Câu
chuyện về việc bổ nhiệm người đứng đầu Đại học Fulbright (FUV) – trường đại học
phi lợi nhuận của Mỹ đầu tiên tại Việt Nam – đang làm nóng diễn đàn tranh luận,
không chỉ trên các trang mạng của Việt Nam, mà còn tại một số diễn đàn báo chí
của Mỹ. Một bên lên tiếng phản đối ông Bob Kerrey, người được đề cử làm Chủ
tịch Hội đồng Tín thác của FUV, bởi một quá khứ “đen tối” của ông gắn liền với
vụ thảm sát kinh hoàng, dối trá tại Thạnh Phong mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em
thời chiến tranh Việt Nam. Bên kia cho rằng chiến tranh đã qua, quá khứ cần
khép lại, hướng đến một FUV thật sự hiệu quả, có ích cho người Việt. Cá nhân
tôi sau khi tìm hiểu về mô hình FUV, vai trò của Bob Kerrey với FUV, xem qua
những bài báo xã luận của không ít người Việt lẫn người Mỹ, cũng xin gửi suy
nghĩ vài dòng.
Một trong những người đại diện cho làn
sóng phản đối ông Kerrey tại Việt Nam chính là bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nay là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển
Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Ninh là một nhà ngoại giao kỳ cựu, rất có uy tín tại
Việt Nam và quốc tế. Bà đưa ra quan điểm không sai về vai trò của ông Kerrey –
không những mang tính biểu tượng như nhiều người ủng hộ ông lên tiếng, ông
Kerrey còn đóng vai trò quan trọng, phức tạp hơn rất nhiều tại FUV. Xuất phát
từ quá khứ của Kerrey, bà Ninh và nhiều người khác cùng quan điểm cho rằng để ông
Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng sẽ khiến trường đại học này gắn liền với “một quá
khứ đen tối”. Bà Ninh xưng “chúng tôi”, dù không nói đại diện cho ai, khẳng
định những người phản đối mong muốn “đại học Fulbright có một khởi điểm lành
mạnh, đồng thuận, suôn sẻ và một con đường phát triển bền vững”.
Xem bức thư của Bà Ninh, quan điểm của
nhiều người cùng ủng hộ, “like” và “share” những quan điểm của Bà Ninh, mới
thấy rằng nhiều người ở thế hệ trước 1975 vẫn đang nặng mang trong mình nỗi ám
ảnh chiến tranh, cuộc chiến không ai mong muốn tại Việt Nam. Nhiều dòng bình
luận cho thấy trạng thái vẫn hoài nghi, chứ không phải hoàn toàn “bình thường
hóa quan hệ” giữa hai nước Việt-Mỹ sau chuyến thăm đầy ý nghĩa vừa rồi của tổng
thống Mỹ Obama đến Việt Nam. Và có một vài vấn đề tôi xin nhắn gửi.
Thứ nhất, chiến tranh không phải sản
phẩm của những người như Bob Kerrey. Nếu như ông Kerrey gây ra vụ thảm sát mà
bản thân tôi cũng rất không đồng tình, thậm chí có khi còn khó có thể lãng
quên, thì bà Ninh và nhiều người ủng hộ bà cũng nên nhớ rằng viên phi công
người Mỹ đã từng thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, biến nơi này
thành thời đồ đá, có lẽ không thể và không bao giờ được lãng quên. Nhưng dù
hình ảnh kinh hoàng đó vẫn còn lưu đầy trong tâm trí của người Nhật, thì họ
cũng sẵn sàng chào đón người Mỹ quay lại và sửa chữa lỗi lầm. Người Việt Nam có
một câu rất nổi tiếng “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại.” Bà Ninh, nếu
không căm phẫn chính quyền Mỹ, thì tại sao lại cứ nhắc lại cái quá khứ không
mấy yên ả, gợi nỗi đau cũ để phủ nhận một con người đang “chạy lại”, không phải
ghi công, mà là chuộc lại những lỗi lầm mà ông ấy đã gây ra? Tại sao người Việt
kéo xuống đường kín mít để đón tổng thống Mỹ - người giữ chức vụ tương đương
với người cách đây mấy chục năm đã ra lệnh ném bom xuống Hà Nội, Sài Gòn khiến
không biết bao nhiêu người thiệt mạng? Tôi đồng ý rằng nếu chỉ nói tha thứ, mà
không quên đi để hướng tới tương lai, thì đó chỉ là “tha thứ một nửa.” Tất
nhiên cũng như sự thật, đó không phải là tha thứ. Tôi nhấn mạnh đến vai trò của
bà Ninh vì bà đang là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển, là một cựu viên chức
ngoại giao, vốn phải rất hiểu khái niệm “bạn – thù” trong quan hệ quốc tế.
Thứ hai, tôi phải thừa nhận mình rất
thích quan điểm của tác giả Nguyên Ngọc trong một bài viết về Kerrey. Nguyên
Ngọc dẫn lại lời của Kerrey trên báo chí Việt Nam, rằng “Hành động của tôi (ông
Kerrey) ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin đã được điều tra kỹ càng. Đó không
phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như bộ phim tài liệu sẽ sớm được phát của Ken Burns
cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội
thiệt mạng.” Bob Kerrey không để cho ai bào chữa cũng quyết không tự bào chữa
cho mình, ông biết ông là một tội phạm không cầu mong được tha thứ, nhưng đồng thời
bằng trải nghiệm đau đớn nhất của mình, ông cũng chỉ ra mâu thuẫn chết người
trong cái mà ông gọi là “chiến thuật của chúng tôi”, tức của Mỹ trong chiến
tranh Việt Nam: để tiêu diệt Việt Cộng phải đánh bật họ ra khỏi dân thường, ra
khỏi “phụ nữ và trẻ con” (còn được gọi là chiến thuật “tát nước để bắt cá”). Mà
điều ấy là vô phương, bởi vì, đặc biệt ở nông thôn, thời ấy, hai thực thể đó về
căn bản là một. Không thể đánh trúng cái này mà không đánh trúng cái kia! Không
thể diệt Việt Cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con! Cho nên, cho phép tôi
nói điều này: Bob Kerrey là tội phạm, điều ấy ông đã đau đớn nhận, nhưng ông
cũng là nạn nhân. Nạn nhân bi thảm của cái “chiến thuật” nghe rất hay ho kia.
Bob Kerrey nhận ra mâu thuẫn chết người ở chiến thuật ấy, nhưng không dùng nó
để bào chữa cho mình. Điều đó là vĩ đại. FUV có được một người đứng đầu như vậy
là tuyệt đẹp. Và tôi cho lựa chọn của FUV là thật nhân văn. Còn riêng đối với
chúng tôi (Nguyên Ngọc) thì sao, chúng tôi, những người từng là lính Việt Cộng thời
thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng “nấp” trong nhân dân vô tội, để họ có thể
cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính tôi từng được trải nghiệm,
có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn sàng chết để che cho chúng tôi? Hóa ra
tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi… Tôi đồng tình, Kerrey là tội phạm, cũng là
nạn nhân. Một con người, mà theo quan điểm của tôi, dù không tha thứ được thì
cũng đáng để có một cơ hội sửa mình. Ông đã miệt mài sửa sai suốt mấy chục năm
qua, và giờ là lúc ông đứng lên, rõ ràng hơn, để tiếp tục sửa sai lầm bằng một
vai trò khác, một vị trí khác, một bối cảnh hoàn toàn khác.
Thứ ba, nếu bà Ninh và những ai cảm thấy
bức xúc vì một người có quá đen tối như Kerrey làm người đứng đầu FUV, thì xin
hãy nhớ cho trọn vẹn vai trò của ông khi đưa VEF (Quỹ giáo dục Việt Nam) vào
Việt Nam, và nay là FUV. Với những gì Mỹ thời Obama làm với Việt Nam, với những
gì ông Obama thể hiện ở Việt Nam, và sự khéo léo của ông khi nói đến các vấn đề
nhạy cảm trong chuyến thăm vừa rồi, cá nhân tôi tin người ta (Mỹ) chọn ông
Kerrey vốn không phải là một sự tình cờ. Người vào vị trí này, ngoài năng lực,
còn có khả năng ảnh hưởng đến quá trình sáng lập và xây dựng. Tôi tự hỏi tại
sao bà Ninh và rất nhiều người khác không phản đối ông Kerrey khi ông đưa VEF hay
ông vận động hành lang thành lập FUV? Tại sao không phản đối ông cùng cộng sự
tạo dựng nên chương trình đào tạo, mục tiêu và khung sườn cho FUV? Hay ít nhất
phải phản đối FUV khi thấy có ông Kerrey nằm trong danh sách những người quan
trọng bậc nhất, thậm chí xứng đáng lãnh đạo FUV? Lên lãnh đạo FUV – chức vụ FUV
là một điểm nhấn khiến bà Ninh và nhiều người phản đối quyết liệt, trong khi
quá trình ông ấy làm để có VEF, để có được FUV thì không thấy ai lên tiếng. Như
vậy thưa bà Ninh, bà có hoàn toàn công bằng với Kerrey?
Cá nhân tôi tin rằng, bản thân ông
Kerrey, như những cựu chiến binh khác từng chiến đấu ở Việt Nam, đều mang rất
nhiều cảm xúc về vùng đất mà họ từng nhuốm đầy máu và cả nước mắt. Khác với
nhiều người cho rằng Kerrey không biết tự trọng khi ngồi vào ghế lãnh đạo FUV,
hay như bà Ninh cho rằng Mỹ thiếu nhạy cảm về lịch sử. Cá nhân tôi, một người
trẻ, dù không đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam, vẫn cảm thấy ông Kerrey và
chính quyền Mỹ là dũng cảm. Tôi tin ông Kerrey đã lường trước được sóng gió khi
ông về Việt Nam lãnh đạo FUV, đó là lý do đến nay ông vẫn không giải thích,
không biện hộ nhưng vẫn quyết liệt làm. Tôi tin với sự chuyên nghiệp của người
làm ngoại giao Mỹ, sẽ không thể bỏ qua quá khứ Kerrey khi đề cử ông trở lại
Việt Nam làm việc, nhưng họ có cái lý của họ. Người Mỹ đã sửa sai rất tốt ở
Nhật Bản, và cả Việt Nam, nhưng phải cần những người như Kerrey trở lại thì cảm
giác “sợ chiến tranh, sợ quá khứ” mới có thể phai nhạt. Tôi biết việc đó không
hề dễ dàng, đối với cả nhiều người Việt Nam (như bà Ninh và những người lên
tiếng phản đối), và cả ông Kerrey lẫn chính quyền Mỹ. Bức xúc như bà Ninh thì
quá dễ dàng, nhưng cứ làm những điều dễ thì biết bao giờ mới tạo nên đột phá và
hiệu quả.
Tôi chờ 5 năm, 10 năm sau, thậm chí 30
năm sau để thấy một Việt Nam hết mực tín nhiệm FUV. Tôi không biết ông Kerrey
rồi sẽ làm được bao nhiêu ngày tháng với FUV, nhưng người dân Việt Nam rồi sẽ
nhắc đến ông bằng sự hài lòng, bằng sự bao dung đã được trải nghiệm, và bằng cả
sự tha thứ trọn vẹn chứ không phải tha thứ nhưng sẽ không quên như bà Ninh hay
nhiều người khác. Thưa bà Ninh, tôi tôn trọng quan điểm của bà, nhưng mong bà
hãy suy xét một cách công bằng và trọn vẹn.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân.
Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản
ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét