HẠNH PHÚC
Nguyên Ngọc
Tôi có một chuyện cay đắng về hạnh phúc, mà lại ở Tây Nguyên, nơi tôi gắn bó hơn nửa cuộc đời và yên trí đã hiểu đến tận cùng. Sự thể là ngày ấy, vậy mà thấm thoắt đã mười bảy năm, chúng tôi làm một bộ phim về Tây Nguyên và anh đạo diễn bỗng nảy ý tưởng độc đáo không sử dụng diễn viên chuyên nghiệp vào các vai chính, chỉ mời đúng người dân tộc tại chỗ. Lặn lội khắp cao nguyên từ cực bắc đến cực nam, cuối cùng chọn được hai cô gái Ba Na thật đẹp, cô em, xin gọi là H’Lan, năm ấy mười bảy, rực rỡ đến chói chang, cô chị, cũng xin gọi là H’Nga, mười chín, đằm thắm, đậm đà. Ngày ấy cao su quốc doanh chưa nhiều và lấn vào sát làng như bây giờ, các gia đình vẫn còn được ít rẫy, hôm chúng tôi đến hai chị em vừa ở rẫy về, đang tắm ngoài giọt nước đầu làng. Ở Tây Nguyên người ta gọi bến nước của làng là “giọt”, kể cũng hơi lạ, dòng nước trong và khỏe gần như bất tận được dẫn từ núi cao về theo một hệ thống những thân tre chẻ đôi nối vào nhau thô sơ mà khéo léo, có khi quanh co đến năm bảy cây số trong rừng, cuối cùng đổ ra thành hàng chục vòi, mát lạnh đến tê người những chiều hè oi nồng chưa tắt hẳn nắng, lại phảng phất mùi vị không thể lẫn của rừng sâu, thoảng thôi nhưng thấm tận da thịt. Nước tuôn ra mạnh hơn cả nước máy thành phố, sao gọi là giọt? Thì ra ở lâu mới biết, bến nước đầu làng, với người Tây Nguyên đi xa, hay người Tây Nguyên nay không còn làng, sẽ mãi mãi nhỏ từng giọt kỷ niệm cả kiếp không nguôi, vào tận đáy tâm hồn. H’Lan, bây giờ đã là một người đàn bà đẫy đà ba con mỗi lần gặp chúng tôi vẫn thường nhắc lại cái buổi chiều ấy, mười bảy năm trước, khi chúng tôi ra tìm em ở giọt, cô gái đang mặc nguyên cả quần áo vậy mà tắm, mơn mởn, tươi mát, khỏe mà mềm, rực rỡ mà dịu dàng. Nghe chúng tôi về “bắt người đi đóng phim”, cô sợ quá vùng té chạy. Đám con trai cũng đang tắm ở giọt, mình trần, chỉ mỗi chiếc khố, phô những múi thịt cuồn cuộn đen bóng đẫm nước, phá lên cười giòn tan…
Ừ vậy mà đã mười bảy năm…
H’Nga và H’Lang đi cùng chúng tôi hơn bốn tháng. Vào vai không đặc biệt xuất sắc, nhưng có những điều rất nhỏ diễn viên chuyên nghiệp học mấy cũng không bằng. Như cách vén váy sà xuống cạnh bếp ở góc nhà sàn, một chút buông thả mà kín đáo, xếp hai chân về một bên, và khẽ nghiêng đầu thổi bùng ngọn lửa vẫn âm ỉ ngày đêm; cách đứng dậy, gọn, khỏe, khoát dây gùi lên vai, bên này rồi bên kia, bước ra hiên, thoăn thoắt xuống cầu thang, gùi nặng thế mà thong dong đến lạ; hay buổi chiều tà ở rẫy về, cất tiếng ót ót gọi heo thả rong, và nhìn đàn heo rối rít ùa về như mẹ âu yếm đón đàn con… Trong nghệ thuật vốn vậy, chính những điều nhỏ tưởng không đáng kể đó tạo nên mùi vị không thể thay thế của tác phẩm…
Cuối cùng rồi phim cũng xong, đoàn giải tán. Tôi có tham gia đôi lần những đoàn làm phim như vậy, tôi biết, ba bốn tháng thôi, mà cảm giác rất dài. Bởi vì suốt những ngày tháng ấy người ta không chỉ đi cùng nhau, làm việc cùng nhau, ăn ở cùng nhau; mà còn cùng nhau, cố tình lôi kéo nhau, người ta còn đắm đuối, cố tình tự đánh chìm mình vào một cuộc sống khác hẳn ngoài đời, quyết liệt hơn, hạnh phúc hơn, đau đớn hơn, biết là giả chứ nhưng lại thật hơn thật vì sự tích tụ và cường độ cực cao của nó…
Rồi phim xong. Đột ngột. Bao giờ cũng đột ngột. Đột ngột màn hạ xuống. Một giấc mơ, một cơn mê dài đột ngột được đánh thức. Những người chuyên nghiệp, dạn dày sân khấu, chừng nào đã quen. Nhưng còn hai cô gái Ba Na của tôi? H’Nga ngơ ngác: Hết rồi sao bác? Em hỏi. Hết rồi thật. Ngày mai các cô sẽ trở về làng. Tôi ở trên này đã lâu, tôi biết cuộc sống đang chờ đợi các cô trở về không giống như trong phim các cô cùng chúng tôi vừa dựng, đúng hơn là vừa “sống”, mê đắm. Mà bây giờ, trở về, điều gì đang chờ các cô?… Hầu như có thể chắc chắn, mươi năm nữa, cũng chẳng cần lâu đến thế đâu, chỉ năm ba năm, nhớ tìm về thăm, tôi sẽ gặp hai người đàn bà trên rẫy, vẫn còn phảng phất nét đẹp xưa, nhưng sẽ khác lắm, cháy nắng, con – đứa thứ mấy? – địu trễ nãi trên lưng, đến chiếc áo bạc màu cũng chẳng cần cài cho hết cúc, mặc cho vú vê chảy dài lòng thòng… Tôi cũng biết điều đó, cái cảnh hầu như sẽ chắc chắn đó, sẽ chẳng là gì cả trong hạnh phúc mà họ vui nhận trong cuộc đời, thanh thản, bình yên… Nhưng có thể giúp họ tìm đến một hạnh phúc khác không, một hạnh phúc mới mà họ có thể và xứng đáng được hưởng… Bây giờ nhớ lại, quả thật tôi rắp tâm thực hiện một kế hoạch, mà tôi tin. Ở thiện chí trong sáng của mình. Tin ở điều thật sự tốt lành sẽ đem lại được cho những người tôi suốt đời yêu quý. Còn hơn thế, biết đâu một con đường hạnh phúc mới mẻ có thể mở ra cho bao người nữa trên này, cũng quá xứng đáng được có như hai cô…
Tôi có một anh bạn là giám đốc một cơ quan cấp tỉnh, cơ quan ấy có một cái nhà khách. Anh sẵn sàng nhận ngay hai chị em vào làm ở đấy, cả chị vợ anh cũng hăng hái đồng tình. Chính chị lo lắng thu xếp cho các cô vừa làm vừa học. Thậm chí chúng tôi còn trù tính các bước tiếp theo cho hai cô sau giai đoạn có thể là tạm thời ở nhà khách này. Không ai nói ra, dường như không dám nói hẳn ra, nhưng quả thật chúng tôi mong muốn đưa các cô “đi xa” hơn nhiều. Một cuộc đổi đời, tại sao không?… Không dám nói, vì nó đẹp quá, cái tương lai mong ước ấy, mà cái đẹp ở đời bao giờ cũng mong manh. Lại nữa… nhưng mong ước của chúng tôi, của tôi, cho hai cô, cho người khác, theo cách nghĩ của tôi, tôi có quyền không? Ta có quyền hình dung một cách hạnh phúc của mình suy ra, cho người khác không? Lo lắng không nhiều, mong ước tốt lành át đi tất cả…
Xong xuôi, tôi trở về Hà Nội, đinh ninh đã làm một việc “đúng lương tâm”, đúng cả tâm huyết lâu dài vẫn ấp ủ với vùng đất và người đã thành ruột thịt. Cũng có lúc lại thoáng vẩn lên đôi chút băn khoăn: chúng tôi đang làm một cuộc thử nghiệm, mà có thể là thử nghiệm với cả cuộc đời hai con người. Thực tế hay phiêu lưu… Hồi hộp chờ…
… Bận công việc đi xa một thời gian, vừa trở về, vội gọi điện ngay cho anh bạn giám đốc. Bên kia đầu dây, giọng anh rõ ràng là buồn, cả giận nữa:
- Chúng nó đi hết rồi!
- Ai? Đi đâu?
- Ai nữa! Hai chị em. H’Lan theo một đoàn ca nhạc dưới vùng biển lên biểu diễn. Con em đi, con chị cũng bỏ về nhà luôn. Nghe nói đã theo một tay buôn gỗ nào đó tận miền Tây Nam Bộ lên. Cũng đi mất rồi.
- Đi đâu?
- Về tuốt trong miền Tây…
Tôi vội bay lên. Không gặp. Hỏi thăm, chỉ có những tin tức mơ hồ. Đi tìm, bặt tăm…
Suốt hai năm.
Rồi họ trở về. H’Nga về trước. Với một cái bụng chửa. Không cần hỏi cũng biết, tay buôn gỗ nọ đã có vợ ở nhà rồi. Cô gái về, sụp xuống lạy cha: Cha giết con đi, con muốn chết. Ông già ngồi suốt ngày ngơ ngác nhìn nắng. Chỉ thầm thì mãi một câu: “Người Kinh dữ quá!…”.
Di dân lớn lên Tây Nguyên. Bây giờ người Kinh rất nhiều. Ông không hiểu, ông sợ.
Một năm sau, H’Lan cũng trở về. Cũng lại mang về cho ông già một đứa cháu không cha.
Tôi đã biết hai cô gái trong suốt bốn tháng các cô đi cùng đoàn phim. Cô chị, H’Nga, đằm thắm, vẻ ngoài trầm tĩnh. Mà đôi mắt rất ướt. Rất đa tình, và rất kín đáo. Đúng hơn, dồn nén. Ở đoàn, thỉnh thoảng cô lại bị lên cơn. Cũng có hôm đột ngột bỏ đi, chúng tôi bổ đi tìm, cuối cùng gặp ở một làng cô có họ hàng xa cách đến hàng trăm cây số. Tôi có biết, có ngờ đâu, tôi làm sao hình dung một cô gái như vậy khi gặp một tay buôn gỗ lậu lang thang trên Tây Nguyên đang bị khai phá tràn lan. H’Nga gặp tay giang hồ ấy chính tại nhà khách của cơ quan anh bạn tôi, dân buôn gỗ lậu bây giờ tất không thể không có quan hệ với những nơi như vậy. Tôi dở quá, tôi chẳng đoán trước được điều gì cả. Tôi có lo thì là lo nhiều hơn cho cô em, H’Lan, rực rỡ quá, mơn mởn quá, lại không trầm tĩnh được bằng chị. Rực rỡ và bồng bột… Hóa ra cả hai chị em, trầm lắng hay cháy bỏng, chẳng ai thoát được hậu quả cuộc toan tính hạnh phúc của chúng tôi, của tôi đầy thiện chí nhất quyết thu xếp cho họ. Cuộc sống dữ dằn đã dứt họ ra khỏi mưu sự đầy tham vọng mà ngây thơ đến tệ hại của chúng tôi. Của tôi. Và đập nát cuộc đời họ.
Đập nát, tôi không nói quá đâu. Gần đây tôi có trở lại. H’Nga đau ốm liên miên, xơ xác. Cậu con trai không có cha nay đã là một chàng thiếu niên khôi ngô. Cháu chỉ học xong cấp một rồi nhất định ở nhà làm rẫy nuôi mẹ. H’Lan thì đã ba đời chồng, bốn mặt con, chẳng đứa nào có cha, cuối cùng lấy một anh chàng Ba Na, gia đình có vẻ yên ổn hơn, nhưng cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. Giọt nước đầu làng không còn. Rừng trên đầu nguồn bị phá hết, còn nước đâu mà dẫn về. Từ lâu ở nơi xưa là giọt nước thương yêu, đã mọc lên một cây me, cành lá xum xuê. Tại gốc me ấy bây giờ là một cái “chợ lao động”, thanh niên Ba Na thất nghiệp suốt ngày ngồi ở đấy, hút thuốc vặt, mòn mỏi chờ các ông bà chủ người Kinh đến thuê làm bất cứ công việc gì. Mà họ cũng không còn nhiều sức đâu. Buồn, uống rượu, rượu cần không còn, rượu cần là thứ người ta ủ công phu, gửi cả tâm hồn, cả linh hồn vào đấy, khi người ta sống vui, thoải mái, và hy vọng, tin, tin cuộc đời, tin ngày mai, khi người ta yêu, tin tình yêu… Không còn ruợu cần, uống rượu trắng của người Kinh thôi, thứ rượu hung dữ, đốt cháy tâm can. Rồi rượu trắng cũng không đủ tiền mua, bèn mua cồn pha ra mà uống. Mòn mỏi tới cả giống nòi…
Vậy đó, cuộc thử nghiệm hay ho của tôi. Về hạnh phúc. Hóa ra rất có thể độc ác, phá nát cuộc đời người ta với tình yêu chân thành và mưu tính hạnh phúc đẹp đẽ cho người khác bằng toan tính độc đoán và kiêu căng của mình.
Tôi không chối tội, nhưng có phải chỉ có riêng tôi?
Từng có, còn có bao nhiêu kế hoạch to lớn, hùng hồn về hạnh phúc từng được toan tính, và áp đặt, bằng nhiều cách, trong suốt lịch sử lâu dài của con người…
12- 2012