CÂU CHUYỆN HỒI OA...
* Nguyễn vương (Nguyễn Phước Ánh), sau trận thua tại Rạch Gầm (1785), đã nhanh chóng thâu hồi được toàn bộ vùng GIA ĐỊNH (tức toàn miền châu thổ Đồng Nai - Cửu Long), chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi (từ 1786 đến 1788)! Nhanh chóng không ngờ nổi. Vì sao?
* "NGƯỜI ĐẸP NHA MÂN"? Suy đoán về vẻ đẹp của con gái Nha Mân, tôi thấy tràn lan mạng này "copy" mạng kia, cho rằng vì nhiều cô gái nơi đây là hậu duệ các cung nữ mà Nguyễn Phước Ánh bỏ lại khi bôn tẩu ghé ngang qua đây (!).
Đây là lối suy đoán hết sức à uôm, cứ lặp đi lặp lại, cũng do không chịu đọc kỹ lịch sử gì hết trơn!
*&*
/1/ Nguyễn Phước Ánh xưng vương vào năm 1780, lúc đó 18 tuổi. Trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang) diễn ra vào năm 1785, Nguyễn vương (23 tuổi) đại bại, phải bôn tẩu khỏi vùng đất phương Nam.
Trong quá trình bôn tẩu gấp gáp, Nguyễn vương không thể dừng lại ở bất cứ nơi nào đủ lâu, và cũng phải gọn gàng, để lẹ làng trốn khỏi sự truy đuổi gắt gao của quân Tây Sơn.
Theo sử liệu, lúc bôn tẩu, Nguyễn vương chỉ đem theo gia quyến, gồm 5 người: Nguyên phi là Tống Thị Lan, hoàng tử Cảnh mới 5 tuổi là con trai của Nguyễn vương với Nguyên phi, Nhị phi là Trần Thị Đang, mẹ của Nguyễn vương là Vương mẫu Nguyễn Thị Hoàn, và chị cùng cha khác mẹ với Nguyễn vương là công chúa Ngọc Du.
/2/ Đến đây, xin quí bạn chú ý: DIỄN BIẾN CỦA TƯƠNG QUAN QUYỀN LỰC THAY ĐỔI NHANH CHÓNG ĐẾN KHÔNG NGỜ!
Chỉ qua năm sau, năm 1786, Nguyễn vương đã quay trở lại, với sự hậu thuẫn của nhiều đạo quân tản mác toàn vùng phương Nam được tập hợp lại.
Năm 1787 Nguyễn vương (lúc này 25 tuổi) kéo quân đến đóng bản doanh tại Hồi Oa (tức “Nước Xoáy”), Sa Đéc (sau đổi tên là Long Hưng, hiện nay vẫn giữ tên gọi này, thuộc huyện Lấp Vò) mà bán kính hoạt động gồm luôn Nha Mân…
Từ bản doanh Sa Đéc, cuộc tiến quân gặp nhiều thuận lợi, vào năm sau 1788, Nguyễn vương (26 tuổi) đã lấy lại được Gia Định thành!
/3/ Trong khi dư âm về cuộc đại thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 vẫn còn râm ran, chỉ hai năm ngắn ngủi sau đó (1787) thì Nguyễn Ánh đã sớm trở lại, có mặt nơi vùng Sa Đéc (Nước Xoáy, Nha Mân…).
Do thời gian chuyển biến quyền lực quá nhanh, khiến cho truyền thuyết dân gian dễ bị “nhòe lẫn” khi liên kết sự kiện Nguyễn Ánh có mặt ở Sa Đéc với ... cái “hậu” Rạch Gầm – Xoài Mút (1785).
Kỳ thực, lúc bôn tẩu (1785) Nguyễn Ánh phải chạy gấp gáp, chỉ đem theo gia quyến vài người mà thôi.
* Điều QUAN TRỌNG NHỨT, cũng là hấp dẫn, nằm ở sự kiện: Nguyễn vương đặt đại bản doanh tại vùng Sa Đéc, Nha Mân là vào năm 1787.
Lúc này, thế và lực của Nguyễn vương bật mạnh trở lại, ông đem theo nhiều văn nhân, võ tướng, trụ lại ở Sa Đéc trong một thời gian dài thủng thẳng hơn (không phải gấp gáp như lúc bôn tẩu), do vậy họ mới có thể kéo theo bầu đoàn thê thiếp.
Đây là một dữ kiện có thực ghi trong sử. Nói là “thê thiếp của Nguyễn vương”, chính xác hơn, cần được hiểu là “thê thiếp của vương triều Nguyễn” (tức gồm cả thê thiếp của một số võ tướng, văn nhân của triều thần phò Nguyễn Phước Ánh).
Mà như vậy mới đủ nhiều để có thể tạo ra những lớp “nữ nhơn hậu duệ” tại địa phương.
Những cô gái thuộc “hậu duệ” thê thiếp vương triều Nguyễn, ở Nha Mân, đem lại sức thu hút và niềm cảm khái vinh hạnh! Bởi vì nơi đây “có nhơn hòa, có địa lợi” được bậc vua chúa chọn.
/4/ Sao gọi là "địa lợi, nhơn hòa"?
Đây là nơi có địa thế thuận lợi cho Nguyễn vương trong việc tiến quân đi các nơi; vùng này đất đai trù phú cho nguồn lương thực, hậu cần dồi dào (“địa lợi”).
Mặt khác, Nguyễn vương tạo được nhiều thiện cảm và sự hậu thuẫn từ dân chúng, qui tụ được lòng người (“nhơn hòa”).
Vì sao?
Các thế hệ lưu dân người Việt vô miền châu thổ Đồng Nai - Cửu Long, trải qua bao gian khổ để tạo lập xóm ấp, nhưng họ vẫn chỉ là “kiều ngụ” (ở nhờ) - khi chủ quyền, về danh nghĩa, còn thuộc Chân Lạp.
Chỉ đến khi các đời chúa Nguyễn xác lập chủ quyền chính thức, lưu dân người Việt mới thực sự làm chủ trên những thửa đất, thửa ruộng đổ mồ hôi sôi nước mắt.
Với tính cách TRỌNG NGHĨA, SỐNG CÓ TRƯỚC CÓ SAU (khinh bỉ thói "ăn cháo đá bát"), người dân vùng châu thổ xem đây là “tấc đất, ngọn rau ơn chúa” mà họ có trách nhiệm trả ơn trả nghĩa cho xứng.
Nguyễn Phước Ánh chính là hậu duệ của các đời chúa Nguyễn tiền nhơn (mà người dân thọ ơn), thành thử Nguyễn Phước Ánh nhận được sự hậu thuẫn của dân chúng (về người và vật lực), là vì vậy!
* Một số khảo luận, nghiên cứu của một số Đại học tại tpHCM, tại miền Tây - giờ đây - đều thẳng thắn ghi nhận ảnh hưởng sâu rộng của Nguyễn Phước Ánh đối với người dân toàn vùng GIA ĐỊNH trong thế kỷ 18-19.
(chỉ có những ai "khác máu tanh lòng", không biết yêu biết quí vùng châu thổ thì mới nhắm mắt bịt tai trước SỰ THỰC về mối tương quan gắn bó giữa người dân nơi đây với Nguyễn Phước Ánh)
----------------------------------------------------------------
Hình ảnh: Cây đa bến Ngự ở vùng Hồi Oa ("Nước Xoáy").
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét