CỒN và nồng độ cồn; CÙ LAO và chín chữ cù lao
Tác giả: Hồ Phương Trinh
(Bài cũ đăng lại có chỉnh sửa chút ít)
CỒN trên sông là một danh từ thuần Việt. Từ Hán Việt đồng nghĩa là ĐẢO. CỒN là đảo nổi lên giữa dòng sông, thường là ở hạ lưu, gần cửa sông.
Cồn còn là phiên âm của từ alcool (Pháp) nghĩa là rượu. Giống như xà bông là phiên âm từ savon ,(và nhiều từ phiên âm khác).
Trước 75 ở miền Nam rượu là rượu, alcool dùng để chỉ chất sát trùng gốc alcool dùng trong y khoa. Sau 75 từ "cồn" được du nhập từ miền Bắc và sử dụng nhiều cho đến ngày nay. Để đo nồng độ rượu trong máu, trong khí thở của tài xế người ta cũng nói nồng độ cồn. (Có lẽ do ngày nay rượu bị pha cồn hóa học nhiều chăng?)
CÙ LAO là từ ở miền Nam để chỉ đảo ở trên sông. Miền Trung còn dùng để gọi đảo trên biển, như Cù lao Chàm ở Hội An. Sông miền Trung không thấy có cồn hay cù lao (*) như sông Cửu Long và sông Đồng Nai.
Món lẩu ở miền Tây hồi xưa đựng trong cái "cù lao". Đó là một dụng cụ hình vành khăn, có cái ống tròn ở giữa chứa than, xung quanh ống đó là chỗ đựng nước lẩu. Cái ống than giống như cù lao nổi trên nước. Món lẩu này vì vậy cũng có tên là món Cù lao.
Cù lao và cồn trên sông ở miền Cửu Long khác nhau thế nào? Cù lao thường lớn hơn cồn rất nhiều, tuy thực tế có những cái cồn rất là lớn, lớn hơn cái cù lao nhỏ. Phân biệt cồn với cù lao không chỉ là lớn nhỏ.
Cù lao đã được bồi đắp từ rất lâu. Trước khi cư dân Việt tới định cư thì những cù lao này có sẵn rồi, mà lắm khi đi trên sông nhìn nó không biết là cù lao mà tưởng là bờ sông, chỉ khi đi vòng qua phía kia mới biết nó bốn bề là nước.
Tỉnh Bến Tre quê tôi là một tỉnh cù lao. Muốn vô tỉnh Bến Tre từ hướng nào cũng đều phải qua sông. Tỉnh có tới ba cù lao chứ không phải một. Cù lao Bảo ở giữa sông Tiền và sông Hàm Luông. Cù lao Minh ở giữa sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Cù lao An Hóa giữa sông Ba Lai và sông Tiền. Các cù lao này đều có một phía giáp biển.
Ca dao ở Bến Tre có câu:
Ai từng qua Bảo về Minh
Ghé ngang Bình Khánh em xin đãi chè.
(Bảo, Minh là cù lao Bảo, cù lao Minh. Bình Khánh là địa danh ở huyện Mỏ Cày, thuộc cù Lao Minh).
Ngoài các cù lao rất lớn của tỉnh Bến Tre thì trên sông Tiền có nhiều cù lao khác như cù lao Tây (Đồng Tháp), cù lao Giêng (An Giang) cù lao Thới Sơn (Mỹ Tho)...
Sông Hậu cũng nhiều cù lao: cù lao Năng Gù (An Giang), cù lao Dung (Sóc Trăng) và nhiều cù lao nhỏ ít tiếng tăm khác.
Cồn thì có thể coi là "tiền thân" của cù lao, là cù lao mới nổi. Cư dân Cửu Long tận mắt thấy cồn bắt đầu nổi lên, được bồi đắp lớn dần. Bà ngoại tôi kể khi bà còn nhỏ thì những cái cồn Rồng cồn Phụng trên sông Mỹ Tho mới nổi "như cồn". Cồn và cù lao đều "nổi" trên sông nhưng cù lao nổi hồi nào người ta không biết, còn cồn thì người ta tận mắt chứng kiến nó từ từ nổi lên, nên mới có câu ví von "nổi như cồn".
Quê tôi, huyện Giồng Trôm, Bến Tre có cái cồn Ốc. Hồi nhỏ thường nghe người lớn nói "đi cồn Ốc" hoặc hỏi: ở đâu? Ở bên cồn Ốc, mà tôi chưa có dịp đi qua đó lần nào. Ở Cần Thơ có cồn Sơn, giờ là khu du lịch sinh thái.
Dân miền sông nước Cửu Long ít nhiều gì cũng có dây mơ rễ má với cù lao và cồn. Tôi quê xứ cù lao Bến Tre. Em rể tôi dân ở Cù lao Long Hòa trên sông Cổ chiên tỉnh Trà Vinh. Dân tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh....ở cù lao và cồn thì nhiều khỏi nói luôn.
Cuối cùng, cụm từ "chín chữ cù lao" để chỉ công ơn cha mẹ thì "cù lao" là từ Hán Việt. Cù là chữ cù trong "cần cù", lao là chữ lao trong "lao động", "lao tâm lao lực", "gian lao".
Nói cần cù hay cần lao thì nghe quen, cù lao thì nghe lạ vì ít dùng. Cù lao nghĩa giống cần lao, là làm việc chăm chỉ cực nhọc. Và cù lao này không có dính líu gì với cái cù lao ở dưới sông hoặc cù lao ăn lẩu.
(Nếu có dịp sẽ tám về chín chữ cù lao).
*Trên sông Hương có cồn Hến, cồn Dã Viên. Cám ơn anh Thiện Tính Trần nhắc nhở.
* Ở cửa sông Thu Bồn có nhiều cồn, gò nổi. Cám ơn bạn Quynh Ba Le chỉ giáo.
Hình: cái cù lao của món lẩu xưa.
Nhà tôi có cái cù lao mà đã hư mất rồi. Hình lụm trên báo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét