Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Kts Dương Quốc Chính : CHÉM GIÓ VỀ PHONG THỦY NƯỚC NHÀ

Sau mười mấy năm làm nghề thợ vẽ mình đã chứng kiến bao nhiêu hỉ nộ ái ố về vấn đề phong thủy. Các thầy cãi nhau chan chát, thầy vào sau chửi thầy làm trước và hậu quả thì chủ nhà và KTS gánh chịu, trong con mắt của chủ đầu tư thì thầy phong thủy mặc định là bố của KTS. Mình nói trước là chả biết gì về phong thủy, nhất là phong thủy "dân gian" đâu nhé, vì nền phong thủy dân gian nó phong phú, đa dạng hơn phong thủy xịn nhiều. Kiến thức phong thủy của mình có được là do hóng hớt, học mót, đủ để cãi nhau với các thầy cũng học mót và hóng hớt (rất may là đa số thầy phong thủy là dạng này!). Có thầy phong thủy xịn nào lảng vảng ở đây thì dạy bảo nhẹ tay, nhẹ mồm nhé, mình kể chuyện thôi, không phải đào tạo phong thủy đâu.

Sở dĩ "nền phong thủy" nước nhà nó loạn cào cào bởi vì bản thân phong thủy dựa trên nền tảng Kinh Dịch của Tàu. Mà cái kinh này có nhiều kiểu dịch lắm, thậm chí dịch 1 cách kinh tởm! Phong thủy có 2 trường phái lớn là Bát Trạch Minh Cảnh (BT) và Huyền Không Phi Tinh (HK). Ở VN thì trường phái BT có vẻ phổ biến hơn, nhưng nguyên lý của 2 trường phái trên cơ bản là chửi nhau, thế mới đau cho KTS vì chủ nhà mà đổi thầy thì coi như bản vẽ của KTS bị giật nước. Phong thủy ở VN không được đào tạo chính thức, vì theo quan điểm chính thống thì phong thủy là mê tín rồi. Vì thế nên thầy phong thủy VN chả ông nào có bằng cấp gì hết, chả biết trình độ ra sao, mà hiệu quả của phong thủy cũng khó mà kiểm chứng. Các chủ nhà thường chỉ mách nhau là ông này giỏi, ông kia giỏi, bởi vì ông ấy xem cho đại gia này, bộ trưởng kia... Bộ trưởng và đại gia được thăng tiến chắc là do thầy cả!

Trường phái Bát Trạch có dấu hiệu nhận biết như sau: Người ta xác định trọng tâm ngôi nhà rồi vẽ 1 hình tròn với tâm là điểm đó, chia hình tròn đó là 8 cung, dựa trên 8 hướng địa lý và chia làm 2 nhóm gọi là Đông tứ mệnh (Đông, Đông Nam, Bắc, Nam) và Tây tứ mệnh (Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc), 8 hướng này được đặt tên theo 8 quẻ Bát quái của Kinh Dịch (Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn). Mỗi người chỉ có thể rơi vào Đông hay Tây tứ mệnh, nếu là Tây thì có 4 hướng là tốt, còn lại là xấu, tương tự vậy với Đông tứ mệnh. Đại để là người thuộc Đông tứ mệnh thì phải ở nhà hợp hướng Đông tứ trạch, Tây tứ mệnh thì ở nhà hợp hướng Tây tứ trạch. Có 3 hướng mà chủ nhà cần phải được hướng tốt theo mệnh của mình là hướng cửa chính, hướng bếp, hướng bàn thờ, ngoài ra thì phòng ngủ chính, phòng khách, phòng thờ, bể nước phải được nằm trong cung tốt, WC, cầu thang, bể phốt và các phòng phụ khác có thể ở cung xấu. Đấy là những yêu cầu cơ bản, ngoài ra còn cả tỷ thứ yêu cầu chi tiết khác, chẳng hạn như cửa chính không được hướng vào cửa WC, cầu thang không quay ra cửa chính, 3 cửa thẳng hàng và thông ra sau... Quá nhiều nguy cơ để dẫn đến tranh cãi giữa chủ nhà và KTS hay thầy phong thủy. Các thầy thì đa số phán xét không dựa trên lý luận, vì Phong Thủy xịn đi nữa cũng không hoàn toàn dựa trên nền tảng khoa học của phương Tây mà dựa vào triết học TQ. Phương Đông dựa chủ yếu vào cảm tính, phương Tây dựa trên lý tính. Nếu mà cứ dùng khoa học mà văn vẹo thì các thầy mất điện hết. Bài của thầy để đối phó khi mất điện rất đơn giản, chỉ việc nói "Tôi chỉ nói thế thôi, tin thì tin, không tin thì thôi, sau này có bị làm sao thì đừng trách tôi không bảo trước". Thế là chủ nhà và KTS mất điện theo, nghe răm rắp hoặc thay thầy!

Trong Bát trạch thì việc xác định trọng tâm ngôi nhà không đơn giản tý nào, nhất là với các ngôi nhà có mặt bằng không vuông vức. Đa số các thầy mà không có nền tảng về khoa học thì đều xác định sai trọng tâm này, vì chỉ tính được áng áng. Mà xác định tâm này sai thì dễ đến vị trí các cung cũng bị sai theo. Nguyên lý xác định trọng tâm thì chúng ta đã học trong vật lý và toán cấp 2 gì đó, hình chữ nhật và tam giác thì còn dễ xác định trong tâm, chứ hình đa giác thì ốm, chả mấy thầy xác định được. Mình ngày xưa cũng không dốt Toán lắm nhưng bây giờ cũng chả ngu gì xác định kiểu đó, chỉ việc dùng phần mềm AutoCAD xác định hộ, mất độ 5s (không phải ông nào biết dùng AutoCAD cũng biết lệnh này nhé). Còn cách thực hành, quay tay, thì đơn giản hơn, nhưng lâu hơn và không chính xác lắm, đó là dán cái mặt bằng lên tờ bìa cứng, cắt tờ bìa đó theo đúng mép ngôi nhà, rồi đặt nó nằm ngang lên cái đầu đũa (hay đầu bút bi, nếu khéo tay) dựng ngược, dò xem đầu đũa chỉ vào điểm nào mà tấm bìa cân bằng thì đó là trọng tâm.

 Việc xác định hướng cửa chính cũng hay bị nhầm. Hướng nhà là hướng của đường thẳng nối tâm nhà và tâm cửa chính, không phải là hướng trục đối xứng của cửa trên mặt bằng (hướng này thì dễ nhận biết hơn). Hướng cửa là 1 trong 3 yếu tố chính mà xác định nhầm thì cũng coi như vứt đi. Vì có 8 cung, mỗi cung 45 độ, nên khi xem hướng không cần chính xác tuyệt đối, chẳng hạn không cần chính Đông mới là hướng Đông mà lệch đi khoảng 45/2 ~ 22 độ thì vẫn coi như rơi vào hướng Đông rồi, không nên để rơi vào vị trí lệch 22 độ rưỡi vì sẽ bị tranh chấp giữa 2 cung. Nhiều thầy máy móc cứ đòi chính xác tuyệt đối (cho nó tốt!) mà làm khổ KTS và chủ nhà. Mình đã bị chủ nhà bắt vẽ cái tủ bếp có hướng bếp lệch khoảng 30 độ so với hướng tủ bếp, chưa dám vẽ vì không hiểu nó ra cái hình gì!

Một số vấn đề tồn tại của Bát trạch. Vì hướng nhà là bất biến trong cả đời chủ nhà thì chẳng may 1 ngày nào đó chủ nhà chết đi, tức là thay chủ nhà khác, hoặc không biết ai là chủ nhà (chủ nhà tức là người được coi là có quyền quyết định, thường được tính là ông chồng/bố, cho dù đầy các bà vợ mới là người chủ đích thực), thì biết xác định hướng nhà kiểu gì? Nếu ông bố hướng Tây tứ mệnh, con Đông tứ mệnh mà ông bố chết thì con không được ở nhà đó nữa hoặc phải chuyển cửa, hướng bàn thờ, hướng bếp à? Hướng tốt là bất biến, hướng nhà lúc nào cũng tốt thì suy ra cuộc đời lúc nào cũng tốt, điều đó sẽ mâu thuẫn với tử vi và thực tế cuộc sống, ai cũng có lúc lên voi xuống chó. Mấy tỷ người mà có mỗi 2 loại hướng thì kể cũng vô lý. Các vấn đề tồn tại này được fix bởi 1 trường phái phong thủy khác là Huyền không phi tinh (HK).

Trường phái này có dấu hiệu nhận biết như sau: Người ta thay vì vẽ hình tròn thì lại vẽ hình vuông, chia làm 9 ô vuông nhỏ. Trường phái này quan niệm là hướng tốt xấu thay đổi theo chu kỳ 20 năm gì đó, chọn hướng thì phải dựa trên các sao và ngày tháng năm sinh của mỗi thành viên trong gia đình. Ông thầy xem phong thủy thì phải/có thể xem cho tất cả các thành viên thay vì chỉ cần xem cho mỗi ông chủ nhà như trường phái BT. Trường phái này tỏ ra là khoa học hơn BT nhưng mà mình mới gặp có 1 ông thầy theo trường phái này, mà lại là người Hongkong, mới nói chuyện với ông ấy độ hơn chục lần, mà trường phái này không phổ biến ở VN nên mình chỉ biết sơ sơ về nguyên lý. Tuy nhiên, việc xem sao này rất khó nên thầy có xem sai thì chủ nhà ráng chịu! Trường phái này về nguyên lý xem hướng là trái ngược với BT nên 2 thầy của 2 trường phái này mà gặp nhau thì có mà cãi nhau như mổ bò. Hai trường phái này vẫn có 1 số điều kiêng kỵ giống nhau chẳng hạn như tránh thang quay ra cửa, cửa chính đối diện với cửa sau...

Trong PT cũng có 1 nhánh khác của VN gọi là phong thủy Lạc Việt, hình như do mấy ông thầy VN chế ra. Các thầy này còn bảo là phong thủy, thậm chí cả Kinh Dịch là do người Việt nghĩ ra, Tàu nó ăn cắp! Chả biết thế nào mà lần, vì cả VN lẫn TQ đều có tật ăn cắp vặt. PT Lạc Việt chỉ hơi khác với BT ở chỗ là đổi 2 cung Tốn - Khôn, như vậy là hướng tốt xấu cũng bị đổi mất rồi. Trường phái này hợp với chủ nhà nào tẩy chay hàng Tàu! Đại diện tiêu biểu cho trường phái này là ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, nick name là Thiên Sứ, ông này đã từng "hô phong hoán vũ" hồi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, có thể mọi người đều biết! Đại lễ mà được trời quang mây tạnh là do công ông ấy cả, đỡ tốn tiền dùng tên lửa bắn đuổi mây như bọn Tây lông! Trường phái này cũng không phổ biến nên mình mới hóng được sơ sơ thế thôi, chưa gặp 1 ông thầy nào khi hành nghề thợ vẽ.

Mấy vấn đề, mình cho là râu ria, mà dân cần lao đều gọi chung là phong thủy, là cách tính sinh, lão, bệnh, tử, kiêng số 4, rồi kích thước Lỗ Ban, màu sắc theo mệnh gia chủ, được ứng dụng tràn lan. Mình cho đó là phong thủy dân gian, sách xịn làm quái gì có, nhưng mà dân ta lại rất hay ứng dụng, cả cho việc chọn màu quần áo, xe máy ô tô. Ông bà nào mệnh Thủy mà mặc quần áo màu đỏ là cuộc đời chả ra thể thống gì, tội này chị em hay mắc, vì cứ thích màu đỏ với màu hồng! Mấy chú CS cơ động toàn mặc đồ đen, hợp mệnh Thủy, nên chú nào mệnh Hỏa mà lại làm CSCĐ là coi như chỉ hỏng 1 đời giai! Tương tự vậy với việc chọn màu theo mệnh khi thiết kế nội thất, chẳng may mỗi thành viên trong gia đình có mệnh khác nhau thì nội thất coi như xanh đỏ tím vàng tán loạn cả, thì mới hợp. Nhiều chủ nhà bây giờ kiêng số 4, bậc thang nhất quyết phải có số bậc là chia cho 4 dư 1 để vào số sinh. Thế nhưng mình hỏi lại là sao cửa nhà thì chỉ có 4 cánh mà không phải là 5 (nhà lô), thì chủ nhà im tịt! Nhiều nhà kiêng xây 4 tầng, trong khi nhu cầu lại chỉ có thế, nên phải cố mà làm 5 tầng, 1 tầng trên cùng làm kho (mình đã gặp rồi, nhà có điều kiện). 

Thước Lỗ Ban có đâu đó 4-5 loại, nhưng có 2 loại phổ thông, được in lên thước dây bán đầy ngoài hàng, do Tàu sản xuất, nên coi như phổ biến nhất. Nhưng chẳng may có ông thầy nào dùng thước loại khác thì kích thước tốt nhảy hết. Mình đã bị 1 chủ nhà chửi vì cái tội cung cấp kích thước cửa sai với kích thước Lỗ Ban, dẫn đến họ phải đục phá toàn bộ cửa để thay kích thước. Ứng dụng Lỗ Ban cũng vô cùng đa dạng, đã có chủ nhà yêu cầu mình thiết kế chiều cao mỗi tầng theo đúng cung đẹp trong Lỗ Ban, số lẻ toét, nhưng kệ! Lại có nhà yêu cầu kích thước cửa mỗi phòng phải theo yêu cầu riêng của mỗi chủ nhân căn phòng, dẫn đến cửa các phòng thì cái cao cái thấp, to nhỏ khác nhau. Chẳng hạn chủ nhà thì vào cung tài lộc, con cái thì đăng khoa... cửa WC thì không rõ cần thế nào, nhưng mà cũng phải là cung đỏ! Mình thích cửa trượt nhất, vì chả lo gì khoản Lỗ Ban, nếu chẳng may thiết kế sai thì mình bảo chủ nhà mở hé thôi, đến cung tốt thì dừng lại! 

Bạn mình vừa mới gọi điện hỏi về việc cần lát sàn gỗ đè lên sàn gạch cũ, phải cắt cửa. Nhưng mà cụ thân sinh ra bạn ấy lại cực lực phản đối, bảo là người ta kiêng. Mình trả lời, chả biết đúng không, là cửa thích cắt thì cắt nhưng mà vẫn vào cung tốt của Lỗ Ban là được, nếu không thích cắt thì phải lột gạch lên, láng xi măng lại, rồi lát gỗ, tốn gấp 3. Chả biết đã đả thông tư tưởng được chưa? Kinh nghiệm của mình là cứ đánh vào kinh tế thì chủ nhà mới xoắn, nhưng nhà nào có điều kiện thì chả tiếc gì con lợn bé, đập nhà đi xây lại cũng được, miễn là yên tâm. Có chủ nhà thì bảo mình muốn thiết kế bếp thế nào thì cũng không được có phòng nào đè lên trên, thầy bảo thế. Nếu thế thì nhà lô cứ phải đưa bếp lên tầng trên cùng à? Chủ nhà cương quyết không chịu, may mà nhà ấy to, mình vẫn chế để bếp có 1 tầng thôi. Nhiều cái cũng buồn cười nhưng mà mình tôn trọng tự do tín ngưỡng nên cũng phải chiều hết khả năng có thể, nếu chủ nhà nhất định không nghe lời KTS.

Đời mình đi làm gặp được ít nhất dăm chục thầy nhưng mà theo đánh giá cảm quan thì 95% các thầy là các cụ hưu trí, rỗi việc nên đọc được độ 3 quyển sách phong thủy, tử vi..., hầu hết chưa đủ trình để hiểu Kinh Dịch, nhưng so với cần lao là có uy tín rồi. Thế nên các thầy mới hành nghề khắp nơi, với cách lý giải vô cùng bí hiểm, coi KTS như cỏ rác, chỉ đâu là KTS phải vẽ theo đấy. Mình mới gặp được 2 ông thầy mà mình coi là chuyên nghiệp, 1 ông là người Hongkong, hay xem xét cho mấy cụ quan chức cấp chính phủ mà mình không tiện nêu tên. Ông này xem kiểu Huyền không phi tinh. Một ông khác ở trong SG, xem Bát trạch. Hai ông này có đặc điểm chung là đều có nền tảng cấp đại học về khoa học, ông HK thì có bằng KS điện tử, ông SG thì kỹ sư Hóa đại học Bách Khoa HN. Nên các ông ấy lý giải Phong thủy theo cách rất khoa học và hiện đại, biết tôn trọng và biết cách thỏa hiệp với KTS để hóa giải những cái xấu không thể tránh khỏi của ngôi nhà. Chẳng hạn, mình hỏi ông SG là "Em thấy sách bảo kiêng WC giữa nhà, nhưng mà nhà lô thì tránh sao được?". Ông ấy cười khà khà bảo là "Ngày xưa WC là chỗ bẩn thỉu hôi thối nên phải để cuối hướng gió, sau nhà, bây giờ phòng WC sạch đến mức ngủ lại được, sứ vệ sinh còn xịn hơn bát ăn cơm, mà WC có chứa chất thải nữa đâu, thì quan niệm phải thay đổi. Chỉ còn cái bể phốt là bẩn thôi, tránh để giữa nhà là được". Mình hỏi ông thầy HK là vì kiến trúc mà dẫn đến WC tầng 2 đè lên bàn ăn tầng 1 thì sao? Ổng ấy bảo là "Chỉ cần chặn được khí của cái WC là được, trên trần thạch cao rải lớp Cát Tường chống nóng, tráng kim loại, nó phản xạ những khí xấu là được". Ngoài ra các ông ấy cũng có những cách hóa giải các lỗi phong thủy như treo gương, khánh...để cho kiến trúc vẫn hợp lý. 

Phong thủy có 1 số quan điểm rất phù hợp với khoa học và tâm lý, mình nghĩ là nên theo. Chẳng hạn như kiêng ngồi quay lưng ra cửa, kiêng đầu giường kê vào cửa sổ, sẽ bị bất an. Nằm trên giường nên phải nhìn được cửa ra vào, tránh gương soi vào giường (nửa đêm tỉnh dậy thấy có thằng trong gương là sẽ bị giật mình, giường trong nhà nghỉ thì không sao vì không dùng để ngủ!). Cửa trước và cửa sau thông nhau thì dễ bị gió lùa, sẽ dễ bị cảm. Kiêng có con đường đâm vào chính cửa nhà, cũng sẽ bất an... Còn nhiều vấn đề kiêng kỵ khác thì mình không thấy có tính khoa học tý nào, chẳng hạn như kích thước Lỗ Ban hay hướng nhà theo tuổi. Ông nào Tây tứ mệnh mà làm nhà lô thì phải chịu nắng, rất khổ. 

Mình nói thật là nếu cứ theo phong thủy chi tiết như sách thì chính cái chùa cũng chả đúng phong thủy được hết. Chủ nhà phải có kiến thức cơ bản để biết vấn đề nào là chính, phụ, phải theo hay không nhất thiết phải theo phong thủy. Khi biết thì mới không bị ám ảnh bởi phong thủy, không bị thầy dọa ma. Nhà nào mà theo phong thủy 1 cách cứng nhắc thì công năng hay hình thức chả ra gì. Lúc đó gia chủ sống trong nhà thấy bất tiện mà tổn thọ rồi. Ông thầy SG nói câu này mà mình nhớ mãi là "Mày cứ thiết kế đúng công năng đi, chủ nhà cứ ăn ở, giữ gìn ngôi nhà cho sạch sẽ thì đã đúng phần lớn phong thủy rồi, phong thủy gì thì chủ nhà cũng phải thấy sống thoải mái đã". Con người hoàn chỉnh thì phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi, tim gan phổi phèo thì mới tốt. Nhưng chẳng may cụt chân, cụt tay, mù mắt, hỏng ruột thừa...thì cắt bỏ hay chế cái khác mà lắp vào để sống chứ. Cái nhà cũng vậy thôi, cần phải biết vấn đề nào là chính, là khoa học của phong thủy để mà theo, không lẽ cứ đổi nhà, xây nhà liên tục cho nó đúng phong thủy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét