Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

FB Hồ Phương Trinh: Bài 1 - Miền Tây không có LŨ hay HẠN

Bài hay. Nên tham khảo.

MIỀN TÂY, VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ!

Bài 1: Miền Tây không có LŨ hay HẠN 

MIỀN TÂY và MIỀN ĐÔNG là hai miền Tây, Đông của miền Nam Việt Nam. Miền Tây là vùng châu thổ, lưu vực của sông Tiền, sông Hậu. Miền Tây sông, kinh, rạch chằng chịt, trong sách vở cũng nói nhiều về điều này. 

Rạch là những nhánh nhỏ của sông, xẻo là những nhánh nhỏ của rạch. Rạch và xẻo là những nhánh tự nhiên của sông. Rạch và xẻo miền Tây nhiều vô số, có tên và không tên. Kinh là những con sông do người đào để nối liền sông, rạch hoặc để thuận đường giao thông thủy hoặc dẫn nước. Miền Tây có con kinh Chợ Gạo nối từ sông Tiền ở Mỹ Tho qua sông Vàm Cỏ (Long An) để rút ngắn đường thủy từ miền Tây lên Sài Gòn và miền Đông. Kinh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên cũng là một con kinh nổi tiếng. Vùng tứ giác Long Xuyên có một hệ thống kinh dẫn nước từ sông vô đồng, do bọn "đế quốc sài lang" đào bằng "xáng cạp". Hệ thống kinh này được gọi bằng số: Kinh Bảy, Kinh Mười Ba...và vẫn đang được sử dụng tốt.

MIỀN TÂY có nhiều miệt: miệt đồng, miệt vườn, miệt thứ... v.v... nơi thì ruộng lúa cò bay thẳng cánh, chỗ thì vườn dừa ngút ngàn, chỗ khác thì toàn cam quýt bưởi, vùng khác nữa thì sầu riêng chôm chôm nức tiếng. Có vùng thì toàn ruộng trồng khóm chứ không trồng lúa.... Có vùng thì mỗi năm có ba tháng nước sông dâng lên ngập đồng, nhà vùng đó toàn nhà sàn. Có vùng thì mỗi năm ba tháng nước lợ, cây trái không chết nhưng nước sông lợ khó uống thì nhà ai cũng có một hàng lu chứa nước mua đủ uống trong mùa nắng, nước lợ, nhà giàu thì xây bồn chứa nước mưa đủ uống quanh năm. Vì sao như vậy? vì người miền Tây thuận theo tự nhiên, nương theo mùa mưa, mùa nắng, mùa nước, phù sa của sông ... mà sống, mà trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tôm cá. Bao đời như vậy đã tạo nên một miền Tây trù phú, là vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá nuôi sống cả nước và xuất khẩu. 

Miền Tây có bị HẠN không? Theo bài Địa lý học hồi tiểu học thì nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa, mỗi năm có hai mùa mưa nắng: mùa mưa từ KHOẢNG tháng tư dương lịch tới KHOẢNG tháng mười một dương lịch, các tháng còn lại là mùa khô. Mùa mưa trùng với mùa gió mùa Tây Nam (gió nồm), mùa khô là mùa gió mùa Đông Bắc (gió bấc). Những vùng gần sông rạch thì nước sông rạch không bao giờ cạn. Mùa khô, miền Tây gọi là mùa kiệt thì nước ít hơn chút, mùa mưa thì nước nhiều một chút. Vùng không gần sông rạch thì có những đìa chứa nước để tưới hoa màu trong mùa kiệt. Mà hoa màu trồng mùa kiệt tốt hơn mùa mưa: dưa hấu, đậu xanh và đậu các loại, các loại rau, bầu bí v.v...

Thực tế ba bốn chục năm nay hai mùa mưa nắng ở miền Tây đều đúng như trong bài địa lý năm xưa. Chưa có năm nào mà tới tháng năm chưa mưa, hay chưa đến tháng mười một đã hết mưa. Vậy nên, miền Tây với một mùa mưa dài hơn 6 tháng và hệ thống sông rạch chằng chịt, thì chưa bao giờ có HẠN HÁN. Trong các truyện cổ tích thì ba năm không mưa sông suối khô cạn thì mới gọi là hạn hán.

Còn nước sông Tiền sông Hậu thì sao? Mỗi năm vào tháng 6-7 âm lịch, nước trên Biển Hồ Campuchia tràn xuống, sông không chảy kịp nên nước tràn bờ, dâng lên ngày vài phân (vài centimet cm). Nước dâng lên từ từ như vậy tới tháng chín âm lịch là cao nhứt rồi từ tự rút xuống tới tháng mười âm lịch là rút cạn. Dân địa phương gọi là mùa nước nổi, chứ không phải mùa lũ. Nước dâng lên có "lịch trình" đem theo nhiều phù sa vào đồng ruộng, và tôm cá trong mùa nước nổi thì khắp đồng đâu cũng có thể đánh bắt cá được. Nước nổi làm chết đuối? Người lớn phải giữ con nít không té xuống nước, cũng giống như giữ con không cho chạy ra lộ. Không thể nói điện giựt chết người thì điện là có hại, nước nổi  cũng vậy. Thực tế thì con nít vùng nước nổi biết lội (bơi) trước khi biết chữ. (Con tui cũng vậy!)

Mùa nước nổi nước chỉ ngập vùng gần Biển Hồ: An Giang, Đồng Tháp, Long An gần biên giới. Nước chưa kịp ngập tới hạ lưu sông thì đã đến lúc nước rút. Vậy nên trên sông Tiền, từ Sa Đéc xuống hạ lưu: Vĩnh Long, Mỹ Tho; trên sông Hậu từ Long Xuyên xuôi dòng tới Cần Thơ... không có mùa nước nổi.

Tóm lại miền châu thổ Cửu Long trù phú từ xưa không có hạn hay lũ, vậy sao bây giờ cứ phải chống hạn, chống lũ?

(còn tiếp bài 2: Ai tạo ra HẠN, ra LŨ?)

hình: hệ thống sông Cửu Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét