VỤ “NỢ THẺ TÍN DỤNG 8,5 TRIỆU ĐỒNG SAU 11 NĂM THÀNH 8,8 TỶ ĐỒNG”: NGƯỜI VAY CHỈ CẦN TRẢ CHO NGÂN HÀNG 8,5 TRIỆU ĐỒNG LÀ ĐƯỢC “GIẢI THOÁT” KHỎI MỌI TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ!
Nếu như trong khoa học tự nhiên, có những Bài toán có nhiều cách giải, thì trong thực tế cuộc sống, có những vướng mắc cũng có nhiều hơn một phương án giải quyết. Và đương nhiên, khi đó - Sẽ có những cách giải/phương án cực kỳ đơn giản/nhanh chóng/hiệu quả - So với – Những cách giải/phương án rất lằng nhằng/phức tạp/tốn thời gian/kém hiệu quả khác. Mà vụ việc “Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng” là một ví dụ điển hình.
Thật vậy! Rất nhiều Người khi đánh giá và tìm lời giải cho vụ việc, đã phải loay hoay với một đống Văn bản luật/Quy định của Ngân hàng/Thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, để trả lời cho được câu hỏi rằng: Bằng cách tính nào mà Ngân hàng có thể đôn một khoản nợ từ 8,5 triệu sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng? Có lẽ phải giỏi về toán, ngoài hiểu biết về luật, thì Họ mới có thể tính ra được các khoản tiền cụ thể như nợ gốc, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn, phí phạt chậm trả là bao nhiêu…
Trong khi có một cách giải khác hiệu quả hơn bội phần, mà lại chẳng cần phải quan tâm đến những điều đó! Ở đây, Chúng ta cứ cho khoản nợ là có thật, theo như thông tin mà Ngân hàng đã cung cấp cho báo chí, và Ngân hàng khẳng định rằng: Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên đã thành khoản nợ xấu. Cũng có nghĩa, Khách hàng vay đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ của mình vào thời điểm muộn nhất là tháng 9 năm 2013.
Hay nói cách khác, kể từ tháng 9 năm 2013 – Ngân hàng biết và buộc phải biết, quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm – Do đó, THỜI HIỆU KHỞI KIỆN ĐƯỢC TÍNH KỂ TỪ ĐÂY đối với tranh chấp về hợp đồng vay. Khi khách hàng không tự nguyện trả nợ, thì Ngân hàng buộc phải khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án buộc Người vay phải trả nợ theo hợp đồng. Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng là 03 năm (Quy định cũ là 02 năm), dù tính theo cách cũ hay mới, thì thời hiệu khởi kiện cũng đã hết từ lâu.
Cho nên, nếu Ngân hàng khởi kiện ra Tòa, mà Người vay vận dụng quy định về thời hiệu, thì Vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết, do đã hết thời hiệu khởi kiện. Khoa học pháp lý gọi trường hợp này với một thuật ngữ rất kêu “Thời hiệu tiêu diệt” – Có nghĩa rằng, khi một thời gian trôi qua đã lâu, thì trách nhiệm pháp lý cũng được giải phóng, Kẻ có quyền bị xâm phạm, mất cơ hội mưu cầu Cơ quan công quyền bảo vệ lợi ích dân sự bị xâm phạm đó. Đây cũng là lý do vì sao, Tác giả đã nhiều lần khuyến cáo Bà con phải chú ý đến quy định về các loại thời hiệu (Ngoài “Thời hiệu tiêu diệt” còn có “Thời hiệu thủ đắc” đã được đề cập từ lâu).
Trong tình huống cụ thể này, Ngân hàng chỉ còn cách là khởi kiện đòi lại tài sản, vì tranh chấp về quyền sở hữu thì không bị áp dụng thời hiệu, nhưng như vậy thì Ngân hàng chỉ có thể đòi lại số tiền đã cho vay là 8,5 triệu đồng, không hơn không kém. Nếu biết về quy định này, chắc hẳn nhiều Bạn sẽ không còn có những bình luận đại khái như, nếu Ngân hàng để thêm 10 năm nữa mới đòi, thì khoản tiền đã có thể lên đến 800 tỷ. Bởi một khi quy định về “Thời hiệu tiêu diệt” được kích hoạt, tức Ngân hàng mất quyền khởi kiện, thì chẳng còn thiết chế nào có thể bảo vệ lợi ích cho Họ trong trường hợp này. Tất nhiên, Ngân hàng không bao giờ được quyền tự ý lấy tài sản của Khách hàng để bù trừ nợ vay.
Trong một bộ phim nổi tiếng của TVB về đề tài pháp đình, có một câu thoại rất ấn tượng: “Nói đến pháp luật, là nói đến áp dụng trình tự - Ai giỏi vận dụng trình tự, đó là Người nắm được lợi thế”! Cái sai của rất rất nhiều Sinh viên luật (Bao gồm cả Tôi lúc đó), là Chúng ta quá chú tâm vào những môn học về luật nội dung khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Chúng ta quá “đắm chìm” vào những vụ việc như mua được con cá có chiếc nhẫn vàng trong bụng cá, thì chiếc nhẫn của ai – Mà ngó lơ, không mặn mà, thậm chí là xem thường các môn học về tố tụng. Trong khi, đó mới chính là lĩnh vực đưa lại nhiều va chạm nhất, ngay cả khi Bạn chỉ là một Luật sư tư vấn, bạn vẫn phải am hiểu về tố tụng, để định hình trước cho Khách hàng biết về những phong ba…
Viết tại Sài Gòn, ngày 16/03/2024 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét