Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

Nguyễn Gia Việt: Nhan sắc và thủ đoạn chánh trị là tai họa nhìn từ trường hợp Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi.

 Một bài sử Việt về anh hùng và giai nhân (FB Hùng Ca Sử Việt)

Sau khi giết giặc Minh, Lê Lợi lên làm vua, đó là Lê Thái Tổ. Nguyễn Trãi là đại khai quốc công thần.

Nguyễn Trãi là kết quả của mối tình của anh gia sư nghèo và nữ học trò, ông Nguyễn Phi Khanh là một học trò nghèo học giỏi được nhận vào kèm cặp việc học cho tiểu thơ Trần Thị Thái, con quan tư đồ Trần Nguyên Đán, kèm sao dính bầu. Quan tư đồ thuận lẽ trời, ra giá gia sư thi đậu sẽ chánh thức tác hiệp cho đôi bạn trẻ.

Nhưng số Nguyễn Trãi hiu quạnh khi sáu tuổi mất mẹ, mười tuổi ông ngoại qua đời, Nguyễn Trãi về ở Nhị Khê với cha.

Năm 1407, giặc Minh sang xâm lăng, nhà Hồ bị diệt, giặc Minh bắt ông Nguyễn Phi Khanh đem về Tàu cùng với cha con Hồ Quý Ly

Hai anh em Nguyễn Trãi thương cha cứ theo sau tới ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh đuổi con kêu đừng theo cha nữa, ông Phi Khanh dạy con:

“Con phải trở về mà lo trả thù cho cha, rửa nhục cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì?”

Cái điển tịch "Hận Nam Quan" từ đó trong sử Việt rạng ngời

Vở kịch thơ “Hận Nam Quan” được Hoàng Cầm viết năm 1937, lúc ông 15 tuổi

"Con về đi! Cha yên tâm chịu khổ!

Con về đi! Đúc thép chống giang san

Cha tin chắc đường gươm nơi đất Tổ

Sẽ có ngày sáng chói những vinh quang"

Trước đó từ năm 1924 Á Nam Trần Tuấn Khải viết "Hai chữ nước nhà” nhắc lời ông Nguyễn Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi

"Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ

Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?

Phải nên thương lấy giống nòi

Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng

Lời cha dặn khắc xương để dạ

Mấy gian lao con chớ sai nguyền

Tuốt gươm thề với vương thiên

Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu

Gan tráng sĩ vững sau như trước

Chí nam nhi lấy nước làm nhà

Tấm thân xẻ với san hà

Tượng đồng bia đá họa là cam công"

Nguyễn Trãi nhận ra chỉ có chánh trị mới giúp qua cơn can qua này, ông sau đó phải trốn sự truy bắt của giặc Minh, trốn tận lên tới miền núi thâm sơn cùng cốc Lam Sơn của xứ Thanh mới gặp được Lê Lợi dâng Bình Ngô sách mà hiệp nhau bàn chuyện quốc sự sau này.

Từ người bình thường đã ý thức và trở thành anh hùng dân tộc của chúng ta.

Năm 1428, dẹp giặc Minh xong xuôi, Lê Lợi 43 tuổi lên ngôi Hoàng Đế ở Đông Kinh, mở đầu triều đại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Viêt Nam, nhà Hậu Lê tồn tại hơn 300 năm. Năm 1428 Nguyễn Trãi đã 48 tuổi.

Sau khi đuổi giặc Ngô (Minh) về nước, vua tôi xứ Lam Sơn ca khúc khải hoàn, Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) mới biểu Nguyễn Trãi soạn bộ sách văn xuôi “Lam Sơn Thực Lục” để lại cho đời.

Lê Thái Tổ là ông vua dính chuyện "diệt công thần" do tánh đa nghi, Trần Nguyên Hãn là một trường hợp. Trần Nguyên Hãn từng nhận xét Lê Lợi “có tướng như Việt vương Câu Tiễn ”

Truyền thuyết “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” không biết có thực hay không. Tuy nhiên Lê Lợi cũng nghi ngờ cả Nguyễn Trãi.

Lê Lợi “phong thừa chỉ Nguyễn Trãi tước Quan Phục hầu, cho mang họ vua” (Đại Việt sử ký toàn thư Ngô Sĩ Liên). Công thần khởi nghĩa Lam Sơn có 9 bậc thì tước Quan Phục hầu của công thần Nguyễn Trãi ở bậc...thứ 8.

Lê Thái Tổ (1385–1433) lên ngôi vua có 5 năm thì mất, trong 5 năm đó Nguyễn Trãi là quan không có thực quyền. Hình như có bị bắt giam rồi thả ra. Nguyễn Trãi buồn bực và cũng cố chạy thoát thân, ông xin về quê dưỡng già. Sĩ phu Bắc Hà kể rằng trong một ngày đẹp trời, Nguyễn Trãi đi tập thể dục bên Tây Hồ chợt nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp đang bán chiếu, ông đã xướng mấy câu thơ ghẹo Thị Lộ :

"Nàng ở nơi nào,bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa, được mấy con?"

Không thể ngờ cô gái này cũng làm thơ họa lại ngay :

"Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,

Cớ chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, có chi con!"

Chiếu gon là chiếu lác đó

Thực ra bà con cô bác đặt thơ cho nó vui, chứ Nho gia ngày xưa khuôn phép, làm gì có chuyện Nguyễn Trãi ra đường chọc gái mà hỏi thẳng thừng "chồng con có chưa". Nhưng quả thực có một bà Nguyễn Thị Lộ rất giỏi thơ họa chữ nghĩa là vợ nhỏ của Nguyễn Trãi, xưa trai năm thê bảy thiếp là thường.

Sau khi Lê Lợi chết, con là Lê Nguyên Long làm vua, đó là Lê Thái Tôn. Vua Lê Thái Tôn vốn là người có sức khỏe không tốt nhưng trẻ mà ham sắc, ham dâm, có nhiều vợ. Khi mới 15 tuổi vua Lê Thái Tôn đã có đến 5 người vợ được sắc phong, đó là các bà: Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh, Ngô Thị Ngọc Dao, Lê Thị Ngọc Dao, Lê Nhật Lệ.

Mẹ của Lê Nguyên Long là bà Phạm Thị Ngọc Trần mà sau này được phong là Cung Từ hoàng thái hậu mất năm 1425 khi Lê Nguyên Long mới 3 tuổi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chưa kết thúc, một cái chết "huyền thoại".

Cái chết huyền thoại của bà Ngọc Trần lại được chánh sử chép lại do căn cứ vào “Lam Sơn thực lục”.

“Tháng 3 năm Ất Tỵ (1425), Bình Định Vương Lê Lợi tiến quân vây thành Nghệ An, giặc Minh ra sức chống giữ, thế lực chưa phân thắng bại.

Quân doanh của Lê Lợi tạm đóng cạnh đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ sông Lam thuộc làng Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên.

Đêm hôm đó, Bình Định Vương chiêm bao thấy vị thần báo mộng: “Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc Ngô, giữ vững nghiệp đế”...

Hôm sau, Bình Định Vương gọi các bà vợ đến, kể cho nghe giấc mộng đêm qua và hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ thủy thần không? Sau này khi ta lấy được nước, sẽ lập con của người đó làm thiên tử”

Các bà không ai nói gì, chỉ có bà Ngọc thưa: “Nếu vì nghiệp lớn của Minh Công thì thiếp tự nguyện xả thân; ngày sau mong Minh Công giữ lời hứa, chớ phụ con thiếp”

Đọc xong hơi ớn lạnh.

Nhưng lên ngôi vua sau khi Lê Lợi qua đời cũng đâu đơn giản, đó là phe phái ủng hộ

Con trai trưởng của Lê Lợi và bà Trịnh Thị Ngọc Lữ tên là Lê Hữu Lang tức Lê Tư Tề. Lê Tư Tề có mặt trong hội thề Lũng Nhai, cùng cha Lê Lợi và các anh hùng Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa.

Lê Tư Tề làm tới chức Tư Đồ. Sau khi lên ngôi Hoàng Đế Lê Lợi phong Hữu Tướng quốc Khai quận công Tư Tề làm Quốc vương.

Cứ nghĩ Lê Tư Tề sẽ nối ngôi của lê Lơi, nhưng không. Đại Việt sử ký toàn thư chép:

“Năm Quý Sửu, Thuận thiên thứ sáu, 1433, mùa thu tháng 8, giáng con trưởng Tư Tề làm Quận vương, lấy con thứ Nguyên Long kế thừa tông thống. Ngày 22 tháng 8, Vua băng ở chính tẩm”.

Phế trưởng lập thứ, đưa Lê Nguyên Long mới 11 tuổi nổi tiếng mê gái lên là phe Lê Sát thành công. Lê Thái Tôn lên ngôi Lê Sát làm phụ chánh đại thần không ai dám cản. Nhưng khi đã 15 tuổi, Lê Thái Tôn đã "ép" Tể tướng, Đại Tư đồ Lê Sát tự tử chết, vợ con và điền sản tịch thu.

Lê Thái Tôn phế nguyên phi Lê Thị Ngọc Dao (con gái của Lê Sát) làm thường dân

Vua Lê Thái Tôn cũng mê bà Nguyễn Thị Lộ. Chuyện một ông vua mà "đem" thiếp của bậc công thần như Nguyễn Trãi vô cung làm " Lễ nghi học sĩ " dạy cung nhân cũng là chuyện xưa nay hiếm.

Khi đó Lê Thái Tôn đã truất ngôi thái tử của Lê Nghi Dân do mẹ ông là Dương phi kiêu căng, không giữ phép tắc để phong cho Bang Cơ con của bà phi Nguyễn Thị Anh lên làm thái tử. Bà Thần phi Nguyễn Thị Anh nổi tiếng tâm cơ dữ dội. Khi biết Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao mang thai và đoán có thể là con trai thì bà Thần phi coi mòi sắp "ra tay tràn độc", bà chót chét sao mà vua cho bà Ngọc Dao vô lãnh cung.

Nguyễn Trãi với sự ra mặt của bà Nguyễn Thị Lộ vận động hoàng tộc cho Ngô Thị Ngọc Dao tạm lánh thân ra ở tại chùa Huy Văn. Bà Ngô tiệp dư đúng là sanh con trai, đó là hoàng tử Lê Tư Thành.

Sau đó xảy ra vụ án Lệ Chi viên liên quan Lê Thái Tôn khi ông vua này đột ngột qua đời vào năm 1442 tại nhà đại thần Nguyễn Trãi ở Lệ Chi Viên khi mới 20 tuổi.

Vua đi tuần ngày 4/8/1442 ghé nhà Nguyễn Trãi, ra vườn Lệ Chi bày tiệc ăn nhậu và thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà đột ngột. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua. Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ bị tội giết vua, phải tru di tam tộc.

Nhiều người đoán đại loại sức khỏe vua vốn không tốt, lại có nhiều vợ, lại mê gái. Đêm đó giữa vườn Lệ Chi Lê Thái Tôn và Nguyễn Thị Lộ hoan lạc làm tình và vua chết

Không ai rõ năm sanh bà Lộ, phe cho rằng vua và bà sanh tình cho rằng lúc Thái Tôn mất (1442), bà Lộ chưa đến 30 tuổi.

Phe cho rằng bà Lộ và vua "trong sáng" nói thực ra năm 1442 Lê Thái Tôn 20 tuổi và bà Nguyễn Thị Lộ đã 53 tuổi rồi, bà chỉ nhỏ hơn Nguyễn Trãi có 10 tuổi. Thành ra vụ vua chết có thể chỉ là bị cảm lạnh, trúng gió, bà Lộ bị oan, cái chết của vua bị đẩy lên là một âm mưu.

Vụ án này có dính líu tới bà Thần phi Nguyễn Thị Anh.

Bà Ngô Thị Ngọc Dao bị giam ở lãnh cung nhưng được Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bảo vệ, xin vua tha. Nguyễn Trãi đã đưa bà Ngọc Dao tá túc tại chùa Huy Văn rồi về vùng An Bang là nơi ông làm Ngự sử Đông Bắc đạo. Bà Nguyễn Thị Anh đã trả thù.

Vua Lê Nhân Tôn (Lê Bang Cơ) là vị hoàng đế thứ ba của nhà Hậu Lê lên ngôi năm ...1 tuổi, trị vì 17 năm, từ năm 1442 sau khi vua Lê Thái Tôn qua đời. Vua một tuổi và bà Nguyễn Thị Anh làm Thái hậu buông rèm nhiếp chánh, quyền hành tột bực, hỏi sao Nguyễn Trãi trốn thoát.

Nhưng mà....

Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (28 tháng 10 năm 1459), Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân mua chuộc cấm vệ quân, nữa đêm bắt thang vào tận trong cung cấm giết Nhân Tôn và Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh

Trước đó vua Thái Tôn nghe lời Nguyễn Thị Anh đã truất ngôi Thái tử của con trưởng Lê Nghi Dân mà lập con bà Anh là Lê Bang Cơ mới 1 tuổi làm Thái tử.

Nhiều nhà sử học cho rằng bà Nguyễn Thị Anh vô cung mới sáu tháng đã sanh ra Bang Cơ nhưng bị vợ chồng Nguyễn Trãi biết. Nguyễn Thị Anh sau đó giết hai thái giám Đinh Thắng, Đinh Phúc là người ghi chép ngày các phi tần vào hầu vua, ngày sanh của các hoàng tử, công chúa, và giết luôn Tạ Thanh.

Thực ra đây là hai phe chánh trị đấu đá nhau, phe Nguyễn Thị Anh với Lê Bang Cơ đấu cùng phe Lê Tư Thành với Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Nguyễn Trãi lúc đó không có thực quyền, lại ở quê xa nhưng bà Nguyễn Thị Lộ chỉ là "lễ nghi" dạy cung nhân nhưng lại gần vua, có thể "hầu" vua ở Lệ Chi Viên thì rất thân cận, bà Nguyễn Thị Anh sợ vua nghe lời bà Lộ sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của mình.

Tháng 6 năm Canh Thìn 1460 các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Nguyễn Đức Trung tiến hành binh biến giết chết Lê Nghi Dân. Sau đó đi ra ngoài thành rước con trai bà Ngô Thị Ngọc Dao là Lê Tư Thành lên ngôi, đó là Lê Thánh Tôn

Vua Lê Thánh Tôn ra chỉ minh oan cho Nguyễn Trãi, song tránh nhắc xấu bà Nguyễn Thị Anh, vì lẽ đó là cái xấu của hoàng tộc.

Đàn bà ghê thiệt!

Các bà Thái Hậu có con làm vua không hề tầm thường. Trong lịch sử Nguyễn có bà Thái hậu Từ Dũ cũng vậy. Đã giành ngôi cho con trai là vua Tự Đức thành công dù Tự Đức là con thứ, truất con trưởng Hồng Bảo thành công thì bà Từ Dũ không có "hiền". Làm phim mà cho bà Từ Dũ cứ khóc, cứ giơ con mắt thơ ngây là không xong rồi.

Người Nam Kỳ xưa hay hò rằng:

-Nữ ( hò trước)

"Hò ...ơ!

Anh có thương em thì cho em một đồng

Để em mua gan công, mật cóc thuốc chồng theo anh"

-Nam (Nghe hết hồn, nổi xung thiên hò lại)

"Hò ơ!

Nghe hò tao bắt nổi xung

Tao cho một phảng chết chung cho rồi"

Đọc Vũ Tài Lục, ông này phang một câu:

"Dù có xấu như Chung Vô Diệm thì Chung Vô Diệm vẫn làm chánh cung của Vua Tề”. Ăn nhau ở cái tướng là thế đó.

Sách tướng dạy rằng: “Mỹ nhân thường tác kỹ, mỹ trung hữu chí sú” (nghĩa là người đẹp thường đi làm đĩ vì trong vẻ đẹp có cái gì cực xấu)."

Từ xa xưa, con người ta mặc định "mỹ" là đẹp và là cái của người đàn bà, đó là mỹ nữ, mỹ nhân

Thế nào là đẹp?

Người ta sẽ dòm vào mặt mũi và hính dáng trước, rồi coi đẹp là cái hình thức đầu tiên, tóc dài, da trắng, dáng thon gọn, vú nhô, mông thon, mắt hai mí, mũi dọc dừa, môi son chúm chím, giọng nói thanh tao.

Sắc đẹp đàn bà xưa nay hay đi chung với quyền lực, các đấng quân vương thích có người đẹp kế bên.

Nhưng rốt cuộc ông nào mê sắc đều có hậu quả kinh khủng.

Ngô Phù Sai mất nước vì Tây Thi, Đường Minh Hoàng bị đảo chánh chạy trốn chui trốn nhủi vì Dương Ngọc Hoàn. Bà Điêu Thuyền làm cha con Đổng Trác và Lã Bố giết nhau

Tà tà như Từ Hy Thái Hậu cũng góp phần dẹp nhà Thanh.

Nhưng rồi nhan sắc cũng không vững khi ngai vàng lung lay, đấng anh dũng không thể bảo vệ người đàn bà đẹp của mình.

Hạng Võ có Ngu Cơ tuyệt trần rồi cũng phải rơi lệ chia tay, nàng Ngu Cơ tự tử cho chồng bớt gánh nặng khi bị truy sát:

"Hận thay vương chủ thời bất lợi

Phận thiếp hồng nhan ấy chuyện thường"

Và mỹ nhân cũng có ngày tàn tạ, già nua, héo úa

Tuổi xế chiều, làn da chẳng còn căng mịn, tóc sương đã điểm, má hồng cũng phai

Nhan sắc là thứ vô thường

Mỹ nhân trên đời, gặp được là khó, lấy được cũng khó, nhưng hiểu được thì càng khó hơn. Hiểu được cũng khó rồi mà giữ được lại khó hơn nhiều lần nữa

Bởi thế mà nhân gian mới có câu:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

(Mỹ nhân từ cổ như danh tướng

Chẳng hứa cho ai thấy bạc đầu)

Ông bà ta dạy "Vợ đẹp là vợ người ta"

Thằng đàn ông có vợ đẹp mà tầm thường thì như đặt tai họa trong nhà, không đủ sức bảo vệ giữ vợ, có ngày lên bàn thờ.

Người đàn bà đẹp là người sanh ra để được cung phụng, quyền quý, hưởng thụ, cái 'xấu' trong người họ khi sung sướng không bộc lộ ra, nhưng khi khổ nó sẽ bộc lộ ra.

Ông bà ta nói đàn bà đẹp dâm là có lý do

Đàn bà đẹp có rất nhiều chồng.

Ong bướm sẽ tìm tới những bông hoa đẹp nhứt mà hút nhụy, dầu không dâm thì hoàn cảnh sẽ làm cho bông hoa đó dâm.

Thành ra đạo lý Á Đông xiển dương chữ "chung thủy" và nhà thờ Công giáo bắt một vợ một chồng trong giáo lý.

Đường Cao Tổ Lý Uyên có ba người con trai là: Thái tử Lý Kiến Thành, Tần Vương Lý Thế Dân và Tề Vương Lý Nguyên Cát

Lý Thế Dân là người có công trong quân đội, là người lấy cái ngôi vua Đường về cho cha, nhưng ác nghiệt thay lại là con giữa.

Nhưng thế lực Lý Thế Dân lớn mạnh dữ dằn, đơn giản vì ông nắm quân đội, ông chiến đấu trực tiếp, ông có đủ văn thần võ tướng võ nghệ cao cường.

Lý Uyên trọng trưởng khinh thứ nên để Lý Kiến Thành làm Thái Tử.

Lý Thế Dân giết cả nhà Lý Kiến Thành cùng ông em Lý Nguyên Cát nhưng chừa một người, đó là Dương Khuê My, vợ của Lý Nguyên Cát, tức em dâu của Lý Thế Dân, ông nạp luôn người chị dâu xinh đẹp họ Dương làm quý phi, bất chấp sự phản đối kịch liệt của triều thần.

Đàn bà đẹp mà.

Nguồn: Nguyễn Gia Việt.


Hình thái hậu Nguyễn Thị Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét