Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Lê Ngọc Thống - ĐỐI TƯỢNG TÁC CHIẾN CỦA HẢI QUÂN VIỆT NAM TRONG CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI

Link : http://viet-studies.info/kinhte/LeNgocThong_DoiTuongTacChien.htm


Lê Ngọc Thống

Điều chúng ta quan tâm ở đây chưa phải là tổ chức lực lượng, chiến thuật hải quân của ai mà là tổ chức lực lượng, chiến thuật hải quân đó như thế nào. Từ đó Việt Nam mới có kế sách, chiến lược xây dựng tổ chức lực lượng, chiến thuật hải quân phù hợp để sẵn sàng đối đầu trực tiếp trong một cuộc chiến trên biển bảo vệ Tổ quốc nếu kẻ thù gây ra.
Tổ chức, lực lượng, chiến thuật của hải quân trên thế giới, về tính chất, được chia thành 2 loại: Hải quân tác chiến tầm xa (hải quân nước xanh) và hải quân tác chiến tầm gần (hải quân ven bờ).
Hải quân tác chiến tầm xa (HQTX) là của một cường quốc biển, có nhiệm vụ khống chế khi cần thiết và bảo vệ an toàn hàng hải trên biển; răn đe hoặc tấn công bất kỳ một quốc gia ven biển nào vì lợi ích quốc gia của cường quốc đó...ở trên một vùng biển rất xa với chính quốc.
Cụm tàu chiến đấu sân bay Mỹ, thiếu nó không thể gọi là hải quân tác chiến tầm xa
Với nhiệm vụ như vậy, đương nhiên HQTX phải có lực lượng, tổ chức và chiến thuật khác với hải quân tác chiến tầm gần (HQTG).
Chẳng hạn như về tổ chức lực lượng, hải quân cường quốc đó phải có một khung cơ bản gồm: Cụm tàu sân bay chiến đấu; lực lượng tàu ngầm (bao gồm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân); lực lượng tàu khu trục, tàu đổ bộ có lượng giãn nước lớn; lực lượng hậu cần trên biển (các căn cứ quân sự, hoặc các tàu chở xăng dầu phục vụ, sửa chữa, trang bị vật tư thiết bị, bổ sung đạn dược, tên lửa…); các hệ thống trinh sát, định vị bằng vệ tinh; vân vân và vân vân.
Nếu thiếu hay yếu một trong các lực lượng cơ bản này, như lực lượng tàu hậu cần trên biển chẳng hạn thì Hải quân đó, ai cũng biết là không thể tác chiến tầm xa được, không đe dọa ai được.
Hải quân tác chiến tầm gần (HQTG) là của một quốc gia ven biển mà không có nhiệm vụ như của HQTX. Nghĩa là chỉ có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các đảo và vùng biển gần hoặc rất gần với chính quốc. Vì vậy, không cần thiết phải có cụm tàu sân bay chiến đấu; tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu hậu cần, tàu khu trục lớn…có hay không có, phụ thuộc vào chiến thuật của Hải quân quốc gia đó mà không bắt buộc như HQTX.


Tàu phóng tên lửa Kh-35 (trên) và tàu phóng lôi cánh ngầm (dưới)
nhỏ nhưng nhanh trong lực lượng hải quân Việt Nam.
Có thể nói, HQTX được coi như một đội bóng có thể hình, thể lực và kỹ thuật, còn HQTG thì là đội có thể lực, kỹ thuật và sân nhà. Do đó, kết quả chỉ phụ thuộc vào chiến thuật, bản lĩnh. Đây là 2 yếu tố gần như quyết định.
Nhìn sang làng giềng, Trung Quốc đang trên đường phát triển để trở thành một cường quốc biển, cho nên, không khó để nhận thấy Trung Quốc đã trở thành một cường quốc biển hay chưa khi nhìn vào chiến lược xây dựng phát triển lực lượng Hải quân của họ.
Trung Quốc, chắc chắn phải mất nhiều thời gian và tiền của để có đủ lực lượng trong cơ cấu tổ chức của HQTX, trong khi chưa bàn đến nội dung và đặc biệt là chất lượng.
Bởi vậy, Trung Quốc đóng tàu chiến hiện đại, phát triển lực lượng tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu sân bay… là tất yếu, chẳng có gì là rùm beng. Một vài tàu khu trục tập phóng tên lửa trên Biển Đông, biển Hoa Đông…chưa là gì to tát của lực lượng Hải quân tác chiến tầm xa mà dư luận quan tâm.
Nói chung, nếu như coi đó là hành động răn đe, đe dọa ai đó thì không có giá trị lớn đối với một lực lượng Hải quân tác chiến tầm gần đúng nghĩa và đặc biệt nếu đội quân HQTG này có bản lĩnh, trí tuệ và dày dạn chiến trận thì giá trị chỉ là con số “0”.
Hải quân Nhân dân Việt Nam, với sự tăng cường lực lượng trong thời gian qua được các chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá là “chỉ mới có khả năng tác chiến tầm gần, HQTG”.
Trong tình hình hiện nay, đối tượng tác chiến của Hải quân Việt Nam tất nhiên phải là Hải quân tác chiến tầm xa của đối phương. Cho nên xây dựng, tổ chức lực lượng, chiến thuật phù hợp nhằm khắc chế lực lượng, chiến thuật của HQTX, phát huy lợi thế của HQTG trong một cuộc chiến tranh hiện đại, vũ khí công nghệ cao là một nghệ thuật có từ bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm.
Chính vì thế, đối đầu với một lực lượng Hải quân tác chiến tầm xa của đối phương “bồng bềnh trên biển”, lực lượng Hải quân tác chiến tầm gần có đất liền làm điểm tựa chắc chắn thì không gì phải sợ, phải hốt hoảng.
Bởi lẽ, chiến tranh trên biển ngày nay, với vũ khí công nghệ cao chính xác uy lực mạnh thì vấn đề “tàu to, súng dài, quân đông” không quan trọng (“to thuyền thì to sóng” mà thôi); tên lửa – vũ khí chủ lực, phóng ra từ tàu khu trục hiện đại, từ máy bay tàng hình hay từ một container, từ một tàu chiến nhỏ, từ một hòn đảo nhỏ hay một máy bay lạc hậu không quan trọng. Vấn đề là tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng như thế nào, chiến thuật ra sao… để tên lửa – vũ khí chủ lực đó, bay đến đúng mục tiêu mới là quan trọng mang tính quyết đinh.
Với sự dày dạn kinh nghiệm của mình, Hải quân Việt Nam đang tích cực chủ động chuẩn bị theo hướng đó.
 Lê Ngọc Thống
 
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-3-13

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét