Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

FB Matthew NChuong: Về giáo sĩ Đắc Lộ được cho là ... “công dân Pháp

 MỘT NGỘ NHẬN KÉO DÀI QUÁ LÂU: LẼ NÀO CHO ĐẾN LÚC NÀY (2024) VẪN CHƯA NHẬN RA HAY SAO? 

* Về giáo sĩ Đắc Lộ được cho là ... “công dân Pháp”. 

&1&

Mời quí bạn đọc ví dụ sau:

(a) "Phan Rang" là cách gọi của người Việt sau khi làm chủ vùng đất này. Trước đó, chẳng hạn thế kỷ 16, "Phan Rang" có phải lãnh thổ nước Việt không? Không. 

(b) Lúc đó, Phan Rang thuộc lãnh thổ của nước nào? Chiêm Thành. Lúc thuộc Chiêm Thành có tên gọi "Phan Rang" không? Không. Lúc đó, theo tiếng Chăm, gọi là "Pandarang";

(c) Nhân vật X sinh ra tại vùng đất này vào thế kỷ 16 (lúc còn thuộc Chiêm Thành) => Vậy, gọi X sinh ra tại "Phan Rang" là đúng hay sai? SAI (vì chưa xuất hiện cách gọi Phan Rang). Phải gọi là sinh ra tại Pandarang. 

(d) Chỉ vì dựa theo cách gọi SAI, là "sinh ra tại PHAN RANG (thế kỷ 16)", rồi do ấn tượng Phan Rang sau này thuộc VN nên ... kết luận luôn "X là người Việt" - đúng hay sai?. SAI chồng lên sai!

(e) Do nước Chiêm Thành không còn, nên người ta rất dễ "mặc định" bằng những tên gọi do người Việt đặt ra về sau, mà quên béng, không nhắc đến danh xưng cho ĐÚNG với bối cảnh thời điểm lịch sử theo cách gọi của người Chăm.

Dù vậy, nhân vật X là người Chăm chớ không thể biến thành tộc người khác được.

&2&

Chuỗi suy diễn nêu trên buồn cười hết biết, phải không? Vậy mà chúng ta đang phải chứng kiến chuỗi suy diễn buồn cười y hệt như vậy, khi nói đến vị giáo sĩ Đắc Lộ. Mời quí bạn đối chiếu từng điểm a, b, c, d, e.

(a) "Avignon" hiện nay thuộc nước Pháp. Trước đó, lúc sinh thời của giáo sĩ Đắc Lộ (1593-1660), quê quán "Avignon" có phải là lãnh thổ của nước Pháp không? Không.

(b) Lúc đó, Avignon thuộc lãnh thổ nước nào? Giáo tông quốc (Papal States). Lúc thuộc Papal States, có tên gọi "Avignon" không? Không. Lúc đó, theo tiếng Latin (vì Giáo tông quốc nói tiếng Latin), gọi là "Avenio".

(c) Giáo sĩ Đắc Lộ (theo cách chuyển ngữ quen gọi) sinh ra vào thế kỷ 16 (lúc quê quán của ông vẫn thuộc Giáo tông quốc) => Vậy, gọi vị giáo sĩ sinh ra tại "Avignon" là đúng hay sai? SAI. Nói một cách chặt chẽ, phải gọi là sinh ra tại Avenio.

(d) Chỉ vì dựa theo cách gọi SAI, là "sinh ra tại AVIGNON (thế kỷ 16)", rồi do ấn tượng Avignon mãi sau này mới thuộc Pháp (từ 1791) nên kết luận luôn "vị giáo sĩ là người Pháp" - đúng hay sai?. SAI chồng lên sai!

(Thử hình dung, nếu quê Avenio sau đó không sáp nhập vào Pháp mà sáp nhập vào Ý chẳng hạn, có lẽ với cái mửng suy diễn trên thì vị giáo sĩ Đắc Lộ bị biến thành người Ý lắm đa!)

(e) Do Giáo tông quốc không còn, nên người ta rất dễ "mặc định" bằng những tên gọi do người Pháp đặt ra về sau, mà quên béng, không nhắc đến danh xưng cho ĐÚNG với bối cảnh thời điểm lịch sử theo cách gọi bằng tiếng Latin của người thuộc Giáo tông quốc.

Dù vậy, giáo sĩ Đắc Lộ vẫn là người Giáo tông quốc, nói tiếng Latin (tên gốc của giáo sĩ, bằng tiếng Latin, là Alexander Rhodius) chớ không thể biến thành "công dân Pháp" được.

* Thêm một điểm ĐÁNG CHÚ Ý: Giáo sĩ Đắc Lộ soạn Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin. Tiếng Bồ là ngôn ngữ phổ dụng của các giáo sĩ truyền giảng Ơn Cứu độ của Chúa Jesus vào nước Việt đầu thế kỷ 17. 

Hãy biết đặt câu hỏi: ồ, sao giáo sĩ Đắc Lộ không soạn "Việt - Bồ - Pháp"? Nếu nói vị giáo sĩ là "người Pháp" thì lẽ đương nhiên ông sẽ phải soạn tiếng Pháp đối chiếu trong Tự điển mới phải. Nhưng, vị giáo sĩ này ĐÂU PHẢI là người Pháp mà viết tiếng Pháp!

&3&

3a) Mãi về sau này, từ giữa thế kỷ 19 cho đến vài thập niên đầu của thế ky 20, thực dân Pháp đặt sự cai trị lên nước Việt. 

Bằng mưu thuật chánh trị tinh ranh, thực dân Pháp đã cho rằng giáo sĩ Đắc Lộ - có công to lớn trong xây đắp chữ Quốc ngữ - là "công dân Pháp" (!). Bởi vì Pháp nhận thấy chữ Quốc ngữ đang thu phục thiện cảm của giới sĩ phu trí thức, chẳng hạn "Đông Kinh nghĩa thục" (tại Hà Nội) cổ võ dạy và học chữ Quốc ngữ.

Xin chú ý: các nhân sĩ tham gia "Đông Kinh nghĩa thục" không phải là Công giáo, và đều là những nhân sĩ yêu nước.

Những kẻ thạo nghề chánh trị, trong cỗ máy thực dân, đã nhận bừa công trạng về chữ Quốc ngữ khi gọi giáo sĩ Đắc Lộ là "người Pháp" như bọn họ. Nhiều người Việt đã tin theo, bởi vào lúc thực dân Pháp đặt chân đến nước Nam thì quê hương của giáo sĩ Đắc Lộ đã trở thành lãnh thổ thuộc Pháp.

Cần phải nhớ: Lúc Pháp xâm lăng nước Nam (1858), là sau hai thế kỷ tính từ lúc vị giáo sĩ Đắc Lộ đã qua đời (1660) [lúc qua đời, quê quán của giáo sĩ Đắc Lộ vẫn KHÔNG thuộc Pháp].

3b) Công trạng khởi lập, XÂY DỰNG NỀN MÓNG cho bộ chữ Quốc ngữ (thập niên đầu thế kỷ 17) thuộc về các giáo sĩ dòng Tên, bên Công giáo, KHÔNG thuộc công trạng của nhà nước thế tục nào ráo trọi. Thuộc về bên Đạo, không phải bên "đời".

Lúc bộ chữ Quốc ngữ thành hình, xuất hiện được hơn 200 năm rồi, sau đó mới có mặt chế độ thực dân Pháp.

* Trở lại với giáo sĩ Đắc Lộ, kết luận: 

Giáo sĩ Đắc Lộ là công dân của Giáo tông quốc (không phải Pháp quốc), ngôn ngữ của cư dân trong quốc gia này là tiếng Latin (không phải tiếng Pháp)./.

----------------------------------------------------------------

Giáo sĩ ALEXANDER RHODIUS, công dân Giáo tông quốc (mãi hơn một trăm năm sau khi ông mất, quê quán cùa ông mới sáp nhập vào Pháp).

Quê Avenio (thời giáo sĩ còn sống), mãi sau này mới nhập vào Pháp gọi là Avignon.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét