Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

LỊCH SỬ KHẨN HOANG NAM BỘ

 Theo FB Midnight Talks.

Trong lịch sử khẩn hoang ở Nam bộ, sự đóng góp của người Minh hương (hay người Hoa) từ xưa đến nay về kinh tế, văn hóa thật là to lớn. Họ đã hòa nhập với người Việt, cùng người Việt khai hoang đất Nam Kỳ, chống lại các đợt tấn công của người Xiêm, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Nam bộ. Một số cái tên người Minh hương nổi bật có thể nhắc đến như sau:

1. DƯƠNG NGẠN ĐỊCH XÂY DỰNG MỸ THO ĐẠI PHỐ

Dương Ngạn Địch (?-1688) vốn là thổ phỉ, sau gia nhập lực lượng của Trịnh Thành Công và trở thành một thủ lĩnh phản Thanh phục Minh. 

Năm 1677, loạn Tam Phiên xảy ra, Dương Ngạn Địch theo lệnh Trịnh Kinh (con của Trịnh Thành Công) tái chiếm đảo Long Môn, Khâm Châu, Quảng Tây. Năm 1679, quân Thanh công phá đảo Long Môn, Ngạn Địch nhận thấy không còn hi vọng khôi phục triều Minh, bèn cùng gia quyến lên thuyền đi tị nạn ở Đàng Trong. 

Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên) chép:

"Kỷ Mùi (1679), mùa xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến cùng Cao Lôi Liêm tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, tự trần là bô thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ.

Bấy giờ bàn bạc rằng phong tục, tiếng nói của họ đều khác nhau, khó bề sai đúng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông phố nước Chân Lạp phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa (Nguyễn Phúc Tần) theo lời bàn, bèn sai đặt yến ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố (Cù lao Phố, Đồng Nai)."

Vào thời điểm đó, biên giới Việt–Champa phía Nam còn dừng lại ở sông Phan Rang, cho nên chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho người đưa thư đến Ang Nan (vị phó vương đang được chúa Nguyễn bảo vệ ở Prei Nokor, nay là Sài Gòn) yêu cầu chia cấp đất cho họ vào làm ăn sinh sống quanh vùng đất Sài Gòn và Ang Nan đã đồng ý. 

Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên) chép chuyện:

"Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Soài Rạp đến đóng ở Mỹ Tho; binh thuyền của Thượng Xuyên và An Bình thì vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân (Biên Hoà)..."

Dương Ngạn Địch lập Mỹ Tho đại phố bên dòng sông Mỹ Tho ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa. Khu đại phố này kéo dài đến Cầu Vĩ, Gò Cát, tức khu vực xã Mỹ Phong hiện nay. Ông không chỉ tập trung vào thương mại, mà còn cho lập ra những trang trại, phát triển nghề ruộng rẩy và cùng cộng cư với dân Việt, dân bản địa (người Khmer).

Năm 1688, sau 9 năm kể từ khi Dương Ngạn Địch sang đất Việt, ông bị phó tướng Hoàng Tiến giết chết ở cửa biển Mỹ Tho. Nhưng Mỹ Tho đại phố vẫn phát triển không ngừng. Vào thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ (trung tâm còn lại là Cù lao Phố). Sự hưng thịnh của phố chợ Mỹ Tho cho thấy nền sản xuất nông - ngư nghiệp và kinh tế hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là đối với ngành thương mại.

Đến năm 1785, quân Xiêm đã tràn sang và biến nơi đây thành bãi chiến trường (Trận Rạch Gầm - Xoài Mút). Phố xá bị tàn phá, của cải bị cướp bóc nên Mỹ Tho đại phố trở nên tiêu điều. Thương nhân ở đây hầu hết đều chuyển lên làm ăn ở Sài Gòn - Bến Nghé. Năm 1788, mặc dù được khôi phục dần, nhưng không còn nhộn nhịp như trước. 

2. TRẦN THƯỢNG XUYÊN XÂY DỰNG NÔNG NẠI ĐẠI PHỐ

Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài (? – 1720) xuất thân gia đình thương gia giàu có ở Quảng Đông. Ông vốn là dòng dõi của tướng Trần Văn Long nhà Nam Tống, người có công chống quân Nguyên.

Năm 1646, Trần Thượng Xuyên khởi binh hưởng ứng Vĩnh Lịch đế chống Thanh. Đến năm 1662, Ngô Tam Quế giết Vĩnh Lịch đế, Trần Thượng Xuyên vẫn tiếp tục kháng Thanh, hoạt động tại bờ biển Quảng Đông, Quảng Tây. Thủ lĩnh kháng Thanh là Trịnh Thành Công sau đó phong cho Thượng Xuyên giữ chức tổng binh ba châu Cao-Lôi-Liêm. Năm 1673, nổ ra loạn Tam Phiên, Thượng Xuyên hưởng ứng Ngô Tam Quế, đánh chiếm Khâm Châu. Năm 1679, quân Thanh dẹp loạn Tam Phiên, Thượng Xuyên cùng gia đình, tôi tớ chạy vào Đàng Trong tị nạn.

Ban đầu nhóm Trần Thượng Xuyên đến Bàn Lân (ngày nay thuộc Biên Hòa) lập nghiệp. Khi đó, vùng đất này còn là rừng rú. Vốn là người ở vùng Đông Nam Trung Quốc, thạo nghề mua bán và công nghệ, họ đã phát hiện ra Cù lao Phố, một bãi sa bồi hoang sơ nằm giữa sông Hương Phước (một đoạn của sông Đồng Nai), trải dài trên 7 dặm, bề ngang bằng 2/3 bề dài. Tuy nằm cách biển nhưng là nơi sông sâu, nước chảy, có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, và phía Nam có thể ra biển Cần Giờ hay sang tận Cao Miên.

Cho nên một phần lớn nhóm người Hoa, đã chuyển từ Bàn Lân đến Cù lao Phố. Và cùng với nhóm lưu dân người Việt đến trước, Trần Thượng Xuyên và lực lượng của mình tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu ông đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định, tức Nam Bộ ngày nay.

Từ sự phát đạt của thương nghiệp đã lôi kéo những ngành nghề thủ công khác đến như: dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo v.v...

Cù lao Phố còn được gọi là Nông Nại đại phố tức là "Chợ Lớn của xứ Đồng Nai". Đồng Nai âm theo tiếng Quảng Đông là Nông Nại, do họ không phát âm được chữ "Đ" trong địa danh Đồng Nai.

Vào ngày 23 tháng 10 âm lịch năm 1720, Trần Thượng Xuyên mất và được an táng ở làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ khi đến Đàng Trong, ông vừa hỗ trợ các tướng chúa Nguyễn ổn định tình hình quân sự, chính trị ở Gia Định và Chân Lạp, vừa lo mở mang buôn bán ở Cù lao Phố. Ông đã nhiều lần cầm binh đánh dẹp Cao Miên, giữ an bờ cõi, mở rộng biên cương nước Việt. Chính vì vậy, chúa Nguyễn đã ban danh hiệu cao quý "Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt". Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đều phong ông làm "Thượng đẳng thần".

Tiếc là sự thịnh vượng của cù lao Phố chỉ kéo dài được 97 năm (1679-1776), bởi đã xảy ra hai sự kiện lớn:

- Năm 1747, một nhóm khách thương người Phúc Kiến qua lại buôn bán, thấy Cù lao Phố rất giàu có nên dậy lòng tham, muốn chiếm lấy để làm chỗ dung thân lâu dài. Cuộc bạo loạn do Lý Văn Quang (tự xưng là Giản Phố Đại vương) cầm đầu bị quan quân chúa Nguyễn dẹp tan nhanh chóng, nhưng Cù lao Phố cũng đã chịu nhiều thiệt hại.

- Năm 1776, quân Tây Sơn đã đến đàn áp những người Hoa ở Cù lao Phố vì họ đã ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh. Trịnh Hoài Đức mô tả: Nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước (Gia Định thành thông chí). Bởi vậy, các thương gia người Hoa rủ nhau xuống vùng Chợ Lớn (nay là Quận 5 và Quận 6, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), sinh sống và lập những cơ sở thương mại khác cho đến nay...

3. MẠC CỬU XÂY DỰNG CĂN KHẨU QUỐC

Mạc Cửu hay Mạc Kính Cửu (1655 – 1735) là một thương gia có gốc ở xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. 

Nhà Minh dù đã mất hẳn nhưng mãi đến năm Khang Hi thứ mười chín (năm 1680), vùng Quảng Đông mới bình định xong. Thương nhân trẻ Mạc Cửu không chịu khuất phục trước chính sách cai trị của nhà Đại Thanh, mới chạy qua phương Nam, trú tại Nam Vang (nay là Phnom Penh). Do tình hình Chân Lạp hết sức rối ren, ông bỏ Nam Vang về phủ Sài Mạt (nay thuộc tỉnh Kampot, Campuchia) là điểm buôn bán trên đường giao thương giữa Oudong và Hà Tiên. Ông thấy ở phủ Sài Mạt, người Việt, người Trung Hoa, Cao Miên, Chà Và các nước tụ tập mở trường đánh bạc để lấy xâu, gọi là thuế hoa chi, bèn thầu mua thuế ấy rồi trở nên giàu có. 

Vốn có đầu óc tổ chức, Mạc Cửu gom dân lưu tán lại lập ra 7 xã: Cà Mau, Rạch Giá, Phú Quốc, Vũng Thơm (Sihanoukville), Hà Tiên,..., (dọc bờ biển Tây, từ Cà Mau đến Vũng Thơm) và tự đứng ra cai quản. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo sông Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.

Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm (hay Mang Khảm, Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kampong Som), Sài Mạt (Cheal Meas hay Banteay Meas), Linh Quỳnh (Kiri Vong) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (tức Hà Tiên), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có).

Vì quá giàu có, vùng đất của Mạc Cửu thường xuyên bị quân Xiêm La cướp phá, mà Cao Miên không đủ sức mạnh quân sự để bảo vệ. Lúc này ở Gia Định, các chúa Nguyễn đã lập xong phủ Gia Định. Người Việt và các di thần người Hoa đang định cư yên ổn. Nhận thấy muốn tồn tại phải có thế lực đủ mạnh để bảo vệ, che chở cho lãnh địa mà ông đã tốn công gây dựng. Sau khi cân nhắc, năm 1708, Mạc Cửu cùng thuộc hạ là Lý Xá, Trương Cầu đem lễ vật đến xin thần phục. Chúa Nguyễn Phúc Chu đồng ý tiếp nhận, ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng qui tụ về đông đúc hơn.

Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh. Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Năm 1735, Mạc Cửu mất, được truy phong Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị Công. Con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành Hà Tiên trấn. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu). Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Tân An, Long An) và Lôi Lập (Gò Công) để được về Nam Vang cai trị.

Năm 1757, nội bộ nước Cao Miên có loạn, vua Cao Miên là Nặc Tôn phải chạy sang nương nhờ đất Hà Tiên. Lúc đó, Mạc Thiên Tứ đã tâu với chúa Nguyễn xin cho quân tướng hộ tống Nặc Tôn về nước làm vua. Sau đó, Nặc Tôn đã cắt đất trả ơn cho Mạc Thiên Tứ 5 phủ phía Tây Nam nước Chân Lạp ven bờ Vịnh Thái Lan. Mạc Thiên Tứ đem đất 5 phủ dâng chúa Nguyễn, chúa Nguyễn nhập đất 5 phủ này vào trấn Hà Tiên, đồng thời chúa cho lập ra hai đạo Kiên Giang (lỵ sở là Rạch Giá) và Long Xuyên (lỵ sở là Cà Mau) đều thuộc trấn Hà Tiên. Năm 1774, Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia Đàng trong thành 12 dinh, nhưng vẫn để lại trấn Hà Tiên, phong Mạc Thiên Tứ làm Đô đốc cai trị.

Khi sức mạnh của các chúa Nguyễn suy yếu dần và Tây Sơn nổi lên năm 1778, Hà Tiên suy tàn dần bởi các cuộc tấn công, cướp phá của Xiêm La và hải tặc.

#midnighttalks #metaminds #lichsu #cuulong  #khaoco #mekong

____________________

Theo dõi và xem lại chương trình qua:

📷 Youtube và Facebook: Midnight Talks

Liên hệ chúng mình qua:

📩 Email: midnighttalks.t7@gmail.com

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Tony Buổi sáng: TAY TRẮNG LÀM NÊN NGHIỆP LỚN: TIÊN QUYẾT KHÔNG PHẢI CÓ TIỀN MÀ PHẢI CÓ GAN 

 TAY TRẮNG LÀM NÊN NGHIỆP LỚN: TIÊN QUYẾT KHÔNG PHẢI CÓ TIỀN MÀ PHẢI CÓ GAN 

(Bài viết rất hay, chạm đến lòng tự ái của bất kỳ ai)

1. THOÁT NGHÈO TỪ ĐÂU?

Một bạn trẻ than thở, vì hồi đó nhà nghèo, không có tiền nên không đi học thêm tiếng Anh. Ra trường lương thấp nên không đủ tiền học tiếng Anh và cũng không có thời gian học. Và chấp nhận nghèo, không có việc ngon, do hoàn cảnh.

Bạn trẻ khác lại than, vì không có tiền nên không thể đi đây đi đó, không biết thế giới người ta làm gì mà bắt chước. Lâu lâu được đi không quan sát học hỏi gì vì đầu ó.c phàn nàn mấy cái vụn vặt như phục vụ không tốt, dịch vụ không xứng với chi phí bỏ ra, căng thẳng đòi lại tiền đền.

Ông nông dân than tôi không có tiền mua giống trồng cây, vật tư, tưới tiêu. Vì vậy cuối năm cũng không có thu hoạch gì, chấp nhận nghèo rớt mùng tơi. Cái mùng đã tơi rồi mà còn rớt.

Một ông chủ doanh nghiệp nhỏ than: Công ty quy mô này tiền đâu thuê người giỏi hay quảng bá mạnh. Vì không có người giỏi và ít người biết nên doanh nghiệp không phát triển được.

2. VẬY MẤU CHỐT GIẢI BÀI TOÁN NÀY NẰM Ở ĐÂU?

Hỏi chú V, chủ tịch tập đoàn vài chục ngàn tỷ, chú nói: "Đột phá từ tư duy. Nghĩ khác, làm khác với toàn bộ nhận thức xưa nay của mình".

 m thầm làm việc theo ý mình, chả phải hỏi ý kiến ai. Ví dụ: 1999, chú Đức gửi trăm bức thư mới mời được ngôi sao bóng đá Kiatisak về. Bay sang Thái chuyển tiền lương luôn cho người ta không đổi ý. Dám chơi vậy không?

Học mãi tiếng Anh hoặc cái nghề gì đó mình ưa thích mà không xong. Nghỉ việc rồi âm thầm tu luyện mấy tháng, thậm chí mấy năm rồi xuất hiện. Dám không?

Ở thành phố cạnh tranh không lại, dạt về ngoại ô, về tỉnh xa làm. Lâu lâu "oánh" con Mẹc lên thành phố shopping. Dám không?

V.ay vốn làm ăn, thế chấp tất cả, kể cả niềm tin. Thành thì hưởng vinh quang, bại thì n.ợ nần, trả không được thì l.ao lý, có chơi có chịu, dám làm dám chịu. Ở tù vì tội kinh tế, với người làm ăn, là việc m.ất thời gian chứ không liên quan gì đến nhân cách. Họ phải trả giá cho việc ra quyết định sai trong kinh doanh, đầu tư. Tuổi thọ 80 năm, chọn làm doanh nhân, ở t.ù 5 năm thì coi như tuổi thọ mình giảm còn 75 tuổi. Chứ sợ sai mà không dám ra quyết định kinh doanh tài chính thì sao làm lớn. Hiểu biết, tính toán, nắm luật, trung thực, minh bạch, tin dùng người....đều chỉ có thể hạn chế thấp nhất chứ không thể triệt tiêu 100% mọi rủi ro được. Dám không?

Nếu một người chấp nhận đánh đổi, trả giá....người đó có tố chất của người kinh doanh. Không sợ m.ất tiền, M.ẤT KHÔNG TIẾC, "mất thì làm lại", đó là tố chất của người TỰ TIN vào năng lực bản thân. Người này sẽ làm nên đại nghiệp.

Còn vẫn sợ, vẫn muốn an toàn thì nên làm nghề hành chính sự nghiệp, giáo viên chẳng hạn. Xin vô biên chế 1 lần rồi cứ thế đến ngày về hưu. Mỗi ngày làm công việc như mọi ngày. Nói những câu đó, những động tác đó năm này qua tháng nọ, nếu mình thấy thú vị thì OK.

Còn muốn làm kinh tế, phải dẹp bỏ tư duy sợ hãi hay lặt vặt. Đã chọn nghề thì phải chấp nhận "sinh nghề t.ử nghiệp". Chọn làm bác sĩ phải chấp nhận nguy cơ lây b.ệnh từ b.ệnh nhân. Làm vệ sĩ phải chấp nhận bị đ.o.ạ.t m.ạng để bảo vệ thân chủ. Không thể khi kẻ xấu t.ấn c.ông, mình làm nghề vệ sĩ mà vội vàng đẩy ông thân chủ ra đ.ỡ đ.ạ.n, mình núp phía sau he hé mắt nhìn.

Chọn làm kinh tế mà "nhiêu đó được rồi", "chồng giám đốc, vợ kế toán trưởng", quy mô gia đình, không dám cho người ngoài vào vì sợ m.ất thì sao lớn mạnh được. Trí tuệ, vốn liếng, quan hệ, kinh nghiệm...phải huy động từ xã hội mới làm lớn được. Nhưng có thể có nguy cơ m.ất cả công ty vào tay người khác. Thì có sao, M.ẤT THÌ LÀM LẠI. Hoặc làm xong thì b.á.n công ty, mở cái mới. Giờ công ty là h.àng h.oá, người ta đã xây dựng công ty và rao b.á.n công ty rồi, mình có cái business nhỏ xíu ôm miết. Sợ m.ất tiền là còn chưa đủ tài năng. Người tài năng chả sợ m.ất tiền đâu.

Mình không dám đánh đổi, không nghĩ lớn, không chịu rủi ro thì sẽ làm ăn cò con, đắp đổi qua ngày, nhiêu đó làng nhàng miết.

Dân gian có câu:

- Có phúc làm quan, CÓ G.A.N LÀM GIÀU

- Được ăn cả, ngã về không (zero-game)

- Năm ăn, năm thua

- Được làm vua, thua làm chốt (con vua con chốt trong bàn cờ).

- Thà một phút thật giàu rồi chợt tắt. Còn hơn nghèo hiu hắt suốt trăm năm.

- Dân tộc giàu mạnh đều có m.áu chinh phục. Dân tộc nghèo đói có m.áu mai phục. Người giàu vì người ta suy nghĩ tích cực, người nghèo vì sở hữu đặc tính tiêu cực (dù trí thông minh của mọi dân tộc là như nhau).

Đời người vĩ đại hơn thua nhau ở chữ DÁM. Bấm nút play. Nghĩ rồi đứng dậy làm luôn, c.h.ế.t là cùng. Đó là tư duy của 5-10% dân số. Thành công như Israel hay Hàn Quốc thì có 30-50% dân số làm chủ, họ thuê người nước ngoài làm việc cho họ, họ cười khẩy khi các bạn trẻ VN hỏi: "Ai cũng làm chủ hết thì lấy ai làm công", họ nói "thì m.à.y".

Còn lại thì nói cỡ nào cũng khó mà lay chuyển lòng họ. Háo hức lắm, quyết tâm lắm nhưng tới phút 89, nghĩ lại nên thôi. Em xin dừng cuộc chơi tại đây để bảo toàn số tiền vừa kiếm được, nghe thật đáng thương, lên tivi có một lần, chơi thì chơi trọn vẹn, còn tiền thì kiếm ngoài đời lúc nào chẳng được. Đời em thế thôi, động n.ão thu gom để 1 vợ 2 con 3 tầng 4 bánh, vun vun vén vén cho gia đình mình. Xong rồi hết cuộc đời! 100 năm 1000 năm, chả ai nhớ mình là ai đã từng đi qua trái đất này. Không có bất cứ thành tựu gì để lại cho nhân loại, cho xã hội, cho quê hương, cho đất nước, cho tỉnh nhà, cho huyện nhà. Nước yếu là do trong dân ít người có chữ DŨNG, nghĩ nhỏ, nhút nhát, sợ m.ất nên nghèo.

Thì cũng không có gì sai! Nhưng nếu tầm suy nghĩ chỉ tới đó, mà là đứa có trí thì hơi uổng. 100% doanh nhân làm lớn, cơ nghiệp vài trăm tỷ trở lên, không ông nào mục tiêu mở nhà máy xí nghiệp ra chỉ để làm giàu, kiếm tiền cả. Nếu mục tiêu tối thượng, h.am muốn tột bậc của mình là làm giàu, thì sẽ mãi không thể làm lớn. Vì sẽ sợ m.ất khi có chút tiền trong tay.

Người xưa có câu nói về sự nghiệp: "Nếu bạn từ bỏ thì sau này nhất định bạn sẽ hối hận", ai học chữ Hán Nôm sẽ biết câu này. Đại đa số ban đầu thì hào hứng làm, nhưng vài tháng thì thấy cực, thấy khó, nản chí bỏ cuộc để tìm cơ hội tốt hơn, nhưng không mấy ai có được cơ hội gì cả. Như nhiều nông dân n.ôn n.óng, trồng cây mấy năm, chuẩn bị ra hoa ra quả thì đã ch.ặt bỏ để trồng cây mới.

Doanh nghiệp cũng như cây trồng, cũng phải 5-10 năm mới có trái được chứ!

Nguồn: Tony Buổi sáng

FB Matthew NChuong: Chữ Quốc ngữ là "LATIN HÓA TIẾNG VIỆT"? NHẬN XÉT NÀY HOÀN TOÀN SAI BÉT!

 Chữ Quốc ngữ là "LATIN HÓA TIẾNG VIỆT"? NHẬN XÉT NÀY HOÀN TOÀN SAI BÉT!

Theo Facebook Matthew NChuong

* Trong khi đó, dùng Hán tự, tiếng Việt buộc phải "HÁN (biến) HÓA"!

&1&

Xin nhớ rằng: ký tự biểu ý (Hán tự), ký tự biểu âm Latin đều là cái vỏ văn tự, còn "hồn cốt" nằm ở TIẾNG (NÓI) VIỆT. Văn tự lý tưởng nhứt, thích hợp nhứt là phải ghi được toàn bộ tiếng (nói) Việt.

Chỉ là mượn cái vỏ văn tự Latin thôi, nhưng đã bị hiểu sai trật qua mệnh đề phát biểu như sau: "chữ Quốc ngữ là Latin hóa tiếng Việt". Nhiều người vô tình cũng lặp lại như rứa, mà không biết mình đang lặp lại một mệnh đề vô nghĩa hết sức!

&2&

Đây, xin giải thích. 

2a) Khi quí bạn phát âm tiếng Việt: "máu", "thịt", "ăn", "uống", "ngày", "tháng", "năm" - nếu dùng Hán tự làm văn tự để ghi lại, quí bạn biết chuyện gì xảy ra không? 

Hoàn toàn KHÔNG có chữ Hán nào phát âm thành "máu", "thịt", "ăn", "uống", "ngày", "tháng", "năm" ráo trọi!

Mà "thịt" buộc phải đọc thành: "nhục" 肉 / "máu" buộc phải đọc thành: "huyết" 血 / "ăn" buộc phải đọc thành: "thực" 食 / "uống" buộc phải đọc thành: "ẩm" 飲 / "ngày" buộc phải đọc thành: "nhật" 日 / "tháng" buộc phải đọc thành: "nguyệt" 月 / "năm" buộc phải đọc thành: "niên" 年.

Tức là những tiếng NAM ÂM (thuần Việt) của chúng ta, như mấy dẫn chứng nêu trên, buộc phải HÁN (biến) HÓA, trở thành "âm Hán-Việt" một khi ghi bằng Hán tự đó đa! 

Thêm ví dụ này nữa, nghe cho thấm. Bạn thốt lên, "Mẹ, con yêu mẹ!"; nếu dùng Hán tự để ghi: "媽媽, 我愛你 !". Bạn biết chuyện gì xảy ra không? 

Câu nói bằng Nam âm (thuần Việt) gần gũi, ngọt ngào "Mẹ, con yêu mẹ" biến mất tiêu, mà phải HÁN (biến) HÓA trở thành âm Hán-Việt đọc là... "Ma ma, ngã ái nhĩ"!

Những tiếng Nam âm của chúng ta, như "ngày", "tháng", "năm", "máu", "thịt", "ăn", "uống", "con yêu mẹ"... BỊ LOẠI KHỎI nếu dùng Hán tự làm văn tự chính thống; muốn có mặt thì phải HÁN (biến) HÓA thành những âm gọi là "Hán-Việt" đồng nghĩa!

(Những tiếng Nam âm được GHI lại trong chữ Nôm, KHÔNG ghi trong chữ Hán. Đọc ghi chú, ở cuối bài này: *) 

2b) Còn chữ Quốc ngữ, dùng văn tự biểu âm Latin?

Khi bạn dùng chữ abc ghi lại tiếng (nói) Việt: "máu", "thịt", "ăn", "uống", "ngày", "tháng", "năm"..., có phải biến âm kiểu nào đó theo tiếng Latin không? KHÔNG! Chỉ là tiếng Việt, chỉ có tiếng Việt mà thôi.

Hoàn toàn KHÔNG có cái gọi là "Latin hóa tiếng Việt" ở đây!

Trong khi đó, "máu", "thịt", "ăn", "uống", "ngày", "tháng", "năm" nếu dùng Hán tự để ghi, thì BUỘC PHẢI BIẾN ÂM theo tiếng Hán, gọi là "âm Hán-Việt", để thành "huyết", "nhục", "thực", "ẩm", "nhật", "nguyệt", "niên". 

Tức là PHẢI "Hán hóa tiếng Việt", theo một cách đặc biệt, trở thành những lớp từ vựng gọi là Hán-Việt! 

----------------------------------------------------------------

(*) Những tiếng Nam âm (thuần Việt) bị gạt ra khỏi Hán tự, thành thử tiền nhân chúng ta dùng chữ Nôm để lưu lại Nam âm khỏi bị sống cảnh vất vưởng. 

Đa phần chúng ta không nghiên cứu ngôn ngữ (vì mỗi người bận bịu những công việc khác nhau trong đời) nên không phân biệt được sự khác nhau giữa chữ Nôm và chữ Hán, thấy đều "chữ vuông" ráo trọi. Chỉ cần ghi nhớ rằng: DI SẢN TIẾNG THUẦN VIỆT KHÔNG CÓ MẶT TRONG HÁN TỰ! 

Âm Hán-Việt : "hoa" (花), "quả" (果), "nhục" (肉), "huyết" (血), "nhật" (日), "nguyệt" (月), "niên" (年), "thực" (食), "ẩm" (飲);  

Đây, Nam âm: "bông" (葻), "trái" (𢁑), "thịt" (𦧘), "máu" (𧖱), "ngày" (𣈜), "tháng" (𣎃 ), "năm" (𠄼), "ăn" (𫗒), "uống" (𠶖 ).

* Hình ảnh: Giáo sĩ Alexandre Rhodius (Đắc Lộ), người có công lao rất lớn trong việc xây đắp bộ chữ abc DÀNH RIÊNG CHO TIẾNG VIỆT. 

(dưới): Trương Vĩnh Ký, chủ bút Gia Định báo, là người đã gọi bộ chữ abc là CHỮ QUỐC NGỮ.

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Khải Đơn: Đừng bán tuổi trẻ với giá quá rẻ.

Tháng 4, tôi đi Tây Ninh. Buổi chiều hôm ấy ngồi trong quán cà phê, nói chuyện với một em trai 17 tuổi. Nhà em ở huyện Bến Cầu. Nghỉ học giữa chừng, em đi làm giữ xe ở quán cà phê, một tháng kiếm 2 triệu, chủ quán bao cơm.

Em ngồi như vậy từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối, cùng với một người nữa, có thay phiên để nghỉ ngơi chút đỉnh trong giờ vắng khách. Mỗi ngày em kiếm được chừng 70.000 đồng. Em không phải người trẻ đầu tiên tôi gặp phải bán thời gian trẻ nhất của mình để kiếm đủ số tiền lo hai bữa ăn và giúp đỡ một người thân nào đó trong cuộc sống thường nhật.

Ở Sài Gòn cũng không khác. Hàng chục ngàn em trai, em gái, 13 -15 tuổi, trẻ trung, xinh đẹp, lơ ngơ vào thành phố, làm một công việc gì đó như giữ xe, ngồi ghi vé xe, ngồi xếp trái cây, đứng xếp sữa lên kệ, ngồi đánh dấu người ra vào cơ quan… Những công việc ấy có ưu điểm: đem lại miếng ăn – vốn cực kỳ ngặt nghèo và khó khăn với những đứa trẻ ở nông thôn, sinh ra trong gia đình nghèo khó và không có việc làm. Em nói với tôi: “Em may mắn có việc, chứ bạn em ngồi quán cà phê cả ngày, không việc làm, lại nợ tiền… cà phê”.

Chuyện nói ra như đùa. Thật là một tin mừng vì cuối cùng những người trẻ ở nông thôn cũng tìm được việc gì đó làm, kiếm được chút tiền cho bữa ăn hàng ngày, và họ không phạm tội ác gì ghê gớm vì… quá rảnh. Nghĩ như vậy cho lạc quan, bởi còn biết bao người trẻ ngoài kia la cà ngoài quán game, thất nghiệp thành trộm cướp, ăn bám gia đình.

Nhưng tương lai của họ là gì, nếu năm tháng đáng giá nhất này, họ chỉ ngồi để kiếm tiền. Họ ngồi hết 8 tiếng, 12 tiếng rồi trở về nhà, ngã lăn trên những tấm chiếu tạm bợ của phòng trọ, ngủ say ngất đi, để rồi sáng mai lại tỉnh dậy, ngồi tiếp những ngày tháng khác hòng có tiền lương mỗi tháng. Họ không tiến triển chút nào trong nghề nghiệp, hoặc có thêm rất ít chuyên môn, vì chuyên môn chính chỉ là ngồi, nhìn, đứng, đi lại, hỏi han, dắt xe.

Đó là các nghề lương thiện. Nhưng đó là các nghề bán đổi tuổi trẻ và thời gian để lấy tiền mưu sinh, nơi các ông bà chủ nhìn vào bạn, thấy bạn 18 -20 tuổi, trẻ khỏe, xinh đẹp, có thể dắt xe không mỏi tay, đứng lâu không mỏi chân, hay xinh đẹp cho khách đến nhìn cho đẹp mắt (giống một cái bình hoa). Người ta trả tiền để mua tuổi trẻ và tháng ngày của bạn, với giá 100.000 đồng 24 giờ. Giá siêu rẻ!

Tôi quen một thầy giáo, ông rất giỏi tiếng Anh. Khi ông theo một chương trình nghiên cứu đi Mỹ, chúng tôi ngồi nói chuyện. Ông kể rằng năm ông 14 tuổi, vì gia đình gặp nạn, cha ông đi tù, mẹ ông từ người làm công chức phải ra hàng chạy chợ kiếm tiền nuôi 4 đứa con. Ông “đã lớn” nên phải theo mẹ ra chợ giữ xe, nghỉ học sớm. Hàng ngày ông xé một trang trong quyển từ điển tiếng Anh loại rẻ tiền mà ông mua ở một hàng sách cũ, dắt theo trong người, rồi ra bãi giữ xe.

Hết ngày hôm đó, dù có phải dắt xe hay không dắt xe, đông khách hay không đông khách, ông cũng quyết phải học thuộc các từ trong ấy, dùng bút chép lung tung vào quyển vở mang theo. Quyển từ điển vơi dần, ông cũng thuộc thêm nhiều từ, nhiều câu, cộng với mấy quyển sách học viết, ông tự học tiếng Anh và vẫn đi giữ xe, kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Khi tiễn ông ra sân bay, tôi không thể tin người đàn ông chững chạc và thành đạt trước mắt mình lại từng 14 tuổi, đi giữ xe, chạy chợ và học thành thạo một ngôn ngữ.

Khi nhìn thấy những ánh mắt trẻ làm các nghề ngồi, nghề giết thời gian đổi tiền, tôi nghĩ tới ông, nghĩ tới cả những người Nhật tôi từng gặp, đi một chuyến tàu 20 phút về nhà cũng giở sách ra đọc, coi như đọc được vài trang. Mỗi ngày người công chức Nhật đi làm đọc 3 trang sách, 30 ngày là được 30 trang từ điển và 90 trang sách. Cái thời gian ngắn ngủi, ngán ngẩm và tiêu tốn mà các bạn đang phải đem ra để đánh đổi lấy tiền ăn, tiền sống, thực ra cũng có thể tận dụng theo một cách khác.

Bạn có thể đọc hết một quyển sách trong 3 tháng, có thể chậm hơn một em sinh viên ngồi cả ngày trong thư viện. Bạn có thể học hết một quyển chuyên đề trong 4 tháng, càng chậm hơn so với một người có chuyên ngành và được cha mẹ trả tiền cho đi học. Nhưng dù chậm trễ đến vậy, bạn cũng đang tiêu xài những khoảnh khắc ngắn một cách có ích, thay vì ngán ngẩm ngồi nhìn khách vào tòa nhà, ngán ngẩm ngồi canh kệ thuốc lá, ngán ngẩm ngồi chờ khách ra xe, ngán ngẩm mở những clip hài trên mạng cho nhau xem, cười hề hề, xem truyện (nên đọc khi về nhà ngủ), check Facebook, tán dóc điện thoại, tốn tiền xem hàng online giá rẻ mà không có lúc nào đi mua được.

Lâu rồi, trên đài phát thanh tôi từng nghe, có kể chuyện một anh chế máy nông cụ. Người ta hỏi anh vì sao làm công chức giấy tờ lại biết chế máy cho nông dân, mà chế có vẻ thực tế vậy. Anh kể, hàng ngày tôi đi làm, đều phải ngồi xe công ty một tiếng để tới thành phố vào làm. Một tiếng đó tôi ngồi đọc sách, vẽ mẫu, xong đâu đấy thì chế thử, cuối cùng cũng ra.

Vậy là khi vài chục người khác cùng công ty trên chuyến xe của anh đang ngủ, đang tán dóc, đang nghe nhạc, đang nói xấu đồng nghiệp, thì anh ta đọc sách. Với một năm đi làm, anh ta vừa có lương, vừa “thặng dư” được 200 – 300 giờ đọc sách, tức là tương đương 8 – 12 ngày đọc sách 24 giờ liên tiếp. Mớ kiến thức tưởng chừng đùa giỡn của anh công chức, trang từ điển tưởng chừng xé ra chơi của ông thầy, gom lại đã thành một tương lai rất khác của người ta – khi ta trẻ và thừa thãi thời gian để tiêu phí.

Bây giờ còn dễ hơn xưa cả trăm lần. Ông thầy tôi phải tốn công xé giấy, anh công chức phải vác sách theo. Chớ bây giờ, ai cũng có cái điện thoại để nghe nhạc, chơi Facebook, xem phim, xem clip hài. Mấy cái điện thoại đó có thể xem được vô số loại sách vở trên đời, cứ mở ra nhìn vô là thấy thứ để đọc.

Hãy tưởng tượng mà xem, khi bạn 18 -20 tuổi, người ta sẵn sàng thuê bạn để ngồi, để làm bảo vệ, làm tiếp viên, làm nhân viên đón khách… vì bạn trẻ, đẹp, có nụ cười tươi, có sức khỏe, có vóc dáng. Đến khi bạn 40 tuổi, nhan sắc tàn, sức khỏe xấu, vóc dáng béo phệ, và bạn vẫn chẳng biết làm gì hơn là bán thời gian của mình để… ngồi, liệu có còn ai thuê bạn không?

Vào một lúc nào đó… ta phải chi xài tuổi trẻ của mình một cách hợp lí, dù đang bị trăm thứ cơm áo gạo tiền ghì lấy.

Mình phải biết một thứ gì đó thật tốt, phải có một “chuyên môn” gì đó, dù nhỏ tí xíu và đơn giản, phải có tri thức cho chính mình, dù ít hay nhiều. Trong một bài nói chuyện tôi từng nghe, bà diễn giả bảo bà cực kỳ ngạc nhiên về sự thay đổi của công nhân Trung Quốc, ở khu công nghiệp bà khảo sát, có những lớp dạy tiếng Anh cả 2-3 giờ sáng, dạy theo bất cứ ca nào có công nhân cần học. Và giờ thì giá tiền lương công nhân Trung Quốc hết rẻ nhất rồi vì họ chăm quá mà.

Thôi mình đừng ngồi ngơ ngác nhấn chìm thời gian ... chỉ để đổi lấy vài triệu ít ỏi cho cơm áo hàng ngày nữa!

nguồn: khải đơn

LeVanQuy sưu tầm

❤ ❤ 

* “Bạn không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần làm mọi người không đọc sách”. - Ray Bradbury