1. Đầu tiên, phải hiểu bản chất cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chơi hai cấp độ. Cấp độ 1, đối với Ukraine, là để Thoát Nga Nhập Âu. Cấp độ 2, đối với Phương Tây, là làm suy yếu Nga - vĩnh viễn (Công thức của Brzezinski: Nga chỉ là đế quốc khi có Ukraine, Không có Ukraine, Nga không còn là đế quốc.) Trong đó, cấp độ 1 là bài toán của một nước, cấp độ 2 là bài toán khu vực và toàn cầu. Cấp độ 2 quyết định cấp độ 1.
2. Mục tiêu của Phương Tây là biến Nga
trở thành một quốc gia (nation) chứ không phải một đế quốc (empire). Cho tới
nay Nga vẫn hành xử như một đế quốc, và thực tế là một đế quốc. Đó là điều không
được chấp nhận trong trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu (ở đó Mỹ là đế quốc toàn
cầu duy nhất).
3. Syria có ý nghĩa quan trọng, vì đó
chính là một phần biểu hiện đế quốc của Nga. Việc kiểm soát Syria giúp Nga có
đường ra Đại Tây Dương thông qua Địa Trung Hải (vì đường đi qua Biển Đen phụ
thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, đường ra Bắc Đại Tây Dương qua biển Baltic phụ thuộc Đan
Mạch, đây là lý do vì sao cả Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ đều được NATO kết nạp từ
sớm, riêng Thổ đặc cách không phải thành viên EU vẫn được kết nạp.)
4. Sau khi đã kiểm soát được Syria, Nga
và Iran sẽ xây dựng đường ống dẫn dầu và khí từ Iran đi qua Syria, đi vào Địa
Trung Hải (đi qua hai căn cứ quân sự của Nga để được bảo đảm an ninh luôn), từ
đó cung cấp năng lượng cho Châu Âu. Nếu dự án này thành công, phe Nga-Iran sẽ
mạnh lên đáng kể vì có thêm nguồn lực và Iran sẽ củng cố quyền lực ở khu vực.
5. Tuy nhiên, Phương Tây thì lại muốn
xây dựng đường ống dẫn dầu bắt nguồn từ đồng minh Qatar, từ đó đi qua Thổ Nhĩ
Kỳ rồi vào châu Âu, để châu Âu có thể kiểm soát. Nhưng đi đường nào, cũng đều
phải đi qua Syria. Nếu dự án này thành công, phe châu Âu sẽ không bị lệ thuộc
vào Nga-Iran, đồng thời Iran không có thêm nguồn lực để phát triển và củng cố
quyền lực khu vực.
6. Kết quả là, Syria trở thành trận địa
sống mái giữa hai phe. ĐIều này lý giải vì sao chiến tranh đã diễn ra liên miên
xé nát đất nước này bao nhiêu năm qua. Các phe phái (tôn giáo, sắc tộc) chỉ là
proxies (đại diện, ủy nhiệm), còn đằng sau là hai phe lớn nêu trên.
7. Cuộc chiến ở Ukraine là một cơ hội
may mắn với phương Tây, vì có cớ làm suy yếu Nga trên mọi phương diện một cách
chính danh (trừng phạt kinh tế, cắt đứt tài chính-thương mại..., và tất nhiên,
chảy máu liên tục trên chiến trường). Thành quả của việc làm suy yếu Nga, đầu
tiên là đưa Thụy Điển-Phần Lan vào NATO - điều này giúp kiểm soát trọn vẹn biển
Baltic, và quan trọng hơn, mở rộng kiểm soát Bắc cực), tiếp đến là thành quả
gần đây nhất: giành được Syria. Công việc sắp tới là phương Tây sẽ phải áp đặt
ảnh hưởng lên Syria, loại bỏ ảnh hưởng của Iran và Nga. Việc này không dễ làm
được ngay, nhưng không phải vội. Và vì thế, chiến tranh sẽ tiếp tục tàn phá và
xé nát Syria.
8. Trở lại vấn đề với Ukraine hiện nay:
Vị thế của Ukraine có phần nào hơi giống vị thế của Việt Nam vào năm 1972. Lưu ý
rằng Mỹ tham chiến ở Việt Nam là để kiểm soát Liên Xô - một phần là Trung Quốc.
Cho nên năm 1972, đã mệt mỏi vì chiến tranh, Mỹ quyết định làm hòa với Trung
Quốc lúc đó đang kiệt quệ vì cách mạng văn hóa. Nhờ đó, Mỹ-Trung phối hợp và
triển vọng kiểm soát được Liên Xô sáng sủa hơn nhiều việc chiến thắng ở Việt
Nam. Do đó, Mỹ lập tức bỏ Miền Nam Việt Nam, và Trung Quốc thì bỏ Miền Bắc Việt
Nam. Hiệp đinh Hòa bình 1973 được ký kết chính là kết quả của việc đó. Cả Mỹ và
Trung Quốc cùng muốn VN giữ nguyên hiện trạng hai miền (như mô hình Nam-Bắc
Triều Tiên). Nhưng Hà Nội không chấp thuận điều này và đã quyết tâm tấn công
miền Nam để thống nhất đất nước, Trung Quốc cũng không kịp ngăn cản, vì VN còn
có sự hỗ trợ của Liên Xô. Nhờ thế VN đã kịp thống nhất vào năm 1975, chứ không
để bị tình trạng chia cắt như Nam-Bắc Hàn cho đến tận bây giờ và rồi tương lại
không biết ra sao. Đó là thành quả rất quan trọng của Việt Nam bất kể đánh giá
từ góc độ nào.
Trở lại với Ukraine: Bởi vì việc làm
suy yếu Nga đã đạt được bước tiến dài (như nêu ở trên), nên có thể phương Tây
sẽ có hai lựa chọn: 1) tiếp tục duy trì chiến tranh để Nga tiếp tục suy yếu; 2)
thấy Nga đã đủ yếu, tạm ngừng chiến tranh để giảm chi phí, và giữ nguyên hiện
trạng chiến trường - tức là 4 tỉnh của Ukraine sẽ phụ thuộc vào Nga, phần còn
lại là nước Ukraine mới, xu hướng phương Tây. Trong hai phương án này, rất có
thể phương Tây sẽ chọn phương án 2, tức là rất giống giải pháp 1973 ở Việt Nam.
Nhưng khả năng Kyiv tự ý giải phóng 4 tỉnh để thống nhất đất nước có vẻ sẽ
không thực hiện được như Hà Nội đã làm vào thời điểm đó.
9. Tóm lại, việc phương Tây thay thế
Nga kiểm soát Syria, có thể mở ra kết cục cho cuộc chiến ở Ukraine. Trong kết
cục đó, Ukraine là bên bị mất một phần lãnh thổ, nhưng có thể thoát Nga nhập Âu;
Nga bị suy yếu và mất vị thế địa chiến lược của một đế quốc; Iran tiếp tục bị
kìm hãm, và Phương Tây (Mỹ, NATO, Israel) là được lợi nhiều nhất, vốn liếng
không mất là bao, giờ bắt đầu có thể thu hồi. Riêng Israel ngư ông đắc lợi,
chiếm ngay được đỉnh núi cao nhất của Cao Nguyên Golan, từ đó kiểm soát mấy
nước xung quanh, không khác gì Trung Quốc tranh thủ chiếm Hoàng Sa năm 1974.
TS. Nguyễn Đức Thành.
10/12/2024.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét