Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

TS. Alan Phan: ĐÀN CỪU VÀ BẦY SÓI

 ĐÀN CỪU VÀ BẦY SÓI

Một sự cố lúc lên 10 tuổi tạo nên một cảm nhận sâu sắc khiến tôi hiểu rõ mình hơn. Kiên, một thằng bạn thân luôn cặp kè bên tôi qua nhiều năm trường lớp, cùng tôi tạo cặp bài trùng giang hồ trong thế giới nhỏ bé của tuổi học trò. Cho đến một ngày, vì sự khích bác của một đứa con gái cùng học, chúng tôi chửi nhau và kết thúc bằng một cuộc vật lộn, giữa tiếng reo hò của nhóm.

Kiên lớn xác hơn tôi, nên sau một hồi, nó nằm trên và đấm liên tiếp vào mặt tôi. Sưng bầm, đau đớn, tôi loay hoay mò tìm được một cục đá lớn, đập thẳng vào trán nó. Máu phọt ra, Kiên sợ khóc rống và tôi cũng sợ, khóc theo. Sau khi lãnh thêm nhiều roi vọt từ thầy giám thị đến ông bố, chúng tôi làm lành và nắm tay nhau, hứa không bao giờ để một đứa nào, trai hay gái, làm sứt mẻ tình bạn. Nhất là một đứa con gái mập, mặt rỗ và hôi hám. Chúng tôi không hiểu ma quỷ nào đã khiến chúng tôi ngu thế.

Sau lần đó, vết máu trên trán Kiên ám ảnh tôi. Tôi tránh xa những cuộc cãi vả gây gỗ vì không muốn thấy những đau đớn mình gây ra cho kẻ khác. Ngược lại, Kiên thích đánh nhau hơn, trở nên tên du côn số một của trường. Hắn có thêm vài thằng lâu la phụ giúp và luôn gắng kéo tôi về phe hắn để phá làng phá xóm. Nhưng tôi từ chối và theo con đường học hành nghiêm chỉnh. Hắn thi rớt Tú Tài vài năm liên tiếp, còn tôi thì được học bổng qua Mỹ. Ngày về nước, tôi đến thăm gia đình, họ cho biết Kiên cầm đầu một băng đảng cướp, bị bắt đi tù ở Chí Hòa và chết trong tù sau một cuộc tranh chấp quyền lực gì đó của các tay xã hội đen.

Kiên có bản chất tốt. Hào hiệp, phóng khoáng, thích giúp đỡ người khác và trung thành với bạn bè. Nhưng khi diễn vai trò anh chị của giới giang hồ, Kiên tàn nhẫn vả lạnh lùng cho đúng vai diễn. Rất nhiều nhân vật khác ngoài đời, từ các chính trị gia đến các bố già, thường biểu hiện hội chứng quyền lực này và đều biến thái trầm trọng khi vai diễn đã nhập tâm xác.

Bóng tối của văn minh

Qua các nghiên cứu xã hội và nhận xét cá nhân, tôi thường chia con người trong xã hội thành 2 thành phần chính: sói và cừu. Sói sinh ra để săn, để cưỡng đoạt, để tạo dựng uy quyền, để làm “lãnh tụ” bằng bất cứ giá nào và đường nào. Cừu sinh ra để làm nạn nhân của sói, để được an phận và để phục vụ sói theo bản năng sinh tồn.

Sói hay cừu đều có thể rất thông minh hay ngu dại, rất liều lĩnh hay sợ sệt, rất cuồng tín hay nghi ngại…nhưng khi hành động thì luôn chạy theo cá tính cơ bản của mình. Sói là sói và cừu là cừu. Cừu có thể hoang tưởng cho mình là sói; nhưng sói thì không bao giờ nhầm lẫn.

Biết rõ bản chất thiên nhiên của sói và cừu là hiểu được cái tương quan trong quan hệ quyền lực của thực tại, dù trên bình diện chánh trị, kinh tế, xã hội hay gia đình.

Những cuốn sách gối đầu giường của các lãnh tụ (đang làm hay đang mong ước) về quyền lực phải là “Binh Thư Tôn Tử”, “The Prince” của Machiavelli và “ The 48 Laws of Power” của Greene. Những con sói muốn đi xa và sâu hơn trong sự nghiệp “lãnh đạo” cần đọc thêm tất cả những phù phép trong lịch sử của các quyền lực “cứng” như Hitler, Stalin, Pol Pot, Mao Trạch Đông, Napoleon…và những quyền lực “mềm” như Christ, Lincoln, Churchill, Warren Buffett, hay Ghandi.

Cá nhân tôi, sau bao học hỏi về lý thuyết, cũng như qua những trận đấu sinh tử trong đời làm ăn, rút ra được vài quy luật căn bản về quyền lực, không đầy đủ nhưng rất thiết yếu để các bạn trẻ “bớt ngây thơ” về thế giới của đàn cừu và bầy sói.

1. Không bao giờ có chuyện nhượng quyền tự nguyện

Văn hóa từ chức hiện diện trong nhiều xã hội văn minh và nặng lòng tự trọng. Nhưng một con sói đúng nghĩa chỉ bước xuống khi không còn lựa chọn cho tương lai mình. Từ chức là hành động duy nhứt để cứu vãn chút hư danh còn sót lại. Trong những xã hội hoang dã hơn, hy vọng lãnh tụ sẽ tỉnh ngộ để nhường ngôi cho người tài giỏi hơn là một hiện tượng tự sướng dành riêng cho các trí thức tháp ngà ngây thơ và thích lý tưởng hóa thực tại. Những vị học giả này là những con cừu thông minh nhưng hèn kém và sợ sệt mọi đấu tranh có thể làm bẩn áo quần.

Tôi còn nhớ câu chuyện của một anh bạn bị vợ sói nắm đầu tuyệt đối trong mọi sinh hoạt 24/7, trong và ngoài nhà. Sau một chầu rượu và lời khuyên nhủ của bạn bè, anh chồng cừu về nhà đóng cửa phòng, chỉ mặt vợ,” Gia đình này phải thay đổi. Tôi không thích một chút gì đang xảy ra tại đây”. Bà vợ sói nghiêm giọng,” Tôi đồng ý hoàn toàn. Bắt đầu ngay bây giờ sẽ có những thay đổi lớn lao. Và tôi chắc là anh càng không thích những thay đổi này”.

2. Không bao giờ có chuyện sói thương cừu và hy sinh cho cừu

Có những sói lãnh tụ diễn vai rất xuất sắc và mạng lưới PR của đàn em rất tinh xảo để đem một thông điệp và một hình ảnh tuyệt vời về lòng yêu nước thương dân, những hy sinh vì đại nghĩa trong quá khứ (phần lớn là BS đã được xịt nước hoa Gucci), và một viễn ảnh mê hoặc của một thiên đường đầy buffets, chân dài và siêu xe. Đây là những con sói cực kỳ nguy hiểm vì không những bầy đàn phe nhóm của chúng rất lớn rộng, mà chúng sẽ thu hút rất nhiều “cừu thơ ngây” mang nhiệt huyết và ngây dại của tuổi trẻ phục vụ những ý đồ ngông cuồng để phá hoại toàn diện xã hội.

Các loại sói thường phản bội và bán đứng các đàn anh, đàn em của chúng để đạt điều mong muốn. Chúng đối xử tệ hại với sói đỡ đầu và cả với tay chân bộ hạ nên sự yêu thương dành cho đám cừu hay đám sói đối thủ là chuyện không bao giờ xẩy ra. Đừng hoang tưởng về bản chất thực sự của các sói lãnh đạo.

3. Các sói lãnh đạo không bao giờ “ngu”

Sói lãnh đạo có thể thiếu học vấn, không biết chuyên môn hay vụng về trong giao tiếp vì quen sống ở nhà quê hay rừng rú. Nhưng đừng đánh giá thấp trí thông minh sáng tạo của họ, nhất là khi phải đối đầu đánh đấm đối thủ và kẻ thù. Mao xem “trí thức không bằng cục phân” vì ông biết rằng thủ đoạn hay sự tàn bạo của ông sẽ dư sức bẻ gẫy mọi chống đối nửa vời của đa số người dân, có học hay không học.

Bao nhiêu sói và cừu đã bị tiêu diệt vì coi thường kỹ năng gian dối, tàn nhẫn và trí khôn của các sói lãnh đạo. Họ không hiểu là cái học sách vở không thể so sánh với kinh nghiệm chiến trường khốc liệt mà các sói lãnh đạo đã hấp thụ sau bao ân oán giang hồ.

4. Săn theo bầy nhưng sẵn sàng giết nhau để chiếm quyền

Đặc tính dễ nhận ra nhất là sói sống theo đàn, săn theo bầy, luôn vâng lệnh lãnh tụ và khi tấn công kẻ thù thì rất lớp lang chiến thuật, không kém một đạo binh thời drones này. Tuy nhiên, chỉ cần một điểm yếu lộ diện, là con sói đầu đàn sẽ bị đảo chánh và ăn thịt ngay. Chắc chắn là stress của các lãnh tụ này cao ngất trời xanh.

Cuộc chiến nội bộ âm thầm diễn ra liên tục. Do đó, dù sói không muốn giao quyền lại cho ai, và tìm đủ mọi cách để triệt hạ các đối thủ tiềm năng, định luật thiên nhiên luôn đào thải kẻ yếu và cho phép kẻ mạnh nhất, tàn nhẫn nhất ‘lãnh đạo”.

5. Quyền lực mềm bền vững hơn trong thời “kiến thức”

Qua lịch sử nhân loại, sói lãnh tụ mang đầy đủ sắc mầu và chiến thuật: mềm, cứng và những pha lẫn giữa hai thái cực. Các lãnh tụ tôn giáo và xã hội thường không có quân đội nên phải tùy thuộc vào kỹ năng biện thuyết và tạo động lực cho đàn em cũng như tín đồ. Bù lại, ảnh hưởng của họ thường vượt thời gian và không gian. Trong khi đó, các lãnh tụ “cứng” đo sự thành công của họ bằng những chiến tích và xác người. Nhất tướng công thành vạn cốt xương. Với ước tính hơn 60 triệu người bỏ mạng dưới tay ông, Mao Trạch Đông có lẽ là con sói “vĩ đại” nhất.

Tuy nhiên, nhờ công nghệ thông tin và đám mây Internet, dân chúng khôn ra và dấu hiệu về ngày tàn của các quyền lực cứng bắt đầu với Đông Âu, mùa xuân Á Rập và những bất ổn xã hội tải Trung Quốc. Điều quan trọng là cũng đừng nên đánh giá thấp sự phản ứng theo bản năng sinh tồn cùa các sói lãnh đạo “cứng”.

Một bài học về kỹ năng quản trị có thể soi sáng tâm trạng người dân? Hội Đồng Quản Trị của một công ty bỏ phiếu về một phi vụ sáp nhập. Phải có sự đồng thuận tuyệt đối nên khi một quản trị viên từ chối không bầu chấp thuận, mọi người còn lại thay phiên thuyết phục anh chàng cứng đầu này. Sau 2 ngày, họ báo cáo với ngài Chủ Tịch là hoàn toàn thất bại. Đến lượt ngài Chủ Tịch. Vốn xuất thân là một công an làng, xã, huyện đến tỉnh, ngài không mất nhiều thì giờ. Ngài thượng cẳng tay hạ cánh chân và 10 phút sau, ông quản trị viên bò càng ra đất. Ông nói bây giờ ông sẵn sàng bỏ phiếu thuận. Sau đó, Ban Quản Trị hỏi lý do gì làm ông thay đổi ý định nhanh như vậy khi gặp riêng ngài Chủ Tịch, ông trả lời, "Không ai giải thích cho tôi nghe vấn đề một cách tường tận rõ ràng như vậy”.

Sói hay cừu?

Quay lại với ông già Alan. Nhiều người hỏi thế ông là sói hay cừu? Tôi cũng muốn hoang tưởng cho mình là một con sói thông minh kiểu The Lone Wolf của văn chương Âu Mỹ. Nhưng tôi biết cá tính mình không bao giờ có thể làm sói, dù lãnh tụ hay theo đàn. Mà mình cũng không phải là cừu để làm nạn nhân của ai. Ở tuổi này, tôi chỉ có thể làm một con khỉ già, sống trên những tàng cây cao, tránh xa nanh vuốt của loài sói.

Và những đêm sáng trăng, đứng trên xa, nhìn tiếng hú gọi đàn của bầy sói và tiếng la hét kinh hoàng của đàn cừu, tôi mới hiểu tại sao Joseph Conrad nói về The Heart of Darkness. Không làm gì hơn ngoài một tấm lòng bất nhẫn… nhưng phải lặng im chấp nhận quy luật và chu kỳ của thiên nhiên.

- TS.Alan Phan -

Trích từ Bộ sách di sản Alan Phan

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

FB Matthew NChuong:  BỘ ÂM LỊCH ĐANG DÙNG, KHÔNG PHẢI DO TÀU SAN ĐỊNH !

(“san định” 删定, nghĩa là “sửa cho đúng, chắc chắn”) 

&1&

Âm lịch truyền thống của Trung Hoa lần đầu được khắc trên các mảnh giáp cốt từ thời nhà Thương cách đây trên 3.000 năm. Sau đó, ra đời một số phiên bản âm lịch được nghiên cứu sao ngày càng chuẩn xác hơn. Phiên bản cuối cùng, còn gọi là “lịch Sùng Trinh”, tức bộ âm lịch đang dùng ở Trung Hoa (và ở Việt Nam), được ban hành từ thế kỷ 17.

… Theo bộ âm lịch Sùng Trinh, ngày đầu năm âm lịch Giáp Thìn gần đến sẽ rơi vào ngày 10 tháng 2 năm 2024.

Vậy, sao nói bộ âm lịch đang dùng ... không phải do người Tàu?

"Sùng Trinh" 崇禎, người Tàu đọc / Chóng Zhēn / , là tên của hoàng đế cuối cùng của nhà Minh (1611-1644). Rồi, nhà thiên văn học có công san định là 湯若望, tiếng Tàu đọc /Tāng Ruò Wàng/ ("Thang Nhược Vọng), và nhà thiên văn học 鄧玉函 , tiếng Tàu đọc / Dèng Yù Hán ("Đặng Ngọc Hàm").

Danh tính ghi tên Tàu hẳn hoi, sao nói không phải do Tàu?

&2&

"Thang Nhược Vọng" là danh tính gọi theo kiểu Trung Hoa của vị giáo sĩ dòng Tên, người Đức: Johann Adam Schall von Bell. Vị tu sĩ này là một nhà thiên văn học uyên bác.

Trước đó, vị giáo sĩ Johann Schreck cũng dòng Tên (với tên gọi theo kiểu Trung Hoa 鄧玉函 "Đặng Ngọc Hàm") được ghi nhận là người đã giúp phát triển khoa học kỹ thuật trên đất Trung Hoa. 

Giáo sĩ Johann Schreck bắt tay vào san định bộ âm lịch (mới), nhưng đang làm dở dang thì qua đời (1576-1630).

Giáo sĩ Schall von Bell (1591-1666) tiếp nối công trình, hoàn chỉnh.  Bộ lâm lịch cải cách này dựa trên nền tảng thiên văn học của phương Tây – với những nghiên cứu, tính toán chu kỳ của mặt trăng chính xác hơn hẳn.

Sở dĩ bộ lịch được gọi “lịch Sùng Trinh”, đây là tên hoàng đế cuối cùng của nhà Minh, nhà vua chính thức ban hành BỘ ÂM LỊCH ĐƯỢC SAN ĐỊNH NHỜ CÔNG TRẠNG CỦA GIÁO SĨ DÒNG TÊN, vào năm 1644. 

Hoàng đế Sùng Trinh qua đời, và hoàng đế đầu tiên của nhà Thanh là Thuận Trị (順治) / Shùn Zhì / đã bổ nhiệm vị giáo sĩ dòng Tên Schall von Bell làm quan phụ trách Đài thiên văn Hoàng gia.

&3&

Cộng tác với các vị giáo sĩ dòng Tên, có vị đại quan Từ Quang Khải / Xú Guāng Qǐ / (徐光啓, 1562 –1633) là một nhà nông học, thiên văn học, toán học. 

Ông theo học đạo Công giáo với giáo sĩ người Ý Matteo Ricci, lấy tên thánh là Phao-lô, nhiệt thành trong sứ vụ truyền giáo, đồng thời phổ biến kiến thức khoa học. Ông dịch cuốn Kỷ hà nguyên bản (Cơ sở hình học) của Euclid sang tiếng Trung Hoa, viết một tác phẩm lớn về nông nghiệp là Nông chính toàn thư.v.v...

Đối với quí bạn theo Công giáo, ắt cần biết thêm rằng: Phao-lô Từ Quang Khải được Tòa thánh Vatican tuyên “Tôi tớ Chúa”, vào ngày 15 tháng 4 năm 2011, trong tiến trình làm hồ sơ tuyên Chân phước.

&4&

Tính từ năm 1644 ban hành bộ âm lịch "Sùng Trinh" được san định bởi giáo sĩ dòng Tên người Đức, đến nay (năm 2024) đã trải qua 380 năm áp dụng. 

Mỗi khi tính toán lễ giỗ, lễ Tết, mọi người đều đang dùng BỘ ÂM LỊCH này (do các giáo sĩ dòng Tên, bên Công giáo, đã san định chuẩn xác).

Tại Đài Loan, vào năm 1992, đã phát hành con tem kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Schall von Bell, ghi rằng “vị trí của ông trong lịch sử của Trung Hoa mãi mãi vững chắc.”

Tại nước Tàu đại lục, vào năm 2013, đài Truyền hình Trung ương (CCTV) phát sóng bộ phim tài liệu về Schall von Bell, đánh giá bộ âm lịch do Schall von Bell san định vẫn đang được sử dụng rộng rãi ở nước Tàu.

&5&

Giáo sĩ dòng Tên SCHALL VON BELL (người Đức), với công lao cải cách BỘ ÂM LỊCH, được Chinese lẫn Taiwanese ghi nhận trang trọng ở tầm quốc gia. 

Trong khi đó, giáo sĩ dòng Tên FRANCISO DE PINA (người Bồ), với công lao tạo ra nền móng cho CHỮ QUỐC NGỮ, tạo ra một hệ thống văn tự với các ký tự biểu âm và thanh điệu dành cho Tiếng Việt, hệ trọng hơn hẳn so với một bộ lịch! 

Thấy gì? Ngài Francisco de Pina không được trân trọng đúng tầm mức, thậm chí còn đứng trước nguy cơ đẩy vào sự quên lãng./.


----------------------------------------------------------

Hình ảnh (hàng dưới): Giáo sĩ SCHALL VON BELL mặc triều phục bên Trung Hoa, đảm trách việc san định, cải cách ÂM LỊCH; 

Ngành thiên văn học với các giáo sĩ dòng Tên tại Trung Hoa;

Hình ảnh (hàng trên): Hình ảnh giáo sĩ Schall von Bell trên con tem được phát hành tại Đài Loan; 

Gặp gỡ giáo sĩ Matteo Ricci, từ đó đại quan Từ Quang Khải tìm hiểu và theo đạo Công giáo; 

Phao-lô Từ Quang Khải được tuyên bậc "Tôi tớ Chúa" (Servus Dei)




Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

FB Matthew NChuong: Về giáo sĩ Đắc Lộ được cho là ... “công dân Pháp

 MỘT NGỘ NHẬN KÉO DÀI QUÁ LÂU: LẼ NÀO CHO ĐẾN LÚC NÀY (2024) VẪN CHƯA NHẬN RA HAY SAO? 

* Về giáo sĩ Đắc Lộ được cho là ... “công dân Pháp”. 

&1&

Mời quí bạn đọc ví dụ sau:

(a) "Phan Rang" là cách gọi của người Việt sau khi làm chủ vùng đất này. Trước đó, chẳng hạn thế kỷ 16, "Phan Rang" có phải lãnh thổ nước Việt không? Không. 

(b) Lúc đó, Phan Rang thuộc lãnh thổ của nước nào? Chiêm Thành. Lúc thuộc Chiêm Thành có tên gọi "Phan Rang" không? Không. Lúc đó, theo tiếng Chăm, gọi là "Pandarang";

(c) Nhân vật X sinh ra tại vùng đất này vào thế kỷ 16 (lúc còn thuộc Chiêm Thành) => Vậy, gọi X sinh ra tại "Phan Rang" là đúng hay sai? SAI (vì chưa xuất hiện cách gọi Phan Rang). Phải gọi là sinh ra tại Pandarang. 

(d) Chỉ vì dựa theo cách gọi SAI, là "sinh ra tại PHAN RANG (thế kỷ 16)", rồi do ấn tượng Phan Rang sau này thuộc VN nên ... kết luận luôn "X là người Việt" - đúng hay sai?. SAI chồng lên sai!

(e) Do nước Chiêm Thành không còn, nên người ta rất dễ "mặc định" bằng những tên gọi do người Việt đặt ra về sau, mà quên béng, không nhắc đến danh xưng cho ĐÚNG với bối cảnh thời điểm lịch sử theo cách gọi của người Chăm.

Dù vậy, nhân vật X là người Chăm chớ không thể biến thành tộc người khác được.

&2&

Chuỗi suy diễn nêu trên buồn cười hết biết, phải không? Vậy mà chúng ta đang phải chứng kiến chuỗi suy diễn buồn cười y hệt như vậy, khi nói đến vị giáo sĩ Đắc Lộ. Mời quí bạn đối chiếu từng điểm a, b, c, d, e.

(a) "Avignon" hiện nay thuộc nước Pháp. Trước đó, lúc sinh thời của giáo sĩ Đắc Lộ (1593-1660), quê quán "Avignon" có phải là lãnh thổ của nước Pháp không? Không.

(b) Lúc đó, Avignon thuộc lãnh thổ nước nào? Giáo tông quốc (Papal States). Lúc thuộc Papal States, có tên gọi "Avignon" không? Không. Lúc đó, theo tiếng Latin (vì Giáo tông quốc nói tiếng Latin), gọi là "Avenio".

(c) Giáo sĩ Đắc Lộ (theo cách chuyển ngữ quen gọi) sinh ra vào thế kỷ 16 (lúc quê quán của ông vẫn thuộc Giáo tông quốc) => Vậy, gọi vị giáo sĩ sinh ra tại "Avignon" là đúng hay sai? SAI. Nói một cách chặt chẽ, phải gọi là sinh ra tại Avenio.

(d) Chỉ vì dựa theo cách gọi SAI, là "sinh ra tại AVIGNON (thế kỷ 16)", rồi do ấn tượng Avignon mãi sau này mới thuộc Pháp (từ 1791) nên kết luận luôn "vị giáo sĩ là người Pháp" - đúng hay sai?. SAI chồng lên sai!

(Thử hình dung, nếu quê Avenio sau đó không sáp nhập vào Pháp mà sáp nhập vào Ý chẳng hạn, có lẽ với cái mửng suy diễn trên thì vị giáo sĩ Đắc Lộ bị biến thành người Ý lắm đa!)

(e) Do Giáo tông quốc không còn, nên người ta rất dễ "mặc định" bằng những tên gọi do người Pháp đặt ra về sau, mà quên béng, không nhắc đến danh xưng cho ĐÚNG với bối cảnh thời điểm lịch sử theo cách gọi bằng tiếng Latin của người thuộc Giáo tông quốc.

Dù vậy, giáo sĩ Đắc Lộ vẫn là người Giáo tông quốc, nói tiếng Latin (tên gốc của giáo sĩ, bằng tiếng Latin, là Alexander Rhodius) chớ không thể biến thành "công dân Pháp" được.

* Thêm một điểm ĐÁNG CHÚ Ý: Giáo sĩ Đắc Lộ soạn Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin. Tiếng Bồ là ngôn ngữ phổ dụng của các giáo sĩ truyền giảng Ơn Cứu độ của Chúa Jesus vào nước Việt đầu thế kỷ 17. 

Hãy biết đặt câu hỏi: ồ, sao giáo sĩ Đắc Lộ không soạn "Việt - Bồ - Pháp"? Nếu nói vị giáo sĩ là "người Pháp" thì lẽ đương nhiên ông sẽ phải soạn tiếng Pháp đối chiếu trong Tự điển mới phải. Nhưng, vị giáo sĩ này ĐÂU PHẢI là người Pháp mà viết tiếng Pháp!

&3&

3a) Mãi về sau này, từ giữa thế kỷ 19 cho đến vài thập niên đầu của thế ky 20, thực dân Pháp đặt sự cai trị lên nước Việt. 

Bằng mưu thuật chánh trị tinh ranh, thực dân Pháp đã cho rằng giáo sĩ Đắc Lộ - có công to lớn trong xây đắp chữ Quốc ngữ - là "công dân Pháp" (!). Bởi vì Pháp nhận thấy chữ Quốc ngữ đang thu phục thiện cảm của giới sĩ phu trí thức, chẳng hạn "Đông Kinh nghĩa thục" (tại Hà Nội) cổ võ dạy và học chữ Quốc ngữ.

Xin chú ý: các nhân sĩ tham gia "Đông Kinh nghĩa thục" không phải là Công giáo, và đều là những nhân sĩ yêu nước.

Những kẻ thạo nghề chánh trị, trong cỗ máy thực dân, đã nhận bừa công trạng về chữ Quốc ngữ khi gọi giáo sĩ Đắc Lộ là "người Pháp" như bọn họ. Nhiều người Việt đã tin theo, bởi vào lúc thực dân Pháp đặt chân đến nước Nam thì quê hương của giáo sĩ Đắc Lộ đã trở thành lãnh thổ thuộc Pháp.

Cần phải nhớ: Lúc Pháp xâm lăng nước Nam (1858), là sau hai thế kỷ tính từ lúc vị giáo sĩ Đắc Lộ đã qua đời (1660) [lúc qua đời, quê quán của giáo sĩ Đắc Lộ vẫn KHÔNG thuộc Pháp].

3b) Công trạng khởi lập, XÂY DỰNG NỀN MÓNG cho bộ chữ Quốc ngữ (thập niên đầu thế kỷ 17) thuộc về các giáo sĩ dòng Tên, bên Công giáo, KHÔNG thuộc công trạng của nhà nước thế tục nào ráo trọi. Thuộc về bên Đạo, không phải bên "đời".

Lúc bộ chữ Quốc ngữ thành hình, xuất hiện được hơn 200 năm rồi, sau đó mới có mặt chế độ thực dân Pháp.

* Trở lại với giáo sĩ Đắc Lộ, kết luận: 

Giáo sĩ Đắc Lộ là công dân của Giáo tông quốc (không phải Pháp quốc), ngôn ngữ của cư dân trong quốc gia này là tiếng Latin (không phải tiếng Pháp)./.

----------------------------------------------------------------

Giáo sĩ ALEXANDER RHODIUS, công dân Giáo tông quốc (mãi hơn một trăm năm sau khi ông mất, quê quán cùa ông mới sáp nhập vào Pháp).

Quê Avenio (thời giáo sĩ còn sống), mãi sau này mới nhập vào Pháp gọi là Avignon.



Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

FB Nguyễn Gia Việt: Trí thức Miền Nam

 Trí thức Miền Nam

-Nguyễn Gia Việt-

Trên FB nhơn vụ ông Nguyễn Công Kh nên có nhiều người ngồi đó ôn cố tri tân. Thì cũng nói này nọ, trách nọ kia, bôi đen bôi đỏ, cái lịch sử và tâm tánh đi chung nhau.

Rồi người ta, người cùng thời nhắc lại những cái tên, nào là Hùynh Tấn M, rồi là Nguyễn Tấn T, Phùng Hữu T, Lê Thành Y (Lê Duy H), Cao Thị Quế H, Trầm K, Dương Văn Đ, Võ Thị T..

Và Huỳnh Ngọc C, Nguyễn Chánh T…

Giựt mình! Tôi nhớ về một nền văn hoá và giáo dục trước 1975, những cái tên trí thức ngon lành mà hồi xưa là sinh viên, toàn dân tú tài 2, gia đình khá giả hoặc bình dân nhưng học rất giỏi.

Trong dòng họ tôi trước 1975 chỉ có một người có tú tài 2.

Có nền tảng từ nền giáo dục Pháp, giáo dục VNCH trên 3 nguyên tắc nhân bản ,dân tộc và khai phóng.

Học trò tiểu học phải thi tuyển vô trung học đệ nhứt cấp (Cấp 2), vô trường công rất khó, tỉ lệ đậu trung bình là 62%, còn 38% còn lại vô trường tư thục học.

Các kỳ thi tuyển của VNCH đều viết và vấn đáp.

Vô đệ thất (lớp 6) phải học ngoại ngữ Anh hoặc Pháp. Tới cuối lớp 9 thì thi bằng “Trung học đệ nhứt cấp”. Thi rớt thì ở lại học lưu ban, qua trường tư hoặc đi học nghề. Thập niên 70 bỏ kỳ thi này.

Đậu bằng” Trung học đệ nhứt cấp” xong đủ điểm vô trường công học “Trung học đệ nhị cấp”. Học trò phải chọn ban A, B, C, D, từ lớp 10 học trò bị buộc học thêm môn ngoại ngữ thứ 2.

Tới lớp 11 thì học sinh phải thi tú tài 1, thi rất khó, tức là loại ra một số học sinh, nếu đậu tú tài 1 thì qua học tiếp lớp 12, cuối năm thi tú tài 2, Tú tài toàn phần, tức là loại bỏ một số học sinh nữa.

Tỷ lệ đậu tú tài 1 trong chừng 15-30% và tú tài 2 là 30-45%.

Bằng tú tài 2 là sự tự hào của học trò ngày đó. Mỗi kỳ thi tú tài là mỗi lần vượt ải khó khăn, nhiều học sinh học bài phát điên.

Có câu:

"Rớt tú tài anh đi trung sĩ 

Em ở nhà lấy Mỹ sanh con

Bao giờ hết chuyện nước non

Anh về anh có Mỹ con anh bồng"

Là thế hệ sau 1975, thiệt sự so ra chúng tôi hoàn toàn ngưỡng mộ những cô chú bác đi trước.

Chúng ta biết Việt Nam Cộng Hòa tồn tại từ 1954 tới 1975 và nó có một vai trò rất sáng giá, chí ít là tới bây giờ người ta nhận xét.

Trong 20 năm với hai quốc gia riêng biệt, mỗi miền đã hình thành một sắc thái văn hóa riêng, một nền giáo dục riêng, với những thế hệ thanh niên được đào tạo khác biệt.

Một nhà nghiên cư khẳng định là:

"Một sinh viên được đào tạo trong Nam khác hẳn một sinh viên ngoài Bắc về tinh thần làm việc, về ý thức dân chủ, về ý thức tự do, về quyền làm người, về những giá trị nhân bản, và nhất là một quan niệm về con người. Ðấy là một khác biệt sâu xa, đánh dấu bản sắc con người giữa hai miền mà người ta ít lưu tâm tới".

Trí thức MN giỏi thiệt, toàn du học Tây, Mỹ, toàn học thiệt, nghĩ thiệt và sống thiệt.

Sau 1975 thì trí thức MN hoặc di tản, vượt biên, hoặc ra đường đạp xích lô.

Những vị kể tên trên là trí thức Miền Nam, nhưng họ đã bước theo dòng lịch sử khác mà theo họ là vô cùng lý tưởng. Thành ra họ không đạp xích lô. Chúng ta không bàn sâu vì nói nhiều là xái. Lịch sử như hai dòng nước của hai đại dương, dầu là chung nhưng cũng có ranh giới và hai màu nước biển rành rành.

Nhưng mà! Thiệt sự có nhiều người viết lên những dòng chữ rất tâm trạng, về thân phận trí thức Miền Nam và ngẫm cũng có chút gì đó phải ráng đọc.

Vũ Tài Lục từng viết:

"Phẩm đức của phần tử trí thức nói theo lý tưởng thực là viên ngọc không tì vết.

Tuy nhiên không phải cứ có phẩm đức là có luôn giá trị. Trên chính trị, phẩm đức, giá trị và thân phận là ba vấn đề tách biệt nhau.

Ðó là cái lý do tại sao đôi lúc người ta phải nhận rằng người trí thức không bằng cục c là đúng".

Không biết những vị có tên đó có lúc nào đó ngẫm về đời người, về những thứ thuộc về “nhân sinh quan” của tâm hồn và cuộc sống?

Hoăc cũng có, trí thức mà, họ suy nghĩ nhiều lắm, tóc rụng hết trơn.

Thực ra nói về tình thương cũng có gì đó phải suy nghĩ, nói về lý tưởng cũng phải có gì đó suy tư, nhưng tốt nhứt khỏi suy nghĩ gì cho đơn giản, nói sao thì cứ nghe vậy cho rồi, người ta chỉ muốn vậy thì cứ cho là vậy đi.

Chân lý của một đời người nhiều khi đơn giản là sống bình an, đi hoài chưn cũng mòn, gối cũng mỏi, tuổi trẻ đấu tranh cho dữ rốt cuôc tuổi già mắt mờ chưn lỏng cũng chống gậy run run. Trịnh từng nói sao ta? nói vầy:

"Mệt quá thân ta này

Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

Mệt quá thân ta này

Nằm xuống với đất muôn đời"

Người ta cứ hay lý tưởng hóa những người trí thức thản nhiên bước lên đoạn đầu đài như Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thái Học để khẳng định chí khí để thành những hình ảnh đẹp mà quên khen những trí thức biết thời thế.

Người trí thức đa số là loại người thiên hướng về lý tưởng, mặc dầu họ không phải không nhìn thấy thực tế, nhưng nhìn để mà chối bỏ, để mong bắt nó vào lý tưởng cho nên họ rất yếu khi đối diện với sự phũ phàng của thực tế.

Để được an bình đôi khi người ta đánh đổi một điều gì đó.

Sau 1975 cũng có nhiều trí thức Miền Nam còn ở lại.

Xét về ý chí của trí thức, chúng ta thấy Kinh Dịch rất thoáng, nếu như Nho gia yêu cầu trí thức phải sống chết với lý tưởng thì Kinh Dịch có một sự uyển chuyển nhứt định.

Kinh Dịch là "Trí huệ và quyền biến", người trí thức có thể quyền biến theo cách mà mình thấy cần thiết, lên hay xuống, nhẹ nhàng lách hay nép mình để hanh thông,  thích đáng, chính và bền vững theo suy nghĩ thực tế của xã hội.

Ta gọi là là số phận chung của những người trí thức sau 1975.

Đôi khi không thể đòi hỏi, kỳ vọng người này phải như người kia trong khi khi sanh ra thì chúng ta đều là những người tách biệt, khác nhau hết.

Trí thức mà không có quyền lực bảo vệ thì không khác gì nàng chinh phụ đứng giữa cơn bão biển.

Thành ra ngày xưa Nguyễn Trãi phải đi bộ hàng ngàn cây số tìm vào Lam Sơn tụ nghĩa với Lê Lợi. Trí thức muốn cống hiến đúng khả năng mình phải có minh quân hiểu và giúp sức.

Buồn là buồn lịch sử kìa!

Miền Nam không thiếu người tài giỏi, nhưng thiếu một lý tưởng, một ý thức hệ và một giới trí thức cách mạng sống có tình với quê hương.

Kết bài sao ta? lòng vòng không biết viết sao để kết thúc nè!

Nói chung! Chúng ta trọng trí thức, trọng cái học. Nhưng người trí thức đó sống như thế nào để gọi là đẹp và có tư thế thì chúng ta cũng không nên dễ dàng đến độ cảm tính.

Thôi stop.

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

FB Matthew NChuong: NAM KỲ DO AI ĐỊNH CÕI / XÂY ĐẮP MÀ NÊN?

 NAM KỲ DO AI ĐỊNH CÕI / XÂY ĐẮP MÀ NÊN? 

Tưởng dễ trả lời, không dè hiện nay vẫn còn không ít người hiểu mơ màng, rồi mắc thói ăn cháo đá bát đối với công sức của người dân trong Nam. Một khi lịch sử bị hiểu lệch, tương lai ắt đi lạc!

/1/ Việc sở hữu lãnh thổ bằng những giải pháp hòa bình khôn khéo ("được dâng đất"), không gọi là cưỡng chiếm, mà hợp lệ, có hiệu lực trong bang giao giữa các quốc gia với nhau.

Đó chính là bức tranh toàn cảnh về tiến trình sáp nhập Thủy Chân Lạp (tức toàn vùng châu thổ Đồng Nai - Cửu Long, sau này - vào năm 1832 - gọi là "Nam Kỳ"). Xin tóm tắt một số dữ kiện:

/2/ Do trong hoàng tộc bên xứ Chùa Tháp tranh chấp ngôi vua, bên thì nhờ Xiêm La (Thái Lan) bên thì cậy chúa Nguyễn (Đàng Trong) giúp đỡ. Sau đó, vua bên đó cho phép người Việt vào khai khẩn (vì Thủy Chân Lạp minh mông mà người dân Cao Miên không đủ nhân lực), rồi cứ mỗi lần chúa Nguyễn can thiệp trong tranh giành ngôi báu bên Cao Miên thì họ lần lượt dâng từng vùng đất để tạ ơn / hoặc cầu hòa.

Như giai đoạn 1658-1698 nhường vùng đất (mà nay ta gọi là các tỉnh miền Đông) để người Việt khai khẩn. 

Năm 1732, vua Cao Miên dâng hai vùng đất là Mỹ Tho, Vĩnh Long... 

Năm 1755, vua Cao Miên dâng vùng đất Tân An, Gò Công (Long An, Tiền Giang ngày nay). 

Năm 1757, dâng vùng đất Trà Vinh, Sóc Trăng, rồi Châu Đốc, Sa Đéc...

/3/ Cũng trong quá trình từ 1658 cho đến 1757 (là năm hoàn tất sáp nhập vùng Thủy Chân Lạp vào lãnh thổ Đàng Trong), còn có sự dâng đất từ cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích.

Gốc gác những vùng đất mà họ Mạc sở hữu cũng từ lãnh thổ của vua Cao Miên và được vua Miên dâng tặng (do họ Mạc có công giúp đỡ vua Miên): Hà Tiên, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu...(gọi theo tên hiện nay cho dễ hình dung).

Họ Mạc đứng trước hiểm họa xâm chiếm từ thủy quân Xiêm La, đã xin nội thuộc Đàng Trong để nhận được sự bảo vệ từ quân quan chúa Nguyễn.

/4/ Như vậy, xây đắp & định cõi Nam Kỳ hoàn tất - ngoài sự góp sức của người Khmer cư trú sẵn có từ trước, còn là:

A/ Công sức chiếm tỉ trọng lớn nhứt, dĩ nhiên, là NGƯỜI VIỆT. Mà ... người Việt từ xứ nào đặt chân lên đất Nam Kỳ?

Khi hai miền Đàng Trong / Đàng Ngoài nổ ra chiến tranh (năm 1625) thì hai miền đã phân định ranh giới, chấm dứt thông thương. Trước đó, từ cuối thế kỷ 16 cho tới 1625, chừng vài mươi năm thôi, là có di dân từ ngoài Bắc vô Đàng Trong NHƯNG - xin chú ý - giai đoạn này vẫn chưa mở cõi Nam Kỳ (mà chỉ mới mở cõi dần dần cho đến phía cực nam miền duyên hải: Ninh Thuận, Bình Thuận).

Và suốt 170 năm dài đăng đẳng sau đó (kể từ 1625 trở đi), việc định cõi ở châu thổ Đồng Nai - Cửu Long chiếm đại đa số là người Việt từ vùng Ngũ Quảng - gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên - Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi; cùng với người dân xứ Nẫu. 

Nên nhớ: hết thảy vùng "ngũ Quảng" và xứ Nẫu thời bấy giờ đều thuộc Đàng Trong.

Ròng rã 170 năm, công trạng mở cõi là do nhiều thế hệ SINH RA & LỚN LÊN TẠI ĐÀNG TRONG.

Hãy nhớ, đừng mắc thói ăn cháo đá bát mà quên béng hoặc giảm nhẹ công sức chánh yếu là thuộc về các thế hệ sinh ra & lớn lên ở ĐÀNG TRONG.

B/ Công sức của người Minh hương (tức người gốc Tàu "phản Thanh phục Minh" nhưng bất thành, chạy qua lập nghiệp tại vùng Thủy Chân Lạp). Họ Mạc (Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích) chiếm lĩnh và, sau đó, dâng đất cho chúa Nguyễn - gồm Hà Tiên, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu...

[ Ghi chú: Còn Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên - cũng Minh hương, "phản Thanh phục Minh" - nhưng họ không chiếm lĩnh lãnh thổ nào hết mà được chúa Nguyễn chấp thuận cho định cư, khai khẩn ở vùng Cù lao Phố, Mỹ Tho ]

TÓM TẮT: 

Vậy là đủ để trả lời câu hỏi "Nam Kỳ do ai xây đắp mà nên?" - xét trong giai đoạn khai khẩn, định cõi (thế kỷ 17,18). Tắt một lời, để KHẮC GHI, như sau:

* Công sức của đa số NGƯỜI VIỆT CỦA ĐÀNG TRONG (sinh ra & lớn lên tại Đàng Trong). 

* Công sức của người Minh hương (người Tàu).

* Công sức của người Khmer.

Đảo lộn thứ tự (chẳng hạn... cho rằng người Minh hương công lao hàng đầu) là bóp méo lịch sử! 

Hoặc tưởng tượng người Việt ở miền Bắc đi vào châu thổ Cửu Long, họa có là  ... vong hồn bay chấp chới mà thôi (nhắc lại: vào thế kỷ 17 và 18, cho đến thời điểm đó thì KHÔNG còn có ai sanh ra ở ngoài bắc mà vào nam hết trơn).

-------------------------------------------------------------------

Hoàn tất việc định cõi, mở cõi của ĐÀNG TRONG vào năm 1757.

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

FB Peter Pho: LUẬN TÌNH DỤC

 LUẬN TÌNH DỤC

Đọc những bài viết của đứa con nuôi “Sen cứt lợn” mang cho lão một sức đè nén, thúc ép và dẫn dụ lão đi đến để tài này. Bố sư khỉ, phải chăng Sen là hóa thân của nữ thần Shakti trong Hindu giáo hay một Yoni linh thiêng trong lâu đài tình dục từ ngàn năm trước tại kinh đô tình dục Khajuraho, Ấn Độ, và nay đầu thai vào kiếp này để viết lên những con chữ hòng khêu gợi lão bố nuôi phải luận tiếp những gì tiền nhân chưa phanh phui kỹ trong giáo lý tình dục? Thôi thì nhìn quanh văn đàn thế tục, chỉ còn mình lão trơ trọi trên sa mạc tình dục mang chút ít hành trang du mục còn lại để có thể hoàn tất cái nút thắt này, để không hổ thẹn một lần đặt chân đến Khajuraho với một lời hứa sẽ bàn qua về tình dục.

Chơi xong ở Varanasi, thăm xong vườn Lộc Uyển Sarnath nơi Đức Phật Thích-ca thuyết bài Pháp đầu tiên, và cũng đã nuốt vào bụng vài ngụm nước sông Hằng dơ bẩn nhưng thánh thiện. Nhẽ ra phải quay đầu về Hồng Kông nộp bài thì tòa soạn nhắn:”Anh ở lại đi tiếp đến Khajuraho viết một bài về sex…” và chuyến đi lại đổi hướng nhằm Chhatarpur, Madhya Pradesh mà tiến.

Tàu đến ga Khajuraho lúc bảy giờ sáng. Mặc dù đây là một ga nhỏ, nhưng chen chúc vô số người. Lão phải lê thân xác còn ngái ngủ tìm tòi một cái biển đề tên mình “Peter Pho”. Không mất nhiều thì giờ, một chàng trai gầy gò mắt đen ngời ngời như mắt tử thần giơ cao cái biển có tên “Peter Pho” viết nguệch ngoạc bằng marker đỏ. Lão len lỏi nhanh chóng đi theo cậu ta lên xe Tuktuk rời khỏi ga tàu. Chiếc Tuktuk lao như một con ngựa điên lồng lộn một hồi đã đến khách sạn Radisson Hotel Jass Khajuraho.  Tắm rửa sạch sẽ xong xuống phòng ăn điểm tâm sáng rồi lão xuất phát luôn để khám phá một nơi được mệnh danh là kỳ quan thứ hai của Ấn Độ sau Taj Mahal.

Khajuraho nổi tiếng bởi nhóm Đền thờ tình dục. Nhóm Đền thờ tình dục này đã được Liên Hợp Quốc đưa vào di sản văn hóa và thậm chí còn được biết đến là một trong bảy kỳ quan của Ấn Độ. Nơi này có sân bay và tàu hỏa nối tiếp với các thành phố khác, nhưng khi lão đến, thấy rằng Khajuraho chỉ là một vùng thôn quê nghèo nàn hẻo lánh, khác rất xa những gì trong trí tưởng tượng của lão.

Tuy nhiên, sau khi đắm chìm ở một Varanasi chen chúc và ồn ào rồi đột nhiên bị vứt về vùng nông thôn đơn giản và yên tĩnh này, tâm trạng của lão bỗng thấy thư giãn.

Nhóm đền thờ của Khajuraho được chia thành ba khu vực: các nhóm phía tây, phía đông và phía nam. Nhóm phía tây lớn nhất và thú vị nhất nằm ở khu vực đô thị, chỉ cách khách sạn mười lăm phút đi bộ. Lão chọn bốn ngôi đền tiêu biểu nhất là Shantinath Temple, Vamana Temple, Parvati Temple, Duladeo Temple trong quần thể miếu thờ Khajuraho.

Sau khi trả một vé 250 Rupee, ngắm nghía một hồi thì bị một lão già râu tóc phơi phới như Tạ Trí bám theo đít, lão này tự xưng là một hướng dẫn viên du lịch được chính phủ xác nhận. Lão già gầy gò nhưng khung xương vững chãi, khoảng hơn 60 tuổi, mặc quần short và dép lê đen xì, để lộ ra đôi chân ngắn gân guốc. Mái tóc mọc xoã tung toé ngang vai. Bộ râu màu xám rậm rạp lượn sóng tung bay tương tự như Quy lão tiên sinh của Ấn Độ. Ban đầu lão ta tính phí 600 Rupee, lão PP thè lưỡi lắc đầu và nói:”Nhìn cụ không giống như một hướng dẫn viên du lịch”. Nhưng sau đó, hai bên thương lượng xuống còn 200 Rupee, rồi hai thằng bắt đầu tung tăng như đôi bạn lâu năm trùng phùng. Đến lúc chia tay, không hiểu lão ta có thuật thôi miên hay không nhưng lão PP lại tình nguyện nộp mạng cho Manish những 600 Rupee mà không đắn đo gì. Manish, có nghĩa là “Sự nhạy bén”, quả thật lão ta quá nhạy bén và đã góp phần làm lão PP sáng tỏ rất nhiều điều trong chuyến tham quan chớp nhoáng này.

Khajuraho có khoảng bốn hoặc năm ngôi đền chính đều mang phong cách Đền thờ Bắc Ấn điển hình. Mỗi ngôi đền cung phụng một tòa thờ lingam. Lingam trong tiếng Phạn có nghĩa là "cây gậy ánh sáng", nó cũng được dùng để chỉ cơ quan sinh dục nam. Bên trong và bên ngoài ngôi đền tràn ngập những bức tượng lớn và nhỏ, tạo ra bởi những bàn tay nghệ thuật điêu luyện xa xưa. Các tác phẩm điêu khắc trong chùa chủ yếu được chạm khắc bằng đá sa thạch địa phương, màu sắc ấm áp và mềm mại, nhìn từ xa trông giống như những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ. Những tác phẩm điêu khắc này có tay nghề rất tinh xảo, rất chi tiết, sinh động, và thật đáng kinh ngạc. Sự hấp dẫn lớn nhất của các nhóm đền thờ này là những bức tượng tình dục khoa trương. Các nhân vật liên quan có thiên thần, quốc vương, binh lính, nhạc sư, vũ công và các thường dân, tạo hình uyển chuyển, sống động, đầy hấp dẫn. Người ta nói rằng những bức tượng tình dục này được chạm khắc theo nội dung của nền văn minh Ấn Độ cổ đại "Kama Sutra" trong thế kỷ thứ tám.

“Kama Sutra" ban đầu là một tài liệu tôn giáo quan trọng của Ấn Độ giáo, tất cả đều là những phương thức làm tình. Người ta nói rằng những tư thế tình dục này dung hòa nhiều động tác yoga cao siêu mà những người bình thường không thể bắt chước được. Những tư thế này hay bị lạm dụng phô bày bởi các phương tiện truyền thông hiện đại để PK cho ngành bán dâm. Các nhóm đền này ban đầu có 85 ngôi đền. Sau đó, người Hồi giáo đã xâm chiếm và phá hủy một phần lớn. Chỉ còn lại 25 ngôi đền được bảo tồn cho đến nay. Khi lão PP nghỉ tại Schindia Gueshouse ở Varanasi, có đọc một cuốn giới thiệu “Kama Sutra” bằng đồ họa trên giá sách ở sảnh. Ấn tượng nhất là bức ảnh chụp lại tượng một người đàn ông quan hệ tình dục cùng một lúc với năm phụ nữ. Lão bị kích thích và ấn tượng sâu sắc với bức tranh này. Đến đây cố tình lần bằng được để xem tượng nhưng có lẽ một bức tượng nổi trội như vậy thì người Hồi giáo sẽ phá hủy đầu tiên, đó cũng là một điều đáng tiếc. Có lẽ dịp nào đó lão xin phép cô Tấm xá ân trình bày lại nguyên tác để Cường Tuse ngồi nặn lại tác phẩm này…kkk

Theo lời lão hướng dẫn viên du lịch, giáo lý của đạo Hindu có liên quan chặt chẽ đến tình dục và họ tin rằng một số ý nghĩa tôn giáo có thể đạt được thông qua tình dục.

Một loại ý nghĩa tôn giáo nào đó? Lão nhún vai suy tư rồi liên tưởng đến nhân vật nữ Sophie trong “Mật mã Da Vinci” vô tình chứng kiến ​​ông nội mình dẫn đầu các vị ẩn tu trong tu viện đang thực hành nghi lễ "hôn thần" dưới tầng hầm. Trong sách đề cập rằng nghi thức này nhằm thông qua khoảnh khắc cực khoái của xuất tinh để cảm nhận được Chúa và có thể đối thoại với Chúa. Và ý nghĩa tôn giáo mà hướng dẫn viên du lịch nhắc trên liệu cũng nhằm mục đích đối thoại với Chúa?

Vậy nguyên nhân đàn ông Ấn Độ dâm dê như vậy phải chăng họ có quá nhiều điều muốn thưa với Chúa?

Đến đây ta muốn tìm hiểu xem quan hệ tình dục là gì mà khiến người đời từ cổ đến kim lại say đắm đến vậy?

Quan hệ tình dục có nghĩa là đàn ông đưa dương vật của họ vào âm đạo của phụ nữ, sau đó tiến tới xuất tinh do sự phấn khích để đạt được kết quả tuyệt khoái. Trong quá trình quan hệ tình dục, dương vật của nam giới được trương to dựng lên chèn vào âm đạo cọ xát khiến hai bên đều có cảm giác thần tiên. Hành vi tình dục của con người và động vật là khác nhau. Quan hệ tình dục của con người phần nhiều để có được khoái cảm tâm lý và sinh lý, không chỉ để sinh sản. Từ quan điểm của sinh học, mục đích của quan hệ tình dục là sinh sản, nhưng trong nhiều trường hợp là sự thỏa mãn tâm sinh lý của con người di truyền từ thời khai thiên lập địa của tổ tiên Adam và Eva.

Do đó có thể thấy rằng quan hệ tình dục không đáng xấu hổ, bởi quan hệ tình dục là nhu cầu bình thường của con người. Do các vấn đề đạo đức, quan hệ tình dục chỉ phù hợp tiến hành kín đáo ở trong nhà, không nên tiếp xúc công khai trước công chúng giữa thanh thiên bạch nhật. Điều này luật bất thành văn được hầu hết mọi người công nhận.

Con người cũng như động vật, có bản năng phản ứng về sinh lý. Nó sẽ được kết hợp từ thế hệ này sang thế hệ khác để sinh sôi nảy nở, nối dõi tông đường. Con người không ngừng tiến hóa rồi có được thế giới tinh thần, và tình yêu được nẩy nở. Tình yêu ban đầu chỉ đơn giản là thích nhau. Sau hàng chục triệu năm tiến hóa, với sự phát triển của thế giới tinh thần, tình yêu ngày càng trở nên phức tạp hơn và dần dần vượt qua phạm trù yêu thích. Tình yêu hiện đại dựa trên vô số giao tiếp và niềm tin xã hội, nhưng nó vẫn không thể tách rời khỏi các đặc điểm sinh lý ban đầu - giao phối.

Tất cả niềm đam mê luyến ái, cho dù bạn có thể tạo dáng cho có vẻ tao nhã và khác lạ đến thế nào, dù có tỏ ra thanh cao không thèm ăn hương khói trần gian cũng đều không giấu diếm được mọi bắt nguồn từ ham muốn tình dục. Nó thực sự là một ham muốn nhân cách hóa, cụ thể hóa và mạch lạc hoá. Với thực tế này,  chúng ta xem xét vai trò quan trọng của tình dục, với cường độ và sắc thái khác nhau, nó không chỉ đóng vai trò trong phim truyền hình và tiểu thuyết lãng mạn mà còn trong đời sống thực của thế giới với động lực mạnh mẽ và năng động. Tính quan trọng của tình dục chỉ đứng sau tình yêu sinh mệnh. Nó liên tục chiếm một nửa tinh lực và tư duy của thế hệ trẻ nhân loại. Tình dục gần như là mục tiêu cuối cùng của mọi ham muốn và nỗ lực. Mọi  công việc sống còn của con người đều bị chi phối, ảnh hưởng và lung lạc bởi tình dục.

Mỗi giờ trôi qua, con người đang trong trạng thái nghiêm túc đều có thể bị gián đoạn bởi ý nghĩ tình dục, đôi khi nó khiến ngay cả những bộ óc tinh thần vĩ đại nhất cũng rơi vào tình trạng bối rối và hoảng loạn. Nó tự do tự tại, bách vô cấm kỵ, mang theo những thứ vô giá trị can thiệp vào sự đàm phán của chính khách, sự tham cầu nghiên cứu của hiệp thương và học giả.  Nó lén lút nhét những mảnh giấy ghi chú nhỏ truyền tải tình yêu vào những tập hồ sơ truyền đạo của Đức Hồng y giáo chủ hoặc nhét vào bản thảo triết học của triết gia mà không cần một ai hướng dẫn. Nó sẽ mỗi ngày đều kích động và xúi giục những tranh chấp, đấu đá ác độc và man rợ,  làm tan vỡ những mối liên hệ quý giá nhất giữa con người với nhau và phá hủy sự đoàn kết tưởng rằng vững như bàn thạch, đôi khi nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh sức khỏe hoặc mạng sống của mình, và đôi khi nó lại dâng hiến cho ta của cải, địa vị và hạnh phúc.

Nó thậm chí có thể khiến những người trung thực và đáng tin cậy trước đây mất đi lương tâm và trở nên vô đạo đức, biến những người luôn trung thành trở thành kẻ phản bội. Nói chung, tình dục giống như một con quỷ thù địch muốn đảo lộn mọi thứ và khiến nó trở thành một mớ hỗn độn. Những tình huống như thế khiến chúng ta phải lớn tiếng đặt câu hỏi: Tại sao lại ồn ào hoảng loạn như vậy? Những khát vọng, huyên náo, sợ hãi và khó khăn này là để làm gì? Đó chẳng phải Hansel muốn tìm đến Gretel của mình hay sao.  Tại sao những thứ tầm thường như vậy lại đóng vai trò quan trọng đến thế và mang đến vô số rắc rối, hỗn loạn cho cuộc sống trật tự của con người?

Tuy nhiên, tinh linh của chân lý sẽ từ từ hé lộ câu trả lời cho một ai tìm hiểu nó một cách nghiêm túc. Những gì chúng ta đang đối mặt hiện nay không hề tầm thường chút nào, trái lại, tầm quan trọng của những điều đó liên quan đến sự nỗ lực nghiêm túc và không ngừng nghỉ của con người. . Mục tiêu cuối cùng của mọi sự tình, dù được diễn xuất bởi một người lê đôi dép lê tàn tệ hay mang đôi giày da bóng lộn đều như nhau. Thực tế quan trọng hơn bất kỳ mục tiêu nào khác trong cuộc sống, chúng xứng đáng được theo đuổi một cách tỉ mỉ và tận tâm. Nói cách khác, những sự tình này không quyết định điều gì khác ngoài sự cấu thành thế hệ tiếp theo và sự hoan lạc... Khi chúng ta rời khỏi sân khấu, những nhân vật này sẽ xuất hiện trên sân khấu. Sự tồn tại và tố chất của chúng đều do những cuộc tình phong lưu này quyết định.

Tình hình chung của thế hệ hiện tại là sự quan tâm của nhân loại đối với thành phần của thế hệ tương lai - từ đó quyết định thành phần của vô số thế hệ tiếp theo. Vấn đề này cực kỳ quan trọng vì nó không như những việc chỉ liên quan đến riêng cá nhân. Niềm vui nỗi buồn của loài người đều liên quan đến sự tồn tại trong tương lai và thể chất cụ thể của con người, do đó ý chí cá nhân được củng cố và bộc lộ thành ý chí của loài người. Chính vì sự đặt cược cao mà các sự kiện tình yêu có vẻ trang trọng, vĩ đại, cao siêu và cảm động, và sự ngây ngất và đau đớn của tình yêu có những phẩm chất siêu việt. Trong hàng nghìn năm qua, các nhà văn chưa bao giờ mệt mỏi khi thể hiện những cảm xúc ngây ngất, đau lòng này của tình yêu qua vô số ví dụ, bởi không có chủ đề nào khác có thể thu hút sự quan tâm của con người hơn tình dục. Vì chủ đề này liên quan đến niềm vui và nỗi buồn của loài người, trong khi các loại chủ đề khác chỉ liên quan đến vấn đề cá nhân, nên mối quan hệ của nó với các chủ đề khác giống như mối quan hệ giữa một thực thể và một bề mặt nhất định của thực thể này. Chính vì vậy, nếu một bộ phim thiếu đi tình tiết tình yêu sẽ khó thu hút được sự quan tâm của khán giả, và dù người ta có lặp đi lặp lại giai điệu cũ này thế nào đi nữa thì nó cũng không bao giờ cạn kiệt.

Xung lực tình dục chung mà chúng ta nhận thức được không nhắm vào một người khác giới cụ thể, bản thân nó là một ý dục sinh tồn hoàn toàn tồn tại bên ngoài các hiện tượng. Khi tình huống xảy ra, mặc dù bản thân ham muốn tình dục là nhu cầu của chủ thể nhưng nó rất khéo léo khoác lên mình chiếc mặt nạ đánh giá khách quan để đánh lừa ý thức. Thế giới tự nhiên cần phải lợi dụng sách lược này để đạt được mục đích của mình. Trong mọi trường hợp của tình yêu đồng thuận, cho dù sự đánh giá và ngưỡng mộ lẫn nhau của đàn ông và phụ nữ có khách quan và cao siêu đến đâu, mục tiêu duy nhất là tạo ra một cá nhân có bản chất đặc trưng.

Sự thật này lần đầu tiên được khẳng định bởi khám phá này: trong tình yêu, điều quan trọng có thể không phải là sự ngưỡng mộ lẫn nhau, mà là khoái cảm chiếm hữu đối phương, tức là tận hưởng cơ thể của nhau. Mặc dù chúng ta tin tưởng về sự ái mộ của một người khác giới, nhưng nếu không chiếm được cả thể xác của đối phương thì không thể bù đắp nỗi khát vọng và mang lại cho chúng ta sự an ủi thánh thiện nhất. Nhiều người gặp phải tình huống hẫng hụt này đã tự kết liễu đời mình. Ngược lại, những người yêu đối phương sâu sắc nhưng không thể có được tình yêu tương tự từ người kia có thể hoàn toàn mãn nguyện khi anh ta có thể chiếm hữu thể xác của người kia, tức là đạt được khoái cảm trên thể xác người mình yêu. Để chứng minh điều này, chúng ta có thể nhìn vào tất cả những cuộc hôn nhân cưỡng ép, và những tình huống trong đó người đàn ông chiếm được cảm tình của người phụ nữ bằng cách tặng quà cho cô ấy và thực hiện những hy sinh khác, mặc dù người phụ nữ không có tình yêu với anh ta.

Quay lại vấn đề tình dục ở Ấn Độ, trong vài trăm năm qua, Ấn Độ là một quốc gia hết sức bảo thủ, là kết quả của sức mạnh theo khuynh hướng Thanh giáo, bao gồm các vương quốc Hồi giáo, sự cai trị của thực dân Anh và hệ thống đẳng cấp Bà La Môn giáo của chính Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ không phải lúc nào cũng như vậy. Trước thế kỷ 13, các chuẩn mực tình dục ở Ấn Độ thoải mái hơn nhiều so với ngày nay, coi trọng tình dục trong cả thế giới trần thế và thế giới tâm linh. Tình dục từng là một môn học trong giáo dục chính quy của Ấn Độ. Giữa thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên và thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, Ấn Độ cũng đóng góp luận thuyết về tình dục đầu tiên trên thế giới “Kamasutra”. Kama Sutra là một tác phẩm của nền văn minh Ấn Độ cổ đại viết bằng tiếng Phạn nội dung viết về tình dục, khoái lạc và thực hành cảm xúc trong cuộc sống.

Thực tế, nếu quan sát kỹ, bạn có thể thấy dấu vết của thời kỳ tự do và cởi mở ở khắp mọi nơi trên đất nước Ấn Độ. Những bức tường đá thấp của Đền Mặt trời thế kỷ 13 tại Konark ở bang Orissa phía đông Ấn Độ có những bức chạm khắc phù điêu về chủ đề khiêu dâm. Có hai hang động Phật giáo ở Maharashtra, Hang Ajanta được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên và Hang Ellora được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên, nơi chứa các bức bích họa và tác phẩm điêu khắc về các nữ thần khỏa thân.

Không một ai đến đây tham quan mà nhíu mày khó chịu, không có vẻ mặt bối rối khó xử nào biểu hiện, và không có một nụ cười quái dị nào lộ ra từ các bạn trẻ. Có lẽ, khi nghệ thuật được đặt trong bối cảnh tôn giáo thì điều đó có thể thấu hiểu và không có gì đáng chê trách. Nhưng khi lão rời đi, thì cảm thấu rằng những bức tường ở Khajuraho còn chứa đựng lời giáo huấn của người Ấn Độ về lòng khoan dung, vị tha, vượt qua mọi rào cản văn hóa và tôn giáo trong thế tục.

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

TS. Nguyễn Thị Phương Hoa: "Tẩy não"

 Thật không ngờ thằng oắt con nhà hàng xóm mới sang Mĩ du học có hai tháng rưỡi mà đã được “tẩy não" triệt để như thế này, hi hi... Trong lần, hai mẹ con nó chát chít với nhau vừa rồi, có đoạn như sau:

- Em Mơ hôm nay bị cô giáo mắng.

- Làm sao mà em bị cô giáo mắng hả mẹ?

- Em làm bài bị sai.

- Tại sao cô lại có quyền mắng em khi em làm sai bài hả mẹ? Cô chỉ có quyền mắng em khi em không làm bài thôi chứ. Nhiệm vụ của cô giáo là phải dạy cho em hiểu bài để em từ sau làm bài không bị sai nữa chứ không phải là mắng em.

- Thế bài kiểm tra vừa rồi của con được bao nhiêu điểm?

- Con được…?!

- Thế điểm của các bạn ở lớp con như thế nào?

- Sao mẹ lại hỏi thế? Mẹ biết điểm của con là đủ rồi, sao lại phải hỏi điểm của các bạn khác làm gì. Các bạn Mỹ luôn bảo với con là mỗi người có thế mạnh riêng, đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Điều quan trọng nhất và đáng quan tâm nhất là mình hôm nay có gì khác với ngày hôm qua, có gì tốt hơn, tiến bộ hơn ngày hôm qua. Mẹ nhớ rồi chứ, từ sau, mẹ đừng có hỏi như thế nữa đấy nhé...

Ở Việt Nam, trò học mà chưa hiểu thì chắc chắn chỉ do trò ngu dốt chứ quyết không phải do giáo viên dạy không ra gì... Thằng con mình và đa phần các bạn cùng lớp nó có môn giáo viên giảng trên lớp chịu chết không hiểu chút gì, ngồi nghe giảng mà như đập đầu vào tường. Hội phụ huynh phản ánh lại, để qua cô giáo chủ nhiệm, đề nghị giáo viên thay đổi phương pháp cho trò dễ hiểu bài thì cả lớp được nghe giáo viên tuyên bố hùng hồn “Tôi dạy thế đấy, các anh chị cố mà theo”!!!???

Nghe thằng con kể lại mà uất nghẹn họng. Ừ, thì có ngu mới phải đi học. Tất nhiên, con mụ mẹ của thằng con giai mình cũng chẳng ngu dại gì mà đi đối đầu với giáo viên của con, nên đành dùng chiêu “giải cứu” con bằng gia sư. Thật nực cười, chỉ sau mấy buổi học với gia sư, mọi thứ tưởng không thể nhằn nổi trên lớp bỗng trở nên sáng tỏ như ban ngày. Bái phục cậu gia sư của con sát đất luôn.

Giờ thì mình hiểu, tại sao bọn Tây nó lại tổng kết ra bài học:

“Không có học trò dốt, chỉ có giáo viên tồi”. 

Chính mình, trong một lần đi giang hồ trời Tây vào tháng 10.2004, đã sa chân lỡ bước ngã uỵch vào một cuộc hội thảo quốc tế hầm hố với vài chục nước tham gia (với chủ đề “Kết quả của chương trình PISA và những vấn đề đặt ra cho các nhà Lý luận dạy học chuyên ngành”), và cũng đã từng choáng suýt chết với một nhận định tổng kết khá gây sốc trong hội thảo này: Sở dĩ học sinh học không ra gì, vì giáo viên dạy không ra gì. Sở dĩ giáo viên dạy không ra gì, vì năng lực giảng dạy của họ không ra gì, và sở dĩ năng lực giảng dạy của họ không ra gì, là do khi còn học ngành sư phạm, họ đã không được trang bị tốt các kiến thức và kĩ năng ở môn Lý luận dạy học chuyên ngành. 

Tóm lại, nói như Tây, thì học sinh không có lỗi gì hết cả, ha ha... Mà đúng là như vậy! Điều này, xem ra thật là khó hiểu và không thể chấp nhận được đối với lối suy nghĩ phổ biến của dân Việt, nhất là của giáo viên Việt. Nếu học sinh không hiểu bài thì cầm chắc là do học sinh ngu, chứ nhất quyết không phải do giáo viên dạy không ra gì, hi hi... trong khi đó, các bác Tây lại cứ khăng khăng bảo đó là do giáo viên.

Chẳng hạn như ở Đức, báo chí dám tru tréo ầm ầm, rít lên ò ò chỉ trích “nhà trường làm học sinh ngu đi” sau khi kết quả khảo sát đánh giá của Chương trình PISA năm 2000 cho thấy học sinh Đức đứng ở thứ hạng thấp, dưới mức trung bình chung của OECD). Hoặc, như ở Mỹ, còn có cái đạo luật rõ hay (No child left behind act), trong đó có điều khoản qui định: “nếu các học sinh không hiểu bài, giáo viên phải có trách nhiệm phụ đạo (không lấy tiền) đến chừng nào học sinh hiểu bài thì thôi.”

Vui thật, chỉ mấy câu nói trong lúc chát chít của một thằng học trò mới dính chút hơi hám Mỹ mà không hiểu sao làm mình có cảm giác điều này như một cái tát (he he...) vào cả cái nền giáo dục nước nhà, với hai cái tội lớn, đó là tội chuyên quyền, độc đoán và thứ hai là, tội háo thành tích, háo danh.

Chắc hiếm ở đâu mà giáo viên thiếu kiên nhẫn và ít biết lắng nghe như giáo viên Việt Nam. Không ít giáo viên tự cho mình cái quyền áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình vào học trò. Suốt cả dịp hè vừa rồi, mình chỉ lọ mọ làm nhõn có một việc cỏn con (có lẽ mọi người lại cười bảo mình dở hơi đây, he he...), đó là bày cho các giáo viên biết cách nở nụ cười thân thiện, biết cách lắng nghe, biết cách khích lệ, động viên và khen ngợi học trò.

Có ai đó đã “mạnh dạn tổng kết” thành tích lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam là đã đào tạo nên những "Tầng lớp trí thức có trí nhớ tốt". Còn mình, mình thấy nền giáo dục Việt Nam đã đạt được hai kì tích cực kì vĩ đại, đó là:

1. Đánh cắp tuổi thơ của trẻ em

Tuổi thơ, sự hồn nhiên của lũ trẻ con xứ này đã bị đánh cắp và thay vào đó, là những chuỗi tháng ngày vật vã với hàng đống bài tập về nhà và hàng mớ lý thuyết suông rồi cũng không biết dùng để làm gì. Chưa vào lớp một, đã phải biết làm tính và đọc thông viết thạo, đi học về, hôm nào cũng được cô giáo giao cho một tờ A4 kín bưng những chữ là chữ, với lời dặn dò bên dưới “Đề nghị phụ huynh kèm con đọc trơn tru từ 5 đến 7 lần”, he he...

Bố khỉ, nếu đã đọc thông viết thạo rồi thì còn sinh ra lớp một làm cái vẹo gì nữa. Nói trắng phớ ra là: các cô giáo lớp một đã nghễu nghện, chễm chệ đứng trên vai phụ huynh và học sinh. Rồi gi gỉ gì gi cái củ tỉ củ tì gì cũng phải học thuộc lòng. Học thuộc lòng từ những khái niệm trong môn Giáo dục công dân cho đến những bài học về món Canh cua và Thịt kho tàu trong môn Công nghệ lớp 6…

Học thuộc lòng nhiều đến nỗi ăn vào máu thịt, bởi thế, đến tận nửa thế kỉ tuổi đội trên đầu rồi mà mình đến giờ vẫn còn thuộc làu làu những bài tập đọc từ hồi học Vỡ lòng thời chiến tranh Giôn-xơn, he he... (những bài tập đọc mình thề là chẳng có cái giá trị mẹ gì về văn chương, nghệ thuật). Tuy nhiên, ở thời mình, trẻ con còn được vui chơi tẹt ga, tới bến. Có lẽ, chưa bao giờ trẻ con Việt Nam khổ như thời nay, tuy miếng cơm manh áo đã tươm tất hơn rất nhiều. Ngoài cái gánh nặng bài vở (một tiết Sử 45 phút nhồi đến 5 cuộc khởi nghĩa, trong đó có 2 cuộc chính, 3 cuộc phụ, he he...), chúng còn phải oằn mình để gánh cái sự kì vọng, cái sĩ diện, lắm khi rất hão, của nhà trường, của cha mẹ, dòng họ (he he... có lẽ cũng không ngoa, khi nói: hiếm có dân xứ nào háo danh như cái dân xứ này).

Thêm nữa, hàng ngày còn xòe ra trước mặt không biết bao nhiêu thứ cạm bẫy và cám dỗ đầy ma lực bên ngoài xã hội (không đâu trên trái đất này mà ngay trước cổng các trường học giăng giăng hàng dãy những cửa hàng game online như ở Việt Nam. Đến người lớn còn khó thoát khỏi những cám dỗ đó nữa là trẻ con).

Có lần, nhìn ông con vật vã với đống bài vở môn Lịch sử, mình trót dại mở miệng bảo sao con không dùng lược đồ tư duy mà học cho nhanh, chưa dứt câu thì ông con đã chồm lên nhả giọng căm hờn: “Ôi giời ơi, quên cái Lược đồ tư duy của mẹ đi cho nhanh. Cô Sử lớp con cái gì cũng bắt nhớ tất, từng trận đánh phải nhớ xem ông nào ngồi ở đâu, hô những câu gì, trận đánh diễn ra thế nào, kết thúc trận đánh có bao nhiêu thằng bị thương ở tay phải, bao nhiêu thằng bị thương ở tay trái, bao nhiêu thằng bị thương ở chân phải, bao nhiêu thằng bị thương ở chân trái, bao nhiêu thằng bị thương ở đầu... Mẹ có nhớ được không hả?”. Nghe ông con hú lên một tràng như vậy, mình thộn mặt ra và dịu dọng hỏi “Thế có phải nhớ bao nhiêu thằng bị thương ở CHIM không?”, ha ha...

2. Đào tạo ra những lớp người "tự lừa dối mình và lừa dối lẫn nhau".

Dối trá đã là căn bệnh trầm kha của xã hội này. Thực ra, cũng chẳng biết cội nguồn sự dối trá bắt đầu từ đâu, từ xã hội hay từ giáo dục. Trên, dưới đâu đâu ai cũng tự lừa dối mình và lừa dối lẫn nhau bằng những thành tích chiến công được cân đong đo đếm qua những chỉ tiêu, những thành tích, những danh hiệu thi đua rởm rít. Sự hợm hĩnh, háo danh làm con người ta trở nên dối trá.

Nực cười nhất là khi ngài tổng tư lệnh giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cao hứng hô to: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” thì không ít trường đang có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 100% bỗng chui tọt xuống không còn phần trăm nào. Bác Nhân ngáo ngơ, xã hội ngơ ngáo, không nhẽ lại đẩy lũ trẻ ra đường làm tệ nạn xã hội, nên lại loay hoay tìm cách lùa cả lũ vào chuồng.

Mấy năm sau, hoặc giả ngài tổng tư lệnh Nhân do quan lộ đã đủ thênh thang, hoặc giả do ngài mỏi miệng nên hô thều thào, không quyết liệt nữa mà mèo lại hoàn mèo, trường nào trường ấy lại quay về với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng như cũ. Chối nhất là ngay sau đó, người phát ngôn của Bộ Giáo dục nịnh thối, hú lên ông ổng trên báo chí là mấy năm qua giáo dục Việt Nam (ý nói là nhờ nhiệm kì của ngài Nhân) đã khởi sắc, đã đẩy lùi được một bước tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, hi hi...

Đọc mà cười rũ. Học trò cao học của mình khắp nơi kể “kiểu gì cũng phải cho chúng nó (học trò) lên lớp hết, thi đỗ hết, không có cấp trên họ lại khỏ cho lõm đầu ra ấy”, he he.... Quan chức còn khối người ngồi nhầm ghế thì chuyện học trò ngồi nhầm cấp (chứ không chỉ nhầm lớp) xem ra cũng là “chuyện không có gì mà ầm ĩ thế”, hi hi...

Mà cũng chẳng hiểu từ bao giờ mà đào tạo bậc cao học ở Việt Nam cho ra lò toàn học trò xuất sắc, luận văn nào cũng chín phẩy bảy, chín phẩy tám, chín phẩy chín,... cứ như cha Lại Văn Sâm ngày xưa chấm chương trình “SV 96” trên truyền hình. Có đồng nghiệp còn rỉ tai bảo mình, chấm nới tay tí nhé, chứ bây giờ đứa nào chỉ được 9,5 thì có mà khóc như bố nó chết, hí hí...

Những chuyện kiểu này có mà kể một ngàn lẻ một đêm cũng không hết, he he...

Nguyễn Thị Phương Hoa.

Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học, 

Viện Giáo dục, ĐH Tổng hợp Potsdam CHLB Đức.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

Tiến sĩ Cao Thị Bảo Vân: Em xin đóng góp thêm chút ý kiến cá nhân từ góc nhìn chuyên môn về vụ Việt Á.

Nhà báo Hà Phan: Ngay trong phiên xử Việt Á, không ít  người đã ca ngợi công lao "trời biển" của vợ chồng chú em Phan Quốc Việt làm tôi suýt nữa quay xe xin lỗi họ cùng mấy ông anh, bà chị!

May quá, sáng nay đọc được bài bóc phốt của nhà chuyên môn kiêm người trong cuộc về phát minh test kit vĩ đại của vợ chú em. Xin cám ơn Tiến sĩ Cao Thị Bảo Vân đã viết ra sự thật để người ta bớt lòe bịp và đánh lận con đen.

Bà Vân là người đoạt giải WIPO dành cho nhà sáng chế nữ xuất sắc nhất năm 2007 với công trình: "Nghiên cứu giải mã bộ gen virus cúm gà A/H5N1 lưu hành ở Việt Nam trên mẫu bệnh phẩm người và gia cầm năm 2004-2005".

Đây là bài của bà:

"Em xin đóng góp thêm chút ý kiến cá nhân từ góc nhìn chuyên môn về vụ Việt Á.

Các cơ sở chống dịch hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh hồi ấy không mua kit của Việt Á. Vì vậy không thể nói đó là phương tiện duy nhất mà không có nó thì không chống được dịch ở Việt Nam.

Hồi COVID mới nổ ra ở Trung quốc thì WHO và CDC  đã gửi ngay protocol xét nghiệm MIỄN PHÍ trên mạng, để các nước kịp làm theo chống dịch. Nhớ hồi đó WHO lấy công thức của Đức, còn CDC Mỹ thì công thức hơi khác chút. Giờ nói vợ PQV phát minh! Vậy có đăng ký được bản quyền không?

Muốn làm ra phương pháp xét nghiệm mới thì tiên quyết phải giải mã toàn bộ gen của con virus gây bệnh. VN khi ấy có vài ba mẫu, bảo quản như vàng, nguồn kiếm kinh phí mà, nội bộ xin còn không nổi. Hồi đó em và lab Sinh học phân tử chủ chốt của Viện Pasteur,  làm đơn xin chỉ 1 mẫu để nghiên cứu, mà đ/c Viện trưởng hồi đó rất nghiêm, nhất định không cho. Nên em làm đơn xin nghỉ việc, ra khỏi Viện vào đầu dịch. Nghĩ lại cũng là may, chắc các cụ phù hộ.

Kit chẩn đoán gen virus gây Covid19 (không phải test nhanh) cũng theo nguyên tắc phương pháp Realtime PCR nói chung, thực ra là trộn mấy thành phần chủ chốt cần thiết và bộ mồi dựa trên gen của virus gây bệnh thôi.  Cái gì cũng mua mà các cụ.

Nhiều người thắc mắc: nói quy trình có sẵn miễn phí, vậy chả lẽ các hãng nước ngoài họ không làm được để bán? Thế này các cụ ạ. Từ quy trình in house tới cấp phép cho bộ kit thương mai, quy định của quốc tế vô cùng ngặt nghèo. Quá trình kiểm định phải thực hiện trên số lượng mẫu lớn, rồi phải xin được chứng chỉ IVD mới được sử dụng trên người bệnh được. Kit nước ngoài chưa có chứng nhận IVD thì một là Việt Nam không cho nhập, mà nếu may lọt được thì cũng không đấu thầu được. Mà dù có trúng số độc đắc mà đấu thầu được thì lại không có tên trong công văn khuyến cáo của Bộ y tế, dù giá rẻ hơn nhiều.

Việc kiểm định kit ba ngày nói đạt thì không hiểu thế nào. Kiểm định làm trên bao nhiêu mẫu bệnh phẩm của Việt Nam, độ nhạy độ đặc hiệu ra sao, v.v.. ti tỉ tiêu chuẩn đánh giá một bộ sinh phẩm áp dụng cho người bệnh, không phải nói "đạt" là xong. Thế mà xong, lai còn được đưa vào công văn BYT khuyến cáo các CDC mua, có cả giá tiền! Các CDC làm theo hướng dẫn của BYT thì bị bắt!

Hội đông nghiệm thu Nhà nước đọc báo cáo kiểm định, chả lẽ không biết là thẩm định kit nào? Hai phương pháp của Học viện quân y và của "vợ PQV" khác nhau một trời một vực mà? Cái này đọc được báo cáo kiểm định thì hiểu ngay.

Còn nghe PQV tự hào phát minh ra xét nghiệm gộp tiết kiệm trăm ngàn tỉ cho đất nước. Bạn này nổ như bom thế này thì cũng hiểu cách bạn ấy quảng bá các sản phẩm của mình. (Xét nghiệm gộp trong tầm soát dịch tễ thì xưa như cổ tích), chắc chỉ có BYT ít làm thực tế và người ngoài ngành thì mới tưởng cái này mới thôi. 😆

Sau đó Việt Á nộp đơn xin vào khu Công nghệ cao TPHCM, xin đất và đầu tư khủng để sản xuất testkit. Tình cờ em lại là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt vụ đó. Hội đồng bao gồm chuyên gia từ các Trường Viện bên y tế ở TPHCM, Nhớ mãi câu hai vị phản biện và các thành viên hỏi đại diện Việt Á "Công nghệ đâu?" :-). Không có công nghệ gì cả ngoài trộn mấy thành phần đó. Tiêu chuẩn tiên quyết được duyệt vào khu Công nghệ cao là phải có công nghệ mới đột phá. Nên Hội đồng nhất trí: Không đạt! Sau đó ít lâu, Việt Á quyết tâm nộp lại hồ sơ lần 2. Lần này hồ sơ cũng dày cả thước, nhưng vẫn bị: Không đạt các cụ ạ. Mấy tháng sau thì nghe tin Việt Á bị bắt... Các bác thấy TPHCM xét duyệt cũng khá công tâm đấy chứ.

Sau khi họp xong, Hội đồng toàn bạn bè nên hay tán gẫu. Hôm ấy thì thào với nhau là đề tài làm kit này được 18 tỉ đới...

31.12.2023"