Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Paul Nguyễn Hoàng Đức: TỔNG QUAN VỀ GIÁ TRỊ CỦA NỀN THƠ VIỆT NAM


Paul Nguyễn Hoàng Đức 

Lâu nay tôi đã viết khá nhiều, có thể nói nhiều bậc nhất về nền thơ nước nhà. Dẫu vậy, tôi vẫn phê bình theo cách còn lưu luyến một chút ấm ớ, theo kiểu “lời nói không nên nói hết”, nói ra cạn tàu ráo máng… Nhưng hôm nay tôi nghĩ, phải viết thẳng thắn hơn, để không còn chiếc bóng nào lấp lửng biến thành nơi ẩn nấp cho những cây bút hãm tài ôm mộng thi bá thi hào, rồi loong toong chạy qua chạy lại, thì thụt các thứ giải thưởng “tự gắp” hay gắp cho nhau làm nhiễu sự làng văn vốn đã quá èo uột, lê la, lấm láp và nhếch nhác.

Trước hết, tôi xin tóm lược chính về trình độ của nền thơ Việt:
1- Chữ Việt mới có cách đây vài thế kỷ, đặc biệt với mốc xóa nạn mù chữ đầu thế kỷ 20, nhờ đó xuất hiện nền Thơ Mới 1932 – 1945, của các trí thức có chữ Pháp. Sau đó thơ bình dân học vụ nhờ xóa nạn mù chữ của hầu hết các tiểu nông ào ào nổi lên. Cho đến nay, thơ Việt chủ yếu ở dạng cảm xúc lèo tèo. Đa số các nhà văn, nhà thơ  còn chưa hiểu cú pháp hay mệnh đề là gì. Xin trích lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: 80% hội viên Hội Nhà Văn là vô học dốt nát, chủ yếu là bọn giặc già thơ phú lăng nhăng.

2- Chữ Việt được lắp ghép chế tác từ tiếng Latin, mục đích chủ yếu để các cha cố truyền đạo cho một dân tộc 99% mù chữ, được nhiều chuyên gia đánh giá: người khôn học 20 ngày thì biết tiếng Việt, ngu lòi tĩ học trong 3 tháng, ngày xưa có lớp vỡ lòng, các con nít chưa hết học kỳ đã nhoay nhoáy cầm tờ Nhân Dân đọc liến láu rồi. Vì thơ - văn của ta dựa trên cái nền chữ nghĩa ấy, khác gì tác phẩm kết bằng bèo hay tranh – tre – nứa – lá, làm sao thành lâu đài lớn?!

Chúng ta tạm xác định hai điều căn bản ở quê nhà. Giờ mở ra phổ quát toàn thế giới. Thế giới họ cũng khinh thơ lắm. Nói đâu xa như người Trung Quốc, họ phân biệt đẳng cấp của người quân tử: Nho – Y – Lý – Số, rồi mới đến Cầm – Kỳ - Thi – Họa. Thi tức là Thơ chỉ xếp trên Họa, bị coi như tay nghề mỹ nghệ.

Người Hy Lạp còn khinh thơ hơn, họ coi nhà thơ, chủ yếu là thứ hát rong, trí tuệ yếu kém, sống lê la buông thả không được vào trong thành mà làm hỏng các công dân của họ. Triết gia Platon đã nói câu nổi tiếng: “Hãy mời các nhà thơ ra khỏi nước ta, để Hy Lạp xứng đáng là đất sống của những người thông thái!”

Người châu Âu quan niệm nhà thơ thế nào? Họ dứt khoát rằng: một cường quốc thì phải có chính luận, ngôn từ khoa học, mà không thể chỉ có ngôn ngữ ẻo lả của thơ. Trong các nghị đàm quốc gia, các nhà thơ dứt khoát không  được bén mảng. 

Tại Việt Nam thì sao? Chao ôi, tất cả các nhà thơ (trừ Tố Hữu) lân la đòi vào BCH Trung ương, thì chưa chạm ngón cái đến bậc thềm đã bị đuổi cổ ra ngoài. Còn nhân dân thì sao? Họ đâu có cảm xúc quan trọng gì hơn về các nhà thơ khi gọi thơ là “thơ thẩn” – có nghĩa là đám lẩn thẩn. 

Thơ ở Việt Nam có vị trí gì? Các chuyên gia nước ngoài, đến nước ta, xác định rõ người Việt còn trên 80% tiểu nông rất thích ham vui và thèm ham vui. Xem các phim Tàu, chúng ta thấy sau lưng vua chúa có một bảng ghi chi chít chữ. Để làm gì? Để khoe mình biết đọc biết viết. Tại sao trong các triều đình phương Tây không có điều ấy? Vì không bao giờ người ta tự hào về thứ chữ mà bọn trẻ con đã phải đọc thông viết thạo, rồi còn học nhạc, học nhảy, văn – thể - mỹ ngay từ khi còn thò lò mũi…

Vậy thì khi làm thơ, ào ạt những tiểu nông làm thơ là để khoe mình có chữ và được ham vui. Người Việt làm thơ Lục – Bát chủ yếu để hát hò nào Chèo, rồi Cải lương, rồi đàn ca tài tử… nhưng cái đích ham vui của mọi thứ hát xoan, xẩm luôn luôn là nhắm về tích truyện, như người Việt bảo “có tích mới dịch nên trò”. 
Nhưng muốn có tích truyện ư? Người Việt vì sống nặng cảm xúc nên không thể có khung giàn lý trí để tạo cốt cho tích truyện. Vì thế mà vài trăm năm, người Việt chỉ quanh quẩn với “Quan Âm Thị Kính”, rồi trích đoạn “Súy Vân giả dại”, còn lại muốn có truyện thì phải đi chép bên Tàu về, nào Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, rồi Lưu Bình – Dương Lễ, Tống Trân – Cúc Hoa hay Chinh Phụ Ngâm… (Có nhiều người bình phẩm, biện hộ Truyện  Kiều của Nguyễn Du về thơ hay hơn bản chính của Thanh Tâm Tài Nhân. Ở đây chúng ta buộc phải chắc chắn với nhau, về mặt bản thể và cấu trúc, nếu người Việt không bệ khung giàn của Thanh Tâm Tài Nhân, thì không cách gì có được cốt truyện tương tự).

Các nhà thơ hiện đại, đặc biệt thuộc mậu dịch quốc doanh cũng muốn trảy hội đến sân khấu có cốt truyện lắm, nên họ đua nhau làm trường ca, nhưng oái oăm thay, với chữ nghĩa bọt bèo mới học xóa mù, cú pháp lỏng lẻo, lại giàu cảm xúc tiểu nông, thiếu bóng dáng của lý trí kiến tạo thì làm sao kết cấu được thành cấu trúc?! Không có cấu trúc thì không bao giờ có tòa lâu đài cũng như thi phẩm lớn?! Tại sao HNV lại phải nói “trong ao không có cá to, chúng ta đành bắt tép”?!

Không có tác phẩm lớn thì liệu chúng ta có tác giả lớn không? Một nhà thơ danh tiếng thế giới đã nói “Chữ bầu lên tác giả”, mấy vần vèo lèo tèo cảm xúc của nhiều nhà thơ xứ ta liệu có kiến thiết thành tác phẩm lớn và tác giả vĩ đại không? 

Tôi viết bài này dựa trên nguyên lý và hiện thực chắc chắn nhất của nhân loại. Tôi tôn trọng tác giả nào muốn đối thoại hay phản biện. Trái lại ai vào trang tôi mà không tự giới thiệu nổi đã làm được bài thơ hay tiểu luận thơ nào, tôi sẽ mời ra ngay. Còn mấy nhà thơ dạng cả đời ăn vạ ưu tiên vào không để trao đổi mà chọc ngoáy, hiềm tị hay đố kỵ tôi sẽ không cho cơ hội để thi thố?!

Xin cám ơn !

Paul Đức 12/7/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét