Anh bạn có cái quán nước nho nhỏ ở tít vùng ngoại ô
Sài Gòn, mới đây kể rằng có khách ghé vào, vừa kéo ghế ngồi vừa kêu nước “cho
cái gì uống đi, cái gì cũng được miễn không phải là đồ của Tân Hiệp Phát”.
Ở cái quán bé tẹo ấy, chưa có
đến 5 cái bàn, khoảng hai tuần nay đã tiếp nhận loại thông điệp xã hội dân sự
ấy không phải một lần rồi thôi. Đi xa hơn nữa, cũng có những người bán hàng đã
bị lời nhắc của khách hàng làm thức tỉnh, về một dòng chảy đang lớn dần, trong
việc không nên dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Thái độ từ chối của nguòi dân
ngày càng rộng không phải vì tin tức các loại nước của công ty này bị cặn, bị
lỗi, mà rõ là một cách bày tỏ rất quyết liệt: Không muốn chung sống cùng một xã
hội với loại thương hiệu với cách ứng xử khuất tất.
Trong lịch sử Việt Nam từ hơn
40 năm nay, người Việt chỉ chứng kiến hai lần phong trào tẩy chay hàng hoá ở
mức độ toàn quốc. Đó là cuộc tẩy chay hàng bột ngọt Vedan bởi nhà máy của công
ty này làm ô nhiễm sông Thị Vãi, Đồng Nai, vào năm 2010. Lúc đó, sự nổi giận
của đám đông vì số phận của một con sông. Còn lần thứ hai này, người ta chứng
kiến phong trào kêu gọi tẩy chay toàn dân với một thương hiệu, bùng phát từ
cách chà đạp số phận của một con người.
Xét về ý thức công dân và thái
độ trách nhiệm xã hội, rõ ràng có một bước tiến lớn trong cái nhìn của đám
đông. Sự kiện Vedan bắt nguồn từ các bài báo điều tra và mọi người dễ dàng cùng
chung một trận tuyến đối diện với Vedan – mà sai lầm của công ty này đã thấy
rõ. Còn với sự kiện con ruồi của sản phẩm Tân Hiệp Phát, rõ ràng là người dân
ngày càng tinh tế hơn, thấu đáo hơn, bất chấp sự kiện được công ty dàn ra bằng
cái vỏ bọc án hình sự và một mặt trận bồi bút tìm mọi cách nói ngược nói xuôi
theo chiều của đồng tiền xoay, khiến từng không ít người phân vân.
Chống lại những kẻ to lớn hơn
mình và nhiều tiền của, luôn là đề tài muôn thuở của của thế gian – như một sự
thách thức sự thật và lẽ phải – mà kết quả không phải lúc nào cũng có hậu. Ngay
cả cách thể hiện quyền lực muốn nhấn chìm người mua hàng trong sự kiêu ngạo và
tàn nhẫn của Tân Hiệp Phát, vẫn có những luật sư, bồi bút lên giọng bảo vệ kẻ
ác trước những người từng phát hiện sản phẩm hư hỏng của công ty này. Có ít
nhất 3 khách hàng của Tân Hiệp Phát đã lao đao, chết đứng chết ngồi trước anh
Võ Văn Minh (một người ở Đồng Nai và 2 người ở Tp.HCM), với cùng một thủ thuật. Từ năm 2011, công
lý đã chìm ngập trong màu nước ngọt có ruồi, cho đến khi tin tức về các nạn
nhân lan trên các trang mạng xã hội.
Không may mắn như Vedan, sự
kiện Tân Hiệp Phát bẫy người tiêu dùng phát hiện sản phẩm lỗi của mình, được
ghi lại khá chi tiết trên Wikipedia, bách khoa toàn thư điện tử với đủ các chi
tiết, bao gồm phương thức giải quyết khủng hoảng qua cách đổi tên công ty thành
Number One. Lưu danh muôn đời.
“Giờ thì còn tệ hơn, công ty
này nói phạt những nơi mua hàng của họ, phát hiện sản phẩm lỗi, lấy lý do là
các nơi ấy bảo quản sản phẩm của họ không đúng”, anh bạn có cái quán nhỏ tẹo ấy
nói, “thôi giã từ luôn cho khỏi phiền”. Chắc rồi Wikipedia sẽ có thêm tình tiết
độc đáo này cho thương hiệu nước giải khát cung đình hoá học ấy, bởi việc tự
rửa mặt, bằng cách gây hấn với khách hàng và người phân phối cho mình. Câu
chuyện này minh chứng rõ một điều: rõ ràng khi có nhiều tiền, không có nghĩa là
kèm thêm trí thông minh.
Nhưng câu hỏi cần đặt ra ở
đây, là một công ty có lối giải quyết khủng hoảng vừa quái gở, vừa ngu ngốc như
vậy, sao lại được ủng hộ tuyệt đối dù mắc sai lầm từ nhiều năm nay bởi báo chí,
thậm chí bởi các quan chức hớn hở ra mặt, cùng nhịp bước đều?
Cây bút điều tra Hoàng Khương
của báo Tuổi Trẻ, mới đây có nhắc về một bài báo cũ, liên quan chuyện công ty
Tân Hiệp Phát nhập hàng chục tấn “hoá chất cung đình” quá hạn từ năm 2009,
nhưng rồi sau đó mọi thứ chìm dần một cách bí hiểm. Thậm chí một cán bộ C15,
tức C46 (Cục CSĐT về quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Bộ Công An) đang theo sát
vụ này đã “được” chuyển công tác về Cục phòng chống ma tuý.
Một cây viết điều tra khác,
từng làm cho một tờ báo điện tử lớn, kể rằng anh cũng từng đưa bài nói về khuất
tất của Tân Hiệp Phát vào năm 2009, có kèm cả tư liệu của công an C49 (Cục cảnh
sát môi trường), thế nhưng những người lãnh đạo bỏ bài viết ấy, sau khi nhận
lời mời một chuyến tham quan “hữu nghị” công ty Tân Hiệp Phát. Tất cả những gì
cần cảnh báo cho người dân Việt, cuối cùng đã được thay bằng tuyên bố vui vẻ
của một lãnh đạo tờ báo sau khi tham quan đi về “nhà máy to lắm, phải đi bằng ô
tô mới hết”.
Thấy được sự âm u của đêm là
một chuyện, nhưng thấy được cả bóng tối của đêm thì không dễ. Con ruồi và bẫy
rập thì không khó nhìn thấy, nhưng trong bóng tối của đêm, làm sao để thấy ai
đã giao tặng cho luật sư Tân Hiệp Phát biên bản điều tra của công an với anh Võ
Văn Minh, mà điều ấy là bất hợp pháp? Làm sao nhìn xuyên được qua bóng tối của
đêm để hiểu được vì sao có những bài báo lên giọng nói tẩy chay không uống nước
cung đình hoá học ấy là ngu dại! Bóng tối nào của đêm đủ sức nuôi dưỡng loại
luật sư văng tục, tuyên bố trên trang mạnh cá nhân của mình rằng hàng triệu
người Việt Nam có thể sẽ ngồi tù vì dám hưởng ứng phong trào tẩy chay Tân Hiệp
Phát?
Ngay nơi này, trên đất nước
này, sự thật và lẽ phải mỗi ngày đang bị thách thức không ngừng. Không chỉ có
đêm tối đang phủ vây công lý và con người Việt Nam, mà chập chúng bóng tối sau
đêm cũng đang chực chờ dùng thế và lực của mình để sẳn sàng xoá nhoà mọi ý
nghĩa của lương tâm và lẽ phải.
Trên tờ Huffington Post, số
tháng 11/2015, có ghi lại một bài nói chuyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Khi
nhìn thấy rất nhiều người khóc và cầu nguyện sau vụ khủng bố tại Ba Lê, Pháp,
ông đã nói rằng “con người không thể chỉ cầu nguyện để thoát khỏi kẻ ác”. Người
lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng từng đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 1989 nhấn
mạnh rằng “khủng bố – cái ác do chính con người tạo ra, vậy thì hãy hành động
chứ cầu nguyện thì không đủ. Tự con người phải tìm cách giải quyết nó chứ không
thể đòi hỏi Thượng đế can thiệp”.
Tân Hiệp Phát lớn lên trên đất
Việt, được nuôi lớn bằng sức mạnh tiêu thụ của người dân Việt. Nếu nơi đó không
thể đồng hành cùng đồng bào mình phát triển bình ái, mà âm mưu dựa dẫm vào bóng
tối của thế lực và tiền của để chà đạp con người, thì chúng ta – những cá nhân
nhỏ bé – sẽ phải cùng đứng lại để đòi hỏi một kết cục khác. Chúng ta không thể
mong chờ một ai khác.
Tân Hiệp Phát chỉ là một ví dụ
khởi đầu trên con đường đất nước đi đến tương lai. Mai đây có thể sẽ còn có
những tập đoàn khác, mang theo những chỉ dấu của chaebol kiểu Hàn Quốc hay
mafia kinh tế kiểu Phương Tây, lớn lên trên quê hương này cùng những bóng tối
trong đêm. Nhưng hôm nay chúng ta lại có thêm một kinh nghiệm: bất luận thế nào
con người Việt Nam không thể bị chà đạp mãi, dù chỉ là một cá nhân rất nhỏ
nhoi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét