Miền Tây: Lòng người và sự khắc nghiệt
<Nguyễn Gia Việt>
"Qua hỏi chú em mày?Tới nước mà không có để uống, để tắm, để giặt đồ thì nhắm Miền Tây còn cái gì để gọi là tồn tại?"
Một ông già nói.
Tự dưng giựt mình! Thiếu nước là cái gần đây. Vùng châu thổ Cửu Long là vùng có trẻ em bỏ học cao nhứt nước, trẻ em Miền Tây cũng không được thụ hưởng giáo dục tốt bằng các vùng khác
Trong 10 người dân Miền Tây chỉ có 1 người là tốt nghiệp cấp 3, nơi này có người ly hương cao nhứt VN.
Chúng ta đau lòng khi biết rằng vùng châu thổ Cửu Long có "thành tích" giáo dục như sau: Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ là 94,2%, thấp hơn bình quân cả nước (95,8%) và thấp nhứt nước, chỉ trên ...Tây Nguyên (91,3%)
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp THPT trong cả nước là 17,3%. Tỷ lệ này ở ĐBSCL chỉ là 11,3%, thấp nhứt cả nước.
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong cả nước là 19,2%. Tỷ lệ này ở, ĐBSCL chỉ là 9,7%, thấp nhứt cả nước.
Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường trong cả nước là 8,3%. Tỷ lệ này ở ĐBSCL là 13,3%, cao nhứt cả nước, đồng hạng với ... Tây Nguyên.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ dân số được đào tạo từ đại học trở lên thấp nhứt, chiếm 5,2%.
Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ lệ dân số đã qua đào tạo cao nhứt cả nước, cứ 100 người từ 15 tuổi trở lên thì gần 28 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Trẻ em, tương lai của Miền Tây cũng không được thụ hưởng giáo dục tốt bằng các vùng khác.
Học sinh Miền Tây bỏ học nhiều gấp 3 cả nước.
Miền Tây thân yêu của chúng ta dẫn đầu cả nước về bỏ học và ly hương, tha phương cầu thực.
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, Đồng bằng sông Cửu Long là ly hương cao nhứt nước,trong 1000 người dân Miền Tây thì có 22 người ly hương tha phương cầu thực.
Số dân Miền Tây rời quê ra đi ly hương trong 10 năm qua hơn 1,3 triệu người, lớn hơn dân số một tỉnh trong vùng.
Sông ngày càng ô nhiễm, nước không về, mặn xâm nhập sâu , rồi ruộng đồng khô cháy, nước uống không có đủ, miếng ăn khó tìm, lại không biết làm gì ra tiền sống ở quê, thế là họ ly hương, nhà cửa đóng hết, xóm làng vắng tiếng người tiếng chó.
Sản xuất, cung cấp lương thực, vựa lúa, giữ an ninh lương thực (54%) cho VN nhưng nhiều dân Miền Tây đong gạo lon gạo lít, ba bốn đời ăn nhờ ở đậu.
Nhớ hồi xưa còn lũ tràn đồng thì chánh quyền làm đê bao bọc ngăn nước để làm vụ 4, hậu quả đồng ruộng bạc màu đầy thuốc xịt rầy, nước tràn về đô thị ngập mút mùa. Và giờ khô hạn thì khô queo.
Theo Tạp chí khoa học Nature Communications, khu vực hạ nguồn sông Mê Kông - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được nêu ra, vốn không chính xác khi ước lượng cao độ thẳng của các khu vực trũng (2,6m).
Với tốc độ chìm như hiện nay trong 57 năm tới nước biển sẽ “xóa” khoảng cách 0,8m này, đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó.
Nay mai dòng tộc Hun của Hun Sen làm kinh Phù Nam Techo là coi như gần như đánh trống khai tử Miền Tây.
Hết lễ, nhìn dòng xe sáng rực trên quốc lộ hướng về Sài Gòn, Bình Dương mà buồn. Cách đây mấy ngày thì đông nghẹt hướng về Miền Tây. Đó là tha hương, tha phương cầu thực, Biết tới chừng nào người Miền Tây có thể sống được trên quê hương mình?
Bạn có bao giờ bước chưn qua khu "mới" như Bình Tân, Bình Chánh miệt Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc, Đa Phước...và bước vô một ma trận hẻm nhà trọ của công nhân, người lao động chưa?
Những khu nhà trọ thấp lè tè nóng nực nằm vắt mình bên những con kinh ,con mương nước đen thùi lùi hôi rình là nơi tập trung nhiều công nhân xa xứ gửi thân trong những dãy nhà trọ tồi tàn đó.
Tiền nào của đó,mướn phòng trong nội thành thì mắc, muốn rẻ mời ra ngoại thành, khu gần rác, gần kinh thúi càng rẻ hơn, hợp với đồng lương.
Có dãy nhà trọ hơn 10 căn phòng, mỗi căn phòng chỉ 7m2 nhưng có đến 5 tới 6 công nhân tá túc và chỉ có một cái cầu tiêu, một cái nhà tắm. Sáng sớm đứng sắp hàng để làm cái nhiệm vụ "xả" trước khi vào nhà máy.
Rồi ăn uống thì mua sơ sịa ngoài chợ công nhân bó rau, con cá ươn ịch, miếng tàu hủ mỏng dánh, quơ vài đũa cho xong bữa.
Vậy mà họ cũng lấy vợ lấy chồng, sanh con và những em bé cũng lớn lên trong những khu nhà trọ đó. Sanh đời con tiếp tục để làm nhiệm vụ vinh quang là oằn lưng ra làm culi tiếp tục nuôi sống những chánh sách tốt đẹp trên tivi của nhà cầm quyền.
Nhà trọ công nhân không mơ mộng như "gác trọ" của Mạnh Phát đâu, làm gì có cảnh "Gửi hồn chìm vào đôi mắt. Ái ân chưa tròn để ngàn đời nhớ nhau"? Ở đó chỉ có tiếng các ông nhậu nhẹt, tiếng karaoke kẹo kéo lè nhè, ầm ầm và tiếng cự nự, chửi thề, xong ...hết.
Nhớ ông Lam Phương có bài nhạc si tình về một người tha phương ra nước ngoài:
"Hồn theo làn khói về nơi mộng mơ.
Chim non mỏi cánh tung gió chơi vơi.
Thẫn thờ nghe tiếng chuông ban chiều,
ngỡ rằng câu hát mỹ miều
vì đời mình chỉ biết cô liêu"
Nhưng cái kiếp tha hương của người Miền Tây ngày nay không có đẹp như vậy đâu.
Người Miền Tây ly hương tìm cơ hội thoát nghèo. Họ ra đi bỏ lại những mỹ từ về "vùng đất trù phú bậc nhứt" và những những con số kinh khủng.
Miền Tây thân yêu của chúng ta dẫn đầu cả nước về bán vé số , chúng ta có một hệ thống các công ty vé số ngàn tỷ , phát triểnnhứt nước.
Nhiều người thốt lên "Ở đây có cả nền kinh tế vé số”
Miền Tây - thủ phủ vé số cả nước, người dân dồn tiền mua vé số mong đổi đời, cách duy nhứt thoát nghèo, người bán vé số đông nhứt và học trò bỏ học đi bán vé số.
Nhìn qua những cái "nền" cho tương lai sự phát triển thì Miền Tây đội sổ, nói kiểu ông bà mình là "bù trất! chết tía mày rồi con ơi!"
Chúng ta có văn hiến, có nét riêng, có đồng bằng nhưng không có số phận, thời thế, hình như thận phận nó là vậy!
Mọi thứ là con người. (Khi viết bài này một lát chắc chắn sẽ có nhiều bạn xưng là dân Miền Tây vào chửi với lý do Miền Tây rất giàu đẹp, no ấm, sao lại nói kiểu kỳ cục như vậy?)
Câu hò, điệu lý, những chiều hoàng hôn ở Miền Tây buồn rười rượi.
Người Phương Nam hịch hạp, trượng nghĩa, nghèo vậy nhưng nghe ngoài đâu đó có chuyện là vét nồi vét khạp thuê xe chạy ra cứu trợ rất hồn nhiên, cứu "trái cây" miền khác cũng rât vô tư và cũng không dám nghĩ ngược lại rằng "Mốt Miền Tây bị đói, hạn mặn thì đồng bào đâu đó có mướn xe chạy vô cứu đồng bào Miền Tây không? một gói mì tôm cũng đặng"
Câu vọng cổ buồn xổ từ ngọn cây tới gốc cây, khói chiều cũng hổng thể nào vui
Miền Tây quê chúng ta, ở vài nơi nào đó có những bà già có mơ ước rất đơn sơ kiểu "Ngoại giờ có ước muốn gì ngoại?".
Trả lời:
-"Ngoại không mong gì nhiều, chỉ thèm có nước mát tắm một bữa đã đời rồi chết cũng an lòng!"
Miền Tây ơi là Miền Tây! Sao ngày càng tệ hệ vậy?
Thực trạng này là do Ông Trời phải không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét