Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

Matthew NChuong: VÌ SAO NƠI SANH RA (SANH QUÁN) LÀ HỆ TRỌNG TRƯỚC HẾT?

VÌ SAO NƠI SANH RA (SANH QUÁN) LÀ HỆ TRỌNG TRƯỚC HẾT?
* Giữ vai trò kết nối các thế hệ, chính là ngôn ngữ: TIẾNG VIỆT! 

/A/ Nếu nơi sanh ra - là nơi gắn với cha với mẹ - mà không ghi nhớ TRƯỚC HẾT, chỉ nằng nặc "nhắc" ... nguyên quán thôi, ắt những kẻ đó không đáng tin cậy chút nào về cái gọi là "đạo Hiếu" của bọn họ!
/B/ "Nguyên quán", trong văn hóa người VIỆT, xin chú ý là KHÔNG thực hành răm rắp theo quan niệm "Yuán guǎn" (元舘, nguyên quán) của Tàu! Không rành mạch về việc này, dễ dính vào "jǐng" (阱) tức "bẫy" theo văn hóa Hán tộc - đó đa!

&1&
"Nguyên quán" (元舘) là quê hương gốc gác của mình => Xác định nguyên quán là nơi sanh ra của cha (mẹ)? Hay nguyên quán là nơi sanh ra của ông (bà) nội, ngoại? Nguyên quán là nơi sanh ra của ông (bà) cố? Nguyên quán là nơi sanh ra của ông (bà) sơ? 

1a/ Ngoại trừ môt số nhỏ gia tộc có gia phả ghi tỉ mỉ nhiều đời trước đây, có bao nhiêu gia đình người Việt, năm 2024 này, biết rõ lai lịch, sanh quán ông (bà) cố của mình? hoặc ông (bà) sơ? 
Ắt hẳn, số gia đình biết rõ nơi sanh của ông (bà) sơ - vào lúc này - là ít! Trên ông (bà) sơ nữa, càng không biết!

Thông thường, ở các gia đình đặt bàn thờ người quá có, có thể là cha mẹ, là ông bà nội ngoại, là ông bà cố. Ít lắm, mới biết được lai lịch mà đặt bàn thờ ông bà sơ. Trên nữa, đặt bàn thờ chung, gọi là "bàn thờ Tổ tiên". 

1b/ Tập tục văn hóa, đạo lý VIỆT được thể hiện ngay trong TIẾNG VIỆT: đời "cha" (=> “con”), đời "ông nội" (=> “cháu”), đời "ông cố" (=> “chắt”), đến đời "ông sơ" (=> “chút”) - đây là những tiếng thuần Việt. 
Trên "ông sơ" (và hậu duệ gọi đến “chút”) thì không đặt ra danh xưng bằng tiếng thuần Việt nào để gọi nữa. Vì sao? 

Đạo lý VIỆT vừa sâu sắc, vừa giản dị, thực tiễn: tưởng nhớ đến đời "ông sơ", là đủ trang trọng trong đạo lý "uống nước nhớ nguồn"! Không cầu kỳ, rắc rối thêm. Trên nữa, trong mỗi gia đình, là bàn thờ chung "Tổ tiên".

1c) Sẵn nói một chút về Hán tộc. Họ đặt nặng "truy nguyên lý lịch" bằng nhiều danh xưng, lắt léo, rắc rối. 

Đời "phụ thân" 父亲 (cha => “tử”), ngược lên đời "nội tổ" 祖 (ông nội => “tôn”), lên đời "tằng tổ" 曾 祖 (ông cố => “tằng tôn”), "cao tổ" 高 祖 (ông sơ => “huyền tôn”), "tiên tổ" 先 祖 (cha của ông sơ => “lai tôn”), "viễn tổ" 遠 祖 (ông nội của ông sơ => “côn tôn”), "cao cao tổ" 高 高 祖 (ông cố của ông sơ => “nhưng tôn”), "cao tổ tổ" 高 祖 祖 (ông sơ của ông sơ => “vân tôn”) .v.v...

&2&
Hiện nay, nhiều người ngoài 30 tuổi mới lập gia đình, sanh ra thế hệ kế tiếp. Trước kia, chưa đến 20 tuổi đã là một thế hệ sanh con đẻ cái. Đây, tính “nơi nới”…

Vậy, khoảng 120 năm là gồm đủ các đời “ông sơ” cho đến đời “chút”: chẳng hạn, từ năm 1900 đến năm 2020: hồi năm 1900 là năm sanh của "ông sơ" -> 1930 đời "ông cố" => 1960 đời "ông nội" -> 1990 đời "cha" -> 2020 đời “con”… Bé con A này lớn lên, may lắm, là còn biết lai lịch “ông sơ”, nhưng vài đời trước “ông sơ”, sanh hồi giữa thế kỷ 19 là hoàn toàn không thể biết lai lịch rồi đa!

Huống hồ xưa hơn nữa, vào đời tạm gọi là “Ông *” (tiên tổ của gia đình đứa bé A) sanh từ thế kỷ 17 thì khỏi biết “Ông *” sanh ở đâu (làng nào, xã nào, huyện nào..).

Không thể nào đoan chắc “Ông *” là người Việt ở miền duyên hải? hay có hòa huyết với người Chăm, người Rhade? … Tỉ như “Ông *” được cho là người ở miền Ngoài, có chắc ổng là người Việt, hay có gốc gác người Tàu? 

Nhiều bạn ắt thấy câu hỏi kỳ khôi, nhưng kỳ thực vì không tài nào xác định tên tuổi, nơi sanh của “Ông *” nên mọi sự “khẳng định về lai lịch ông *” cũng đều võ đoán, mơ hồ. 

Quí bạn có biết, trong thời kỳ Bắc thuộc ngàn năm, người Quảng Đông, người Phước Kiến tận dụng cơ hội vùng châu thổ sông Hồng bị Tàu cai trị, họ vào lập nghiệp, định cư lâu dài, lập gia đình qua nhiều thế hệ. Sau gần ngàn năm, kết quả là chiếm một tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu dân cư ở châu thổ sông Hồng… 
Đây, nói một chuyện cụ thể. Trần Cảnh (陳煚 là vị vua đầu tiên của Nhà Trần (Trần Thái tông), cha của nhà vua sanh trưởng trên đất Đại Việt, ông nội của vua cũng sanh trưởng tại Đại Việt. 

Vậy, từ cha, từ ông nội mà có thể khẳng định Trần Cảnh có “nguyên quán” Việt 100%? Không phải, bởi vì ông sơ của vua là Trần Kinh 陳京, lại hoàn toàn là người Tàu, sinh ra và lớn lên ở Phước Kiến. 

Câu chuyện vừa nêu trên, có ghi trong sử liệu. 

Thấy gì? Trước hết và trên hết, SANH QUÁN của Trần Cảnh (Trần Thái tông) mới hệ trọng, là Nam Định; chớ không phải “nguyên quán” (từ đời ông sơ, là Phước Kiến)! 
Nhà vua có mặt trong chính sử nước Việt, bởi vì có công trạng phục vụ cho lợi ích nước Việt!

(những ai cứ ưng “nhắc”… nguyên quán, chỉ biết... truy lý lịch nguyên quán, ở đây với trường hợp Trần Cảnh, không lẽ muốn nhớ nhung nước Tàu?)

&3&
Điều gì khiến chúng ta hiện nay nhìn nhau với cảm nhận “gần gũi” - mặc dù đa số chúng ta đều không biết gì về các đời trước của chính “ông sơ” mình sanh ra ở đâu? 

Đó là vì chúng ta đang dùng chung một ngôn ngữ: TIẾNG VIỆT. 

3a) Ngôn ngữ đóng vai trò rất hệ trọng trong “gìn giữ tâm hồn dân tộc”. 

Như người Do Thái lưu lạc bốn phương cả ngàn năm. Việc hòa huyết, dĩ nhiên, đã xảy ra: có người Do Thái, giờ đây, da đen ơi đen, lại có người trắng bóc (bởi tiên tổ họ từng lưu lạc nơi châu Phi, nơi Nga, nơi châu Âu… suốt nhiều thế kỷ). 
Tuy nhiên, vì sao họ vẫn nhìn nhau là “người Do Thái”? Là bởi họ vẫn gìn giữ ngôn ngữ Hebrew của họ, bên cạnh việc dùng ngôn ngữ của xứ sở mà họ sanh trưởng (tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Mỹ…). 

3b) Bất luận ở chân trời góc biển nào, một khi NHẬN RA GIÁ TRỊ & HÃNH DIỆN VỀ TIẾNG VIỆT, ắt đều mong muốn gìn giữ tiếng Việt. 

3c) Gìn giữ CĂN TÍNH NGÔN NGỮ của Tiếng Việt.

Tiếng Việt được dùng ở miền Trong, miền Ngoài, miền xuôi, miền ngược. Nhưng, gìn giữ căn tính của tiếng Việt, cách nào? 

Nhắc lại không thừa: Tiếng Việt gồm Nam âm (thuần Việt) và âm Hán-Việt (được chọn lọc một cách thông minh, không dùng tưới xượi). Trong đó, Nam âm tạo nên bản sắc cho tiếng Việt thuộc về Ngữ hệ Nam Á (không phải Ngữ hệ Hán-Tạng). 

Điều quan trọng là giúp nhau gìn giữ CĂN TÍNH: dùng Nam âm (thuần Việt) ngày càng dồi dào, giàu sức sống hơn./.

--------------------------------------------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét