng va vào nhau lập
cập và tiếng xuýt xoa của các học viên bị lạnh bắt đầu vang lên, to tới mức
người ta chẳng nghe thấy gì khác nữa. Đó là khi có một giọng hát vang lên.
Người cất tiếng hát hoàn toàn
lệch tông, nhưng anh hát một cách đam mê. Sau đó thì giọng hát thứ hai, thứ ba
vang lên. Và rồi mọi người trong lớp đều hát. Chúng tôi biết rằng nếu một người
đã vươn lên khỏi cảnh khốn cùng thì những người khác cũng có thể làm được.
Các thầy huấn luyện dọa chúng tôi
rằng tất cả sẽ phải ngâm mình trong bùn lâu hơn nếu tiếp tục hát, nhưng tiếng
hát vẫn vang vọng. Và rồi bùn lầy dần trở nên ấm hơn. Gió cũng dịu đi và binh
minh dần xuất hiện.
Nếu tôi học được điều gì đó sau
khi đi khắp thế giới thì đó là sức mạnh của sự hy vọng. Sức mạnh của một cá
nhân - từ những người nổi tiếng như George Washington, Abraham Lincoln, Luther
King, Nelson Mandela và thậm chí một cô gái trẻ từ Pakistan có tên Malala - có
thể thay đổi thế giới chính là việc họ mang tới hy vọng cho người khác.
Vì thế,
nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy cất lời ca khi bùn đã ngập tới cổ mình.
Cuối cùng, trong hoạt động huấn
luyện của SEAL có một cái chuông. Cái chuông đó làm từ đồng, treo giữa khu huấn
luyện để mọi học viên có thể nhìn thấy.
Tất cả những gì bạn phải làm để
bỏ cuộc chỉ là rung chuông. Rung chuông và bạn không còn phải dậy từ 5 giờ sáng
nữa. Rung chuông và bạn không còn phải thực hiện các bài bơi dài trong giá lạnh
nữa.
Rung chuông và bạn không còn phải
chạy dài, phải vượt chướng ngại vật, phải tập thể dục. Bạn không còn phải chịu
đựng sự khổ sở của hoạt động tập luyện nữa.
Chỉ cần rung chuông.
Nhưng bếu
bạn muốn thay đổi thế giới, đừng bao giờ rung chuông.
Với khóa học sắp ra trường của
năm 2014, chỉ còn chút nữa thôi là các em sẽ chính thức tốt nghiệp. Chỉ chút
nữa thôi là các em bắt đầu hành trình cuộc đời. Chỉ một chút nữa thôi là các em
sẽ bắt đầu thay đổi thế giới - theo hướng tốt đẹp hơn.
Chuyện sẽ không dễ dàng.
Nhưng, các em là một khóa học có
thể ảnh hưởng tới cuộc sống của 800 triệu người trong thế kỷ tiếp theo. Vì thế
hãy bắt đầu mỗi ngày bằng cách hoàn thành một việc.
Hãy tìm ai đó giúp các em đi qua
cuộc đời.
Hãy tôn trọng mọi người.
Hiểu rằng cuộc sống không công
bằng và các em sẽ thường thất bại, nhưng nếu các em đón nhận chút rủi ro, bước
tiếp trong khoảnh khắc khó khăn, đối mặt với những kẻ bắt nạt, nâng đỡ những
người bị chà đạp và không bao giờ bỏ cuộc - nếu các em làm được những điều trên,
thế hệ tiếp theo và nhiều thế hệ sau đó, sẽ được sống trong một thế giới tốt
hơn nhiều những gì chúng ta có ngày hôm nay - những gì bắt đầu tại đây sẽ thực
sự thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.
Cảm ơn các em rất nhiều".
Hương Giang (Theo Business Insider)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét