Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Người Buôn Gió, từ giang hồ đến cải cách xã hội

Hà Giang thực hiện
Theo Người Việt
Người quan tâm đến tình hình đất nước có lẽ ai cũng quen thuộc với tên gọi blogger Người Buôn Gió. Người Buôn Gió tên thật là Bùi Thanh Hiếu, tác giả nhiều loạt bài, trong đó có “Ðại Vệ Chí Dị,” “Thư Viết Cho Con Trai”... với lối viết giản dị, dí dỏm, và sâu sắc. Blogger Người Buôn Gió là ai? Ðiều gì khiến ông trở thành người dùng ngòi bút làm phương tiện cải cách xã hội?
Hiện đang tham dự chương trình học bổng nghệ thuật của thành phố Weimar, Ðức Quốc, Blogger Người Buôn Gió hé lộ với phóng viên Hà Giang vài nét chính về con người và cuộc đời mình, trong buổi chuyện trò sau đây, tại tòa soạn nhật báo Người Việt.
Hà Giang (NV): Chào blogger Người Buôn Gió, đọc văn thì người đọc cũng có thể đoán ra con người của tác giả Người Buôn Gió, tuy nhiên nhiều người vẫn muốn nghe chính tác giả nói về mình, anh có thể cho độc giả của Người Việt biết blogger Người Buôn Gió là ai, và tại sao lại đi... buôn gió?
Blogger Người Buôn Gió: Thực sự, tôi chỉ như bao thanh niên ở Việt Nam ở trong những khu phố mà người ta gọi là khu phố bụi đời, nơi chứa nhiều thành phần giang hồ, xã hội đen. Cuộc sống của tôi cũng có lúc sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cũng có lúc cờ bạc, thậm chí là trộm cắp. Mọi người có thể hình dung là cuộc sống ấy nó khó hiểu nhưng mà tôi sinh ra ở cái khu phố như thế và tất cả mọi người đều làm những việc như thế thì tôi cũng làm theo, tôi không tiếp xúc được với xã hội bên ngoài, với xã hội văn minh và lớp người trí thức, mà tôi chỉ biết sống ở trong đấy thôi, và tôi trở thành một người cũng “xuất sắc” trong cái đám lưu manh ấy.
NV: Anh nói đến một khu phố bụi đời với những chàng trai sống lăn lóc, vậy khu phố đó là ở đâu?
Blogger Người Buôn Gió: Nơi tôi sinh ra nó là một cái ngõ nhỏ tên là Phát Lộc, ngoài Bắc, nó nằm ở chợ Ðồng Xuân-Bắc Qua, một nơi chứa chấp nhiều giới giang hồ hảo hán, dân số khoảng vài nghìn người.
NV: Blogger Người Buôn Gió bao nhiêu tuổi rồi?
Blogger Người Buôn Gió: Vâng, tôi sinh năm 1972.
NV: Tới một lúc nào thì con người giang hồ lăn lóc bụi đời đó quyết định thôi giang hồ và bắt đầu viết lách, và điều gì, biến cố gì đã thôi thúc Người Buôn Gió phải cầm bút?
Blogger Người Buôn Gió: Khi tôi lấy vợ thì tôi vẫn làm công việc cầm đồ, cá độ bóng đá, tiêu thụ của gian, nói chung thì những cái việc ấy nó liên hệ với nhau. Sau đấy năm 2005 thì vợ tôi sinh con. Khi vợ tôi chuyển dạ sinh thì tôi đưa vợ tôi vào bệnh viện. Khi vào bệnh viện, các bác sĩ người ta bảo đưa tiền hối lộ thì người ta sẽ chăn sóc vợ con tôi. Lúc tôi đưa tiền cho người ta thì tôi thấy đó là lẽ tất nhiên, cả một cái xã hội toàn dùng tiền hối lộ, ở đâu cũng phải hối lộ thì hối lộ nó thành thói quen thôi. Nhưng nó xảy ra trường hợp là vợ tôi khó đẻ, và khó đẻ thì phải chuyển qua phòng mổ. Nhưng phòng đỡ đẻ thì người ta muốn lấy tiền hối lộ, nên họ giữ vợ tôi ở đấy. Vì thế sau ba tiếng đồng hồ vỡ ối, con tôi chưa được sinh ra, họ đợi đến hết giờ ca trực ấy, khi đổi qua ca trực khác thì mới chuyển, vì như thế thì ca trực khác mới được tiền (hối lộ). Khi họ chuyển vợ con tôi qua phòng mổ thì con tôi tím ngắt và tái mét. Họ nói con tôi bị bệnh tim. Nhưng nhiều người bảo nếu bệnh tim thì khám thai phải biết rồi, hoặc gia đình có tiền sử bệnh tim, mà gia đình tôi không ai có bệnh tim, còn con tôi trong quá trình khám thai thì không có vấn đề gì. Ðây là cháu bé trong ba tiếng đồng hồ đó nó bị sặc nước ối, vì nước ối vỡ ra rồi, nó uống vào.
Lúc ấy họ bảo, bây giờ muốn chữa thì phải tốn tiền, thế là tôi lại phải đưa tiền cho họ, nói tóm lại hối lộ rất là nhiều, từ y tá đến bác sĩ, ai cũng nói đến tiền. Họ hỏi thì tôi cứ đưa tiền ra, không thiết tha gì khác. Con tôi cuối cùng khỏe mạnh được về nhà. Khi về nhà được khoảng hai tháng thì một hôm tôi nhìn con tôi đang nằm, nó mủm mỉm, nó cười. Tôi nhìn, tôi mới nhớ lại chuyện hôm nó sinh ra, tôi mới chợt nhận ra rằng tôi từng cầm dao tôi đi chém người để tôi lấy tiền, thì tôi hình dung việc của tôi với việc ông bác sĩ ông ấy cầm dao mổ, tôi bàng hoàng nhận ra là có khi họ cũng giống mình.
Khi tôi nhận ra một cái điều như thế, thì tôi tự hỏi tại sao xã hội nó lại như thế. Tôi nhận tôi là một thằng lưu manh giang hồ, tôi đâm thuê chém mướn, tôi kiếm tiền... mà hình ảnh của người bác sĩ ở trong tôi ấy, thì tôi vẫn nghĩ những người ấy gọi là lương y như từ mẫu, không quản ngại điều gì để giúp mình, mà bây giờ người ta cũng cầm dao người ta kiếm tiền, và người ta cũng có thể bỏ mặc người khác chết để người ta kiếm tiền. Tôi thấy sự tàn nhẫn của họ có khi còn xuất sắc hơn tôi.
Thật ra khi tôi đi đâm chém thì chỉ là dân giang hồ với nhau, chứ tôi chẳng bao giờ đi tìm một người hiền lành nào tôi uy hiếp người ta để tôi kiếm tiền, mà toàn là dân giang hồ mâu thuẫn vì chia chác các thứ hay là nợ nần nhau. Bây giờ đến một người bác sĩ mà người ta cũng như thế thì tôi không hiểu cái xã hội này bây giờ nó ra thế nào. Nghĩ thêm thì tôi thấy không riêng chỉ bác sĩ, mà thầy giáo rồi công an cũng như thế, cả xã hội nó như thế.
Tôi nghĩ bây giờ mình sinh con mình ra rồi, và xã hội nó như thế này, để cho con mình nó tồn tại, thì mình dạy cho con mình cái gì? Mình lại phải dạy cho con mình biết cách hối lộ, biết cách luồn lọt, biết cách kiếm chác lưu manh thì tôi thấy mình sinh ra một người con, nuôi cho lớn mà phải dạy nó những điều ấy, thì nói thật lòng, thà không sinh nó ra.
Lúc đó tôi mới viết bài đầu tiên là bài ”Thư viết cho con trai”. Tôi viết một chuyện châm biếm là trong xã hội như thế này, khi con lớn lên đi học mẫu giáo, đi ra ngoài con phải cảnh giác là luôn cầm tiền trong người, bố sẽ đặt tên con là Bùi Minh Huấn, tức là con có được lời giáo huấn sáng suốt.
Bài viết đó có nhiều người đọc và khen. Thật ra thì cũng chẳng phải là người ta khen. Người thì khóc, người thì cười, tức là nó mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc. Tôi thấy là mình có thể có một cách cải cách cái xã hội này qua ngòi bút của mình. Nghĩ thế, tôi bắt đầu chú ý viết.
NV: Buôn Gió có nghĩa là gì, và từ đâu lại có cái tên Người Buôn Gió?
Blogger Người Buôn Gió: Lúc đầu, khi mới viết, tôi chỉ lấy tên thật là Bùi Minh Hiếu thôi. Sau đó tôi nghĩ mình không phải là muốn truyền bá tư tưởng, mà chỉ muốn nhân rộng suy nghĩ của một người cha, muốn những điều tốt cho con mình, cho thế hệ sau, nhân rộng nó đi khắp nơi, thì tôi chọn cái tên Người Buôn Gió, tức là tôi mong muốn cái tình cảm của một người cha, trách nhiệm với người con, với xã hội, được nhân rộng, tôi chọn cái tên ấy.
NV: Những nhận thức về xã hội chung quanh của blogger Người Buôn Gió có phải đến lúc có con, lo cho con rồi mới có, hay là những điều đã tiềm ẩn trong anh lâu rồi?
Blogger Người Buôn Gió: Nhận thức thì vẫn luôn luôn có chứ, nhưng nó không khiến được mình thay đổi, vì như nhiều người Việt Nam mình, khi họ nhìn những sự trái ngang đó, thì họ coi đó là một điều bình thường và họ tìm một cách nào đó, hối lộ, luồn lách, móc ngoặc thế nào đó để mà vượt qua. Thì tôi cũng là một người như thế. Nếu mà tôi không có cậu con trai của tôi, thì tôi vẫn là một người như thế thôi. Nhưng khi đã có người con rồi thì suy nghĩ của tôi lúc đó không phải là về tôi nữa mà là về thế hệ của con tôi, và chính vì thế mà tôi viết. Nói tóm lại, đánh giá về xã hội như thế thì nó có sẵn trong người rồi, nhưng mình không muốn làm cái gì để thay đổi nó, mình chấp nhận nó là đương nhiên như thế. Nhưng khi mình đặt vấn đề con mình nó cũng phải chấp nhận như thế là một chuyện đương nhiên thì đó là một điều đau lòng, và tôi không muốn như thế, nên tôi phải viết.
NV: Việc viết lách trong xã hội Việt Nam đã mang đến cho blogger Người Buôn Gió nhiều khó khăn trong cuộc sống, vậy người phối ngẫu của anh có ý kiến gì không?
Blogger Người Buôn Gió: Ðầu tiên thì vợ tôi phàn nàn rất nhiều. Gia đình bên vợ tôi, ông của vợ tôi là tướng trong quân đội (Bắc Việt), gia đình bên vợ tôi cũng thuộc thành phần trí thức, ông bà đều là lão thành cách mạng. Nhưng khi tôi bị bắt năm 2009 thì lúc đấy gia đình vợ tôi mới biết chuyện. Họ tìm hiểu xem tại sao tôi bị bắt, họ đọc những bài của tôi, họ nói “ôi mẹ cái thằng này nó viết hay đấy, nó viết đúng quá.” Lúc ấy thì vợ tôi thất vọng, tưởng là mọi người biết anh ấy làm như thế thì khuyên anh ấy, chứ bây giờ bên nội bên ngoại cùng khen như thế này, thì vợ tôi cũng vui vẻ.
NV: Sau khi những bài viết của blogger Người Buôn Gió được gia đình bên vợ đọc, thành phần giao tiếp của anh có thay đổi không? Có tạo được ảnh hưởng gì không?
Blogger Người Buôn Gió: Sau khi mọi người trong họ hàng đọc thì họ thành độc giả của tôi. Họ thường xuyên đọc. Gọi cho bạn bè. Thậm chí, tôi có ông chú với bà cô lúc nào cũng đi khoe “tôi là ông chú, tôi là cô cái thằng Buôn Gió.”
NV: Con trai của blogger Người Buôn Gió bây giờ cũng chín tuổi rồi, và anh đã viết cho con rất nhiều bức thư, thế cha con anh có bao giờ ngồi và nói với nhau những câu chuyện tương tự như nội dung của những bức thư đó không?
Blogger Người Buôn Gió: Cháu cũng đọc những bài tôi viết. Có những lúc đi học về cháu chưa phải làm bài, cháu rất là khệnh khạng, ngồi vào máy tính, xong cháu Google xem hôm nay Người Buôn Gió viết cái gì, rồi cháu ngồi đọc. Chúng tôi không thảo luận về những thư tôi viết cho cháu, chỉ có một cái truyện tôi viết về tuổi thơ của tôi, thì cháu có hỏi lúc ấy bố bé, bố như thế nào thế nào, thì tôi kể cho cháu nghe. Tôi tâm sự với cháu, chẳng hạn như bố thương bà nội thì bố nấu cơm, bố làm các việc giúp bà, hay là thương ông nội thì tôi làm gì.
NV: Trở lại với cái cái chữ Buôn Gió, chắc hẳn hai chữ này với anh phải có một ý nghĩa gì đó sâu sắc lắm?
Blogger Người Buôn Gió: Chúng ta người nào cũng có một ước mơ, thí dụ ước mơ cải cách xã hội, ước mơ xã hội được dân chủ, cái tên Buôn Gió nó thể hiện một giấc mơ, một ước mơ mà tôi đang trên đường thực hiện. Tôi cũng chỉ mong lúc nào đất nước mình tràn ngập gió thì tôi không phải đi buôn nữa, thì đó là một điều hạnh phúc.
NV: Cảm ơn blogger Người Buôn Gió đã dành thời gian cho chúng tôi.
---------------
Chúc mừng sinh nhật con trai Tí Hớn của bố, hôm nay ở đây cũng trở gió mưa lạnh giống y như 8 năm trước ngày con sinh. Đây là sinh nhật đầu tiên của con không có bố bên cạnh. Bố chả nhớ sinh nhật mẹ con, thậm chí cả sinh nhật của bố đi nữa bố cũng còn quên.

Chỉ có một ngày mà bố nhớ nhất là ngày con trai bố chào đời ngày 29 tháng 10 năm 2005.

Bố đọc lại bài viết ngày con ra đời, bố nhớ con rất nhiều, chắc giờ con đang ngủ nhỉ.

oOo

Thư viết cho con trai.

Con thân yêu của bố,

Con ở nhà ăn nhiều và ngủ ngoan chứ. Bố còn đang làm công trình dưới Hải Phòng. Mấy hôm nay mưa rất nhiều khiến công việc của bố bị đình chỉ, tối nay trời vẫn mưa khiến bố nhớ con đến cồn cào. Bố nhớ cái miệng cười tủm tỉm khi con tí mẹ no, nhớ ngẩn ngơ cả người con trai ạ!

Con trai của bố, con sinh ra khi bố đã 34 tuổi. Trong cái thời đại Hồ Chí Minh mà dọc đường vào thành phố có tấm băng rôn:

- Vẻ vang thay thời đại Hồ Chí Minh Vậy là con của bố được may mắn sinh ra trong một thời đại vẻ vang, mọi biên bản, đơn từ đều có dòng chữ đầy ắp hy vọng:

- Độc lập – Tự Do- Hạnh phúc
Rồi người ta còn tung hô dài dài câu – Xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Lịch sử nước ta có nhiều thời đại. Sau này con sẽ được học về thời đại Hùng Vương, thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… Nhưng những thời đại ấy, bố cũng chỉ học được từ sách giáo khoa như con sau này thôi. Vậy bố sẽ kể dần cho con nghe về thời đại mà con đã sinh ra, cũng là thời đại mà bố chứng kiến, sống và làm việc theo hiến pháp thời đại đó. Một thời đại mà nhà nước ta bảo rằng hào hùng, vinh quang và vẻ vang hơm mọi thời đại khác.

Đất nước ta hiện nay có rất nhiều người tốt việc tốt. Học sinh thì học giỏi, cán bộ, công chức cần cù liêm khiết, lãnh đạo sáng suốt…

Hôm mẹ con trở dạ, bố đưa mẹ vào viện Nhi Trung Ương. Cô bác sĩ đeo kính cận chăm sóc mẹ con rất tận tình. Cô ấy là người quen của bạn mẹ con. Bố và mẹ đã gặp cô ấy từ trước để nhờ săn sóc và khám sức khoẻ, theo dõi cho cả hai mẹ con. Bởi vậy cô ấy đã không phải rào đón, thân thiện như người nhà bảo với bố rằng.

 Vợ anh tử cung hẹp, khéo phải mổ đấy anh ạ.

Bố không nghĩ gì nhiều. Làm sao mà bố dám tính toán với đứa con trai của bố sắp chào đời tốn bao nhiêu. Bố chỉ hỏi

- Em cần bao nhiêu? Cô ấy bảo:

- Bác sĩ mổ 5 trăm, y tá 200, tiền bệnh viện 500, hộ lý 100.

Bố không nhớ rõ, chỉ nghe cô ấy tổng kết là triệu rưởi. Tiền cược viện phí một triệu thì bệnh viện đã thu ngay từ lúc vào cổng. Cái bác thu tiền ấy thấy bố cuống quýt còn quát:

- Cứ nộp tiền xong đã, đẻ ngay đâu mà lo!

Bố không biết lúc ấy bố quên tiền thì con trai bố có phải sinh ra ở gốc sấu phố Tràng Thi không. Nhưng nhờ ơn Đảng và Bác Hồ, dạo này ai đến viện cũng chuẩn bị tiền nộp trước cả. Bố cũng cầm theo mấy tháng lương cho nên một triệu để lấy tờ giấy đưa hai mẹ con cho cô bạn bác sĩ kia đưa vào trong cũng là chuyện nhỏ.
Bố đưa cho cô bác sĩ ấy hai triệu với lời dặn:

- Em cứ liệu mà lo, thiếu bao nhiêu bảo anh đưa thêm.

Cô ấy rút điện thoại gọi ngay bác sĩ Hưng là người phụ trách phòng mổ. Lúc này thì mẹ con đang ở trong phòng đỡ đẻ, bấy giờ là 6 giờ chiều ngày 28/10/2005. Bác sĩ Hưng đến rút điện thoại gọi bác sĩ Hà trực phòng đỡ đẻ xin được phép mổ cho mẹ con. Nhưng bác sĩ Hà không đồng ý. Nguyên nhân là thế này.

Thường mỗi ca đỡ đẻ, cái luật bất thành văn là trường hợp sinh ở phòng đỡ đẻ, ca đỡ được bồi dưỡng 700. Nếu ca nào khó thì mới chuyển qua phòng mổ. Tiền bồi dưỡng đương nhiên là phòng mổ nhận.

Bố cũng thấy cái khó trong việc này, nên bố đề nghị gặp bác sĩ Hà để xin mổ cho mẹ con theo yêu cầu. Nhưng bác sĩ Hà nhất quyết không gặp, không cho bố cơ hội dúi cái phong bì bẩy lít. Hoá ra bác sĩ Hà tử tế, bác ấy cho rằng mẹ khoẻ, con khoẻ cứ đẻ thường cũng được. Có nghĩa bác ấy quân tử, muốn nhận tiền thì cũng mó tay vào việc chứ nhất quyết chả chịu ăn không?

Đến 3 giờ sáng thì mẹ con vỡ ối, mẹ con quằn quại, nhăn nhó nhìn bố cầu cứu. Bên ngoài bác sĩ Hưng thúc bố nói chuyện với bác sĩ Hà. Nhưng bố thiếu nước quỳ xuống van xin, hai tay cung kính dâng tiền mà bác sĩ Hà kiên quyết không đồng ý. Bác ấy cứ khăng khăng là để đẻ thường.

Đến 6 giờ sáng hết ca của bác sĩ Hưng, thì bác sĩ Hà đồng ý cho mổ. Con trai của bố 3,2 kg, đủ tháng. Siêu âm hàng kỳ đều khoẻ mạnh. Lúc sinh ra người tím ngắt, thở không nổi. Bác sĩ điều trị Trách nói rằng con có thể bị bệnh tim.Cứ thấy bóng dáng áo blu là bố muốn quỳ lạy vì sợ hãi, bố dúi tiền cho bất cứ ai để van xin.

Bố dựa vào tường khóc, bố nhìn con nằm trong lồng kính thở ô-xy mà bố đứng không nổi. Bố chỉ muốn moi tim mình ra cho con trai bố mạnh khoẻ. Bố ngã quỵ xuống sàn bệnh viện ôm mặt khóc từng cơn. Mọi người đỡ bố dậy, khuyên bố bình tĩnh. Bố lấy hết hơi sức run rẩy lấy điện thoại gọi cho bác Hưng, bác Oanh và các ông bà hai bên nội ngoại cầu cứu.

Lúc sau, cũng nhanh mọi người kéo đến vì đều ở quanh đó. Bác Hưng đỡ bố dậy bảo:

- Thôi mày đừng khóc, tao sẽ làm hết sức mình. Nhưng có gì thì mày cũng phải chấp nhận số phận.

Bác Oanh gọi điện nhờ người sang Khoa Nhi Thuỵ Điển để phòng tình huống chuyển con sang đấy chạy chữa.

Bà Thoa gọi bà Lan là bác sĩ khoa Nhi. Bà Lan dẫn bố vào gặp mọi người trực ca phòng sơ sinh. Nói rằng bố là em họ, mọi người cố giúp đỡ cho cháu. Còn nhiều người nữa đến phòng sơ sinh nhận con là họ hàng. Các bác sĩ trực bảo:

- Em bé này có người nhà khắp bệnh viện!

Họ bảo bố cứ yên tâm, sẽ chụp phim và gửi mẫu xét nghiệm con sang khoa nhi Thuỵ Điển. Sau đó sẽ hội chẩn.

Bố như kẻ mất hồn, bố chạy về chỗ mẹ con nằm. Hai người sản phụ một giường nằm. Những sản phụ vừa qua ca mổ đang oằn mình vì đau đớn, chỉ nghiêng một chút là rơi xuống đất. Bố ngồi xuống tựa cái ngực vào giường làm thành đỡ cho mẹ con khỏi lăn. Bà bác sĩ khoa sản phụ đi qua. Bố hỏi:

- Cô ơi, sao cái giường góc kia còn trống, không cho vợ cháu nằm?

Bà ấy bảo:

- Chỗ ấy có người đặt rồi!

Bố đẩy mẹ con nằm sâu vào trong đuổi theo bà ấy dúi vào túi áo blu rộng hai trăm:

- Cô cho vợ cháu nằm, lúc nào người ta đến cô trả cũng đuợc. Cháu phải chạy đi xem con cháu thế nào, cô ngó giúp vợ cháu một lát.

Bà ấy vẫy tay gọi hai y tá mang xe đến để chuyển mẹ con sang giường trống, lại còn ân cần cúi xuống hỏi gì mẹ con. Bố mới chạy sang khoa sơ sinh bám cửa ngoài nhìn con đang nằm trong lồng kính, dây rợ lằng nhằng với máy móc. Bố lại khóc.

Bố khóc một lát rồi tự nhủ, bố phải gắng hết sức không thể bỏ qua bất cứ điều gì để lo cho con. Bố chạy tìm cô bác sĩ người quen của mẹ. Bố đưa cô ấy một triệu, bảo rằng cứ mỗi ca trực 24 tiếng. Đầu mỗi ca em hãy vào đưa 500. Tuy đã nhờ rồi nhưng em cứ phải đưa họ tiền.

Bố tìm người phụ trách việc xét nghiệm, cô ấy bảo chiều có xe sang Nhi cô ấy đi luôn. Bố đưa cô ấy ba trăm, van xin cô ấy đi tắc xi luôn bây giờ. May cô ấy tử tế cũng nhận lời đi ngay.

Mẹ con gọi điện. Bố chạy về bên mẹ, cố lau hết nước mắt để mẹ con không biết. Mẹ hỏi con mình thế nào. Bố bảo bình thường. Anh phải chạy ra đây một tí, bố chạy vội ra ngoài trước khi nước mắt trằn ra. Bố không thể để cho mẹ con biết trong lúc mẹ con còn đang yếu.

Chiều về có kết quả, con không có bệnh tim gì hết. Chỉ vì mẹ con vỡ ối mấy tiếng mà họ không cho mổ. Cho nên con bị ngạt và viêm phổi.

Con nằm trong lồng kính năm ngày. Hàng ngày bố cầm bình sữa vắt từ vú mẹ ủ trong lòng chạy sang phòng sơ sinh. Mấy hôm ấy trời rất lạnh. Sữa mẹ ra ít, được chút nào bố mang luôn đi chút đó. Cứ thấy bóng dáng áo blu là bố muốn quỳ lạy vì sợ hãi, bố dúi tiền cho bất cứ ai để van xin. Mà bố van xin có thành lời đâu, nghẹn hết, đến từ thứ ba là bố khóc. Mọi người ở đấy đều nhẵn mặt bố cả mấy ca trực.

Trời đổ mưa, bố luôn thủ trong người bình sữa và những cái phong bì chạy đi, chạy lại giữa phòng sản phụ và sơ sinh.

Cuối cùng nhờ ơn Đảng, bác Hồ và tổ tiên phù hộ. Con của bố đã khoẻ mạnh. Hôm bố mang sữa sang, bác sĩ bảo:

- Anh không phải mang, cháu khoẻ rồi, chúng tôi cho về với mẹ bây giờ!

Bố mừng lắm, nỗi mừng lớn hơn bất cứ nỗi mừng nào mà bố trải qua hơn ba mươi năm mà bố đã sống. Bố chạy về báo tin cho mẹ, bố kể lại câu chuyện, bố vừa kể vừa lau nước mắt vì sung sướng.

Xong bố chạy sang để đón con. Một cô y tá đang đẩy cái xe, cô ấy bế con lên định băng qua làn mưa sang bên mẹ. Bố thấy con khóc, bố đập nhẹ vào con nói:

- Nín đi con, bố đây này!

Thế mà con cũng nín ngay, cô y tá hỏi:

- Con anh số bao nhiêu?

Bố đọc số. Cô ấy nhìn trời mưa ngại ngần rồi nói:

- Mưa này vào lấy cái xe nôi cho cháu đi vậy.

Bố lôi ví ra, còn lại tờ một trăm. Bố đút vào túi cô ấy. Con được nằm trong cái xe nôi kính phủ sang bên mẹ. Cô y tá nhìn hồ sơ nói:

- Mẹ phường Hàng Mã, bố phường Hàng Buồm à? Gần nhau nhỉ? Em đưa cái số điện thoại này, nếu có cần người tắm cho cháu thì gọi em nhé.

Con thân yêu, con sinh ra ở một thời đại thật là vẻ vang. Thời đại mang tên vị lãnh tụ kính yêu. Hình ảnh vị lãnh tụ này xuất hiện nhiều nhất, hay gặp nhất trên những đồng tiền chúng ta vẫn hay sử dụng hàng ngày.

Sau này bố sẽ con sử dụng nhiều hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu này để xin con đi học mẫu giáo. Khi con có mặt lần đầu tiên trên cuộc đời đã gắn liền với vị lãnh tụ anh minh này, khi con bắt đầu đến trường mầm non, tuổi thơ vị lãnh tụ lại cần có mặt. Sau này con đi làm, học nghề hay bất cứ cái gì đó. Con hãy nên nhớ công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã mang lại cho nhân dân ta, một thời đại ấm no, hạnh phúc.

Hãy luôn cầm bên mình những tấm hình vị lãnh tụ cao cả đó bất kể lúc nào, sẽ giúp con rất nhiều trên cuộc đời. Đây là lời dạy đầu tiên của bố. Cái mà bố đúc kết ở cuộc đời. Để con ghi nhớ lời dạy đầu tiên này. Bố đặt tên con là Bùi Minh Huấn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét