Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

FB Hồ Phương Trinh: BÀI 2 - AI LÀM RA LŨ, HẠN?

MIỀN TÂY: VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ. 

BÀI 2: AI LÀM RA LŨ, HẠN?

Như bài trước đã nói, Miền Tây không có lũ mà chỉ có mùa nước nổi ba bốn tháng ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, gần biên giới trong địa phận các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Vùng tứ giác Long Xuyên là vùng sản xuất lúa chủ yếu của An Giang, mỗi năm làm hai vụ lúa, vì có mùa nước nổi nên không thể làm lúa vụ ba để tăng sản lượng lúa hơn nữa. 

Năm 1989 là năm đầu tiên sau 75 Việt Nam ta không còn lo thiếu đói mà đã có dư gạo để xuất khẩu. Từ đó ở trên cứ muốn xuất khẩu gạo nhiều, nhiều nữa, nhiều mãi. Thế là phải nghĩ cách làm lúa vụ ba ở vùng tứ giác Long Xuyên. Muốn làm lúa vụ ba thì phải không có mùa nước nổi, muốn triệt mùa nước nổi thì phải biến nó thành "lũ". Thế là đài báo thi nhau la lên: mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại abc xyz. Tới nỗi mà bạn bè tôi ở Sài Gòn, những năm ấy cứ tới mùa nước là hỏi thăm tôi ở An Giang có bị lũ cuốn chưa. Họ tưởng tượng ra rằng tôi hai tay ôm hai đứa con ngồi quặp chân vắt vẻo trên xà nhà giữa bốn bề nước ngập, chờ người tới cứu. Thực tế thì ngôi nhà tôi ở là nhà sàn, từ hồi được cất lên (1979) tới giờ chưa từng bị ngập nước, kể cả mùa nước năm 2000 cao kỷ lục thì cũng cách sàn nhà tôi ba bốn tấc. Đa số nhà trung nông ở đây là vậy, chỉ nhà nghèo quá cất tạm bợ, thấp thì mới bị ngập, mà ngập thì cũng có thời gian kê dọn đồ đạc vì nước không dâng lên tức thì mà từ từ đủng đỉnh trong mấy tháng trời. Hiếm nhà ai cất thấp tè đến nỗi ngập tới nóc. Nếu có nhà nào ngập tới nóc mà ta thấy trên hình trên phim chắc là trại ruộng ở ngoài đồng chứ không phải nhà ở.

Vì là LŨ nên phải đào kinh "thoát lũ ra biển Tây". Ui chao! Từ thời vua Gia Long đã có hai con kinh nối từ sông Hậu ra biển Tây: kinh Thoại Hà nối từ Long Xuyên tới Rạch Giá, đào năm 1817 và kinh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc tới Hà Tiên đào năm 1918. Tới thời thực dân Pháp thì bọn thực dân đào thêm bốn con kinh nữa nối từ sông Hậu qua biển Tây: hai con kinh trong vùng tứ giác Long Xuyên là kinh Tri Tôn và kinh Ba Thê. Hai con kinh khác ngoài tứ giác Long Xuyên là kinh Cái Sắn từ Cái Sắn (xuôi khỏi Long Xuyên một đoạn) nối qua Rạch Sỏi (Kiên Giang), và kinh Xà No từ sông Hậu ở Cần Thơ nối qua sông Cái Lớn Kiên Giang và cũng đổ ra biển Tây.

Tới thời đế quốc Mỹ thì chính quyền VNCH đào nhiều kinh ngang dọc như bàn cờ trong vùng tứ giác Long Xuyên, thêm nhiều kinh nối ra biển Tây mà quen thuộc nhứt là kinh Tha La, kinh Trà Sư. Kinh trong vùng này nhiều tới nỗi một số có tên và số khác thì chỉ được đánh số kinh 1, kinh 2, kinh 16 v.v...Tới giữa thế kỷ 20 thì vùng tứ giác Long Xuyên đã được khai phá xong, đất tốt, mỗi năm đều có phù sa do nước sông mang vào, lắng xuống. Lúa tốt mà không cần phân bón. "Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình" là đồ bỏ, vì chị hai làm cả năm mấy vụ lúa mới được 5 tấn, còn ở "vùng lũ" này người ta làm một vụ thôi là 6-7 tấn/ha rồi.

Vậy là "trên" chỉ đạo tỉnh An Giang đào kinh thoát lũ ra biển Tây. Kinh T5 được đào nối từ kinh Vĩnh Tế ra kinh Rạch Giá Hà Tiên rồi đổ ra biển Tây. Mà cái kinh Rạch Giá - Hà Tiên này là do thực dân Pháp đào hồi 1930, cũng góp phần điều tiết nước cho vùng Tứ Giác bấy lâu nay. Gọi kinh T5 vì đã có kinh T3 từ trước, giờ đào thêm kinh T4, T5, T6 mà chỉ có T5 là nối ra tới bờ biển Tây, còn kinh T4, T6 thì đổ vào các kinh khác trong vùng (và cũng vòng vèo ra biển)

Thử hỏi trong vùng tứ giác biết bao nhiêu là con kinh đã có, từ sông Hậu nối qua bờ biển Tây, từ kinh Vĩnh Tế  (cũng là nước từ sông Hậu) nối qua bờ biển Tây. Chỗ nào đào được kinh để cày cấy được thì người ta đã đào rồi, chỗ không đào kinh có nghĩa là đất chỗ đó không khai thác được. Bao nhiêu con kinh người ta đào là để đưa nước vào làm ruộng và thoát nước ra biển Tây là sự kéo theo thôi, và thực tế thì mùa nước lên vẫn lên, với bao nhiêu con kinh đó thêm kinh Cái Sắn kinh Xà No chảy về biển Tây mà "lũ" vẫn "lũ" có chăng là bớt vài phân vài tấc. Vậy thì đào thêm một kinh T5 chút ét, thêm T4, T6 ngắn ngủn ở chỗ người ta chừa lại không đào kinh thì có thoát lũ ra biển Tây được hay không? và góp bao nhiêu phần để khai thác vùng Tứ Giác đã được khai phá xong từ đời nảo đời nào?

Vậy mà khua chiêng gióng trống về công trình thoát lũ ra biển Tây. Vài "nhà khoa học" cũng hùa theo, báo chí thì ca ngợi nhờ kinh T5 mà vùng Tứ giác Long Xuyên được khai phá hahaha!

Chưa hết, đào kinh T5 rồi mà không "thoát lũ" xong, lại phải đắp đê bao "ngăn lũ". Những con kinh lớn trong vùng nước nổi khi đào bằng xáng múc thì đổ đất lên hai bờ. hai bờ kinh cao ráo, người ta cất nhà dọc theo bờ kinh. Các bờ kinh này thành đường lộ, thường không bị ngập nước. Khi đắp đê bao thì người ta dùng những bờ kinh có sẵn này, đắp lại những chỗ hở khi nối bờ này với bờ kia, thành một vòng đê nhỏ. Nhiều vùng nhỏ có đê bao như vậy, nước ở ngoài đê. Trong đê người ta làm lúa vụ ba, để tăng lượng lúa xuất khẩu. Chủ trương đắp đề này dân không được chống lại, mà dân phải góp tiền đắp đê. Ai không góp tiền thì khi chứng giấy tờ hay có việc với xã ấp thì không được giải quyết. Đóng tiền đi rồi nói chuyện. 

Vì bao đê rồi nên ai không muốn cũng phải làm lúa vụ ba. Có năm nước lớn, nhiều tiểu vùng bể đê, nước tràn vô chết lúa. Nếu không bể đê thì nước mưa ngập chút ít trong đê, thành nước tù đọng hôi thúi. Chuyện đắp đê này phá vỡ hệ sinh thái, sinh ra nhiều hệ lụy, nhiều chuyện cười ra nước mắt, có thể viết thành truyện dài nhiều tập!

Đó là mùa nước nổi, còn mùa khô này thì sao? có "hạn" không? Mùa khô thì có các kinh dẫn nước vô đồng, tháng 3, 4 lúa hè thu vẫn lên xanh cho tới lúc nước lên lại.

Tóm lại là, miền nước nổi nay nước hết nổi vì sông Cửu Long bị thiếu nước. Vùng nước nổi vì bị đắp đê bao nên dở dở ương ương, trồng cây ăn trái thì không có mương vườn thông ra sông rạch như miệt vườn nên không tốt, phải tưới nhiều, mà đất cũng không thích hợp với cây ăn trái. Trồng lúa thì không có nước vô nên thiếu phù sa, lúa thất hơn trước. Mà xả đê thì cũng không xong vì lỡ năm nào trên nguồn nhiều nước, nước lại nổi thì tiêu tùng cây ăn trái. 

Trong tương lai vùng nước nổi nên có kế hoạch chống "lũ" hay chống "hạn" đây?

còn tiếp bài 3: Thiếu nước ngọt không phải vì gần biển, mà vì đâu?

Hình 1: sông Hậu trước nhà tác giả, hiện nay.

Hình 2: vùng tứ giác Long Xuyên với hệ thống kinh nối từ sông Hậu ra biển Tây


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét