Tình Hữu Nghị
Cách đây chưa lâu lắm, chính xác là hôm 6 tháng 9 năm 2016, BBC ái ngại cho hay: “Sau khi hội nghị G20 kết thúc ở Trung Quốc, Tổng Thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines.”
Sự kiện đã trên khiến blogger Nguyễn Đình Bổn phiền lòng không ít:
Tuyên bố này quả đã xát muối vào lòng dân Việt, nhất là những người sinh ra tại phía bắc tổ quốc, những người từ lâu xem nhà nước Liên Xô là thần tượng và khi nhà nước đó sụp đổ cái quán tính dai dẳng đó vẫn làm họ tiếp tục “yêu mến” Putin sau này.
Với những người sinh ra và lớn lên tại phía Bắc, từ người bình dân cho đến người có học, gần như suốt một thời gian dài, họ chỉ được dạy về một Liên Xô hùng mạnh, bất khả xâm phạm, một nền văn hóa Nga rực rỡ, một đất nước tươi đẹp, những con người nhân hậu…
Bẽ bàng! Đúng là quá bẽ bàng! Nó giống như một cô gái bị người yêu giáng cho một bạt tai nảy lửa, khi mà lòng yêu vẫn còn tràn đầy trong tim, sau đó tặng thêm vài lời thô bỉ rồi quay ngoắt đi cùng một cô gái khác giàu có hơn!
Tuy thế, tuy bị “giáng cho một bạt tai nảy lửa” cùng với nhiều “lời thô bỉ” nhưng nhờ cái tính chóng quên của giới lãnh đạo Việt Nam hiện hành nên báo chí của xứ sở này vẫn cứ tiếp tục ca ngợi mối tình hữu nghị giữa hai quốc gia bằng những từ ngữ có cánh – “bền vững”, “chặt chẽ”, “sâu nặng” – cứ y như thể là chả hề có chuyện “bẽ bàng” (hay phũ phàng) gì ráo trọi:
- Báo Người Lao Động (23/01/20): Ngả Mũ Trước Tổng Thống Putin
- Báo Công An Nhân Dân (06/11/20): Thắm Tình Hữu Nghị, Đoàn Kết Việt Nam-Liên bang Nga
- Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản VN (27/06/20): Thắt Chặt Tình Hữu Nghị Giữa Nhân Dân Việt Nam – Liên Bang Nga
- Báo Học Viện Lục Quân (29/10/20) : Việt – Nga mối quan hệ của tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc
- Báo Quân Đội Nhân Dân (29/12/20) : Sâu Nặng Nghĩa Tình Việt Nam - Liên Xô/Liên Bang Nga
- Báo Nhân Dân (30/11/2021): Mối Quan Hệ Việt-Nga Vững Bền Theo Năm Tháng
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine (vào ngày 24 tháng 2 vừa qua) thì mối quan hệ Việt-Nga, xem ra, lại càng thêm chặt chẽ và sâu sắc hơn trước nữa – theo như quan điểm và ngôn từ của giới quan chức ở xứ sở này:
- Сhiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là kết quả của nhiều năm bị phương Tây kích động và ủng hộ lực lượng phát xít và dân tộc chủ nghĩa ở Ukraina.
- Mỹ và NATO toan tiêu diệt người Nga ở Donetsk và Lugansk nên Nga phải ra tay trước.
- Nga sẽ không “sa lầy” mà chậm nhất sẽ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 3.
- Tổng thống Nga V.Putin cứu thế giới thoát khỏi hiểm họa Chiến tranh thế giới lần thứ III.
Dân Việt, tuy vậy, dường như không tin tưởng mấy vào những quan điểm trên và không ít người đã bầy tỏ sự băn khoăn:
- Blogger Lê Đông Hải: “Sự kiện Ukraina đã cho thấy một sự thật là có rất nhiều người Việt Nam “cuồng Nga”. Nhưng vì sao như vậy?”
- Blogger Nguyễn Tiến Tường: “Tôi không hiểu sao nhiều quý vị vẫn xem nước Nga như bàn thờ tổ và ngợi khen việc can thiệp thô bạo vào nội tình nước khác.”
- Blogger Jackhammer Nguyen: “… chuyện khá đông dân chúng Việt Nam ủng hộ ông Putin và nước Nga xâm lược Ukraine là do sự yếu kém trong nghiên cứu lịch sử – xã hội của người Việt.”
Tôi cũng thuộc loại “yếu kém lịch sử” (và cũng chưa bao giờ có dịp đặt chân đến Moskva) nên chỉ biết chút đỉnh về đất nước Nga, qua một tác phẩm của Anatoly Tille (Liên Xô – Nhà Nước Phong Kiến Trá Hình - Тилле Анатолий Советский политический феодализм) bản tiếng Việt được thực hiện bởi dịch giả Phạm Nguyên Trường.
Nội dung chính của cuốn sách này, như tác giả khẳng định, là “nước Nga đã có một chế độ xã hội chủ nghĩa về hình thức, phong kiến về nội dung.” Trong tiểu luận (Chia Tay Ý Thức Hệ) của T.S Hà Sỹ Phu cũng có một câu tương tự: “Ở nước ta hệ tư tưởng Mác xít cũng không khác gì một ‘quốc giáo’, thực chất chỉ là biến tướng của tư tưởng phong kiến.”
Như thế, nước Nga và nước ta – xem ra – đúng là “đồng chí” vì có không ít điểm tương đồng. Xin trích dẫn thêm đôi ba đoạn để rộng đường dư luận:
Trước hết xin bắt đầu từ hòn đá tảng của chủ nghĩa Marx, từ sở hữu tư liệu sản xuất: Hi vọng rằng tôi đã thuyết phục được độc giả về sự thiếu vắng một người chủ cụ thể, rằng tài sản không phải là của nhân dân, không phải là của công nhân và nông dân, công nhân vẫn là vô sản không có tư liệu sản xuất, còn nông dân, sau khi bị tịch thu ruộng đất, cũng đã trở thành vô sản.
Tư liệu sản xuất bị phân tán và mang đặc trưng phong kiến. Có thể tưởng tượng tài sản như một cái bánh lớn bị các tầng nấc của bộ máy quan liêu xâu xé, cấp bậc càng cao thì miếng bánh càng lớn.
Nếu trong chế độ tư bản người chủ sở hữu thu lợi nhuận một cách công khai, thì ở đây, thu nhập của tầng lớp cán bộ dưới dạng “cống nạp”, “hụi chết”, “lót tay”, “phong bì” lại là khoản thu nhập ngầm, phi pháp và bị coi là tham nhũng. Đấy chính là lí do vì sao tham nhũng đã trở thành hiện tượng phổ biến trong tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa”.
Việc cướp bóc nhân dân cũng mang tính nước đôi: lương trả cho công nhân và nông dân chỉ bằng một phần mười ở Mĩ. Mặt khác, người tiêu dùng còn bị cướp bóc ngay từ quầy hàng nhỏ nhất: cân điêu và tính gian, còn người công nhân thì phải “cắt” một phần tiền lương cho đội trưởng, vì trái ngược với lí thuyết, lương của anh ta không tỉ lệ thuận với công sức bỏ ra, cũng không phụ thuộc vào trình độ và tay nghề của anh ta mà phụ thuộc vào nhiệm vụ được giao, vào cách đánh giá và tiền thưởng, tất cả đều do đội trưởng quyết định. Nhân viên bán hàng phải nộp một phần cho giám đốc cửa hàng, đội trưởng thì nộp cho xưởng trưởng và cứ thế, những con suối nhỏ này sẽ hòa vào dòng sông lớn…
Dòng sông lớn ở Nga, rõ ràng, chả khác chi ở ta cả. Trước đã thế và bây giờ thì cũng không hề khác – theo như nhận xét và kết luận (đọc được vào hôm 20/03/2022) trên trang FB của tác giả Phạm Nguyên Trường:
Mình tới LX năm 1968. Thấy quá hoành tráng, có anh bạn bảo: Họ đã qua CNTB, giàu thế này là đúng rồi. Mình mới từ phong kiến tiến thẳng lên. Rất hợp lỗ nhĩ.
Sau này mới thấy rằng LX đang được cải thiện từ từ. Hàng hóa ngày càng nhiều thêm. Năm 1975 mình về nước. Dường như đấy cũng là đỉnh cao nhất của CNXH.
Khoảng năm 1977-1978 mấy người cùng cơ quan nhưng con ông to đi Pháp về ghé qua Moskva về bảo so với bên kia Moskva như nhà quê.
Năm 1980, sang Tiệp. Tay kỹ sư ở đấy hỏi: Mày ăn bánh mỳ đen Nga có ngon không? Mình thật thà trả lời: Ngon lắm, thơm lắm. Tay kia bảo: Ừ, nhiều vitamin B lắm, nhưng ở đây chúng tao dành cho lợn…
Năm 1993 lại tới Moskva. Đường phố rất bẩn thỉu, chẳng có gì ăn theo đúng nghĩa đen của từ này. Hối lộ thì khủng khiếp, cảnh sát có thể hỏi hộ chiếu rồi cầm luôn, đi theo nó mấy chục mét nó mới bảo: đưa đây... rúb, tao trả…
Hy vọng sau cuộc chiến tranh này Ukraine sẽ ngả hằn về Tây, sẽ có dân chủ và kinh tế thị trường. Còn nước Nga, tội nghiệp quá, họ sẽ còn lặn hụp trong nghèo nàn và lạc hậu trong thời gian dài nữa.
Tình hữu nghị thì phải đồng cảnh (và đồng cảm) như thế chứ, nếu không cùng “ngụp lặn trong nghèo nàn và lạc hậu” thì chơi với nhau sao mà bền lâu được – đúng không?
Tưởng Năng Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét