Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

FB Matthew NChuong: NAM KỲ DO AI ĐỊNH CÕI / XÂY ĐẮP MÀ NÊN?

 NAM KỲ DO AI ĐỊNH CÕI / XÂY ĐẮP MÀ NÊN? 

Tưởng dễ trả lời, không dè hiện nay vẫn còn không ít người hiểu mơ màng, rồi mắc thói ăn cháo đá bát đối với công sức của người dân trong Nam. Một khi lịch sử bị hiểu lệch, tương lai ắt đi lạc!

/1/ Việc sở hữu lãnh thổ bằng những giải pháp hòa bình khôn khéo ("được dâng đất"), không gọi là cưỡng chiếm, mà hợp lệ, có hiệu lực trong bang giao giữa các quốc gia với nhau.

Đó chính là bức tranh toàn cảnh về tiến trình sáp nhập Thủy Chân Lạp (tức toàn vùng châu thổ Đồng Nai - Cửu Long, sau này - vào năm 1832 - gọi là "Nam Kỳ"). Xin tóm tắt một số dữ kiện:

/2/ Do trong hoàng tộc bên xứ Chùa Tháp tranh chấp ngôi vua, bên thì nhờ Xiêm La (Thái Lan) bên thì cậy chúa Nguyễn (Đàng Trong) giúp đỡ. Sau đó, vua bên đó cho phép người Việt vào khai khẩn (vì Thủy Chân Lạp minh mông mà người dân Cao Miên không đủ nhân lực), rồi cứ mỗi lần chúa Nguyễn can thiệp trong tranh giành ngôi báu bên Cao Miên thì họ lần lượt dâng từng vùng đất để tạ ơn / hoặc cầu hòa.

Như giai đoạn 1658-1698 nhường vùng đất (mà nay ta gọi là các tỉnh miền Đông) để người Việt khai khẩn. 

Năm 1732, vua Cao Miên dâng hai vùng đất là Mỹ Tho, Vĩnh Long... 

Năm 1755, vua Cao Miên dâng vùng đất Tân An, Gò Công (Long An, Tiền Giang ngày nay). 

Năm 1757, dâng vùng đất Trà Vinh, Sóc Trăng, rồi Châu Đốc, Sa Đéc...

/3/ Cũng trong quá trình từ 1658 cho đến 1757 (là năm hoàn tất sáp nhập vùng Thủy Chân Lạp vào lãnh thổ Đàng Trong), còn có sự dâng đất từ cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích.

Gốc gác những vùng đất mà họ Mạc sở hữu cũng từ lãnh thổ của vua Cao Miên và được vua Miên dâng tặng (do họ Mạc có công giúp đỡ vua Miên): Hà Tiên, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu...(gọi theo tên hiện nay cho dễ hình dung).

Họ Mạc đứng trước hiểm họa xâm chiếm từ thủy quân Xiêm La, đã xin nội thuộc Đàng Trong để nhận được sự bảo vệ từ quân quan chúa Nguyễn.

/4/ Như vậy, xây đắp & định cõi Nam Kỳ hoàn tất - ngoài sự góp sức của người Khmer cư trú sẵn có từ trước, còn là:

A/ Công sức chiếm tỉ trọng lớn nhứt, dĩ nhiên, là NGƯỜI VIỆT. Mà ... người Việt từ xứ nào đặt chân lên đất Nam Kỳ?

Khi hai miền Đàng Trong / Đàng Ngoài nổ ra chiến tranh (năm 1625) thì hai miền đã phân định ranh giới, chấm dứt thông thương. Trước đó, từ cuối thế kỷ 16 cho tới 1625, chừng vài mươi năm thôi, là có di dân từ ngoài Bắc vô Đàng Trong NHƯNG - xin chú ý - giai đoạn này vẫn chưa mở cõi Nam Kỳ (mà chỉ mới mở cõi dần dần cho đến phía cực nam miền duyên hải: Ninh Thuận, Bình Thuận).

Và suốt 170 năm dài đăng đẳng sau đó (kể từ 1625 trở đi), việc định cõi ở châu thổ Đồng Nai - Cửu Long chiếm đại đa số là người Việt từ vùng Ngũ Quảng - gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên - Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi; cùng với người dân xứ Nẫu. 

Nên nhớ: hết thảy vùng "ngũ Quảng" và xứ Nẫu thời bấy giờ đều thuộc Đàng Trong.

Ròng rã 170 năm, công trạng mở cõi là do nhiều thế hệ SINH RA & LỚN LÊN TẠI ĐÀNG TRONG.

Hãy nhớ, đừng mắc thói ăn cháo đá bát mà quên béng hoặc giảm nhẹ công sức chánh yếu là thuộc về các thế hệ sinh ra & lớn lên ở ĐÀNG TRONG.

B/ Công sức của người Minh hương (tức người gốc Tàu "phản Thanh phục Minh" nhưng bất thành, chạy qua lập nghiệp tại vùng Thủy Chân Lạp). Họ Mạc (Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích) chiếm lĩnh và, sau đó, dâng đất cho chúa Nguyễn - gồm Hà Tiên, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu...

[ Ghi chú: Còn Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên - cũng Minh hương, "phản Thanh phục Minh" - nhưng họ không chiếm lĩnh lãnh thổ nào hết mà được chúa Nguyễn chấp thuận cho định cư, khai khẩn ở vùng Cù lao Phố, Mỹ Tho ]

TÓM TẮT: 

Vậy là đủ để trả lời câu hỏi "Nam Kỳ do ai xây đắp mà nên?" - xét trong giai đoạn khai khẩn, định cõi (thế kỷ 17,18). Tắt một lời, để KHẮC GHI, như sau:

* Công sức của đa số NGƯỜI VIỆT CỦA ĐÀNG TRONG (sinh ra & lớn lên tại Đàng Trong). 

* Công sức của người Minh hương (người Tàu).

* Công sức của người Khmer.

Đảo lộn thứ tự (chẳng hạn... cho rằng người Minh hương công lao hàng đầu) là bóp méo lịch sử! 

Hoặc tưởng tượng người Việt ở miền Bắc đi vào châu thổ Cửu Long, họa có là  ... vong hồn bay chấp chới mà thôi (nhắc lại: vào thế kỷ 17 và 18, cho đến thời điểm đó thì KHÔNG còn có ai sanh ra ở ngoài bắc mà vào nam hết trơn).

-------------------------------------------------------------------

Hoàn tất việc định cõi, mở cõi của ĐÀNG TRONG vào năm 1757.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét