Cho dù bị ném đá – thậm chí, bị tù tội, tôi
vẫn buộc phải nói rằng: Chưa bao giờ, ở đâu, tôi thấy tồn tại một quốc hội kém cỏi,
vô trách nhiệm, dốt tệ dốt hại như quốc hội nước ta!
Làm sao có thể xảy ra chuyện 3 ngày trước khi
một bộ luật – Luật Hình sự có hiệu lực (1.7.2016), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã
có phiên họp khẩn với Trưởng đoàn ĐBQH các địa phương để ra quyết định về vấn
đề chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp của loài người, đó là HOÃN việc thi
hành vì có 3 lỗi sai nghiêm trọng trong tổng số trên 90 SAI PHẠM CẦN SỬA CHỮA!?
93 triệu người dân cả nước dẫu có nằm mơ cũng
không dám nghĩ rằng gần 500 nghị sĩ – élit, tinh hoa chính trị của nước nhà lại
có thể u mê đến mức thanh thản bấm nút, vui vẻ thông qua, hể hả thắng lợi khi
cho phép ban hành những điều luật chắc chắn sẽ gây ra tai họa thảm khốc cho
hàng triệu triệu người.
Đây là điều không thể chấp nhận cho dù, đó là
cách thức làm luật thô thiển, ấu trĩ của cả một hệ thống trong chính thể độc
tài.
Có rất nhiều điều đáng bàn trước những câu
hỏi bức bách cần phải giải quyết NGAY, LUÔN để đổi thay cấu trúc, lề lối,
nguyên tắc của nền chính trị vận hành như thể một trò đùa, cứ mãi hoài đem đến
khổ đau, bức bối cho dân tộc, giống nòi, làm xấu mặt tổ tiên, làm ủ ê quốc
tính…
Thứ nhất, quốc hội phải là nơi hội tụ tinh
hoa theo đúng nghĩa đen của từ này. Ông hòa thượng nọ, vị đại tá kia, ngài công
nhân ấy…, có biết gì về LUẬT mà dám bấm nút để ban hành luật? Quốc hội chứ có
phải là tổ chức mặt trận đâu mà phải “đủ thành phần, giới tính, dân tộc”? Chừng
nào vẫn còn cái “tiêu chí” quái đản trên thì chừng đó vẫn còn sai.
Thứ hai, hãy bỏ cái cách BẤM NÚT đi vì, theo
đó, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về những điều sai. Dự luật phải mang tên
người đề xướng, biểu quyết. Chính họ chứ không phải ai khác phải chịu trách
nhiệm trước toàn DÂN về những kém cỏi, tắc trách, thiển cận của chính mình.
Thứ ba, điều đau đớn là hầu như những người
ĐÃ SAI (khóa 13) khi bấm nút thông qua bộ luật này lại đang cười rất hả hê vì
tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới!? Dân chỉ còn biết kêu trời không thấu bởi cái
điệp khúc sai – kiểm điểm – rút kinh nghiệm – phê bình – cứt trâu hóa bùn liên
chi hồ điệp. Nhất thiết phải KỶ LUẬT Ủy ban Tư pháp và tất cả những ai đã tiền
hô, hậu ủng cho cái sự thông qua tẽn tò ấy.
Thứ tư, QUỐC THỂ là điều mà các vị tai to mặt
lớn mang danh “cha mẹ” của Dân nên ngẫm kỹ, nghĩ lâu trước khi hành xử với tư
cách... chẳng ra gì. Các vị không thấy xấu hổ khi cái sự ê chề này phơi bày
trước mắt của hàng tỷ người ở 192 quốc gia khác sao? Chẳng có người dân Việt
nào đủ trơ tráo để ngẩng cao đầu khi hết lần này đến lần khác biết rõ chính
những nghị sĩ của mình đang làm xấu đất nước.
Thứ năm, dù sao, cũng phải ghi nhận tinh
thần… dũng cảm của những người vừa mới biết là nếu không nhận sai thì tai họa
chất chồng!
Xin dẫn ra đây một đoạn trên báo Tuổi Trẻ,
28.6.2016,09:57 GMT+7,để thay cho lời kết – và, cũng để cho người dân biết quốc
hội ta lẫn, kém đến mức nào:
Trích: “Nguồn tin của Tuổi Trẻ khẳng định
trong báo cáo gửi các ĐBQH khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có tới
trên 90 nội dung thuộc Bộ luật hình sự cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong số đó,
theo các chuyên gia, có những sai sót nghiêm trọng và những sai sót “không thể
tin được”.
Nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao Đinh
Văn Quế từng nêu các ví dụ cụ thể như: ngoài điều 249, điều 250, điều 252 Bộ
luật hình sự 2015 bị trùng lặp tình tiết định khung hình phạt thì còn điều 337
quy định tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài
liệu bí mật nhà nước.
Tên của điều luật quy định hai tội với bốn
hành vi: cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài
liệu bí mật nhà nước. Nhưng khoản 1 của điều luật này lại chỉ quy định một tội
với một hành vi “cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước”, còn ba hành vi:
chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước thì không thấy đâu nữa.
Nếu nghiên cứu kỹ Bộ luật hình sự 2015, chúng ta còn thấy một số điều luật nếu
không có giải thích hoặc hướng dẫn thì không thể áp dụng được.
Ví dụ: điều 175 (điều 140 Bộ luật hình sự
1999) quy định về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã bỏ tình tiết
“bỏ trốn để chiếm đoạt” trước đây quy định tại điểm a khoản 1 điều 140 Bộ luật
hình sự. Vậy kể từ ngày 1-7-2016 (nếu bộ luật có hiệu lực thi hành) trở đi cứ
vay mượn, thuê tài sản của người khác rồi bỏ trốn để chiếm đoạt thì không phạm
tội sao?!” (Hết trích)
Có lẽ, chẳng còn gì để nói thêm trước sự thật
sai phạm tày đình của những người đã thông qua bộ luật này! Nói như ông Nguyễn
Sinh Hùng, Dân bầu ra quốc hội thì, nếu quốc hội sai, là lỗi… của Dân!
Huế, 28.6.2016
Tác giả Hà Văn Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét