Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

FB Nguyễn Tuấn: Công nương Ngọc Vạn và cuộc mở mang bờ cõi ở miền Nam

Công nương Ngọc Vạn và cuộc mở mang bờ cõi ở miền Nam

Về quê miền Tây, thỉnh thoảng tôi nghe chuyện 'Người Việt chiếm đất của người Khmer'. Nhưng cách nhìn này không đúng với lịch sử.

Lịch sử miền Tây (ngày nay) có lẽ bắt đầu với Công nương Ngọc Vạn. Tên đầy đủ của bà là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, là con gái thứ hai của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (thế kỉ 17). Không rõ bà sanh năm nào, cũng chẳng rõ bà qua đời năm nào. Công nương Ngọc Vạn đóng vai trò rất lớn trong việc mở mang bờ cõi về phía Nam, nhưng chẳng hiểu sao sử triều Nguyễn không đề cập đến bà.

Công nương thành Hoàng hậu

Thập niên đầu thế kỉ 17, nước Chân Lạp chịu sự thống trị của Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay). Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn thoát khỏi sự chi phối của Xiêm La, nên ông tìm đến sự hỗ trợ của Chúa Nguyễn vì lúc đó thanh thế quân sự và kinh tế của Chúa Nguyễn lên cao ở vùng đất Thuận Quảng.

Vua Chey Chetta II cầu hôn con gái của chúa Nguyễn, và Chúa Nguyễn Phúc Nguyên 'ok' gả Ngọc Vạn (chắc cũng có ý đồ lâu dài nào đó). Hôn lễ được cử hành vào năm Canh Thân (1620).

Lúc đó Chey Chetta II đã có Chánh cung là người Chân Lạp và Nhị cung là người Lào. Thế nhưng bằng cách nào đó, chỉ sau 1-2 năm sau hôn lễ, Công nương Ngọc Vạn trở thành Đệ Nhứt Hoàng Hậu với tước hiệu cao quí là Sodach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattery. Biên niên sử Chân Lạp ghi bà là Hoàng hậu Ang Cuv.

Khi về làm dâu Chân Lạp, công nương Ngọc Vạn xin phép Chey Chetta II cho đem theo một nhóm người Việt làm tuỳ tùng. Những người Việt này sau đó được phép lập công xưởng và nhà buôn gần kinh đô Oudong. Có lẽ đó là nhóm người Việt đầu tiên định cư ở Chân Lạp.

Chân Lạp thỉnh thoảng bị Xiêm La quấy nhiễu, thậm chí tấn công, vì họ thấy Chey Chetta II không thân thiện với triều đình Xiêm La. Trong hai lần tấn công, vua Chey Chetta II cầu viện 'ông già vợ' Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa Nguyễn đồng ý viện trợ binh lính, thuyền bè, và vũ khí để đẩy lùi quân Xiêm.

Có lẽ ông con rể Chey Chetta II muốn cám ơn ông già vợ, nên cho phép người Việt đến lập nghiệp ở những vùng đất thưa dân ở phía đông của Chân Lạp, tức vùng Bà Rịa - Đồng Nai ngày nay (Ngày xưa vùng đất này có tên là Mô Xoài). Ông con rể còn đồng ý cho người Việt được võ trang theo lời khuyên của Hoàng hậu Ngọc Vạn. Có lẽ đây là đợt người Việt thứ hai đến định cư ở Chân Lạp một cách hợp pháp. 

Hoàng hậu Ngọc Vạn còn xin phép chồng Chey Chetta II cho phép người Việt thành lập hai sở thuế ở Prey Nokor (tức Sài Gòn - Chợ Lớn ngày nay) và Kas Krobey (Bến Nghé ngày nay). Vua Chey Chetta II cũng ok với đề nghị này. 

Tất cả những sự kiện trên đều được chép trong chánh sử của Cam Bốt và ghi nhận của các giáo sĩ Âu châu. 

Không có xâm chiếm. 

Hỗn loạn 

Năm 1628, vua Chey Chetta II băng hà, và Hoàng hậu Ngọc Vạn trở thành Thái hậu. Nhưng cũng chính lúc này thì tình hình nội bộ Chân Lạp trở nên rối ren, phức tạp. Có thể tóm lược những sự kiện đã xảy ra như sau: 

* Con trai của Thái hậu Ngọc Vạn là Chau Ponhéa lên ngôi, còn người chú của vua (tức em của Chey Chetta II) là Préah Outney làm Phụ chánh. Nhưng chỉ 2 năm sau thì Chau Ponhéa bị người chú Préah Outney sát hại.

* Người con thứ hai của Chey Chetta II  là Nou Ponhéa lên ngôi. Nhưng 10 năm sau thì Nou Ponhéa đột ngột qua đời. Phụ chánh Préah Outney đưa con mình (tên là Ang Non) lên làm vua.

* Ang Non làm vua chỉ được 2 năm thì bị người con thứ ba của Chey Chetta II là Chau Ponhéa Chant (mẹ người Lào) giết chết. Thật ra, Chau Ponhéa Chant giết luôn người chú Préah Outney.

* Sau khi 'thanh toán' Ang Non và Préah Outney, Chau Ponhéa Chant lên ngôi. Đây là ông vua mà sử Việt chúng ta gọi là Nặc Ông Chân (1642 - 1659). Nặc Ông Chân cưới một cô gái người Mã Lai theo Đạo Hồi làm hoàng hậu, và tình hình càng thêm phức tạp. Thái hậu Ngọc Vạn không hài lòng với cuộc hôn nhân dị giáo đó.

* Năm 1658, hai con của Préah Outney là So và Ang Tan nổi dậy định lật đổ Nặc Ông Chân, nhưng kế hoạch không thành. Sau đó, So và Ang Tan tìm đến nương náu dưới trướng Thái hậu Ngọc Vạn.

* Thái hậu Ngọc Vạn bèn cầu cứu Chúa Nguyễn can thiệp. Chúa Nguyễn sai tướng Nguyễn Phước Yến đem 3000 quân đến Mô Xoài bắt cóc Nặc Ông Chân đem về Quảng Bình. Chúa Nguyễn sau đó ân xá và phong làm "Cao Miên Quốc Vương" và cho quân hộ tống về nước, với điều kiện là "[...] phải giữ đạo phiên thần, thường xuyên triều cống, không được xâm lấn cư dân ngoài biên."

* Năm 1659, Nặc Ông Chân qua đời. Chúa Nguyễn bèn phong Ponhéa So làm vua Chân Lạp. Sau đó, người Việt càng tới vùng Mô Xoài lập nghiệp đông hơn.

* Năm 1672, Ponhéa So bị người con rể là Chey Chetta III sát hại. Em của Ponhéa So là Ang Tan chạy sang cầu cứu Chúa Nguyễn, nhưng việc chưa thành thì bị người của Nặc Ông Chân giết. Ang Chei là con trai của Ponhéa So lên ngôi, người mà sử Việt gọi là Nặc Ông Đài.

* Nặc Ông Đài cầu viện Xiêm La để chống lại Chúa Nguyễn. Tuy nhiên, quân Xiêm La bị Chúa Nguyễn đánh bại. Nặc Ông Đài chạy trốn trong rừng, nhưng ông bị chính người tuỳ tùng giết chết.

* Em của Nặc Ông Đài là Nặc Thu lên ngôi là lấy hiệu là Chey Chetta IV. Chúa Nguyễn đồng ý phong vương cho Nặc Thu.

Vào đầu thế kỉ 18, vua Chân Lạp là Nặc Tha dâng vùng đất Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long ngày nay) để tạ tội với Chúa Nguyễn vì trước đó một nhóm phiến quân quấy phá người Việt. 

Năm 1753, vua Nặc Nguyên lại dâng đất Tân Bôn (Châu Đốc) và Lôi Hạp (Đồng Tháp Mười) cho Chúa Nguyễn để tạ tội vì đã dám âm ưu với Chúa Trịnh để hãm hại Chúa Nguyễn. 

Sau đó, vua Nặc Thuận lại dâng đất Trà Vang (Trà Vinh và Bến Tre ngày nay) và Ba Thắc (Sóc Trăng và Bạc Liêu) để được Chúa Nguyễn phong tước vương. 

Một năm sau khi Nặc Thuận bị con rể ám hại, cháu là Nặc Tôn cầu cứu Chúa Nguyễn giúp, và sau khi xong việc, Nặc Tôn dâng các vùng đất Tầm Phong Long (tức tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp, Sa Đéc, Hà Tiên) để tạ ơn. 

Do đó, đến thế kỉ 19 thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc về Việt Nam. Như qua diễn biến được mô tả trên đây, người Việt không xâm chiếm đất của người Khmer. 

Quay lại Thái hậu Ngọc Vạn: sau gần nửa thế kỉ hỗn loạn trong triều đình Chân Lạp, bà lui về Bà Rịa hay Đồng Nai [ngày nay] sống những ngày cuối đời. Tương truyền rằng bà có lập một chùa Gia Lào và ẩn tu ở đó cho đến ngày qua đời. Như đề cập trên, không rõ bà qua đời năm nào. Nhưng những sự kiện trên cho thấy sự mở mang bờ cõi về miền Tây ngày nay có công rất lớn của công nương Ngọc Vạn.

——

Nhiều sách và tài liệu sử có đề cập đến Công nương Ngọc Vạn. Tiêu biểu là những tài liệu sau: 

1.  Li Tana: Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế và xã hội Việt Nam thế kỉ 17-18. Đây là một luận án tiến sĩ ở Úc. Rất đáng đọc.

2.  George Maspero: History of Cambodia. Sách này của sử gia người Pháp viết về lịch sử Cam Bốt. Rất chi tiết và khoa học. 

3.  Linh mục Christophoro Borri trong một bài tường thuật về xứ Đàng Trong cũng có đề cập đến Ngọc Vạn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét