(NCTG) “Nếu ai cũng ngần ngừ rồi thôi, buông xuôi như mình thì bao giờ người Việt mới có văn minh tiến bộ. Tinh thần trách nhiệm công dân của mình ở đâu?” – suy nghĩ của nhà văn Bùi Mai Hạnh từ Úc.
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, Trưởng đoàn đại diện các trí thức, nhân sĩ ký vào văn bản gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh: Ba Sàm blog
Đã nghĩ là sẽ ký bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp mà rồi cứ ngần ngừ.
Thứ nhất, lo mất thời gian nếu được mời cà phê hỏi han phiền phức. Thứ hai, ký rồi mà vẫn canh cánh nỗi lo ấy sẽ làm người bên cạnh mình khổ sở lo lắng theo. Thứ ba, cứ vương vướng cái tâm lý, ăn bánh vẽ mãi chưa chán ư? Thứ tư, thiếu gì cách bày tỏ quan điểm yêu nước hay làm cách mạng, đâu phải chỉ có mỗi ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp. Thứ năm, thứ sáu, thứ n... Rồi chợt nhận ra, tất cả đều là lý do lý trấu, biện bạch cho căn bệnh... hèn của mình thôi. Hèn truyền kiếp. Hèn mãn tính.
Không ký thì sao? Quả là... hết thuốc chữa. Rồi khi cơ hội “chữa hèn” qua đi, liệu mình có thể sống thanh thản hết đời với nỗi cắn rứt lương tâm vì không thắng nổi sự hèn không? Vì đúng lúc cần đóng góp một hành động nhỏ nhoi thì mình chỉ nói suông. So với việc dám đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền dù có thể bị bức hại, bị triệt tiêu sinh kế, gây hệ lụy đến gia đình con cái thì việc ký tên vô cùng quang minh chính đại này là việc quá nhỏ.
Nếu ai cũng ngần ngừ rồi thôi, buông xuôi như mình thì bao giờ người Việt mới có văn minh tiến bộ. Tinh thần trách nhiệm công dân của mình ở đâu? Nhà nước mời dân (là mình) lên tiếng góp ý, dân (mình) không mở miệng nói gì, đến khi nhà nước quyết định rồi, lại đòi chê trách thì thành vô duyên. Thế là dân (mình) đành ấm ức câm nín cho đến chết ư?
Vì theo ngành Úc học, mình rất khoái xem chương trình truyền hình chính trị Úc. Thích nhất xem hai đảng tranh cãi nhau. Không thể nhịn được cười khi bà thủ tướng và ông đảng trưởng đảng đối lập nhảy tưng tưng lên như trẻ con, chỉ thiếu nước xỉa xói vào mặt nhau, khi sau lưng là tiếng các đồng chí của họ ủng hộ hoặc phản đối ầm ầm như vỡ chợ. Rồi thì tiếng người cầm chịch điều khiển cuộc họp đều đều vang lên: “Trật tự, trật tự. Nếu không im đi tôi sẽ mời các vị ra khỏi phòng họp đấy”. Bấy giờ họ mới chịu im.
Xem họ cãi nhau chán chê, chuyển sang kênh tin tức, ở một sự kiện khác, lại thấy hai vị chính khách đối đầu ấy đang ngồi cạnh nhau trò chuyện giống một đôi bạn... Họ sẵn sàng tranh luận đến cùng trước một quyết định nhỏ nhất cho đất nước trên tinh thần tôn trọng nhau. Những buổi họp chất vấn ở Quốc hội luôn được truyền hình trực tiếp trên một kênh riêng. Không chỉ thế, bất kỳ người dân nào muốn vào nghe trực tiếp cũng OK, xin mời vào, xin mời ngồi ở hàng ghế của người quan sát.
Thăm quan nhà họp Quốc hội Úc, mình đã vô cùng ngạc nhiên trước thiết kế mang phong cách giản dị và thân dân của phòng họp. Sự minh bạch được nâng lên đến mức cao nhất có thể để hạn chế tối đa cái gọi là “làm chính trị thì phải thủ đoạn”. Bà đương kim thủ tướng Úc đã phải rất khó khăn để thắng được đối thủ bằng một lá phiếu. Mình nhớ, cả nước Úc đứng tim hồi hộp khi nghe ông nghị độc lập thay mặt hai ông lãnh đạo các đảng nhỏ hơn tuyên bố quyết định của họ ủng hộ ai, “cho” ai là thủ tướng khi số phiếu bầu hai bên đang ở thế 50/50.
Đã thế ông nghị độc lập kia còn biết “diễn”, trên sân khấu chính trị, sành điệu như một MC chính hiệu. Ông cố tình nói rất chậm để tăng phần hồi hộp của dân chúng khi tuyên bố bà Julia Gillard thắng cử. Mình và ông xã ôm nhau ăn mừng. Mình chẳng thích lắm cách bà “đảo chính” ông sếp Kevin Rudd để lên ngôi lãnh đạo Đảng Lao động, cũng không ưa ông lãnh đạo Đảng Tự do kia bởi tuyên ngôn cực đoan: sẽ chống đến cùng tất cả mọi quyết sách của đảng cầm quyền bất kể nó đúng hay sai. Nhưng mình nể bà ấy bởi tuyên bố muốn có một cuộc bầu cử sớm cho dân chúng được chọn lựa người xứng đáng lãnh đạo họ. Và bà đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Úc, một cách chính danh, do dân bầu lên, chứ không phải do “tiếm quyền” mà thành.
Sự minh bạch, tính chính danh là thứ quan trọng bậc nhất bất kỳ đảng cầm quyền nào cũng cần có để thu phục lòng dân. Nhìn vào thực tế, sự thắng thua đúng sai nơi chính trường chỉ mỏng manh một lá phiếu sợi tóc, để thấy cái “chân lý” đại ý rằng “nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam là được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện và mãi mãi” mới nực cười làm sao! Nhân dân có phải là một lũ bò đâu mà lại “vu khống”, gán vào đầu nhân dân cái “nguyện vọng” kỳ quái ấy. Sao không thử một lần lấy ý kiến nhân dân đi cho nó chính danh minh bạch đàng hoàng?
Nguyện vọng của nhân dân Úc thể hiện rõ ràng qua lá phiếu của họ. Bao giờ Việt Nam được thế? Bao giờ người Việt được xem cảnh các chính khách Việt tranh luận trực tiếp với nhau không chỉ trước mỗi cuộc bầu cử mà còn trước mọi quyết sách lớn nhỏ liên quan đến vận mạng dân sinh? Các chính khách, ai khôn ai dại ai ngu ai tài ai ma lanh ma bùn ai đạo đức tử tế..., tha hồ bộc lộ cho bàn dân thiên hạ ngắm nhìn bình phẩm khen chê lựa chọn thậm chí chửi rủa.
Trong gia đình Úc, mỗi thành viên bỏ phiếu bầu cho một đảng khác nhau là chuyện hết sức bình thường, là quyền thiêng liêng của mỗi cá nhân không ai có thể tước đoạt hoặc dè bỉu. Khác với nước Mỹ đi bầu hay không là quyền tự do cá nhân, công dân Úc, đến tuổi đi bầu mà không đi sẽ bị phạt tiền rất nặng.
Ở người Việt thì sao? Mình gọi điện cho một người bạn, chủ doanh nghiệp khá phát đạt, hỏi có biết gì về việc sửa đổi Hiến pháp không? Cô bạn bảo, thế à, chả nghe thấy gì. Thế không đọc báo à, không sinh hoạt tổ dân phố à? Bạn thở dài, ôi trời, lo lương cho ngần ấy nhân viên đủ chết rồi thời gian đâu đọc báo. Bọn tớ dân kinh doanh, chẳng quan tâm chính trị chính em làm gì cho mệt. Ông nào lên rồi mà chẳng thế. Có gì thay đổi đâu. Chỉ đến khi nào, bỗng nhiên nghe loa phường thông báo, từ nay chúng ta không còn một đảng lãnh đạo nữa mà là đa đảng, thì lúc ấy, tớ mới tin là có thay đổi.
Đoàn các trí thức, nhân sĩ trong buổi trao Kiến nghị cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thông qua ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Ban Biên tập dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và một số cán bộ trong Văn phòng Ủy ban sửa đổi Hiến pháp - Ảnh: Ba Sàm blog
Chán, nhưng mình vẫn cố vớt vát: suốt ngày nghe bạn than phiền đạo đức xã hội xuống cấp, đường tắc, ô nhiễm không khí thực phẩm, nạn phong bì cho thầy cô và bác sĩ, đấy là chính trị đấy, không muốn thay đổi à? Muốn chứ, muốn mà không được thì phải “cuốn theo chiều gió” thôi. Khó khăn đến đâu luồn lách đến đấy. Mình vẫn kiếm được tiền, công ty vẫn phát triển là OK. Nghe cái “ní nuận” rất đỗi “bình dân” của bạn, mình “bỏ nhỏ”, thế đến một lúc nào đấy, đói kém cướp bóc đầy đường đến mức không dám ra khỏi nhà thì liệu có OK không? Bạn tặc lưỡi, lúc đó hẵng hay. Giờ nghĩ đến hôm nay đủ mệt rồi bạn ơi.
Mệt thật, mình cũng thấy mệt và cả chán nản nữa sau những cuộc nói chuyện kiểu này. Nói với mười người thì chín người rưỡi bảo mình đừng có hâm mà dính vào mấy chuyện chính trị nhân quyền với cả dân chủ. Chọc vào cái “tổ quỷ” ấy, vào tù không ai thèm đi tiếp tế cho đâu. Sống bên đó thanh bình yên ổn, cứ thế mà hưởng, đừng có lôi thôi lắm chuyện. Ừ, nước Úc thanh bình thật nhưng sao lòng mình không thể bình yên? Chưa làm gì cả, chỉ mới quan tâm đến chính trị thôi đã bị coi là “hâm” là “điên” rồi. Nếu mà “làm gì” nữa, có khi bị tống vào trại tâm thần thật!
Lòng không thể bình yên dẫu xung quanh vô cùng thanh bình. Để trở thành công dân của xứ sở tươi đẹp này, đầu tiên, mình cần học để biết một điều tối quan trọng: mình có quyền biểu tình chống lại những chính sách mình cho là sai trái của chính quyền, có quyền nói lên ý kiến phản biện về các vấn đề xã hội.
Đó là hai thứ quyền còn đang được tranh luận xem người Việt có nên được hưởng không và nếu được thì được đến đâu cho vừa với tầm dân trí (?). Năm ngoái, về Việt Nam đúng dịp diễn ra các cuộc biểu tình ở Hồ Gươm, mình hỏi người họ hàng, một giảng viên lâu năm của một trường đại học lâu đời giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, có nghe nói gì về những cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc, ông nhếch mép cay đắng mỉa mai: “Thời buổi này làm gì có người yêu nước”. Nghe thật xóc óc. Nghĩ mãi, có lẽ ông nói đúng nếu hiểu rằng “yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội”.
Lẽ nào người Việt Nam lại thờ ơ và bi quan đến vậy trước những chuyện trọng đại như bảo vệ Tổ quốc hay sửa đổi Hiến pháp? Không, họ không hề thờ ơ. Họ bức xúc hàng ngày, nói về nó hàng ngày trong bữa cơm chiều với gia đình hay trong quán cà phê, quán nhậu với đồng nghiệp bạn bè. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi. Bởi cái tâm lý sợ hãi, chẳng thể nghĩ gì xa hơn miếng cơm manh áo, đã như cái vòng kim cô siết chặt mọi sáng tạo hay mơ ước thay đổi cuộc sống của họ?
Kinh khủng! Chỉ vài năm trước đây, mình cũng thế. Nghĩ mình dân đen thấp cổ bé họng tốt hơn cả nên an phận thủ thường. Nghĩ mình phận con sâu cái kiến không bị gót giày thời đại hồng hoang loạn lạc xéo chết là phúc đức rồi. Ra nơi công quyền, có bị coi như súc vật cũng ráng chịu bởi nỗi sợ hãi nếu phản ứng sẽ bị bắt nạt bị hành hạ nhiều hơn. Có lẽ đã đến lúc cần đoạn tuyệt với cảm giác sợ hãi đến trở thành vô cảm, vô tâm và vô trách nhiệm với những vấn đề lớn lao của đất nước, của chính mình và con cháu mình.
Muốn góp phần vào sự thay đổi, làm mọi thứ tốt dần lên, chẳng có cách nào khác là mình phải thay đổi trước tiên. Mình tin rằng, nếu nhân dân biết họ có quyền nói thật mà không lo bị trù úm, nhân dân sẽ cất lời bảo cho lãnh đạo (không chỉ lãnh đạo Đảng Cộng sản) biết cách mà điều hành đất nước cho tử tế hơn và chuyên nghiệp hơn.
Cuối cùng, để khép lại mấy dòng ngẫu hứng này, mình muốn chốt lại một điều: là con dân nước Việt, nhận lời mời gọi của chính quyền, mình quyết định ký vào bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp. Nếu không sửa được tất theo như bản dự thảo mới của các nhân sĩ, mình chỉ muốn góp ý sửa bỏ điều 4 của Hiến pháp 1992 thôi. Bởi đó là điều vô lý, thậm vô lý. Vô lý đến mức quái gở.
Còn gì quái gở hơn khi một tập thể - dù tinh túy đến mấy đi nữa - tự nhiên cho mình cái quyền bắt người khác phải yêu quí và phục tùng sự lãnh đạo/ cai trị vô hạn định của họ. Ý tưởng một đảng sẽ nắm quyền lãnh đạo mãi mãi ghi trong Hiến pháp thật vô duyên đến mức trơ tráo. Chẳng có cái thứ quyền lãnh đạo gì mà lại tồn tại mãi mãi và vô điều kiện cả. Sao lại mãi mãi!? Đến hai người đang yêu nói “yêu nhau mãi mãi” còn cảm thấy ngượng trước sự mong manh tráo trở của lòng người nữa là “tình yêu” giữa nhà cầm quyền và nhân dân. Người Việt chẳng có câu “quan nhất thời dân vạn đại” là gì!
Người Việt cũng còn có câu “nó lú còn có chú nó khôn”, nếu chính quyền có “lú” đi nữa, nhân dân Việt Nam cũng cần phải làm cho họ tỉnh ngộ ra, khôn ra. Cả dân tộc Việt không thể nào lại cũng bị cuốn theo như vậy.
Để chữa căn bệnh đó (nếu có) mà không có thời gian đọc được cả Hiến pháp cũ lẫn Hiến pháp dự thảo, hãy đọc những lời góp ý của các bậc trưởng lão, các nhân sĩ, các nhà làm luật... đăng tải rất nhiều trên “mạng lề trái”, mà bài của GS. Phạm Vĩnh Cư, của nhà báo Huy Đức và gần đây nhất là bài của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên là những ví dụ, để biết mình phải làm gì trước khi quá muộn.
Bùi Mai Hạnh, từ Úc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét