NGƯỜI HOA Ở NAM KỲ
Cộng đồng người Hoa ở Nam Kỳ có lịch sử hình thành khác hẳn ở Bắc và Trung. Như ở stt khác về lịch sử Nam Kỳ mình đã viết, người Hoa đến Nam Kỳ từ thế kỷ 17, chủ yếu là những người theo nhà Minh, bỏ nhà Thanh, mà đứng đầu là các tướng Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên đem 3000 quân cùng gia quyến sang hàng chúa Nguyễn và được "giao đất" ở Mỹ Tho và Đồng Nai. Nhóm khác theo Mạc Cửu vào đất Hà Tiên gây dựng cơ đồ trên đất của Chân Lạp, sau lại về theo chúa Nguyễn. Đó là những cư dân người Hoa đầu tiên sinh cơ lập nghiệp ở Nam Kỳ.
Đến thời Tây Sơn, người Hoa đa số theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn nên bị Nguyễn Huệ tàn sát rất nhiều nên chạy dạt từ Đồng Nai về Chợ Lớn bây giờ và thành lập cộng đồng người Hoa lớn nhất VN. Tuy nhiên, lượng người Hoa có gốc gác Đàng Trong này vẫn không phải có số lượng đông nhất miền Nam, họ chỉ đông nhất ở các tỉnh miền Tây như Mỹ Tho, Cần Thơ, Hà Tiên và đã bị đồng hóa rất nhiều, tạo nên cộng đồng người Minh Hương. Lượng người Hoa đông nhất lại hình thành vào thời Pháp thuộc, thời VNCH thì mình không có số liệu nên không rõ lượng di dân có đông không. Có lẽ không nhiều bằng vì chế độ CS TQ không cho di dân tự do. Lượng người Hoa di dân tới Nam Kỳ đông nhất là năm 1938 với 63 400 người, trong vòng 23 năm từ năm 1923-1945 có tới 644 530 người Hoa tới Nam Kỳ, trong đó có 225 432 người ở lại hẳn. Số lượng này rất đáng kể khi so với người dân Bắc và Trung Kỳ được tuyển mộ vào Nam Kỳ làm việc chỉ có 307 150 người ở cùng thời gian trên. Những người di dân đợt sau này chủ yếu ở SG và Chợ Lớn. Lý do di dân chủ yếu là do người Pháp muốn có thêm người làm để khai khẩn đất Nam Kỳ.
Trước đây mình cứ ngỡ người Minh Hương cũng là người Hoa, nhưng không phải thế. Người Minh Hương thực ra là người lai Hoa - Việt. Từ thời nhà Nguyễn về trước, người Tàu sang VN làm ăn sinh sống phần nhiều chỉ là đàn ông, sang VN mới lấy vợ Việt rồi đẻ con. Vì lúc đó Nam Kỳ đất rộng người thưa, nhà Nguyễn muốn lấy luôn người lai đó làm người Việt nhưng đặt riêng thành tộc người mới, gọi là Minh Hương. Thời đó, nếu người Hoa đem vợ An Nam hay con lai về Tàu là bị xử tội rất nặng. Bắt buộc thành người An Nam.
Chính vì thế, người Tàu mà đi khai khẩn từ thời gian đầu đến ngày nay phần nhiều là người Minh Hương, vì là người lai nên họ bị đồng hóa nhiều, gần như người Việt, dân Minh Hương ở miền Tây là thấy rõ nhất, bản sắc Tàu không còn đậm nét như dân Hoa kiều ở Sài Gòn hay Chợ Lớn.
Đến thời Pháp thuộc, người Pháp vẫn theo lệ cũ với người Minh Hương, có thời điểm họ cho phép người con lai được chọn dân tộc là người Hoa hay Minh Hương, nhưng sau này vẫn theo lệ nhà Nguyễn là bắt buộc con lai phải thành người Minh Hương và đồng hóa với người Việt (thống kê dân số họ là người Việt). Có lẽ vì vậy nên cộng đồng người Hoa sau này sang VN mới sống co cụm lại với nhau ở vùng Chợ Lớn, không lấy vợ người Việt nữa để tránh bị đồng hóa, giữ được bản sắc Hoa kiều. Như stt về giáo dục mình đã viết. Người Hoa còn lập trường học riêng để dạy tiếng Hoa, nhưng bị chính quyền Pháp giám sát rất chặt chẽ.
Từ thời nhà Nguyễn, triều đình đã bắt người Hoa lập ra các bang để dễ quản lý. Đến thời Pháp thuộc, người Hoa buộc phải gia nhập các bang, nếu không nhập bang thì bị trục xuất. Có 7 bang tất cả: Quảng Đông (kinh doanh, ngân hàng), bang Phúc Kiến (thủ công nghiệp, xay xát gạo), bang Triều Châu (phu phen, cu li khuân vác), bang Haka - Hẹ (đánh cá và nông nghiệp), bang Phúc Châu, Quỳnh Châu, Hải Nam. Mỗi bang có bang trưởng, bang phó để quản lý. Những người Hoa lúc này không có quốc tịch Việt mà vẫn là Hoa.
Người Hoa thời Pháp thuộc bị quản lý rất chặt bằng thẻ cư trú (như hộ khẩu) và giấy thông hành, họ không được tự do đi lại và cư trú như người Việt. Có lẽ người Pháp vẫn lo ngại người Hoa do VN vốn là thuộc quốc của TQ. Người Hoa khi đó được miễn đi lính, nhưng phải đóng tiền, có quy chế bầu cử riêng như stt về bầu cử mình đã viết, thời gian đầu còn được tham gia Hội đồng TP, nhưng sau này thì không được. Có nghĩa là người Hoa không được tham gia làm chính trị.
Người Hoa chiếm ưu thế trong hoạt động thương mại ở Nam Kỳ. Người Hoa nắm đa số về công nghiệp xay xát gạo, kinh doanh lúa, gạo, chế biến gỗ, sản xuất rượu và nhiều ngành thủ công nghiệp khác. Vì nắm độc quyền nhiều ngành nên họ còn lũng đoạn thị trường, bóp nghẹt sự vươn lên của doanh nghiệp VN, cạnh tranh với doanh nghiệp Pháp. Vì thế đã có phong trào tẩy chay khách trú ở SG vào năm 1919 và lan khắp Nam Kỳ. Lý do là có thương gia người Hoa tỏ ý khinh miệt người Việt, thách đố phong trào tẩy chay. Người Việt biểu tình chống người Hoa, kêu gọi thành lập doanh nghiệp Việt để cạnh tranh, người Nam mua bán với người Nam.
Đến năm 1956, dưới chính quyền ông Diệm, thì những người Hoa này buộc phải nhập quốc tịch VNCH, coi như 1 dân tộc thiểu số. Lúc đó các bang cũng bị giải tán, không được coi là 1 tổ chức chính thức nữa, chỉ tồn tại không chính thức trong cộng đồng người Hoa (bang trưởng không còn ý nghĩa pháp lý). Thời kỳ quân quản, ông Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch UB hành pháp QG (thủ tướng), có xử các Hoa kiều tội đầu cơ gạo lũng đoạn thị trường, các bang trưởng này vẫn đứng ra chạy án, lobby tận chính quyền Đài Loan để tác động, xin giảm án tử nhưng không ăn thua.
Thống kê tương đối thì người Khmer chiếm khoảng 10%, người Hoa chiếm 5% dân số Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Nhưng ta thấy sức ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa của người Hoa với Nam Kỳ và sau này là VNCH rất lớn, hơn người Khmer rất nhiều. Hơn nữa, 2/3 dân số người Hoa lại sinh sống ở SG nên sức ảnh hưởng lại càng lớn so với người Khmer chủ yếu sống ở vùng sâu vùng xa.
Dương Quốc Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét