Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

FB Matthew NChuong: TIẾNG VIỆT SẼ TRỞ THÀNH MỘT PHIÊN BẢN CỦA HÁN NGỮ, NẾU NHƯ ... 

 TIẾNG VIỆT SẼ TRỞ THÀNH MỘT PHIÊN BẢN CỦA HÁN NGỮ, NẾU NHƯ ... 

* ... nếu Nam âm hoàn toàn biến mất (do lãng quên, do bị "trục xuất" khỏi tiếng Việt), chỉ còn lại những âm Hán-Việt mà thôi. Đây là nỗi thao thức khiến tôi thường xuyên ghi chú để cùng nhau nhớ gìn giữ Nam âm!

* Tiếng nói gìn giữ cách thức suy nghĩ. Tiếng nói độc lập, suy nghĩ độc lập; thành thử có câu "Tiếng Việt còn, nước Việt còn". Mà hệ trọng của tiếng Việt là nằm ở Nam âm. 

*&*

"NAM ÂM" là gì? Thông thường quí bạn nghe nói đến "âm thuần Việt". Kỳ thực, NAM ÂM không chỉ là "âm thuần Việt" mà còn bao gồm hết thảy những âm (tiếng) mà người nước Nam chúng ta vẫn nói, vẫn dùng: mang đặc điểm - xin chú ý - hết thảy các âm này đều nằm BÊN NGOÀI kho từ vựng đọc theo Hán-Việt, KHÔNG "bị nhốt" trong Hán tự. 


Vậy, trong Nam âm gồm cả những âm "tiếp biến" - chẳng hạn, từ tiếng Khmer nhưng được ĐỌC THEO CÁCH CỦA NGƯỜI VIỆT (biến âm): như "Tho (Mỹ Tho)", "Thơ (Cần Thơ)", "Mau (Cà Mau)... Những âm "Tho", "Thơ", "Mau" ... hoàn toàn nằm bên ngoài hệ thống âm Hán-Việt, quí bạn nhìn vô chữ Hán thì KHÔNG có Hán tự nào phát âm như rứa hết!

*&*

a) Mời quí bạn thủng thẳng đọc mấy ví dụ sau:

年 : Hán-Việt đọc là "niên", Hán-Bắc Kinh đọc /nián/, Hán-Quảng Đông đọc /nìn/.

月: Hán-Việt đọc "nguyệt", Hán-Bắc Kinh đọc /yuè/, Hán-Quảng Đông đọc /yuet/.

日: Hán-Việt đọc "nhật", Hán-Bắc Kinh đọc /rì/, Hán-Quảng Đông đọc /ŋɑ:t /.

花: Hán-Việt đọc "hoa", Hán-Bắc Kinh đọc /hua/, Hán-Quảng Đông đọc /huə/.

果: Hán-Việt đọc "quả", Hán-Bắc Kinh đọc /guǒ/, Hán-Quảng Đông đọc /kwuo/. 

草: Hán-Việt đọc "thảo", Hán-Bắc Kinh đọc /θǎo/, Hán-Quảng Đông đọc /θao/. 

木: Hán-Việt đọc "mộc", Hán-Bắc Kinh đọc /mù/, Hán-Quảng Đông đọc /mɔ:k/. 

b) Ở bên Tàu có nhiều thứ tiếng như tiếng Quảng (Quảng Đông), tiếng Tiều (Triều Châu), tiếng Mân (Phước Kiến), tiếng Bắc Kinh... - đọc khác nhau NHƯNG toàn bộ tiếng nói của từng vùng đều được ghi lại hết thảy bằng Hán tự! 

Những cách phát âm như Hán-Quảng, Hán-Mân, Hán-Tiều... được gọi là những phiên bản của Hán ngữ.

Thấy gì? 

NẾU tiếng Việt chúng ta CHỈ gồm các âm Hán-Việt thôi, nghĩa là chữ Hán đều ghi được hết thảy cách phát âm của chúng ta, tức tiếng (nói) Việt nằm lọt trong Hán tự  => Như vậy, Hán-Việt cũng rơi vào trường hợp của Hán-Quảng, Hán-Bắc Kinh, Hán-Mân...  tức là Hán-Việt trở thành một phiên bản của Hán ngữ không hơn không kém! 

*&*

May thay, tiếng Việt của chúng ta là một trường hợp hết sức ĐỘC ĐÁO. Tiếng Việt còn có cả một kho tàng NAM ÂM nằm ngoài, không bị "nhốt trong rọ" Hán tự! 

Thực tế ngôn ngữ Việt của chúng ta như rứa, là khác hẳn với Hán-Bắc Kinh, Hán-Quảng, Hán-Tiều, Hán-Mân... (tiếng nói của các vùng miền, tộc người bên Tàu này đều chứa trong "rọ" Hán tự). 

Mượn lại mấy ví dụ trên. Một đàng chúng ta đọc: "niên", "nguyệt", "nhật", "hoa", "quả", "thảo", "mộc" (âm Hán-Việt, được ghi bằng Hán tự); nhưng đàng khác chúng ta còn có lối nói: "năm", "tháng", "ngày", "bông", "trái", "cỏ", "cây" - đây là NAM ÂM, chữ Hán tỏ ra vô hiệu vì không tài nào ghi được.

*&*

Vì sao TIẾNG VIỆT chúng ta KHÔNG giống với tộc Hán, cũng KHÔNG giống với các tộc "Bách Việt" ở bên Tàu (Mân Việt ở Phước Kiến, Nam Việt ở Quảng Đông, rồi U Việt, Điền Việt...)? 

Tộc Hán, cũng như rất nhiều tộc "Bách Việt" - xét về mặt ngôn ngữ - đều nằm trong ngữ hệ Hán-Tạng ráo trọi. 

Trong khi đó, ngôn ngữ của người nước Nam chúng ta thuộc về một hệ KHÁC, là ngữ hệ Nam Á! 

Thành thử, dù có xài Hán tự, NAM ÂM vẫn bướng bỉnh nằm bên ngoài Hán tự, không chịu mặc "đồng phục" Hán tự làm chi cho má nó khi! 

*&*

Từ vựng Hán-Việt đã trở thành một phần trong TIẾNG VIỆT, cứ việc dùng, tùy lúc. 

Nhưng, nếu NAM ÂM bị "trục xuất", ruồng rẫy, cứ nằng nặc chỉ dùng âm Hán-Việt thì hậu quả, như diễn giải ở trên, Tiếng Việt sẽ trở thành một phiên bản của Hán ngữ!

Xin hãy chú ý đối với những trường hợp  mà quí bạn nghe lập luận đại loại đó là "phương ngữ vùng miền", là "kỵ húy".v.v... . Nghe chơi thì không sao, cũng thỏa mãn cái óc tò mò. Nhưng nếu cái lập luận đó NHẰM CHUYỂN SANG DÙNG ÂM HÁN-VIỆT mà thôi, vâng, quí bạn hãy cẩn trọng kẻo bị mắc lỡm!

Không ít trường hợp bị gọi là "phương ngữ vùng miền", "kỵ húy" mắc dịch gì đó, kỳ thực, là NAM ÂM của người Việt chúng ta!./.

---------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét