Tôi không bao giờ phủ định rằng phong trào Tây Sơn đã có những công tích vĩ đại, ít nhất ở ba mặt sau đây:
- Ở Đàng Trong thì lật đổ các chúa Nguyễn, rồi tiến ra Đàng Ngoài lật đổ các chúa Trịnh cùng với triều Lê.
- Chiến thắng vĩ đại chống quân xâm lược Xiêm mà đỉnh cao là trận Rạch Gầm – Xoài Mút ở Mỹ Tho.
- Đại chiến thắng chống vài chục vạn quân xâm lược Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789.
Nguyễn Ánh cùng Lê Chiêu Thống càng lem luốc bao nhiêu thì hình ảnh Nguyễn Huệ càng được xem là bộ mặt tỏa rạng và có một vai trò lớn lao bấy nhiêu trong lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18. Nay theo yêu cầu của Ban tổ chức Hội nghị về vua Gia Long (1802-1820), tôi chỉ xin nói tóm tắt đôi điều mà tôi cảm nhận được về Nguyễn Ánh – Gia Long.
Trên đường từ Pháp về Ấn Độ, giám mục Bá Đa Lộc chỉ tuyển được một số sĩ quan, kỹ sư, kẻ phiêu lưu người Pháp và với một số rất ít kinh phí mua được vài cái tàu bọc đồng mà vua Quang Trung coi là những sự hù dọa vớ vẩn để mang về giúp Nguyễn Ánh. Cho nên theo tôi, cố giáo sư Trần Đức Thảo và một số người khác đã viết hơi quá đà, rằng sự viện trợ của Pháp là một trong những nhân tố quan trọng nhất để Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn.
Đứng về mặt cá nhân tôi hay là của chúng ta nhỉ, cũng đáng nên khâm phục Nguyễn Ánh, một người có cá tính mạnh, từ một cậu bé con của một ông chúa bị giết hại trong tù, gần như đã nhiều lúc không còn một mảnh giáp, không còn một tấc đất, đã lấy lại được quyền bính trong cả nước Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo PGS Trần Lâm Biền, nền mỹ thuật Việt Nam chỉ có những thi pháp kiến trúc chung từ xứ Lạng đến Gia Định thành là từ Nguyễn Gia Long. Cho nên, cũng không phải quá đáng lắm khi linh mục Nguyễn Phương và một số nhà sử học nước ngoài khác – từ phe XHCN đến phe tư bản chủ nghĩa – cho rằng Nguyễn Ánh là người trên thực tế đã thống nhất đất nước chứ không phải là ông vua anh hùng Nguyễn Huệ.
Không nói gì đến ông Nguyễn Lữ không đủ nội lực để đối địch với Nguyễn Ánh ở miền nam, chỉ nói đến ông anh Nguyễn Nhạc xuất thân “nậu nguồn” và ông em Nguyễn Huệ thì, do sự chia rẽ ngay trong nội bộ gia đình. Mà theo tôi “ghê tởm” nhất là ông anh cả Nguyễn Nhạc đã vì sự thỏa mãn nhỏ nhen được làm trung ương Hoàng đế ở thành Trà Bàn, rồi vì ghen tị với em sau vụ Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long, đã vội vã ra bắc kéo em về, rồi lại hãm hiếp cô em dâu, vợ Nguyễn Huệ, tạo mối thù hận khôn nguôi và chiến tranh giữa hai anh em, khiến dưới triều Tây Sơn có một ông hoàng đế ở Quy Nhơn và một ông hoàng đế ở Phú Xuân. Vậy làm sao có thể nói được là nước ta đã được thống nhất ngay dưới thời Tây Sơn?
Tôi chỉ nói và viết đôi điều lặt vặt mà tôi nhớ lại và cảm nhận được về vị vua khai sáng triều Nguyễn, Gia Long. Do nghiệm sinh cá nhân, tôi rất thích những người bôn ba, từng trải, dù với ý định chủ quan gì hay là do sự dủi dun của Trời Đất. Nguyễn Ánh đã bôn ba từ đất liền đến hải đảo, từ Việt đến Xiêm, đánh Tây Sơn bại rồi thắng to cũng có, mà đánh thắng cả Miến Điện theo yêu cầu, có lúc là quái ác, của vua Xiêm cũng có.
Nguyễn Ánh bẩm sinh và sinh nghiệm là một vị tướng tài ba thắng không kiêu, bại không nản. Bị Xiêm rồi bị Pháp và sau cả Thanh Mãn Trung Hoa khống chế, gây áp lực song Nguyễn Ánh vẫn tìm mọi cách để thoát ra được sự khống chế đó và cho dù chỉ theo ý kiến cá nhân tôi ông vẫn là người Việt Nam và đứng đầu một chính quyền độc lập Việt Nam cho dù ông chịu nhiều áp lực ngoại bang và cũng có lúc phải sử dụng nhiều cố vấn trong nước và nước ngoài.
Ông nghe nhiều nhưng ông nghĩ và làm phần nhiều theo ý ông. Từ 1815 hay về cuối đời, dù nể trọng Tả quân Lê Văn Duyệt, ông vẫn quyết định chọn hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng ngày sau) chứ đâu có chọn cháu đích tông, con hoàng tử Cảnh, làm người kế vị ông. Mà Minh Mạng, thì nên trọng nể và học tập ông về việc quản lý hành chánh đất nước và xã hội nhiều hơn nữa, chứ trách cứ ông thì cũng dễ thôi.
Cho dù Nguyễn Ánh tin cậy và nhờ cậy vào giám mục Bá Đa Lộc và tỏ ra khoan hòa với Thiên chúa giáo của phương Tây, cho dù hoàng tử Cảnh đã trở thành giáo dân Thiên chúa giáo, khi ở Gia Định cũng như khi trở thành hoàng đế toàn Việt Nam, ông vẫn tôn Nho, trọng dụng người Việt gốc Hoa, vẫn trọng Phật, Lão và tín ngưỡng dân gian, dù là Việt Nam, là Khơ Me, hay là Chăm, là Thượng… Đội cận vệ của Gia Long, theo sử chép, chủ yếu là người Thượng.
Ở thập kỷ 80, tôi đi điền dã ở xứ Quảng, ở Tây Nguyên, các tộc thiểu số vẫn nhắc đến Gia Long với một niềm kính nể. Có một thứ cây nửa trồng nửa hoang dại mang tên “Hoàng oanh quất” (quýt vàng) quả ăn ngon, người dân tộc vẫn bảo tôi rằng đó là thứ quả cây của vùng sơn cước đã nuôi sống Nguyễn Ánh thời khó khăn, sau này trở thành Quýt Ngự. Ấy là tôi chưa kể “Quế Trà My”…
Tôi là con cháu nhà Nho nên cũng có biết câu “luận anh hùng, chớ kể hơn thua”. Song nếu tôi là nhà sử học như các quý vị Phan Huy Lê, Nguyễn Phan Quang… khả kính, tôi cũng phải tìm cách giải thích lịch sử chiến thắng của Nguyễn Ánh với Tây Sơn chứ nhỉ?
Như tôi đã nghiệm sinh trên điền dã khắp Bắc Trung và chút chút ở miền Nam, tôi đã thấy cả Nguyễn Nhạc và cả Quang Trung (tất nhiên cả Nguyễn Lữ nữa) đã thất nhân tâm khi các ông ở miền Trung, chỉ để một chùa ở cấp huyện, ở miền Bắc chỉ để một chùa ở cấp tổng. “Đất Vua – chùa làng – phong cảnh Bụt”. Sáng chiều nghe tiếng chuông chùa “chiêu mộ” để tấm lòng thư giãn, để biết thời gian trôi chảy vô thường đã từ lâu in hằn vào tâm thức người Việt. Phá chùa, đập tượng, nung chuông (làm tiền, làm khí giới) là làm phản lại tâm thức Việt Nam.
Quân Tây Sơn vào nam thì phá Cù Lao Phố (Biên Hòa hiện nay), giết hại thương nhân Hoa kiều, vứt phá hàng ngoại bỏ ra đầy đường, sau ở Sài Gòn thì cũng vậy; ra trung thì tàn phá Hội An (Faifoo), 10 năm sau còn chưa phục hồi lại được; ra bắc thì phá Vị Hoàng, phố Hiến và có đâu chừa lắm cả Thăng Long. Khi nho sĩ Bắc Hà thưa kiện với chúa Tây Sơn về việc tòa Văn Miếu, bia Tiến Sĩ bị phá thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã thành thật phê vào đơn:
Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi
Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta
Nay mai dựng lại nước nhà
Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
Gia Long dù bắt dời thủ đô cùng cả Quốc Tử Giám - Văn Miếu vào Huế thì ở Văn Miếu Thăng Long, Gia Long vẫn cho xây một tòa Khuê Văn Các, nhỏ thôi mà cực đẹp; và ở thành cũ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, ông cũng cho xây một tòa Cột Cờ cao đẹp nhất kinh thành ngày ấy và cho đến nay còn tồn tại. Vua Gia Long đã sai lập “đền Cố Lê” ở Hà Nội để thờ vua Lê cũ và sai dỡ nhà Thái miếu ở Thăng Long về Bố Vệ xứ Thanh quê nhà Lê lập đền thờ. “Đền vua Lê” hiện vẫn còn và đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng.
Thế thì kể ra cũng khó mà chê Gia Long và nghệ thuật kiến trúc Nguyễn. Mà chê bai làm gì nhỉ, khi chúng với thời gian đã trở thành cái đẹp, cái di sản văn hóa dân tộc, dân gian. Huế trở thành một Di sản Văn hóa Nhân loại – theo Quyết định của UNESCO 1993, mà hiện nay ta rất tự hào và đang biến thành Trung tâm Du lịch Văn hóa Việt Nam là nhờ ai?
Kính xin quý vị Sử gia – tạm / gượng gọi là “đồng nghiệp” của tôi bơn bớt việc “chửi bới” nhà Nguyễn, đời Nguyễn bắt đầu từ Gia Long đi cho tôi và dân chúng nhờ… Và thái độ tốt nhất là xếp cả xứ Huế và Việt Nam khi ấy vào Bảo tàng Lịch sử và coi khi đó, không gian đó như một tất yếu tất nhiên của lịch sử Việt Nam!
Tôi những tưởng mình sẽ bị khiển trách và “thăm hỏi" vì đã dám ghé thăm ngôi đình làng mang niên hiệu Gia Long trùng tu mà không trình báo lãnh đạo xã. Nhưng không!, tôi được chiêu đãi một bữa bia đã đời, vì đã được cán bộ xã đứng tựa cột đình nghe lỏm tôi đang giảng giải cho các cán bộ cùng đi về nét đẹp ngôi đình làng này và tỏ ý tiếc vì bị nhà nước bỏ quên. Nghe các nhà lãnh đạo xã quê hương Gia Long nói thêm về tình hình xã, tôi rất mừng vì các đảng viên Gia Miêu, quê hương nhà Nguyễn đã tỏ ra có tư duy đổi mới khi nhận nhìn vai trò lịch sử của vua Gia Long và nhà Nguyễn với thái độ “thể tất nhân tình”, rất đậm đà bản sắc Việt Nam.
Tuy Trịnh Kiểm đã giết Nguyễn Uông, nhưng chính sử nhà Nguyễn, kể cả Đại Nam nhất thống chí, quyển về Thanh Hóa tỉnh, mục nhân vật vẫn chép về Trịnh Kiểm mà không hề có một lời nói xấu nào về ông tổ họ Trịnh này. Tôi có một số bạn bè họ Trịnh đã, đang làm cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam. Tôi đưa cho họ xem bản Trịnh gia thế phả do Trịnh Cơ vâng lệnh Gia Long, khai báo lại năm 1802.
Lời mở đầu cuốn gia phả họ Trịnh này viết rằng khi vua Gia Long ra Bắc, ông đã cho gọi tộc trưởng họ Trịnh là Trịnh Cơ ra Thăng Long và phán bảo rằng:
- Họ nhà ngươi và họ ta là hai họ có thâm thù vì tổ họ ngươi đã giết tổ họ ta!
Trịnh Cơ run rẩy nghĩ rằng mình và họ mình sẽ bị Gia Long “làm cỏ sạch gốc rễ” để trả thù như Tây Sơn. Nhưng mà không, vua Gia Long nói tiếp:
- Nhưng họ nhà ngươi và họ ta đã từng là thông gia, thân gia. Ta sẽ lấy tình thân gia mà đối đãi với họ ngươi. Song họ ta ở Nam đã quá lâu, ta chẳng biết rõ gì về họ ngươi cả. Vậy ngươi hãy cung khai về gốc gác họ Trịnh trình cho ta biết.
Trịnh Cơ mang gia phả cũ ra tham khảo và cứ theo sự thực viết ra. Đọc xong gia phả họ Trịnh, Gia Long đã phê ban cho họ Trịnh 200 mẫu ruộng công để dựng nên Trịnh điện làm nơi thờ tự các chúa Trịnh
Khi còn ở Gia Định và mới chỉ có Gia Định trước 1801-1802, Nguyễn Ánh Gia Long đã vận dụng “cơ chế thị trường” và đã biến Sài Gòn miền Nam thành nơi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo ra toàn Đông Nam Á để đổi lấy các sản phẩm công nghiệp phương Tây, cố nhiên hàng nhập khẩu được ưu tiên hàng đầu là vũ khí để chống lại Tây Sơn. Tôi không muốn bình luận về ý đồ chủ quan của Nguyễn Ánh, nhưng Nam Bộ cho đến nay vẫn quen với “cơ chế thị trường” hơn miền Bắc. Có nhiều nguyên nhân lắm, song phải chăng cũng có vai trò của Nguyễn Ánh?
Hà Nội – Sài Gòn Mùa thu tháng Tám, 1996.
Kính nộp - Giáo sư Trần Quốc Vượng
(Đại học Quốc gia Hà Nội).
(Fb: Thầy Lê Văn Thông).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét