Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Về một Tuyên ngôn độc lập bị lãng quên


Đây là một trong những câu hỏi thường gặp trong môn Lịch sử ở nhà trường THPT ở Việt Nam:
Nước Đông Nam Á nào là nước giành lại độc lập đầu tiên trong năm 1945?
---------------------
Câu trả lời mặc định bởi các giáo viên THPT hiện nay là Indonesia, hàm ý nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập 17/8/1945 của Sukarno.
--------------------
Thực tế lịch sử thì sau khi đảo chính Pháp ở Đông Dương, Đại sứ Nhật tại Đông Dương Mark Masayuki Yokohama đã tới gặp Hoàng đế Bảo Đại để thay mặt Nhật Hoàng dâng trả lại nền độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Ngày hôm sau, ngày 12/3/1945, Hoàng đế Bảo Đại trao cho đại diện của Nhật một Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn, nội dung tương tự như Tuyên ngôn Độc lập của Indonesia 5 tháng sau đó. Tuyên ngôn Độc lập này do Thượng thư Phạm Quỳnh soạn thảo và được thông qua trước Hoàng đế cùng các vị thượng thư đầu triều.
---------------------
Nội dung như sau:
“Chiếu tình hình thế giới nói chung và tình hình Á Châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay hiệp ước bảo hộ ký với Pháp được bãi bỏ và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.
Nước Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường để xứng đáng là một quốc gia độc lập và sẽ theo đường hướng của bản tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á, hầu giúp đỡ nhau tài nguyên cho nền thịnh vượng chung.
Vì vậy, chính phủ nước Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật, và đã có quyết định cộng tác với nước nầy, hầu đạt mục đích nói trên.
Khâm thử,
Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại"
-----------------------
So với bản Tuyên ngôn Độc lập của Indonesia 5 tháng sau, bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam có mấy điểm đáng chú ý sau:
(1) Triều đình Huế không đề cập tới khái niệm "chuyển giao quyền lực" (hàm ý rằng quyền lực thực sự ở Indonesia vẫn trong tay người Nhật) mà tuyên bố thẳng đã là một quốc gia độc lập, xác lập tư thế ngang hàng với Nhật;
(2) Lời lẽ của Tuyên ngôn này cũng đủ khéo léo để không biến Việt Nam trở thành một đồng minh quân sự của Nhật như Thái Lan trong cái bối cảnh nguy hiểm lúc ấy. Tất cả là vì một "nền thịnh vượng chung" dựa trên sự "giúp đỡ nhau". Có "cộng tác" với Nhật cũng là "hầu đạt mục đích nói trên", tức là không có bao hàm các mục đích khác;
và (3) Bản Tuyên ngôn Độc lập của Triều đình Huế đã được soạn thảo một cách độc lập bởi người Việt, thay vì dưới sự giám sát và can thiệp của người Nhật như ở Indonesia.
-----------------------
Người ta có thể tranh cãi về mức độ "độc lập" thật sự mà Việt Nam đã có sau Tuyên ngôn Độc lập này. Điều đó là lẽ tất nhiên.
Nhưng nếu nói rằng bản Tuyên ngôn Độc lập này không đáng để kể tên trong lịch sử giành độc lập ở Đông Nam Á, e là không thỏa đáng.
(Nguồn: TS Lê Nam Trung Hiếu — fb Bohr Niels)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét