Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Nguyễn Thùy Dương : Sống nghèo, chết khổ (4)


Ông Bảy qua đời đến cái hòm cũng phải mua thiếu, trại hòm cho mượn cặp chim phụng chạm khắc đóng đầu hàng. Họ nói nếu hỏng có tiền thì ra tới huyệt mộ họ cạy cặp chim đem về cũng được. Nhưng cô Tiếu hông chịu bị vì ngày cô lấy chồng ba cô làm đám cưới hết 2 con bò, đãi ăn hai ngày hai đêm, quần áo, vàng bạc, vải vóc không thiếu. Nay cha chết mà để người ta cạy đầu hàng, cô chịu không đặng.
Ông Bảy được bầu làm ông hương đình. Cô Tiếu lớn lên gặp lúc chiến trận dữ dội không được học nhiều do chạy nạn. Chạy từ Xóm Mới chạy riết vô Bình Trưng. Nhờ có bà cô của ông Bảy hiếm muộn không con cái nên cho ông phần đất thừa tự ở xã Bình Trưng. Cô Tiếu không được học nhiều cô biết mặt chữ, biết nói tiếng Pháp.
Cô thích đi chăn bò, chăn trâu kiếm lúa, mấy bữa thả trâu về Xóm Mới . Cô mon men cùng đám bạn leo lên tường nhìn vô thành Cát Lái, nhìn qua nhìn lại, nhìn đúng phòng lính Tây ngủ. Họ ngủ hông bận đồ, cả đám hét lên té đụi xuống đám cỏ dưới đất. Thời Pháp thành Cát Lái chưa có bến Cảng cho tàu ra vô, con chim sắt bay từ cái đường láng, bay xuống mặt nước sông rồi bay vút lên trời. Đám trẻ chăn trâu, bò khoái lắm. Cô Tiếu được coi là dữ tinh nhất trong đám trẻ. Bữa trước, cô đang cho bò ăn cỏ máy bay đáp xuống, bầy bò chạy tán loạn. Cánh quạt quạt cô sấp mặt xuống cỏ. Cô trườn lên phía mặt trước máy bay cho đỡ gió theo kinh nghiệm gặp con chim sắt mấy lần. Cô bật dạy chạy ù vô thành, không thèm nói chuyện với quan Việt. Cô liếng thoắt với quan Tây, đại khái là ông phải cho con chim sắt hạ chỗ khác, tránh bầy bò của tui ra, cô vừa nói vừa nhảy nhót. Một con nhóc 12 tuổi đòi quan bắt lính đi kiếm bò về cho mình. Nếu không đền đủ tiền cả bầy bò cho mình. Cả phủ quan cười ầm lên rồi bắt lính đi lùa bò phụ.
Mười 14 tuổi, cô đi đưa thư liên lạc, gửi thuốc men cho Việt Minh từ Rạch Chiếc cho tới Tam Đa ( Long Trường bây giờ). 19 tuổi lấy chồng, sinh được hai con thì chồng chết. Sau đi bước nữa, sinh được hai đứa con nữa thì cũng gãy đổ. Cô một mình phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con, giúp đỡ cách mạng. Chỉ với ý nghĩ đơn giản : người Việt làm chủ nước Việt, khi đó cuộc sống của ai cũng sung sướng hơn gấp ngàn lần. Tây dù sao cũng tóc vàng, mắt xanh. Hông phải người mình, hông được.
******
Sau khi chôn cất ông Bảy ở mảnh đất sau nhà, chủ trại hòm cho lính vô đòi tiền liên tục. Cô Sáu phải vô trại hẹn nợ để thủng thẳng cô trả chứ cô quyết không quỵt đâu mà lo. Nghĩ thói đời cũng bạc, chủ trại hòm đó ngày xưa nghèo khó từng ở nhờ nhà cô, cả cha lẫn con. Ông Bảy đối người không tệ, cho ăn uống, giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Vậy mà tới khi ông nằm xuống họ quên mất cái nghĩa hàn vi.
Nghĩ chủ trại hòm đã bạc vậy mà thói đời nhiều thứ còn chua chát hơn. Ông Bảy mồ chưa nảy đậu, Hợp Tác Xã gạch tên ông, thu lại 900 thước đất ruộng. Có nghĩa là ông không để lại được phần ruộng của chính ông được chia trên chân đất cũ của mình cho con cháu mình. Đời còn gì nghẹn ngào hơn cha chết, nợ chồng chất, mẹ già hai đứa con sau còn nhỏ, phần ruộng của cha mình bị thu lại. Cô Tiếu trở nên khắc nghiệt hơn hẳn.
Sau này, Hợp Tác Xã không còn chở lúa đi nữa. Họ chở một phần thôi, phần còn lại thuộc về dân. Nhưng trừ tiền phân bón, thuốc thang cũng không còn gì nữa. Cô Sáu nuôi mấy con heo, lấy vỏ trấu xay ra làm cám cho heo ăn, mót vỏ mít, cắt rau dền gai về băm ra nấu cháo cho heo ăn. Bà Bảy lớn tuổi không làm được gì. Bà ở nhà cho heo ăn phụ con gái mấy lúc nó đi làm đồng, đi xúc tép, cắm câu, đặt truôn... Mấy hữa, bà Bảy bằm rau dền gai, gai đâm hai bàn tay bà nhốm đỏ hết. Bà vẫn vô thức xếp rồi băm.
*****
Năm 1990, HTX giải thể vì hoạt động không hiệu quả. Bà Tiếu nhớ lời cha dặn đi đòi ruộng lại. Bốn mẫu tám, anh chia tui một mẫu, bảy trăm bốn mươi bảy mét. Cha tui chết anh trừ 900 thước vị chi còn một mẫu sáu tám trăm mét. Bốn mẫu tám là 48.000m2 – 16.800m2= 31.200m2. Nhưng cán bộ trừ sao không hiểu : 48.000m2 – 16.800m2 = 20.396m2. Và thông báo phần đất này đã giao cho dân không trả lại bà Tiếu.
Trước đó, cuối năm 1989, bà Tiếu gả con gái Út cho một chàng trai dân gốc An Phú huyện Thủ Đức. Con trai của một chủ lưới chim. Ngày 28/8/1990, cô Út sinh được đứa con gái đầu lòng ở trạm xá Ấp Tây, xã Bình Trưng, huyện Thủ Đức. Cô mong con lớn lên hiền lành nhu mì như cây liễu trong ngôi chùa bên xóm nên đặt con tên Thuỳ Dương. Đứa nhỏ dặt dẹo khó nuôi, khóc miết, trái tính. Cô Út ẵm con đi coi thầy thì được phán: không cọp cũng hùm chứ thuỳ mị gì mà mong. Về kiếm ai tuổi cọp cho nhận làm con nuôi người ta. Về lấy cái thúng, bỏ vô, đem ra đầu đường, nhờ người tuổi cọp đó lượm về nhận đỡ đầu.
Cô Út nghe lời về nhờ chị Ba mình tuổi Dần đi lượm con nhỏ vô dùm. Đặt tên ở nhà là Xí Được ý là con lượm được chứ không phải con ruột.
******
Kì cuối : lấy của người nghèo chia cho người nhà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét