BA VẤN ĐỀ CỦA PUTIN VỚI NƯỚC NGA
1. Thiếu ngọn cờ ý thức hệ toàn cầu:
Putin là sự lựa chọn của nước Nga trong bối cảnh Nga mất vị thế anh cả đỏ trong đại gia đình Xô Viết. Sự thất bại của Liên Xô cũng chính là sự thất bại của Nga trong quan hệ toàn cầu. Ý thức hệ xã hội chủ nghĩa là ngọn cờ tập hợp mang tính toàn cầu bị xé nát và vùi dập, chủ nghĩa dân tộc Nga trỗi dậy tập hợp quanh Putin để đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc như Liên Xô trước đây. Nhưng vấn đề là, lợi ích giai cấp công nhân quốc tế không còn là sợi dây liên kết, chủ nghĩa dân tộc là ngọn cờ duy nhất để Putin tập hợp lực lượng ở nước Nga, thì chủ nghĩa dân tộc cũng là ngọn cờ tập hợp lực lượng ở các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có ân oán giang hồ với Nga. Nước Nga mất ngọn cờ ý thức hệ toàn cầu, Putin chỉ còn nắm đấm của kẻ toàn trị dựa vào chủ nghĩa dân tộc Nga. Vì thế, nước Nga bị chủ nghĩa dân tộc ở các nước Ba Lan, Ukraine, Gruzia, và các nước vùng các nước Baltic chống đối. Anh vì dân tộc Nga, tôi vì dân tộc tôi. Nước Nga không có ngọn cờ để mở rộng lãnh thổ hoặc gây ảnh hưởng như thời Lenin và Stalin. Không có ngọn cờ để tập hợp lực lượng toàn cầu, Putin phải dùng thuần sức mạnh quân sự, dựng lên các chính phủ thân Nga là mâu thuẫn với chính ngọn cờ dân tộc mà Putin đã và đang giương lên ở nước Nga. Ngọn cờ dân tộc Nga không thể đối đầu với ngọn cờ dân chủ, nhân quyền do Mỹ và EU giương cao để tập hợp lực lượng.
2. Thế yếu của nước Nga:
Nga có dân số 150 triệu người và GDP khoảng 4 ngàn tỉ đô la Mỹ. Về cả dân số và sản xuất, Nga bị Hoa Kỳ và liên minh châu Âu lấn át. Hoa Kỳ có 325 triệu dân với GDP là 19 ngàn tỉ đô la và liên minh châu Âu có 500 triệu dân với GDP là 21 ngàn tỉ đô la. Cộng lại, Hoa Kỳ và EU có số dân gấp 5 lần và số đô la gấp mười lần Nga.
Về công nghệ thì Nga đang tụt hậu so với Mỹ và EU. Liên Xô, mà nay Nga đang kế thừa, đạt đỉnh vào giữa thế kỷ 20, khi công nghiệp nặng là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu và hệ thống tập trung hóa của Xô Viết vượt trội trong sản xuất hàng loạt máy cày, xe tải, xe tăng và tên lửa xuyên lục địa. Ngày nay, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học quan trọng hơn công nghiệp nặng nhưng nước Nga chưa vượt trội trên hai lĩnh vực này. Nền kinh tế Nga phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Điều này có thể đủ để làm giàu cho một vài nhà tài phiệt và giữ cho Putin ở vị thế quyền lực, nhưng không đủ để chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang số hay công nghệ sinh học. Nước Nga của Putin đang chống đỡ với Hoa Kỳ và EU trên nền tảng của công nghiệp nặng thời Xô Viết của thế kỷ 20.
3. Lạc hậu về tư duy chiến tranh:
Bây giờ đang là năm thứ 22 của thế kỷ 21, bạo lực đang giảm dần, các cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ gần như tiệt chủng, nhưng Putin lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ của Ukraine. Cách làm của Putin là rất lạc hậu, đi ngược lại với các qui luật kinh tế của chiến tranh. Trong quá khứ, các tài sản kinh tế chủ yếu mang tính vật chất, nên làm giàu bằng cách đi chinh phục là điều dễ hiểu. Nếu anh đánh bại kẻ thù trên chiến trường, anh có thể lấy lại vốn bằng cách cướp bóc các thành phố của kẻ thất bại, bán dân của chúng trong các chợ nô lệ, chiếm các ruộng lúa và các mỏ vàng quý giá. Napoleon cũng giàu có nhờ chiến lợi phẩm và mở rộng đế chế nhờ lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Nhưng ngày nay, kiếm tiền theo kiểu đó thì quá bèo bọt, không thấm vào đâu so với chi phí cho cuộc chiến tranh. Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế tri thức, với tài sản kinh tế chủ yếu là kiến thức kỹ thuật và tổ chức hơn là các cánh đồng lúa mì, các mỏ vàng hay giếng dầu. Các tập đoàn như Apple, Facebook và Google có giá trị hàng ngàn tỉ đô la, vượt xa tài sản của một số quốc gia nhưng không thể chiếm gia tài của họ bằng vũ trang. Anh không thể chinh phục kiến thức bằng chiến tranh và Thung lũng Silicon cũng không có mỏ nào để cho kẻ chinh phục chiếm đoạt. Giả sử Putin có được sự yên ổn sau khi chiếm Ukraine thì đây cũng là thương vụ thất bát. Các khu nghỉ dưỡng ở Crimea, các nhà máy từ thời Liên Xô ở Donetsk và Luhansk đã xuống cấp, và các thành phố đổ nát ở Ukraine, khó có thể cân được với cái giá của chiến phí và sự trừng phạt quốc tế. Putin đã tiến hành chiến tranh theo tư duy của các thế kỷ trước, rất lạc hậu.
Thoạt nhìn, tưởng nước Nga đang mạnh với những nước đi có vẻ bạo liệt, nhưng phân tích kỹ thì thấy Nga đang nỗ lực chống đỡ trên thế yếu, trước sự mở rộng của NATO về phía Đông Âu. Nước Nga là sản phẩm của sự thất bại từ Liên Xô tan rã. Nước Nga không mạnh như Liên Xô để có thể chi tiền làm chiến tranh ủy nhiệm. Vì không mạnh, không có tiền nên nước Nga phải trực tiếp dùng vũ lực với những quốc gia nhỏ, yếu hơn mình nhiều lần. Nước Nga đang thất bại hoàn toàn về mặt chính trị và kinh tế. Về quân sự, nếu có thắng Ukraine lần này, thì cũng không thể cứu vãn sự suy yếu của nước Nga./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét