<ONG - NHỮNG ĐIỀU MUỐN NÓI>
Cái túi màu vàng nặng trĩu bên hông con ong mà các bạn thấy trong hình chính là túi đựng phấn hoa của ong. Ong có hai túi phấn ở hai bên. Khi ong đi hút mật hoa đồng thời nó sẽ gom luôn phấn về cho bầy. Người ta ước tính, một con ong sẽ phải thu thập từ 500-1000 bông hoa mới đầy được hai túi phấn.
Phấn hoa sẽ được ong pha trộn với mật ong để tạo thành thức ăn (bee bread) và cất vào tổ. Đây là thức ăn chính hàng ngày của ong thợ. Nhiệm vụ của ong thợ gồm có đi thu thập mật và phấn hoa, nuôi và chăm sóc ong non, ong chúa và cuối cùng là điều chế ra mật.
Con ong tạo mật ong là để dành cho những mùa đói kém, khi hoa không còn nhiều (thường là mùa đông hoặc mùa mưa), lúc đó chúng mang mật ra đánh chén sống qua ngày. Nhưng xui thế nào, bị con người phát hiện và lấy cả tổ. Khi đó ong sẽ không còn gì để ăn, và nhiều khả năng sẽ chết cả bầy.
Còn trong môi trường nuôi nhốt, sau khi lấy mật của ong (và để lại một ít), người ta cho nó ăn thêm đường để nó sống qua ngày, đợi mùa xuân cumback. Do vậy ong ăn đường chỉ để sống, để duy trì đàn ong, để ị ra shit chứ không tạo ra mật nhé. Nhiều người còn mơ hồ việc này lắm, cứ bảo người nuôi ong cho nó ăn đường để tạo ra mật giả, lừa bán cho người khác.
Mật giả là mật bị người bán pha với đường hoặc pha với một loại chất gì đó tạo vị ngọt mà thôi. Hoàn toàn không liên quan gì đến việc ong nuôi hay ong tự nhiên cả.
Sở dĩ ngộ nhận "ong ăn đường để sinh ra mật kém chất lượng" là vì người ta không nắm rõ cách thức tạo ra mật ong. Mật hoa khi được ong thợ mang về tổ, được truyền lần lượt qua từng con ong khác, mỗi con sẽ tiết ra enzym để pha trộn hỗn hợp trong miệng, kiểu như có cây kẹo mút mà mỗi thằng liếm một phát cho tới khi còn trơ lại cái que cầm mà thôi.
Sau đó bọn chúng cất mật vào những lỗ mật, rồi dùng đôi cánh quạt thật mạnh để thổi bay hơi nước đi. Tiếng đập cánh lớn đến nỗi nếu bạn đứng bên ngoài sẽ nghe rõ tiếng ồn này. Cách thức sấy mật này khá giống với sấy lạnh các loại trái cây mà ta vẫn hay làm.
Trải qua một thời gian hong khô bằng cánh, mật sẽ cô đặc lại sền sệt, lúc này tỉ lệ nước sẽ còn rất ít, có thể bảo quản được rất lâu. Đến mùa đói kém... mang ra cống nạp cho con người để "đổi" lấy thứ rẻ tiền và kém chất lượng hơn - nước đường.
Trong cả tổ ong, ngoại trừ những khu vực tập trung để đựng mật, ong sẽ dành ra một khu "nhà trẻ" để làm nơi phát triển ong non. Mỗi cái lỗ đó, ong chúa sẽ đẻ vào 1 quả trứng. Con người phát hiện ra ong thợ tiết ra một loại "sữa" đặc biệt để nuôi ong chúa và ong non. Mỗi lần nhả sữa, là cả căn phòng ong non ngập ngụa trong sữa, sữa và sữa, đã lắm.
Loại sữa này cực kỳ giàu chất dinh dưỡng, thuộc loại quý hiếm chỉ dành cho hoàng tộc thưởng thức. Ong non sau khi uống hết sữa, vài ngày sau lớn nhanh như thổi, thánh Gióng phải gọi bằng cụ. Con người ngu gì mà bỏ qua, họ sử dụng "trí khôn của tao đây" tìm cách khai thác loại sữa quý giá này.
Họ bèn tạo ra mấy cái tổ giả, rồi gắp ong non ở các "nhà trẻ" đem bỏ vào các lỗ giả này. Cả một hệ thống tổ giả như thế gom vào chung một cái cầu để tiện cho việc khai thác tập trung (thay vì đi hút ra từ từng cái lỗ ong non ở trên).
Ong thợ thấy tổ ong non, cứ thế nhả sữa vào vì nghĩ tụi nhỏ cần phải ăn uống đầy đủ, mình vất vả tí chả sao. Bớt ly cafe sáng, bớt xem CGV lại là tụi nhỏ có sữa học đường uống rồi.
Vài ngày sau, khi tổ giả đầy sữa, con người lấy tổ ra, rồi cho tổ khác vào. Cứ thế lũ ong thật thà chăm chỉ hằng ngày tiết sữa nuôi ong con, mỗi ngày nó chửi thầm: “má, nuôi hoài tụi bay éo lớn vậy!?”
Cái thứ sữa màu trắng ngà đó gọi là sữa ong chúa - royal jelly (sữa quý tộc hoàng gia), đang được bán rất nhiều trên thị trường.
Chưa dừng lại ở đó, con người để ý thấy con ong mang phấn về, bèn tìm cách “cướp trên giàn mướp” công sức của nó. Họ tạo những cái lỗ nhỏ ở lối vào tổ, chỉ lọt vừa con ong, hai túi phấn sẽ bị vướng và rớt ra. Cuối ngày họ gom lại thành phấn ong, đem phơi khô rồi đóng hộp đem bán. Thế là có phấn hoa bồi bổ cơ thể.
——————
Một tổ ong ngoài tự nhiên khi bị phá (lấy hết mật và ong non) thì nguy cơ cả bầy sẽ bị xoá sổ vì ong thợ sẽ già đi rồi chết mà không có lớp ong kế thừa. Chưa kể nếu cận kề với mùa đông, mùa mưa (thời điểm ít hoa) thì ong lại càng khó kiếm thức ăn, đàn ong sẽ bị đói rồi chết dần.
Khi một (hoặc nhiều) đàn ong bị diệt thì kéo theo các hệ lụy về hệ sinh thái nơi đó. Vì vậy đã đến lúc cần lên án những hành vi bắt tổ ong rừng, giống như việc săn bắt, khái thác các loài Động vật hoang dã phải bị xử lý.
Nếu cần sử dụng mật ong, hãy ưu tiên dùng mật nuôi. Và dẹp bỏ suy nghĩ “đồ rừng tốt hơn đồ nuôi” vì chưa có bằng chứng nào chứng minh điều đó cả, ngoại trừ sự cảm tính của người sử dụng, bởi vì với họ, cái gì mà gắn với chữ “rừng” cũng trở nên thần thánh cả, như thịt thú rừng, sâm rừng, mật ong rừng… Nhưng khi bị gọi là “người rừng” cho hợp tông thì họ lại tỏ ra phẫn nộ.😄
Mật nuôi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại, điều này khoa học đã chứng minh rồi, vậy thì cần gì đến mật rừng nữa.
------————
* Ảnh: Tú Oppo gửi về cho Nhóm Côn Trùng Việt Nam. Cảm ơn bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét