Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Lê Mai - Tài năng và lãnh đạo

Link : http://lemaiblog.wordpress.com/2013/03/10/tai-nang-va-lanh-dao/#more-902


Ông Nguyễn Tài, con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, người phụ trách an ninh T4 thuộc Trung ương Cục miền Nam, bị Sài Gòn bắt vào tháng 12 năm 1970 trong khi đang từ Bến Tre đi Hồng Ngự để dự cuộc họp Thường vụ cấp ủy do ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ) triệu tập khẩn cấp. Lúc đầu, với bình phong là một Đại úy tình báo, được miền Bắc đánh vào, chuẩn bị điều kiện đầy đủ để sang Pháp hoạt động lâu dài, ông đã qua mặt được bộ máy tình báo VNCH và CIA.
Song, ông đã bị một sơ hở về nghiệp vụ. Đó là khi ông được yêu cầu viết một bài “tiểu luận” về “Việt Nam hóa chiến tranh”, ông nghĩ đề tài này không sợ bị lợi dụng, lại có thể “chửi địch” nên viết khá dễ dàng và ông còn sẵn sàng trả lời nhiều câu hỏi khác. Nhưng, bài “tiểu luận” của ông không qua khỏi những cặp mắt tình báo nhà nghề của đối phương. Sau khi phân tích bài “tiểu luận”, họ đi đến nhận định cực kỳ quan trọng: một Đại úy tình báo không thể có hành văn và sự phân tích xuất sắc như thế này được! Có nghĩa là, ông ta không thể là Đại úy tình báo mà phải là cấp cao hơn (Đại tá?). Quả là một nhận định sáng suốt!
Thế nhưng, nếu như CIA áp dụng kiểu suy luận này đối với cán bộ, lãnh đạo VN ngày nay thì kết quả sẽ rất “nguy hiểm”. Hãy xem, một ông “vua” đi “Nửa vòng trái đất, rẽ tầng mây. Anh đến Cuba một sáng ngày” để thuyết giảng về “chủ nghĩa xã hội”, bị đất nước của ông “vua thật Pêlê” ngay lập tức hủy bỏ chuyến thăm chính thức. Và nếu ai góp ý để xây dựng đất nước mà trái ý mình thì ông cho là “suy thoái”. Ai suy thoái? “Bầy quan liêu đang tan phe ngắc ngoải. Những cấp trên suy thoái đến bùn nhơ”(Mưa – Việt Phương).
Đến đây, tôi chợt nhớ đến tầm nhìn xa rộng, sự mềm dẻo và linh hoạt của Lê Duẩn sau năm 1975. Bấy giờ, “Cuba nhiều lần thiết tha mời anh Ba Lê Duẩn sang thăm. Fidel cứ giục mãi, nhiều đồng chí nhắc, anh Ba mắng: “Các chú muốn dân đói à?”. Rồi, anh Ba nói với Bộ Ngoại giao: “Đúng là Fidel sang ta mấy lần, nhưng ta mới thắng Mỹ, sang Cuba không tuyên bố chống Mỹ thì Cuba không chịu, tuyên bố chống Mỹ thì, các chú thấy, sang cạnh nhà nó chửi nó, nó cấm vận mình suốt đời thì mình chết. Vì lợi ích quốc gia, tôi chưa thể đi được’. Rồi anh Ba cử Lê Đức Thọ đi, anh dặn: “Nên nói với đồng chí Fidel, tôi rất muốn sang, nhưng sức khoẻ có vấn đề, bác sĩ không cho đi máy bay xa, đồng chí Fidel thông cảm” (Giải Phóng, Bên Thắng Cuộc – Huy Đức).
Rồi một “tể tướng” chưa sạch lỗi chính tả, không phân biệt được dấu hỏi, dấu ngã, chữ viết hoa hay viết thường, nói chi đến việc viết một cái luận văn về chính trị như ông Nguyễn Tài. Chưa hết, một ông nghị, nhưng “văn vẻ” không khác gì một kẻ tâm thần thực sự. Còn rất nhiều thí dụ tương tự về tài năng và lãnh đạo VN có thể thách thức CIA!
Mặc dù Tự Đức là một ông vua khá nhu nhược nhưng không phải là ông không có những hành động có khí phách. Để chứng minh tài năng của mình, vua rất tự tin khi cùng một số vị quan đại thần làm một bài luận rồi gửi sang nhờ vua Thanh lập ban giám khảo chấm giúp. Dù bài luận của Tự Đức xếp cuối nhưng câu chuyện vẫn cho ta thấy được tài năng và khí phách của ông. Xét cho cùng, hành động này của nhà vua cũng đáng để cho chúng ta nể phục.
“Năm trăm năm sau cách mạng tháng Tám, dân ta sẽ còn nhớ chỉ tên của một mình cụ Hồ, mình ông Giáp” – lời Giáo sư Trần Văn Giàu. Điều lý thú là việc Hồ Chí Minh chọn Võ Nguyên Giáp phụ trách quân sự cũng là một sự lựa chọn thiên tài. Theo bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng, nếu không phụ trách quân sự, có lẽ anh Văn cũng chỉ làm đến Bộ trưởng Giáo dục là cùng. Có Hồ Chí Minh bên cạnh, ông Giáp rất yên tâm. Làm bất cứ việc gì, ông đều thấy Hồ Chí Minh đã suy nghĩ kỹ vấn đề đó từ rất lâu rồi. Hồ Chí Minh đi chiến dịch Biên giới cùng Võ Nguyên Giáp, nhưng không bao giờ can thiệp vào công tác chỉ huy của Tổng tư lệnh, kể cả khi trận Đông Khê mở đầu chiến dịch có trục trặc. Hồ Chí Minh bình thản để Tổng tư lệnh xử lý và không ai biết trong đầu ông lúc ấy đang nảy ra những tứ thơ.
Bây giờ, ta đến với một nhà lãnh đạo “cỡ bự”, một ông tổ cộng sản khác – Xtalin.
Thời kỳ đầu chiến tranh Xô – Đức, do tính tự tin và sự độc đoán, Xtalin ít khi nghe lời người khác. Nhưng, tiếc thay, nhiều sai lầm dẫn đến thất bại nặng nề, quân đội LX phải rút lui từ thành phố này đến thành phố khác. Dù ông ta không sợ sự thiệt hại lớn, song một nhà lãnh đạo sắt đá nhất cũng nhận thấy, không thể chiến thắng nước Đức nếu không duy trì được sỹ khí cần thiết. Ta hãy lắng nghe các tướng lĩnh quân sự, nhất là Giucốp, Vaxilépxki, Saphosnhicốp – Xtalin nghĩ.
Tài năng chỉ huy quân sự của Xtalin bấy giờ ra sao? Vào mùa hè năm 1942, Giucốp báo cáo cho Xtalin về chiến dịch ở Phương diện quân Tây, ông dự định rằng sẽ mở hai mũi đột kích: mũi bên phải là mũi chủ yếu, mũi bên trái – bổ trợ. Trên bản đồ, mũi tên bên phải to hơn màu đỏ sẫm, bên trái – nhỏ hơn. Chú ý nhìn vào mũi tên thứ hai, Xtalin hỏi:
- Đây là cái gì?
Giucốp nói, mũi tên nhỏ ký hiệu mũi đột kích bổ trợ.
- Sao lại có mũi đột kích bổ trợ ở đây? Chúng ta phân tán lực lượng để làm cái gì? Cần tập trung lực lượng vào một chỗ mà không được phân tán.
Giucốp:
- Chúng ta mở mũi đột kích ở hai nơi sẽ gieo cho địch mối hoài nghi, không biết mũi đột kích chính ở đâu, nên chúng phải giữ lại một bộ phận lực lượng làm nhiệm vụ dự bị trên hướng đột kích bổ trợ của ta. Sang ngày thứ hai chiến dịch, khi chúng ta thực sự giáng đòn đột kích chủ yếu thì chúng không kịp cơ động những lực lượng dự bị ấy nữa.
Lập luận của Giucốp rất có lý lẽ, song Xtalin vẫn không hiểu. Điều đó chứng tỏ bấy giờ ông không am hiểu những điều sơ đẳng của tình huống và như thế, làm sao Tổng tư lệnh tối cao có thể chỉ huy quân đội?
Nhưng thời gian sau đó, tài năng và trí thông minh đã giúp Xtalin nắm vững nghệ thuật chỉ huy, nhất là các vấn đề về chiến lược, chiến dịch là những vấn đề gần với lĩnh vực chính trị mà ông thông thạo.
Tuy Xtalin rất độc tài, phạm nhiều tội ác mà lịch sử đã làm sáng tỏ, nhưng trong chiến tranh, có những ứng xử tinh tế của ông ta đối với cấp dưới. Chẳng hạn, khi chuẩn bị chiến dịch Vôrônegiơ, Bộ Tổng tham mưu đã xác định tầm quan trọng hàng đầu của tuyến đường sắt Vôrônegiơ-Milerôvơ, trong khi tướng Moxcalencô, Tư lệnh tập đoàn quân 40 cũng có ý tưởng tương tự. Sau khi suy nghĩ kỹ, Moxcalencô quyết định gọi cho Xtalin báo cáo về ý kiến của mình. Xtalin chăm chú nghe và nói: “Tôi hiểu đề nghị của đồng chí. Đồng chí hãy đợi, sau hai tiếng sẽ có trả lời”. Và đúng hai tiếng sau, điện thoại của Xtalin từ Mátxcơva gọi cho tướng Moxcalencô, đồng ý và ủng hộ đề nghị của ông.
Ở đây, ta thấy Xtalin rất tôn trọng ý tưởng sáng tạo của cấp dưới, mặc dù lúc đó kế hoạch phản công của chiến dịch Vôrônegiơ đã được Đại bản doanh thông qua. Nhưng thay vì làm “cụt hứng” Moxcalencô, Xtalin đã lắng nghe và kích thích tư duy sáng tạo chủ động của tướng lĩnh. Hai tiếng đồng hồ mà Xtalin yêu cầu Moxcalencô chờ đợi chính là để khẳng định thêm một số chi tiết, đồng thời cũng đủ để cho Moxcalencô tin tưởng vào đề nghị của mình đã được Tổng tư lệnh nghiên cứu. Trong trường hợp này, nhà độc tài Xtalin quả thật là một nhà tâm lý trong việc ứng xử với cấp dưới.
Lãnh đạo mà độc tài – tất nhiên không hay ho gì, dù độc tài “thông minh” có thể tốt hơn độc tài “dốt nát”? Nguy hiểm nhất vẫn là độc tài mà dốt nát. Không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, nó sẽ đưa dân tộc đến chỗ diệt vong. Cho nên, nói đến lãnh đạo, trước hết là phải nói đến tài năng của họ – tài năng tương xứng với chức vụ mà họ đảm nhiệm. Dĩ nhiên, lãnh đạo cần có nhiều phẩm chất, nhưng bi kịch lớn nhất của một nhà lãnh đạo chính là không có tài năng – “bất tài”. Đã bất tài thì lộ ra ngay, bởi “trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào”. Chỉ có kết quả là đáng kể, mới chứng minh được tài năng của nhà lãnh đạo, cũng như thực tiễn luôn luôn là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét