Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Đỗ Xuân Tê - Sách lược sai lầm


Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại nếu như đừng có cuộc hội ngộ bí mật tại Thành Đô của bộ ba Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng với Giang Trạch Dân và bộ sậu lãnh đạo Trung quốc thì số phận và vai trò của Việt nam ngày nay sẽ ra sao?

Hốt hoảng vì sự tan rã của khối XHCN Liên Xô mà ngay kẻ thù của nó vẫn tin là ít nhất chủ nghĩa Cộng sản còn tồn tại cả vài thế kỷ, các lãnh đạo Việt nam biết là phải tìm một lối thoát nếu chưa là sách lược lâu dài thì phải có chỗ dựa trước mắt để tồn tại. Ngó quanh chẳng còn ai trừ một vài nước nhỏ như Triều Tiên, Cuba nghèo đói, cái phao cứu nạn nằm ngay cạnh ông láng giềng gần. 

Nhờ vả sự hỗ trợ của người đồng chí cũ mà mười năm trước mới cho mình ‘một bài học’ rõ ràng là vạn bất đắc dĩ, chưa kể những người Đại Hán xưa nay vẫn là kẻ thù truyền khiếp của xứ sở Đaị Nam, giới lãnh đạo ở Ba Đình hiểu điều này nhưng đành phải xuống nước vì sự tồn tại chưa hẳn vì lợi ích quốc gia mà trước mắt cho sự tồn tại của Đảng. Đảng còn mình còn, Đảng mất mất tất cả, câu ngạn ngữ thời nay chẳng phải chỉ giới công an họ mới hiểu mà những nhóm lợi ích chóp bu càng phải quán triệt.

(...)

Cuộc gặp gỡ với vị thế không tương xứng khi Đặng Tiểu Bình đánh lừa lãnh đạo Đảng ta bằng tự hứa sẽ gặp phái đoàn nếu có Phạm Văn Đồng tham gia đi sứ. Ai cũng hiểu Ông Phạm đã có một bề dày về sự cổ võ tình hữu nghị và làm việc tay đôi với các lãnh đạo chóp bu tiền bối của Trung quốc, đặc biệt là Chu ân Lai, người tổng lý trong vai trò thủ tướng lâu năm nhất trên thế giới (giống PVĐ) nên luôn chịu xuống nước để đạt được các thỏa thuận viện trợ trước mắt nếu cần bằng công văn công hàm kiểu nhượng quyền biển đảo. Nhưng người hùng ngũ đoản đã cho đàn em là họ Giang thân chinh ra tiếp tại một nơi không lấy gì làm sáng sủa là đất Tứ Xuyên mà thủ phủ là Thành Đô xưa nay vẫn là chốn giang hồ hảo hán của các câu chuyện chưởng trong dã sử Tàu.

Thế là qua trung gian nhắn gửi của đám Hoàng Văn Hoan đã đào thoát sang Trung quốc từ thập niên trước (...), phía Hà nội đã tiếp cận được các giới chức cần gặp phía Bắc Kinh, mà suốt mười năm qua họ rủa sả không thương tiếc thậm chí lại còn ghi vào hiến pháp CHXHCNVN  danh xưng kẻ thù phải cảnh giác và sẵn sàng đánh trả.

Qua cuộc gặp gỡ, người ta ghi nhận phía Bắc kinh như bắt thóp được sự xuống nước và cầu cạnh của lãnh đạo Hà nội, dù hai bên ngầm hiểu là họ nối tình hoà hiếu cũng chỉ là nhất thời, nhưng nước chủ nhà ở thế thượng phong đã đối xử một cách phải đạo qua phong cách ngoại giao vừa ngọt ngào vừa nồng ấm. Thậm chí hai nước Cộng sản phương Đông dù trải qua các cuộc chiến tranh vừa chống nhau vừa chống các đế quốc ngoại xâm, nhưng dân tộc của họ lại là những người yêu thơ và làm thơ bất kể từ lãnh đạo đến thần dân, việc nước hay việc nhà, nhân tình hay thế sự. Giang Trạch Dân, người lãnh đạo đương thời vốn là một tay quê đất Thượng Hải, lại yêu thơ giỏi nhạc và biết đàn, nên trong lúc thương thảo, để đánh tan mối hoài nghì của đám sứ thần phương Nam, ông này đã có những vần thơ, sau được ghi lại trong nhật ký của Lý Bằng:

Đô tận kiếp ba huynh đệ tại
Tương phùng nhất tiếu mãn ân cừu!
Qua hết sóng dữ, anh em vẫn còn
Gặp nhau cười một cái là rửa sạch ân oán!

Đúng là tay ngoại giao bậc thầy, nghe nói những câu thơ đã có tác động đến tổng bí thư họ Nguyễn, ông này cũng đã đối đáp bằng mấy câu thơ khá ấn tượng nhưng người viết không ghi lại ở đây (vì tài làm thơ của NVL so với các thi nhân VN chỉ ở mức trung bình). Điều này thể hiện là hai bên đã đạt được những thỏa thuận nào đó, tất nhiên không thể sòng phẳng theo nghĩa hai bên đều có lợi mà phần thiệt chắc chắn phía VN phải gánh chịu. Đổi lại hiện tình tạm thời qua ‘cơn sóng dữ’, và kết nghĩa anh em là chuyện chẳng đặng đừng. Hai kẻ cựu thù từng bước đi đến ‘bốn tốt’ mặn nồng trong quan hệ đảng và ’16 chữ vàng’ lấp lánh giữa hai láng giềng gần, nhưng mối quan hệ hữu quan có ‘cười một cái là xong’ thì phải hạ hồi phân giải.

Nay nhìn lại thỏa thuận Thành Đô đã mang lại những hệ lụy nào, thì không gì tốt hơn là cần đọc lại những bài viết phân tích sâu sắc và hồi niệm sinh động của tác giả Nguyễn Trọng Vĩnh, một vị tướng già và nhà ngoại giao lão thành đã làm sứ thần của VN tại Bắc Kinh qua hơn thập niên. Dụng ý của bài viết này chỉ muốn nêu lên vào thời điểm ấy giữa cơn lũ quét sạch chủ nghĩa xã hội tại Liên xô và Đông Âu, thì Việt nam có cần phải ‘ôm chân’ Trung quốc để chế độ Hà nội được tồn tại?

Trước hết và cần hiểu là từ giữa thập niên ’80, Việt nam không phải là Đông Âu, càng không phải là rập khuôn như bất cứ nước cộng sản nào khác. Về đường lối họ vẫn độc tài độc đảng, về kinh tế họ vẫn nghèo đói và kém mở mang, về ngoại giao và liên minh quốc tế họ vẫn ở thế đu giây không thực sự ‘ôm chân’ một đế quốc nào, dù danh nghĩa có dựa vào Liên xô như vài thập niên trưóc đó. Nhưng cái hay và cái khôn là người cộng sản Việt nam ‘giỏi’ về…rút kinh nghiệm. Phải nói họ là bậc thầy về thủ thuật này, cũng chẳng mới mẻ gì chẳng qua là lối xử lý ‘mềm nắn rắn buông’ tùy thời tùy cơ điều chỉnh cho thích hợp để tồn tại.

Cụ thể nhìn vào bối cảnh từ Đại hội IV (1986) trở đi họ đã biết đổi mới, đổi màu cho bức tranh toàn cảnh của một Việt nam XHCN vốn sắp ‘ngoắc ngoải ‘(từ của Trần Độ) do thất bại về kinh tế sau chiến tranh. Họ mạnh dạn chủ trương ‘mở cửa’, dù chỉ là mở nắp cho xì hơi, nhưng dù sao cũng là dễ thở hơn, nông nghiệp đã có ‘khoán chui’ cho dân cầy còn có chút cháo, công nghiệp dựa vào các cơ sở có sẵn tại miền Nam, họ bắt tay và mở đường cho các doanh nhân nước ngoài vào làm ăn, trớ trêu chẳng phải là cộng sản anh em (kể cả Tàu Cộng) mà toàn là những cựu thù tư bản trong chiến tranh, từ Pháp, Đức, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore…, về thương nghiệp đã cho hình thức buôn bán nhỏ, nguồn hàng hóa khai thông, quán ăn tụ điểm mọc lên như nấm không còn độc quyền cho cơ sở quốc doanh, về an ninh xã hội cho đi lại tự nhiên, chưa thấy có dấu hiệu nghiêm trọng của các lực lượng thù địch, diễn biến hòa bình, dám chủ trương thả tù cải tạo hàng loạt và cho đi nước ngoài, về văn hóa tư tưởng họ ‘mở trói’ cho văn nghệ sĩ, cởi bỏ nếp văn học minh họa. Nói chung trong chừng mực nào đó vẫn trong tầm kiểm soát của Đảng, người dân phần nào ‘dễ thở’ hơn so với những thập niên trước. Chính cái kiểu mở nắp cho xì hơi này làm cho VN đi một bước trước các nước Đông Âu và trở thành cái phao thoát hiểm khỏi thế sụp đổ kiểu domino từ Âu sang Á nhãn tiền ba bốn năm sau.

Kẻ viết bài này được xổ lồng vào đúng thời điểm này và càng có cơ sở để thấy người cộng sản qua nhiều thời điểm có lúc như sợi chỉ treo chuông nhưng họ vẫn may mắn vượt qua, và phải chăng vì vậy mà nỗi bất hạnh của người dân khó có cơ may vượt thoát. Chính ông Trần Độ trong ‘Nhật Ký Rồng Rắn’ (2001) đã xác quyết điều này khi tưởng rằng chế độ sau 10 năm thống nhất bị lụn bại kiệt quệ về kinh tế có nguy cơ mất quyền cai trị trên cả nước, nhưng họ đã thấy trước bài học Đông Âu và tìm ra lối thoát theo cách riêng mà những nước đàn em và ngay cả người anh cả Liên Xô đã không ngờ trước.

Nếu về mặt cải tổ chính sách đường lối đã có các bước đi tích cực, tại sao ngày ấy các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước lại vụng tính khi vội vàng ‘ôm chân’ Trung quốc? Ai cũng hiểu lúc này Trung quốc chưa phải là cường quốc cả hai mặt kinh tế và quân sự, nội bộ cũng suýt sụp đổ  vì sự kiện Thiên An Môn, kinh tế thì đang phải nhờ nguồn đầu tư của Đài loan, Nhật bản, Đức, Pháp, Nam Hàn, khoa học kỹ thuật thì phải gởi cả trăm ngàn du học sinh qua Mỹ học, hàng hóa muốn tiêu thụ thì phải trông vào thị trường Mỹ, nhìn chung là các lãnh đạo Bắc Kinh phải tự cứu bằng cách xoay qua các nước tư bản đứng đầu là Hoa kỳ, chuyện viện trợ giúp đỡ đàn em dù là đồng chí đi nữa cũng không phải là ưu tiên ở thời điểm này. Xét cho cùng cứ theo chủ thuyết của Đặng Tiểu Bình thì ‘mèo trắng mèo đen đều tốt miễn là bắt được chuột’ cho nên họ chỉ cần cai trị ổn định phát triển đất nước, còn chủ nghĩa chủ thuyết tùy thời cơ linh động vận hành cho thích hợp (ngày nay 50% đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng).

Vậy thì bỏ anh em xa (Liên xô) quay sang láng giềng gần (Tàu cộng), Việt nam có bước tính toán khá thực tiễn là mưu tìm chỗ dựa tinh thần trước mắt, nhưng về lâu về dài hệ lụy sẽ khó lường một khi Trung quốc trỗi dậy và đủ mạnh về kinh tế, tham vọng bá quyền của dòng Đại Hán sẽ làm điêu đứng các nước láng giếng bất kể đàn em, đồng chí, đồng minh, đối tác. Trải nghiệm này những người Việt nam chẳng kể là cộng sản hay quốc gia cũng đều hiểu điều này mà Hà nội càng thấm thía khi không đầy một thập niên đã bị tấn công hai lần (1979 & 1988) trên biển cũng như đất liền.

Nay thì chuyện đã rồi, bộ ba đi sứ người còn kẻ mất nhưng tên tuổi vẫn còn được nhắc nhớ. TBT Nguyễn Văn Linh một thời được kể như khuôn mặt đổi mới (và chúng tôi nhờ ông mà ra tù khỏi án mọt gông) nhưng đã vội đóng cửa rút cầu vì sự tồn vong của Đảng, càng nóng vội khi sang Thành Đô để nối tình hòa khí mà lợi bất cập hại di căn cho các thế hệ sau. Phạm Văn Đồng vị thủ tướng có thâm niên lâu năm nhất nhì thế giới cũng đã ngủ yên, tuy không có vai trò chủ động trong thương thuyết (vì hết quyền) nhưng tên ông vẫn bị ‘réo gọị’ khi có các biến động ở Biển Đông mấy chục năm sau vì ‘công hàm 12 hải lý’. Người duy nhất còn sống là Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch HĐBT nay tuổi cao sức yếu nhưng ông còn nắm được các bí mật qua Thỏa thuận Thành Đô và hệ lụy của nó chắc ông là người cảm nhận sâu sắc nhất. Nếu ở nước tư bản hồi ký của ông đáng giá bạc triệu USD, nhưng ở nước mình ông sẽ im tiếng đến khi về cõi và để lịch sử đánh giá những gì một thời ở đất Tứ Xuyên.

Đỗ Xuân Tê
(Nhân nghe vụ dàn khoan HD 981)

Tác giả gửi Quê Choa

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét