MÙA HẠN của người nông dân.
Người nông dân ở đây là tui đó.
Mấy hôm nay lo viết chuyện hạn, mặn, lũ chung chung thì bây giờ viết chuyện của mình đây.
Vùng tứ giác Long Xuyên có bốn góc : phía bắc là Châu Đốc, đông là Long Xuyên, nam là Rạch Giá và tây là Hà Tiên. Bốn cạnh là: cạnh Châu Đốc Long Xuyên là sông Hậu, cạnh Long Xuyên Rạch Giá là kinh đào Thoại Hà, cạnh Rạch Giá Hà Tiên là kinh đào Rạch Giá Hà Tiên, cạnh Hà Tiên Châu Đốc là kinh đào Vĩnh Tế. Các con kinh này được đào từ thời nhà Nguyễn và thời Pháp.
Người nông dân ở mé sát sông Hậu. Mỗi năm vùng tứ giác bị ngập nước ba, bốn tháng. Ngập không phải vì đất thấp, đất ở đây cao hơn vùng ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu v.v...
Nước ngập là vì mùa lũ của sông Mekong lượng nước quá nhiều dòng sông không chảy kịp nên nước tràn bờ gây ngập, mà nước tràn dâng từ từ, nếu nhà ai sàn hơi thấp hay lẫm lúa nào hơi thấp mà sợ ngập thì người ta có hẳn 1-2 tháng để kê dọn.
Vì sao các dòng sông lớn như sông Hoàng Hà, Dương Tử (TQ), sông Hồng VN khi lũ về thì nước dâng đột ngột cuốn trôi mọi thứ, và khi nước rút thì để lại cảnh tan hoang nhưng lũ sông Mekong thì lại hiền hòa, dâng từ từ rút từ từ, chẳng cuốn trôi cái gì. Lũ sông Mekong lên xuống có quy luật thời gian chứ không bất ngờ, chỉ có mực nước cao thấp tùy năm.
Sông Mekong nhờ có Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia chứa nước trong mùa lũ nên dòng lũ chảy về sông Tiền sông Hậu trở nên hiền hòa và có quy luật.
Khi nước dâng lên thì cả vùng tứ giác chìm trong nước 2-4m. Khi nước rút thì vì không phải đất thấp nên nước tự động rút ra kinh, rạch sông, và đất cạn khô luôn. Ngày xưa, trước khi Pháp đào hệ thống kinh dẫn nước thì vùng tứ giác trong mùa khô hạn không thể trồng cấy vì không có nước tưới.
Thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đã đào hệ thống kinh như bàn cờ trong vùng này để đưa nước vào ruộng, làm cho vùng này được khai phá và trở nên trù phú. Nông dân làm một vụ lúa một vụ màu. Đậu xanh Long Xuyên rất nổi tiếng chắc nhiều người biết?
Đất của người nông dân này trong vùng tứ giác, phía cạnh sông Hậu, gần Châu Đốc. Cách nay 30 năm thì mùa nước nổi nhìn ra phía sau nhà là đồng nước mênh mông, các con kinh dẫn nước chìm dưới nước, chỉ nhận ra nhờ các cây ven bờ kinh. Người nông dân muốn chăn nuôi nên đã đào đắp miếng đất của mình để mùa nước nổi không bị ngập. Đó là lý do người nông dân có miếng vườn giữa xứ ruộng vậy.
Đất cao không bị ngập thì phải cao hơn mặt ruộng 2 mét. Mùa hạn này thì đất lại quá cao. Các con kinh thông lưu dẫn nước tưới ruộng thì phải bơm nước lên ruộng, đắp bờ giữ nước mới trồng lúa nước được. Miếng vườn của người nông dân không có mương liếp như miệt vườn, lại quá cao so với mặt ruộng nên càng bị thiếu nước.
Tuy có cái hầm (ao) nước nhưng muốn tưới cây phải bơm lên. Mà vườn thì trồng cây tùm lum không cần thu hoạch kiếm tiền nên người nông dân không tưới luôn.
Giờ cuối mùa hạn xem lại thì thấy:
- Cây dừa, cây cau chịu hạn rất dở. Người nông dân vì nhớ quê ở Bến Tre nên trồng dừa trồng cau. Mấy cây dừa trồng ở bậc thềm của hầm, tức thấp hơn mặt vườn 1m mà cũng bị xơ xác héo hon.
-Cây so đũa vẫn cho bông trong suốt mùa hạn. Cây này chịu hạn xuất sắc.
- Cây me vẫn xanh tốt, ra lá non. Cây me chịu hạn tốt mà chịu ngập 3-4 tháng cũng không sao.
- Cây mai: toàn bộ vườn mai rụng hết lá, đang có nụ chi chít, một vài cây đã nở bông, kết trái. Nếu mưa đầu mùa đổ xuống nay mai thì vườn mai sẽ nở tưng bừng.
- Cây sake chịu hạn dở ẹt. Người nông dân ưu tiên tưới nó suốt mùa mà nó vẫn héo hon, tuy không chết.
- Cây chuối chịu đựng suốt mùa, nhiều cây lá vàng khô héo nhưng không chết. Một số cây vẫn đang có trái.
- Cây ổi, bưởi, đu đủ thì tưới cầm chừng. Chỉ đu đủ là có trái suốt, rất ngọt.
Tóm lại là đất vùng tứ giác Long Xuyên không có thấp. Ai đó nghe vùng này bị ngập 3-4 tháng tưởng nó thấp là không đúng đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét