Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

Nguyễn Đình Đăng: CHUẨN MỰC

CHUẨN MỰC

Nguyễn Đình Đăng 

1- Hồi tôi ở Nga những năm cuối thập niên 1980, có lần một đồng nghiệp người Đức cần lắp một thiết bị gì đó lên tường trong phòng làm việc ở viện nghiên cứu. Anh ta báo cho bộ phận hành chính. Mấy hôm sau một thợ người Nga đến, chẳng nói chẳng rằng rẹt rẹt khoan hai lỗ lên tường, ngoắc thiết bị lên rồi đi, trước sự bàng hoàng của ông người Đức. Ông này sau đó nói: "Thật không tin nổi. Nếu là ở Đức, người ta đã phải đo từ chân tường lên, từ cửa vào, chạy sang phòng bên đo chỗ lắp của thiết bị tương tự sao cho thiết bị mới thẳng hàng với thiết bị cùng kiểu được lắp ở đó."

2- Hồi ở Munich năm 1992, tôi ngồi cùng phòng với một cậu nghiên cứu sinh người Đức đang chuẩn bị bảo vệ TS. Cậu này in luận văn của mình ra giấy làm nhiều bản để đem đóng bìa. Cậu ta kiểm tra rất kỹ từng trang in. Sau khi tin chắc mọi sự đúng chuẩn mực, cậu đem ra hiệu thuê đóng thành quyển. Hôm sau, gặp cậu, tôi hỏi việc đóng sách của cậu thế nào. Cậu nói: "Chưa hoàn hảo. Ông chủ hiệu đóng sách cầm mấy trang giấy soi lên ánh sáng rồi chê một số trang có số trang không chồng khít lên số của trang sau (!)"

3 - Ở Nhật có lần một người lái tàu điện ngầm thấy không còn ai trên sân ga bèn cho tàu khởi hành sớm 25 giây. Té ra vẫn có người muốn lên chuyến tàu đó. Họ than phiền và công ty xe điện ngầm lập tức xin lỗi hành khách. Trên thực tế bạn có thể chỉnh lại đồng hồ của mình cho chính xác căn cứ vào giờ tàu khởi hành từ nhà ga.

4- Ở hotel hạng sang của Nhật mỗi lần cô phục vụ dọn phòng xong đi ra, lại có một nhân viên khác tới kiểm tra tất cả mọi ngóc ngách, mở từng ngăn kéo để xem mọi thứ đã tinh tươm trật tự chưa thì khâu dọn dẹp mới được coi là xong. Ở cửa ra vào hotel, người porter cứ 30 phút lại thay một đôi găng tay trắng mới.

5 - Luật viễn cận là một trong những yêu cầu quan trọng bậc nhất trong dessin tả thực, được nhấn mạnh từ khi nó vừa được Filippo Brunelleschi phát minh ra vào đầu t.k. XV. Vẽ từ mẫu thực hay từ ảnh, hoạ sĩ đều phải kiểm tra để hình hoạ của mình trong hình nón thị giác (visual cone) tuân thủ luật viễn cận tuyến tính. Tuy nhiên không ít hoạ sĩ theo lối tả thực ngày nay, khi vẽ phong cảnh dựa theo ảnh chụp, lại tin tưởng vào ảnh đến mức chép cả những sai lệch do thấu kính và góc chụp, khiến sai luật viễn cận tuyến tính. Có thể dễ dàng nhận thấy điều đó khi các đường thẳng song song, như chân tường, mép khuôn cửa sổ, v.v. trong tranh không hội tụ tại một điểm, mà cắt nhau lung tung tại các điểm khác nhau, khiến bức tranh có hơn một đường chân trời.

6 - Pierre Auguste Renoir (1841 - 1919) là một trong 5 hoạ sĩ tham gia triển lãm đầu tiên tại Paris năm 1874 (Claude Monet, Edgar Degas, Pierre-Auguste Renoir, Camille Pissarro và Berthe Morisot) khởi đầu trào lưu Ấn tượng trong hội hoạ. Các hoạ sĩ Ấn tượng chủ trương từ bỏ những chuẩn mực của hội hoạ Hàn lâm. Họ coi nhẹ dessin, chạy theo mô tả các hiệu ứng của ánh sáng phản xạ, loại bỏ màu đen và các màu đất khỏi palette, loại bỏ nhựa cây, chỉ dùng dầu lanh và dầu thông, không phủ varnish bảo vệ lên tranh, v.v.

Chỉ 7 năm sau, được nhìn thấy bản gốc kiệt tác của Titian và Raphael tại Ý năm 1881 - 1882, Renoir nhận ra mình đã đi sai đường. Ông viết:

"Cái gọi là 'các phát minh' của các hoạ sĩ Ấn tượng không thể không được các bậc thầy Cổ điển từng biết đến; và nếu họ không dùng đến chúng là bởi vì các hoạ sĩ vĩ đại không thừa nhận việc tạo ra các hiệu ứng. Bằng việc giản dị hóa tự nhiên, các bậc thầy đã làm tự nhiên vĩ đại hơn."

Ông đã thử quay lại vẽ theo phong cách Cổ điển trong bức "Những phụ nữ tắm lớn" (1884 - 1887, kích thước 118 x 171 cm). Bức tranh này đã bị phê phán kịch liệt. Ông bị các đồng nghiệp coi là phản bội trào lưu Hiện đại vì quay lại với Cổ điển. Mệt mỏi và vỡ mộng, ông không bao giờ vẽ theo kiểu này nữa.

Trào lưu Ấn tượng là phát súng mở màn cho hội hoạ Hiện đại, dẫn tới sự suy vong của hội hoạ sơn dầu.

Một khi không còn chuẩn mực thì không thể biết cái gì là hay cái gì là dở. Người ta buộc phải đánh giá nghệ thuật như William Sommerset Maugham (1874 - 1965) từng tuyên bố: "Đối với tôi cái hay nhất trong nghệ thuật là nhân cách của nghệ sĩ; và nếu nhân cách đó khác thường, tôi sẵn sàng tha thứ cả ngàn lỗi lầm." Theo đà đó, ông coi sự lỗ mãng man rợ là thiên phú lớn nhất của nghệ sĩ: "Nghệ sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ, hay nhạc sĩ, bằng sự trang hoàng của mình, hùng vĩ hoặc đẹp, thỏa mãn cảm giác thẩm mỹ; nhưng cái đó cũng tựa như bản năng tình dục, và khi chia sẻ sự man rợ của bản năng đó, y còn bày ra trước bạn thiên phú lớn nhất của bản thân y."

Nhưng theo André Gide (1869 - 1951), "nghệ thuật luôn là kết quả của một sự hạn chế do bị ràng buộc. Nghĩ rằng nghệ thuật càng vươn lên cao khi càng có tự do cũng giống như nghĩ rằng cái dây níu con diều giấy lại không cho nó tung hoành trong bầu trời;" và “vẻ đẹp không bao giờ là một sản phẩm tự nhiên; mà chỉ có được nhờ những hạn chế nhân tạo." 

Những hạn chế đó tạo nên chuẩn mực của cái Đẹp. Gỡ bỏ chuẩn mực thì xem như Nghệ thuật cũng tiêu luôn.

 14/6/2018

Minh họa:

Pierre-Auguste Renoir

Những phụ nữ tắm lớn

1884 - 1887

sơn dầu

118 x  171 cm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét