HẠNH ĐẦU ĐÀ CÓ ĐÁNG LO ?
Từ khi sư Minh Tuệ xuất hiện thì khái niệm “đầu đà” mới được nhiều người biết tới. Cũng phải thôi, vì đại chúng lâu nay có thấy vị sư nào tu như thế đâu. Hai tiếng “đầu đà” bỗng nhiên được bàn luận xôn xao muôn nơi khắp nẻo.
Có một nhân vật lịch sử, được suy tôn Phật hoàng, đó là vua Trần Nhân Tông (陳仁宗), sinh ngày 7/12/1258 , nhập diệt 14/12/1308.
Ông là bậc minh quân, là một chính trị gia kiệt xuất, là nhà quân sự lỗi lạc, là nhà văn hóa lớn và là nhà thơ tài hoa. Đồng thời ông còn là một thiền sư, nhưng không mấy ai nhớ, ông từng tu theo hạnh đầu đà.
Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, vua nhường ngôi cho thái tử, xuất gia tu hành, lên núi Yên Tử thiền định, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau lại đổi thành Trúc Lâm đại sĩ.
Nhắc lại sử để ôn cố tri tân, để thấy rằng xưa cha ông đã làm thì nay càng nên trân trọng, nhất là khi nhân loại đang có nhiều khủng hoảng, suy vi giữa thời mạt thế.
Hạnh tu này không cần phân tích nữa mà chỉ nên tán thán. Ai lựa chọn con đường này, tất yếu, sẽ nhận được sự kính trọng, ngưỡng vọng của tha nhân.
Đạo Phật là một tôn giáo từ bi và trí tuệ, giúp con người biết thương yêu nhau hơn, giúp con người thoát khỏi những trần lao nơi cõi tạm.
Trong các giáo lý nhà Phật, chữ Duyên là một khái niệm quan trọng. Vì nó chính là sự tiếp nối trong quá trình chuyển từ nhân thành quả. Duyên chính là điều kiện sinh ra vạn pháp. Sự tồn tại của mỗi cá nhân trên đời này cũng nhờ duyên. Do vậy sự có mặt hôm nay của một ông sư tu hạnh đầu đà (học theo lời Đức Phật) chẳng phải cũng do duyên đó sao!
Sư Minh Tuệ xuất hiện với diện mạo và hành trạng là một thân hình còm nhom nhỏ bé, một cái đầu trọc, một bộ y chấp vá và chỉ biết đi bộ, vậy thì có gì đáng lo? Hay chính cái bộ dạng dị hợm này mà toát lên một loại sức mạnh ghê gớm? Hay sự ghê gớm của ông chính từ chỗ ông chẳng có bất cứ thứ gì, từ tiền bạc, ô tô, nhà cửa, ngay cả đến miếng ăn cũng phải đi xin?
Lạ nhi? Thật khó nghĩ cho thông!
Nỗi sợ của con người thực chất là do chúng ta thường làm những việc bất thiện, điều đó nó ám vào tâm trí những lo lắng, bất an. Ngược lại khi con người buông xả và hành thiện thì tự khắc trong tâm an minh.
Sư Minh Tuệ, đời ổng, đã xác định ngay cái thân mạng còn không tiếc nên sư mới chọn cách tu mà hành cái xác đó thôi. Còm cỏi, đen đúa, chai sạn…
Suốt ngày sư đi, đi mấy năm như thế rồi, có làm sao đâu! Vì trên đời này chắc chắn không có một luật pháp nào phi nhân đến độ không cho con người ta tu/ tự tu.
Tu là gì? Là sửa, sửa sao cho con người mình ngày một tốt hơn.
Đến nay, sư đi, thiên hạ kéo theo, kẻ hiếu kì quay phim chụp ảnh, người lợi dụng làm điều xằng bậy, kẻ u mê cuồng tín lên đồng…
Tất cả những điều ấy sư chắc chắn chẳng mong cầu, vì cái sư cần là những trải nghiệm và sự tĩnh lặng để tu tâm. Nhưng vốn là một hành giả hành thiền nên sư phải cố dằn tâm chế ngự. Sư không trách ai, không giận ai thì đúng ra chúng ta càng phải cảm thông và chia sẻ với ông hơn.
Lẽ ra, với tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật thì sư sẽ nhận được lòng bao dung, che chở từ những người đồng tu, đồng đạo; hoặc họ ở ngôi cao với những phẩm này hàm nọ thì cũng nên có chút lòng bố thí. Đằng này thì…
Sư Minh Tuệ bị tước luôn quyền được làm một tu sĩ (với tư cách là người tu, đệ tử của Thích Ca). Phải chăng theo Phật là một đặc quyền được cấp phát? Hay Đức Phật là độc quyền của riêng ai?
Nhà Phật xưa nay vẫn dạy con người nên biết sám hối để chuộc lỗi lầm, để tâm được an nhiên thanh thản. Đạo Phật cũng luôn dạy kẻ sai đường biết “hồi đầu thị ngạn”.
Vậy, nếu một quyết định vội vàng, thiếu từ bi, phi bác ái; liệu rằng, với tư cách con Phật “chính danh”, những ai đó có đủ dũng khí mà thành tâm sám hối hay không ?
———
P/s: Tôi vẫn thích gọi “Sư Minh Tuệ”, vì ngôn ngữ là của một cộng đồng. không ai có quyền áp đặt.
———
Nha Trang, 17/05/2024
Nguyễn Thanh Huy
https://www.facebook.com/share/3zEvDfe7B2mstuc2/?mibextid=oFDknk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét