NUÔI CON TRIỆU ĐÔ VÀ NGÀN ĐÔ
Mình có vài ý kiến về bài viết của FBker Pham Huong với tiêu đề NUÔI CON TRIỆU ĐÔ (link trong comment). Mọi người nên đọc status đó trước khi đọc status này để hiểu rõ hơn.
Theo mình thì nuôi con theo kiểu nào còn phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình và năng lực của đứa con. Hai giải pháp của 2 gia đình là kiểu nước sông và nước giếng, không nên bên này chê bai bên kia. Mỗi bên đều có cái hay, cái chưa hay nhưng vì hoàn cảnh thế nên nó phải như thế.
Đọc bài viết gốc thì mình thấy ý tổng quan của tác giả (tạm gọi là mẹ trung lưu, chứ không nghèo nhé) có ý chê cách giáo dục của mẹ đại gia là phù phiếm, không thực tế, dẫn đến đứa con mình đang thành công hơn đứa con nhà giàu kia.
Đây là trường hợp khá phổ biến ở Việt Nam với 2 cách giáo dục, 1 là cho con học trường công và rèn luyện con học thật giỏi, rồi du học, phải tự lập, học các trường dễ xin việc…Đây gần như là kiểu mẫu chuẩn mực ở xã hội Việt Nam bây giờ. Hai là kiểu của đại gia, cho con học trường quốc tế từ mẫu giáo, rồi cũng du học, chọn ngành khai phóng, trường khai phóng bên Mỹ, nhưng về Việt Nam thì không tìm được việc làm phù hợp (mức lương không phù hợp và không có công việc đúng chuyên ngành).
Chính vì cách của mẹ trung lưu là tương đối chuẩn mực theo suy nghĩ của người Việt bây giờ nên mình cho là sẽ được nhiều người ủng hộ hơn. Đại khái con cái đi học là phải chịu áp lực, chịu gian khổ thì mới vươn lên được. Tư duy này đặc biệt hay gặp ở dân miền Trung, nhất là Thanh Nghệ Tĩnh. Coi con đường học giỏi, đỗ đạt, bằng cấp cao là con đường tiến thân duy nhất đúng. Nó cũng phù hợp với tư duy Nho giáo của đại đa số người Việt thường vị nể người học giỏi và có bằng cấp cao, mà làm quan nữa càng nể.
Chính vì thế nên mình ít bình luận về cách của mẹ trung lưu, vì nó khá phổ thông và theo “chuẩn Việt Nam” rồi. Mình muốn bàn thêm về cách của mẹ đại gia thôi.
Cách dạy con của mẹ đại gia kia khá là chuẩn theo cách đào tạo con cái nhà quý tộc, tinh hoa phương Tây. Nhớ là quý tộc, tinh hoa chứ không chỉ giàu nhé. Nhiều nhà rất giàu ở Việt Nam vẫn chỉ dạy con theo cách trung lưu kia thôi. Tức là chọn cách thực dụng, chọn mấy nghề phổ thông dễ xin việc, dễ kiếm tiền và đào tạo chuyên ngành chứ không phải khai phóng (muốn hiểu GD Khai phóng là gì thì xem thêm status về GD Khai phóng của mình, cũng ở comment đầu tiên). Họ cũng không chú trọng dạy con về văn thể mỹ. Tóm lại vẫn là Giấc mơ con đè nát cuộc đời con. Tức là chưa dám nghĩ lớn và chưa dám đào tạo con cái thành người toàn diện, cũng chỉ là đáp ứng việc kiếm được nhiều tiền, dễ kiếm việc, học không tốn kém lắm…
Quý tộc họ nghĩ khác. Nếu họ đủ giàu thừa ăn 3 đời rồi thì họ không nhất thiết phải chọn ngành học cho con (hoặc định hướng nó) học ngành hot, dễ kiếm việc, kiếm tiền, nhưng hẹp. Nhà quý tộc thích con họ học về Khai phóng, ngành rông hơn, kiểu như Luật, Lịch sử, Khoa học chính trị hay văn chương, quý tộc xịn kiểu Tây Âu còn hay học trường Quân đội (nó không giống trường quân đội ở Việt Nam vì đào tạo rộng hơn về khoa học chính trị, xã hội). Quân đội ở Việt Nam thì tỏ ra kiến thức hẹp, phù hợp với việc làm công cụ áp chế của đảng, dù cũng dễ làm chính trị! Kiến thức rộng sẽ là người tự do, không ai chịu làm công cụ cả.
Mục đích học hành như vậy là vì gia đình quý tộc họ định hướng con cái họ làm chính trị gia hay cỡ TGĐ, chủ tịch tập đoàn gia tộc…Vì các ngành trên nó phù hợp với các công việc đó chứ không phải mấy ngành kiểu Khoa học máy tính, Y khoa, hay khoa học tự nhiên kiểu Toán (do nó là ngành chuyên sâu và hẹp). Chí ít thì con nhà quý tộc cũng phải học Quản trị kinh doanh, do nó có kiến thức rộng về kinh tế. Thế nhưng mẹ trung lưu ngăn chặn con mình học Quản trị kinh doanh và bắt nó học ngành Tài chính với lý do rất là “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” là để giỏi quản lý tiền (của mình)!
Cứ nhìn các chính trị gia chuyên nghiệp ở Âu Mỹ thường học ngành gì ra thì sẽ đoán được con nhà quý tộc/tinh hoa họ muốn con họ học gì. Gia đình quý tộc thì việc GD con cái toàn diện về văn thể mỹ là chuyện đương nhiên, không cần bàn cãi. Nên việc họ đầu tư đàn piano trăm ngàn đô hay mời gia sư đắt đỏ về dạy con mấy môn nhạc họa đó là rất bình thường mà người bình dân thấy rất chi là nhảm nhí. Vì học mấy có đó có ra tiền đâu!? Thường giới bình dân sẽ hay lấy giá trị thực dụng, lấy tiền ra để đo sự thành công của người khác.
Mình không cho rằng mẹ trung lưu làm thế là sai, nhưng nó phù hợp với hoàn cảnh của gia đình họ. Nhưng cái sai của mẹ đó là lấy góc nhìn trung lưu cừu thỏ để đánh giá tầm nhìn của đại gia hổ báo cáo chồn.
Mình không biết gia đình đại gia kia có thực là thuộc giới tinh hoa của Việt Nam hay không nhưng họ đang GD con kiểu tinh hoa đó. Cái sai của họ là đang bao bọc con hơi nhiều, không để con có những trải nghiệm tự lập. Hoặc họ có làm mà mẹ kia không biết để kể ra.
Còn chuyện con nhà đại gia không xin được việc, không kiếm được chỗ làm phù hợp không phải do năng lực nó kém. Mà là do nó kén chọn. Ví dụ bố mẹ nó cho nó mỗi tháng 3000 đô tiêu vặt, thì đời nào nó chịu đi làm thuê với mức lương 4000 ngàn, lại không đúng nghề nó học là Lịch sử và Khoa học chính trị. Nhà giàu thì thà ở nhà chơi không còn hơn đi làm kiểu đó! Đấy là cái sai của bố mẹ giàu không muốn con tự lực từ những vị trí thấp mà thôi.
Giống mấy bạn gái xinh ngon, giỏi giang chậm lấy chồng đâu phải do bạn ấy vớ vẩn mà là do kén hoặc zai nó sợ không dám tiếp cận!
Cái sai nữa của mẹ đại gia là tầm nhìn hơi bị xa, hơi Tây quá. Nếu xác định cho con học làm quan xã nghĩa thì học Khoa học chính trị và lịch sử bên Mỹ là lộn lề! Lẽ ra phải học ngành đỡ nhạy cảm kiểu kinh tế, xây dựng hay kỹ sư hàng không (kiểu con bác ba X) rồi về nước làm cán bộ đoàn, đảng, đi theo đường công chức rồi học cao cấp chính trị thì mới có chỗ ngồi. Chứ học kiểu kia là học làm PĐ chứ nó đời nào chịu đi làm cán bộ! Chỗ “sai” nhất của mẹ đại gia là ở chỗ này. Vì con đường làm quan ở Việt Nam nó khác hẳn với phương Tây. Muốn làm quan ở Việt Nam thì phải học ngành Công an!
Tóm lại, việc chọn cho con cái học theo kiểu gì là phụ thuộc hoàn cảnh và tầm nhìn của mỗi gia đình, theo năng lực của đứa con nữa. Không thể lấy khuôn nhà này áp vào nhà khác nếu các yếu tố trên là rất khác nhau. Hoàn cảnh bần nông mà con học hành kiểu quý tộc mới là sai. Hay đại gia mà nghĩ hẹp quá, con cái học hành vớ vẩn, ngành vớ vẩn trong nước, thì cũng rất sai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét