Trong Tử vi Đẩu số Toàn thư của Hi Di Trần Đoàn tiên sinh (đời nhà Tống Trung hoa) có phân ra 10 loại người - Thập Đẳng Luận (luận mười loại người) gồm có:
1-Phúc thọ
2-Thông minh
3-Uy dũng
4-Văn quan
5-Vũ chức
6-Hình danh
7-Phú quý
8-Bần tiện
9-Tật yểu
10-Tăng đạo.
Tại sao Phúc Thọ lại đứng đầu và Tăng Đạo lại đứng chót?
PHÚC là một từ không chỉ hình dáng và sắc thái nào cụ thể, nó tổng hợp
kết quả của một quá trình tu tập có thể thông qua nhiều đời bằng phương pháp
hành thiện, tu dưỡng thiên tư kết hợp với đạo đức và giáo huấn cả trong gia
đình, nhà trường và xã hội bởi những khuôn mực từ suy nghĩ, hành động, hành xử
trong phạm trù nhân sinh quan và triết lý sống.
Một gia đình có ông bà cha mẹ gương mẫu, vợ chồng hoà thuận, anh em đắc
lực, con cháu thảo hiền, gia tư phong túc, điền địa đủ đầy, lân gia hiếu hảo - đó
là gia đình có Phúc.
Phúc có thể khắc chế hoạ nên mới có câu "hoạ khứ phúc lai" và từ đó
người ta mới thường được hưởng Thọ (sống lâu).
Người ta có thể mua được nhiều thứ bằng tiền nhưng không thể dùng tiền mà
mua được Phúc. Chính vì thế có không ít người sống trong thừa thãi vật chất mà
vẫn cô đơn bởi thân nhân ly tán, thiếu sự lân giao, vẫn sống trong buồn khổ vì
anh em xung đột, chồng vợ bất hoà, cháu con hư hỏng, người đời xa lánh và xã
hội miệt khinh.
"Đạo tại thánh truyền, tu tại kỷ
Phúc do nhân tích, mệnh do thiên"
(Đạo tại thánh truyền, tu được hay không tại ở mình / phúc do người tích,
mệnh do trời định).
Phúc bền là do nhiều đời cùng tu tích, đời trước tạo phúc đời sau phá thì chẳng
mấy mà tan. Sở dĩ các gia tộc, các triều đại vua chúa hưng rồi vong cũng chỉ do
phúc đức tiền tu hậu tán.
Chốn quan trường xưa nay vốn là nơi tập trung mọi điều hiểm ác bởi nơi đó
chỉ là quyền và lợi. Cha truyền con nối chính là mục tiêu hướng tới của các bậc
quan gia nhằm bền ngôi trên vai thiên hạ mà thâu tóm bổng lộc cho vọng tưởng
giầu sang. Họ luôn bằng mọi giá để bế con mình đặt vào những chiếc ghế công
quyền bất chấp chúng có xứng đáng hay không khi ngồi vào những chiếc ghế đó. Họ
tuởng rằng con nối nghiệp cha là duy trì bền lâu nguồn bổng lộc mà không đủ khả
năng để hiểu chính đó là một tai hoạ khôn lường khi những kẻ dốt nát ngồi ngất
ngưởng trên cao vị ắt sẽ gây hoạ cho xã tắc và cũng là gây hoạ cho mình, cho
người thân sau khi ăn mòn phúc đức của tổ tiên tông phái.
Hoạ hay phúc đều do con người chiêu tập. Phúc bởi thiện lương tu tích và hoạ do tham lam vô độ tạo thành.
TĂNG ĐẠO
Tại sao Tăng Đạo lại ở hàng chót của Thập đẳng luận?
Dù
không ai cố tình đánh giá thấp các bậc tăng đạo nhưng theo Hi Di Trần Đoàn tiên
sinh thì phàm là con người trước tiên phải có gia đình, tôn tộc sau đó là xã
hội. Xa lánh cõi đời tức trước tiên là từ bỏ tông phái, không thiết lập gia
đình tức hữu diệt vô sinh và không tròn bổn phận hiếu đạo. "Bách hạnh hiếu
vi tiên" (Trăm đức hạnh chữ hiếu làm đầu). Khi không sinh con cháu để nối
dõi tông đường tức không tròn chữ hiếu, không gia đình thì lấy không thể gọi là
Phúc đức được ?
Tuy ngoài đời thì tăng đạo đang được người đời dành cho rất nhiều sự kính
trọng, đó cũng là nhẽ thường bởi họ đại diện cho chủ thuyết Đại xả, Đại bi của
Phật đạo (nếu là chân tu) và được các bậc thường nhân kính trọng cũng là đương
nhiên nhưng xét về mặt cuộc sống thì họ đã thoát ly hẳn khỏi lẽ cương thường.
Sự sắp xếp trong Thập đẳng luận của Trần Đoàn tiên sinh hoàn toàn không có ý
coi thường Tăng đạo mà chỉ là một quan điểm để đánh giá tầm quan trọng và giá
trị lớn lao của Phúc Thọ trong lẽ sống con người và đó cũng là một triết lý
sống !
NÔNG PHU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét