Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

ĐINH KIM PHÚC : PHẢN BIỆN QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ TRUNG QUỐC VỀ CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA-TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM (5)


ĐINH KIM PHÚC

Kết luận:
Kể từ sau sự kiện ngày 26/5/2011 Tàu hải giám Trung Quốc đã đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam và ngày 9/6/2011, tàu khảo sát địa chấn Viking 2 mà Việt Nam thuê của Pháp đã bị tàu cá của Trung Quốc phá dây cáp cho đến nay Trung Quốc không dừng lại ở đó mà tiếp tục có nhiều hành động đe dọa một cách có hệ thống chủ quyền của nước Việt Nam:  
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ gửi đến BBC cho hay tàu hải quân INS Airavat đã có chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ 19-28/7/2011: “Hôm 22/7, INS Airavat đang trên đường từ Nha Trang ra Hải Phòng để thăm cảng này. Khi ở Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam chừng 45 hải lý, INS Airavat nhận được điện đàm từ một người gọi tự xưng là 'Hải quân Trung Quốc' cảnh báo rằng tàu này đang tiến vào hải phận Trung Quốc”.(82)
Tiếp theo đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo trên trang web của cơ quan ngư chính tỉnh Quảng Đông, cho biết một tàu mang số hiệu 306, có trọng tải 400 tấn, đã rời Quảng Châu để đi về hướng Hoàng Sa.
Một quan chức của cơ quan ngư chính Quảng Đông nói việc điều động nhằm “tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật tại các vùng đánh bắt cá ở Hoàng Sa, bảo vệ hoạt động đánh bắt cá, an toàn cho ngư dân, và bảo vệ chủ quyền trên biển của Trung Quốc”. (83)
Ngày 10/9/2011, Tân Hoa xã đưa tin giới chức Trung Quốc vừa điều tàu cá đa năng Quỳnh Phú Hoa Ngư - 01 tới vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Giới chức Trung Quốc không nói rõ nhiệm vụ của tàu mà chỉ tuyên bố nó “sẽ hỗ trợ đưa nghề nuôi trồng ngư nghiệp nhiệt đới trong khu vực vào giai đoạn mới”. Trước đó, đại diện Hải quân Trung Quốc cùng Tập đoàn China Mobile lại ngang nhiên tổ chức lễ nghiệm thu công trình xây dựng trạm điện thoại di động tại những đảo do nước này chiếm giữ ở Trường Sa. (84)
Báo chí Trung Quốc gần đây đăng tải nhiều thông tin về một số hoạt động của các cơ quan Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc ra quần đảo Hoàng Sa để thị sát tàu Hải Tuần. Cục trưởng Cục thể thao Trung Quốc ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa để khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao.
Viện nghiên cứu Môi trường và Khảo sát công trình hải dương “Nam Hải” đã thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa. Cục trưởng Cục ngư chính khu “Nam Hải” của Trung Quốc thì cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, cũng như xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa.
Ngày 23/2/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên “Những hoạt động như vậy trái với thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, cũng như không phù hợp với Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và các cam kết duy trì hòa bình ổn định trên biển”, “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động này và hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cùng các bên liên quan hợp tác giữ gìn hòa bình ổn định ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, Trung Quốc hối thúc Việt Nam thực sự tôn trọng chủ quyền, quyền lợi và quyền cai quản của Trung Quốc.
Ngay sau đó, ngày 27/2/2012, Khi trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo thường kỳ: “Trước việc Trung Quốc tiến hành nghiên cứu hải dương trên vùng biển hữu quan, quan chức Việt Nam trong bài phát biểu mới yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động đe dọa tới chủ quyền lãnh thổ của quần đảo Tây Sa và Nam Sa Việt Nam, Trung Quốc có sự phản ứng gì?”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo Nam Hải và vùng biển xung quanh. Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng bình thường và triển khai bất cứ hoạt động gì trên quần đảo Tây Sa hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận cách nói của Việt Nam. Trung Quốc hối thúc Việt Nam thực sự tôn trọng chủ quyền, quyền lợi và quyền cai quản của Trung Quốc”. (85)
Và mới đây, theo trang web Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 21-6-2012 đăng thông báo Quốc vụ viện Trung Quốc mới phê chuẩn nâng Thành phố Tam Sa (tỉnh Hải Nam) từ thành phố cấp huyện lên thành phố cấp vùng và chính quyền Thành phố Tam Sa đặt tại đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo TTXVN, sau một loạt các hoạt động phi pháp nhằm xây dựng và phát triển cái gọi là “thành phố Tam Sa,” ngày 1/10/2012, Trung Quốc đã tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa; ngày 3/10/2012, Hạm đội Nam Hải Trung Quốc tổ chức diễn tập trực chiến khẩn cấp tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa; ngày 8/10/2012, Trung Quốc thành lập Phòng khí tượng thành phố Tam Sa. Trước đó, ngày 23/9/2012, báo chí Trung Quốc đưa tin Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay không người lái tăng cường giám sát các vùng biển, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Tất cả những việc làm trên đây là một phần trong chiến lược thôn tính biển Đông của Trung Quốc. Nhìn chung, chiến lược xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc có thể tóm lược bằng phương châm: biến không thành có. Chiến lược này thường được thực hiện qua 3 bước như sau:
Bước 1, biến một vấn đề hoàn toàn không tranh chấp thành một vấn đề tranh chấp;
Bước 2, gây áp lực — nếu cần dùng bạo lực — trên nước láng giềng nhỏ bé hơn;
Bước 3, đàm phán, và trong đàm phán thì phải có nhân nhượng, Trung Quốc dĩ nhiên sẽ chiếm được một phần dưới danh nghĩa là “nhường” cho nước nhỏ!
Tất cả những động thái đó đã cho chúng ta thấy rằng, cuối cùng, đối với Trung Quốc, nói đi nói lại dù cho lời hay ý đẹp cũng là “Chủ quyền thuộc ngã” khi muốn ôm trọn biển Đông ở phương Nam hay những hòn đảo, đá… ở biển Đông Trung Hoa như Senkaku, Okinotori (Nhật Bản) mang tính chiến lược nằm trong tham vọng bành trướng mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc vẫn ấp ủ từ lâu.
Tôi xin mượn lời nhận xét của một học giả Phương Tây khi nhận xét về tấm Trung Hoa tân địa đồ được xuất bản năm 1938 để kết thúc đề tài này: Bức địa đồ của sự hổ thẹn dân tộc. 

Hồng Mậu Hy, Trung Hoa tân địa đồ, địa đồ dùng cho hệ tiểu học, do Bộ Nội chính cho phép xuất bản, Trùng Khánh, Đông Phương Dư Địa học xã xuất bản năm 1938

-------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:
(2) TTX Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Chủ Nhật, ngày 21/08/2011
(3) Hồng Lê Thọ, “Chủ quyền thuộc ngã” – Từ “Gác lại” đến “Cưỡng đoạt”: Sách lược thực dụng và thâm độc trong tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc
(4) Hồng Lê Thọ, Cộng đồng quốc tế quan tâm đến biển Đông tiền đề của “quốc tế hóa”
(5) Xem Thích Đại Sán, Hải ngoại Ký sự, (7 quyển), Viện Đại học Huế. Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam. Huế 1963.   
(8) Hồng Lê Thọ, “Chủ quyền thuộc ngã” – Từ “Gác lại” đến “Cưỡng đoạt”: Sách lược thực dụng và thâm độc trong tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc
(9)(10) Madrolle Claudius – Vấn đề Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa – trong : Chính sách nước ngoài – số 3 - 1939 – năm thứ tư, trang 302-312 (http://www.persee.fr)
Vua Gia Long xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Tác giả bài báo đã nhầm là năm 1806.
(11) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, phát hành vào ngày 1 và 15 hằng tháng. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
Trong một tài liệu khác cho biết Đô đốc Lý Chuẩn trong chuyến đi “khảo sát” Hoàng Sa lần này ông đã cho vẽ 15 bản đồ và 10 bức ảnh chỉ diễn ra trong vòng 36 tiếng đồng hồ! Xem: P.A Lapicque, A propos des Iles Paracels, 1929, Les Editions D’Extreme-Asie, Saigon, trang 8-11.
(12) Báo Advertiser số ra ngày thứ 3, 29/6/1909, trang 7. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(13) The Advertiser, Monday 5 July 1909, page 8. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(14) Bài báo "L'histoire moderne des iles Paracels" đăng trên tờ báo "L' Eveil de l'Indochine" số 738 năm thứ 16, phát hành ngày 22/5/1932 tại Hà Nội. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(15) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn.
(16) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn.
(17) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn.
      - Gouvernment général de l'Indochine - Conseil de Gouvernment: Session ordinaire de 1918. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(19) Bạch Thư về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Ngoại Giao, Sài-gòn, 1975
(20) Xem:
- Gustave SALÉ, “Les Iles Paracels et la Sécurité en Extrême-Orient”, Avenir du Tonkin, (no 10495), 17/04/1931, pp 2. 
- E. SAURIN, “A propos des Galets Exotiques des Iles Paracels”, Archives Géologiques du Vietnam, I.N.D.E.O, Saigon, (no 4), 1957, pp 9. 
(21) L'Eveil économique de l'Indochine N394: La perte du Haiphong 28/12/1924. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(22) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn.
(23) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn.
(24) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn.
(25) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn.
(26) L' Eveil de l'Indochine N419. Du Charbon pour le “de Lanessan”.1925/06/21. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(27) Bạch Thư về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Ngoại Giao, Sài-gòn, 1975
(28) Tham khảo bài của Oliver trong “La Géographie”, Tome LX, Nov - Dec. 1933, và bài của Marcel “Les Archipels Paracels et Spratly” trong báo VIetnam Press, Sagon, Nov. 1971, No 7574
(29) (Bruzon, Canton, Romer, Le climat de L’Indochine et les typhoons de la Mer de Chine, Hanoi, 1930)
(30) Océanographie physicque et biologique 1932, 1933. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(31) Bạch Thư về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Ngoại Giao, Sài-gòn, 1975
(32) L' Eveil de l'Indochine N502 . Chronique des mines . 1927/01/23. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(33) Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa-Lãnh Thổ Việt Nam.
(34) Madrolle Claudius – Vấn đề Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa – Tài liệu đã dẫn.
(35) Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, Người dịch: Nguyễn Hồng Thao, Hiệu đính: Lưu Văn Lợi, Lê Minh Nghĩa. Nguyên bản: La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, tác giả Monique Chemillier-Gendreau.
(36) Tức đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông.
(37) Madrolle Claudius – Vấn đề Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa – Tài liệu đã dẫn.
Vào năm 1938, Sở Khí tượng Đông Dương (Indochina Meteorological Service) thiết lập một trạm thời tiết tại Ba Bình, là nơi được coi là tốt nhất tại Biển Đông để cung cấp dữ kiện về thời tiết cho những quốc gia trong vùng. Trạm được người Pháp quản trị trong vòng 3 năm đầu, sau đó thì người ta tin là Trạm vận hành dưới sự kiểm soát của quân đội Nhật Bản. Trước khi rơi vào tay quân đội Nhật, trạm Ba Bình quan trọng tới mức được cấp mã số quốc tế là 48919. Những dữ kiện do trạm cung cấp được lưu trữ khắp nơi trên thế giới dưới tên French Indochina – Cochinchina.
(Xem: Bạch Thư về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Ngoại Giao, Sài-gòn, 1975)
(39) (40) (41) Madrolle Claudius – Vấn đề Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa – Tài liệu đã dẫn.
(42) Nhật báo La Croix số 17004 năm thứ 59, ngày thứ năm 14.07.1938, trang 1.Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.
(43) Reported by Prof. Charles Rousseau in Revue General de Droit International Public July- September 1972, p.830.
(44) Theo  Hòa ước Shimonoseki, điều 2 & 3 qui định
清国は、遼東半島台湾澎湖諸島など付属諸島嶼の主権ならびに該地方にある城塁、兵器製造所及び官有物を永遠に日本に割与する。(第二条、第三条)澎湖列島即英國「グリーンウィチ」東經百十九度乃至百二十度及北緯二十三度乃至二十四度ノ間ニ在ル諸島嶼
bản tiếng Anh:
(b) The island of Formosa, together with all islands appertaining or belonging to the said island of Formosa.
 © The Pescadores Group, that is to say, all islands lying between the 119th and 120th degrees of longitude east of Greenwich and the 23rd and 24th degrees of north latitude.
[tất cả các đảo nằm trong khu vực từ 119 độ  đến 120 độ kinh đông và từ 23 độ đến 24 độ  bắc vĩ tuyến] cho thấy khu vực nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản không bao gồm quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi.
(45) “Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa của các triều đại Việt Nam” (25/06/2011)
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=33070&Style=1
(47) Theo Urano Tatsuno “International Conflit over the South China Sea”(Nankai shotoo Kokusai Fusooshi”(Tosui Shobo Publishers, 1997)
Khái niệm “nhà nước và nhân dân Việt Nam” của TS Nguyễn Nhã nêu ở đây phải chăng là triều đình Huế?
(49) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, NXB Tri Thức, 2011, trang 111.
(50) Võ Đức Hạnh, La place du catholicisme, trang 402-403, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd, trang 125.

Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm đất Nam kỳ, người Pháp tổ chức hệ thống cai trị qua hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, từ 1861 đến1879, người Pháp thành lập Soái phủ Nam kỳ (Gouvernement des Amiraux) do các đô đốc của Hải quân Pháp đứng đầu, trông coi việc cai trị hành chính và binh bị. Bắt đầu năm 1879, người Pháp đặt chức vụ Thống đốc Nam kỳ (Gouverneur-général de la Cochinchine) để cai trị mảnh đất thuộc địa này. Chức vụ thống đốc này trực thuộc bộ Thuộc địa và bộ Hải quân Pháp. Sau khi áp đặt chế độ bảo hộ, người Pháp đặt thêm chức vụ Khâm sứ Trung kỳ (Résident supérieur d'Annam) và Thống sứ Bắc kỳ (Résident général du Tonkin). Hai người này trực thuộc bộ Ngoại giao Pháp.

(Xem: http://vi.wikipedia.org/wiki/To%C3%A0n_quy%E1%BB%81n_%C4%90%C3%B4ng_D%C6%B0%C6%A1ng)
(51) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd, trang 121.
(52) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd, trang 129.
(53) Theo Dương Tác Châu trong “Tranh Chấp ở quần đảo Trường Sa”(Funsoo Nasha Guntoo”(NXB Shinbyoron—Tokyo)
(54) Công Hàm của Đại Sứ Quán Pháp tại Nhật Bản gửi CP NB ngày 12/7/1938
“En étendant aux iles Paracelse le dispositif de sécurité maritime qui fonction sur la côte et le iles relevant de l’Union Indochinoise le Gouvernement Francais n’a d’autre intention que de remplir la charge qui lui incombe d’assurer dans ces parages la protection de la navigation internationale.” (theo Urano Tatsuo, Sđd, trang 288-289)

(56) Chi tiết về hội nghị này và hội nghị Tehran được in trong tập The Foreign Relations of The United States Diplomatic Papers: The Conferences at Cairo and Tehran, 1943 (viết tắt: FRUS Cairo Tehran), Government Printing Office, Washington, D.C., 1961

(57)  FRUS Cairo Tehran, tr. 448, 449.

(58) Mới đầu là Winston Churchill, sau là Clement Attlee khi Đảng Bảo thủ Anh thất cử.

(59) Documents on American Foreign Relations, do Raymond Dennett và Ro­bert K. Turner biên tập và Prince University Press xuất bản năm 1948, tập VIII: 1.7.1945 31.12.1946.

(60) Jean R. Sainteny, Histoire D’Une Paix Manquée: Indochine 1945-1947, Amiot Dumont, Paris, 1953, tr. 50.

(61) Toàn văn bản Hòa ước San Francisco đăng trong: (a) United Nations Treaty Series, tập 136, tr. 46 và tiếp theo, và (b) American Foreign Policy, 1950 1955: Basic Documents do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xuất bản năm 1957, ấn bản số 5446, tr. 425 439.

(62) Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị tồn tại trong giai đoạn 1949-1956, ra đời sau Hiệp ước ngày 8/3/1949 giữa Pháp và cựu hoàng Bảo Đại (Hiệp ước Elysee). Cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm – lúc này là Thủ tướng Quốc gia Việt Nam – lên làm tổng thống sau cuộc “Trưng cầu dân ý” ngày 23-10-1955. Đến năm 1956, Quốc gia Việt Nam “cải đổi” thành Việt Nam Cộng hòa, công bố Hiến pháp mới (26-10-1956). Như vậy có thể nói Quốc gia Việt Nam là “tiền thân” của Việt Nam Cộng hòa.

(63) Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tại Hội nghị San Francisci 1951

 “Thật là nghiêm trọng và cảm kích cho Việt Nam được đến San Francisco tham dự công việc của hội nghị Hòa bình với Nhật Bản. Sở dĩ chúng tôi được hiện diện tại đây là nhờ các tử sĩ của chúng tôi và lòng hy sinh vô bờ bến của dân tộc chúng tôi, dân tộc đã chịu đựng biết bao đau khổ để được sống còn và giành sự trường tồn cho một nòi giống đã có hơn 4 ngàn năm lịch sử.

Nếu mỗi dân tộc đã thống khổ do sự chiếm đóng của Nhật Bản, có quyền tham dự hội nghị này, như tất cả diễn giả liên tiếp hai ngày nay đã đồng thanh nhìn nhận, mặc dù thuộc ý thức hệ nào đi nữa cũng vậy, thì cái quyền Việt Nam lên tiếng về Hòa ước Hòa bình với Nhật Bản lại càng dĩ nhiên hơn lúc nào hết, vì không ai không biết rằng, trong tất cả các quốc gia Á châu, V.N là một nước chịu nhiều đau khổ nhất về tài sản cũng như về tính mạng người dân. Và tôi thiếu sót phận sự tối thiểu đối với đồng bào quá vãng nếu giờ phút này, tôi không hướng một ý nghĩ thành kính đến số một triệu dân Việt mà hoàn cảnh bi thảm của sự chiếm đóng đã đưa đến cái chết đau thương. Những hư hại vật chất mà đất nước chúng tôi gánh chịu không phải là ít và tất cả nền kinh tế của chúng tôi bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Cầu cống và đường sá bị cắt đứt, làng xã bị triệt hạ hoàn toàn, nhà thương và trường học bị thiệt hại, bến tàu và đường sá bị dội bom, tất cả đều phải làm lại, đều cần thiết phải làm lại, nhưng than ôi cần có nguồn tài nguyên quá cao so với khả năng hiện hữu của chúng tôi.
 
Cho nên, trong lúc khen ngợi sự rộng lượng của những tác giả dự án thỏa hiệp này, chúng tôi cũng trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu hội nghị ghi nhận.

Là những người Á châu, chúng tôi thành thật hân hoan trước những viễn tượng mới mẻ mở rộng ra cho một quốc gia Á Đông sau khi kết thúc thỏa hiệp hòa bình này. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng góp phần vào sự phục hưng của một dân tộc Á đông bình dị và cần mẫn như nước Nhật Bản đây, chúng tôi tin chắc rằng những người dân châu Á phải là những người phát khởi thịnh vượng chung của mình, họ cũng trông cậy nơi chính mình để xa lánh mọi chế độ đế quốc và trong việc thiết lập một trạng thái quốc tế mới, một sự liên đới Á châu cũng cần thiết như một sự liên đới Âu châu vậy.

"Điều này không có ý muốn nói là sẽ có một ngày nào đó hai sự đoàn kết này sẽ chống đối lẫn nhau. Điều này chỉ muốn nói một cách giản dị là các dân tộc châu Á một khi đã được các quốc gia Tây phương hoàn thành việc giúp đỡ họ xây dựng hòa bình, tôi nói rằng một khi mà hòa bình đã vãn hồi, các dân tộc Á châu không thể sẽ là gánh nặng cho kẻ khác, mà trái lại họ phải nhớ nằm lòng là họ phải tự bảo vệ mạng sống của họ bằng những phương tiện riêng của họ. Điều đó, ít nhất cũng là tham vọng của Việt Nam và dù cho có phải chịu nhiều thăng trầm cực nhọc họ vẫn tự hào là không lúc nào để nhụt chí. Nhưng một dân tộc độc lập phải là một dân tộc tự hào và cũng bởi sự tự hào, theo chúng tôi, có cái giá, giá đó tuy không thể nào bằng sự tự hào của Nhật Bản nhưng chúng tôi tới đây để yêu cầu được chữ ký của 51 quốc gia hội viên của Hội nghị này mà tái lập lại một đời sống quốc gia xứng đáng và tự hào.
 Tuy nhiên nếu dự thảo hiệp ước này đòi hỏi thẳng thắn cái quyền đền bồi lại tất cả những thiệt hại mà chính Nhật Bản hoặc là tác giả, hoặc ngẫu nhiên đã gây ra, những đền bù được dự liệu bằng các cung cấp dịch vụ, trong trường hợp của Việt Nam mà không được đền bồi bằng những nguyên liệu, thì chắc chắn sẽ chẳng có kết quả gì cả. Tất cả mọi thứ Việt Nam, cũng cần như Nhật Bản, một số trợ giúp quan trọng để tái tạo nền kinh tế của mình. Từ đó, nếu nhận những đền bù chánh yếu bằng những cung cấp dịch vụ thì chẳng khác nào như là đi tín nhiệm mọi thứ tiền không thể lưu hành ở xứ mình.
 
Chúng tôi vì vậy sẽ phải đòi hỏi nghiên cứu lại các phương thức bồi hoàn hữu hiệu hơn và nhất là chúng tôi phải tính, ngoại trừ những phương tiện tạm thời, tới một sự bồi thường chính thức vào cái ngày mà chúng tôi ước mong là sẽ rất gần, cái ngày mà nền kinh tế của Nhật Bản sẽ được phục hưng để họ có thể đương đầu với tất cả mọi bắt buộc.

Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”.

(Trích trong France-Asia, số 66-67, tháng 11-12 1951)

(64) Các nước tham dự bao gồm:

(65) Toàn bản văn đăng trong People’s China, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr.4.

(66) People’s China, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr.4.

(67) Xem bài “Review of International Situation” đăng trong President Chiang Kai Shek’s selected speeches and messages in 1955, do China Publishing Co. xuất bản tại Đài Bắc năm 1956, tr. 22. Đông Tam Tỉnh nói ở đây là danh xưng người Trung Hoa vẫn dùng để gọi Mãn Châu.

(68) Ngày 29-6-1950, Pháp chính thức công nhận Quốc gia Việt Nam là thành viên của khối Liên hiệp Pháp.

(69) Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt-Trung về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an, Hà Nội, 1995, trang 105.

(70) Tuyên bố trong một buổi họp báo tại Hà Nội ngày 2/12/1992, được loan tải bởi Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 3/12/1992.

(71) BBC Vietnamese.com ngày 18/09/2008. Bài “Trung Quốc xuyên tạc cử chỉ hữu nghị”.

(72) www.fmprc.gov.cn, ngày 17/11/2000


(74) Trích và lược dịch từ nguồn: Paracels Forum - The Discussion Proceeds For Peace
(75) http://www.law.fsu.edu/library/collection/limitsinseas/ls043.pdf
(76) Monique Chemillier-Gendreau: La souveraineté sur les Paracels et Spratleys. L’Harmatan, Paris, 1996, Sđd, tr. 123

(77) Điều 4 của Hiệp định Geneve ngày 21-7-1954:

Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển.

Lực lượng Liên hiệp Pháp sẽ rút khỏi các hải đảo ven bờ biển thuộc phía Bắc giới tuyến ấy, Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam.

Điều 24 của Hiệp định Geneve ngày 21-7-1954:

Hiệp định này áp dụng cho tất cả mọi lực lượng vũ trang của đôi bên. Lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ phải tôn trọng khu phi quân sự và lãnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát quân sự của bên kia và sẽ không có hành động hoặc hoạt động gì chống bên kia, hoặc một hoạt động phong tỏa bất cứ bằng cách nào ở Việt Nam.

Danh từ “lãnh thổ” nói đây bao gồm cả hải phận và không phận.

Điều 12 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve ngày 21-7-1954:

“Trong quan hệ với Cao – Miên, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào nội trị của những nước đó”.

Thành phần tham dự Hội nghị Geneve:

• Phái đoàn Anh, do Anthony Eden làm trưởng đoàn.

• Phái đoàn Hoa Kỳ, do Bedell Smith làm trưởng đoàn.

• Phái đoàn Liên bang Xô Viết, do Viacheslav Molotov làm trưởng đoàn.

• Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn.

• Phái đoàn Pháp, do Georges Bidault làm trưởng đoàn.

• Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

• Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau Trần Văn Đỗ thay thế.

• Phái đoàn Lào, do Phumi Sananikone làm trưởng đoàn.

• Phái đoàn Campuchia, do Tep Than, làm trưởng đoàn.

(78)
Từ Đặng Minh Thu, Chủ quyền trên hai quần đảo. Hoàng Sa và Trường Sa. Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc (Tham luận của tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu đọc tại hội thảo "Vấn đề tranh chấp biển Đông" tổ chức ở New York (Mỹ) ngày 15 và 16-8-1998. Tham luận đã đăng trên tạp chí Thời Đại Mới 7-2007).

(79) Bài viết được đăng trên tờ Việt Weekly ấn bản ngày 27/12/2007

(80) Từ ngày 6 đến 8 tháng 6 năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là nòng cốt, cùng với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, đã lập ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đối chọi với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ cách mạng lâm thời do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, và Hội đồng cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. Chính phủ cách mạng lâm thời đã được các nước theo phe XHCN và một số nước thuộc Thế giới thứ ba công nhận. Ngay trong tháng 6 năm 1969, cho đến ngày 5 tháng 11 năm 1975 đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có 21 nước đã quan hệ ngoại giao.
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cùng với Chính phủ Cách mạng Lâm thời được chính thức công nhận là một chính quyền tại Nam Việt Nam và là một trong 4 bên tham gia hiệp định.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao Động Việt Nam, từ ngày 15 đến 21 tháng 11 năm 1975, hội nghị hiệp thương chính trị được tổ chức để tiến tới thống nhất về mặt nhà nước. Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Trường Chinh đứng đầu, đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Phạm Hùng đứng đầu. Hội nghị đã tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội thống nhất.
Ngày 25 tháng 4 năm 1976 tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức. Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, đặt tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xác định Thủ đô, bầu chính phủ. Từ đây, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chính thức hợp nhất với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ra đời chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của một quốc gia Việt Nam thống nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét