Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012
Múi Giờ Việt Nam Qua Các Giai Đoạn
Link: http://baoloc.us/diendan/showthread.php?t=2607&page=1
Như ta biết, ở Việt Nam cũng như một số nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản...) người ta dùng cả hai thứ lịch tính ngày tháng trong năm.
DƯƠNG LỊCH VÀ ÂM LỊCH
Dương lịch, còn gọi là Tây lịch Grégoire, được truyền sang Việt Nam vào thời các cố đạo Thiên Chúa phương Tây đến truyền giáo và chính thức trên giấy tờ từ lúc Pháp đặt nền cai trị.
Âm lịch, còn gọi là lịch ta (nông lịch), nhà Minh Trung Hoa theo chân sự đô hộ lâu đời của Trung Hoa đã du nhập sớm vào nước ta từ trước. Các vương triều đều dùng lịch này để ghi sử, chiếu chỉ, bản văn... đến nay ta vẫn còn dùng trong các đền, chùa (rằm/mồng một=sóc/vọng) các dịp lễ quan, hôn, tang tế, trên các lá số tử vi và nhất là để... ăn tết.
Ta biết dương lịch tính theo sự vận hành của quả đất quay quanh mặt trời, thành năm, chia mùa, tháng. Năm gồm 365 ngày 2422 (hay gần 1/4 ngày). Mỗi tháng có 30-31 ngày. Riêng tháng 2 chỉ 28 ngày. Với số dư gần 1/4 ngày cứ 4 năm (gồm những năm chia chẳn cho 4) tháng 2 có 29 ngày. Với số thiếu của một 1/4 ngày (hay 0,0078 ngày) trong một năm, lâu năm tích tụ lại trở thành một số lớn bằng 1 ngày. Do đó trong 400 năm, như nói ở trên, sẽ có 100 ngày nhuận 29/2, nhưng chính xác chỉ có 97 ngày nhuận thôi. Vì vậy những năm có 2 số 0 sau cùng (1800-1900...) sẽ không có ngày nhuận trong tháng 2. Với cách tính đó, sau 400 năm chỉ sai 0,0003 ngày hay 25 giây 9 sao.
Âm lịch thì tính theo sự chuyển động của mặt trăng. Một chu kỳ trăng tròn, trăng khuyết tính 1 tháng gồm 29 ngày 13 giờ. Có thể đây là cách tính của nhân loại vào sơ khai. Mỗi tháng 29-30 ngày (tháng thiếu, tháng đủ) và một năm chỉ có 354 ngày.
Người Trung Quốc xưa gọi đó là Hoa ịch hay vạn niên lịch. Việt nam gọi là hiệp kỷ lịch. Theo ý kiến học giả Đào Trinh Thất thì phải gọi đây là Âm dương hiệp lịch. Bởi âm lịch (lịch ta) không chỉ theo tuần trăng (âm) mà còn căn cứ vào sự vận chuyển của mặt trời (dương) mà lập thành. Do đó cứ 3 năm, có một tháng nhuận để phù hợp với lần quay của trái đất quanh mặt trời. Chúng ta còn thấy rõ trong 24 tiết của lịch ta như thanh minh, đại hàn, xuân phân, đông chí... đều trùng hợp với ngày dương lịch mỗi năm. (Thanh minh thường là̀ ngày 5/4 dương lịch, hạ chí 21/6, thu phân 23/9, đông chí 22/12 dương lịch...).
Năm 1994 (Giáp Tuất) lập xuân vào ngày 24/12 (24 chạp âm), thanh minh 5/4 (25/2 âm).
Hai thứ lịch trên có điều chưa hợp lý .
Như lịch ta (nông lịch) có số ngày ít, phải thên một tháng nhuận trong 3 năm, thời tiết sai lệch bởi đã nhuận hay chưa nhuận.
Lịch Tây có những bất tiện sau:
a/ Mỗi tháng có số ngày chênh lệch nhiều (từ 28-31 ngày).
b/ Mỗi tháng có 4 hoặc 5 chủ nhật.
c/ Mỗi năm bắt đầu vào một ngày khác của tuần lễ.
Vì thế, Liên hiệp quốc đã thành lập một ủy ban nghiên cứu về lịch, do bà Elisabeth Achotis làm chủ tịch. Đã có hơn 500 dự án cải cách lịch. Ủy ban đã cứu xét và chấp thuận một mẫu lịch gọi là Tứ quý bình phân (có nghĩa là bốn quý bằng nhau về số ngày).
Lịch này đại khái mỗi năm vẫn chia làm 12 tháng, 4 quý, 365 ngày. Mỗi quý 3 tháng gồm 91 ngày bằng nhau : Tháng đầu quý có 31 ngày 2 tháng sau có 30 ngày.
Đặc biệt ngày mỗi đầu quý (tháng 1, 4, 7, 10) đều là ngày chủ nhật, Vì vậy đầu năm đúng vào ngày chủ nhật.
Mỗi quý có 13 tuần lễ. Cứ cuối năm sẽ có một ngày đặt biệt,lấy tên là "ngày W" xem như ngày giao thừa để chuẩn bị năm mới, ăn tết, những năm nhuận (4 năm/ lần) gồm 366 ngày, thêm vào một "ngày W" nữa vào tháng cuối tháng 6. Những ngày này không mang thứ của tuần lễ.
Dùng lịch này sẽ tiện lợi là năm nào cũng sẽ giống nhau, không khác nhau ngày, thứ, tháng, quý ...
Nhưng dự án này có lẽ gặp khó khăn nên chưa được áp dụng chung cho thế giới.
MÙA XUÂN ĐẾN TỪ LÚC NÀO? NÊN CÚNG RƯỚC GIAO THỪA VÀO GIỜ NÀO?
Có người cho rằng khi đến ngày lập xuân đã bước vào mùa xuân rồi. Ngày lập xuân thỉnh thoảng có rơi đúng vào ngày mồng một tết Nguyên đán một số ít ngày. Ta thấy trong cả thế kỷ XX, chỉ có 2 lần lập xuân đúng vào ngày tết ta như :
* Tết nguyên đán năm Quý Mùi 4/2/43 =mồng một tết (lập xuân).
* Tết nguyên đán năm Nhâm Thân 4/2/92=mồng một tết (lập xuân).
Ta thấy nhiều tết cách trước hoặc sau tiết lập xuân một số ngày, như:
* Tết nguyên đán năm 1993 (Quý Dậu): 23/1/93 - lập xuân ngày 4/2/93 (nhằm 13/1 Quí Dậu).
* Tết nguyên đán năm 1994 (Giáp Tuất): 10/2/94 - lập xuân ngày 4/2/94 (nhằm 24/12 Quý Dậu).
* Tết nguyên đán năm 1995 (Ất Hợi): 31/1/95 - lập xuân ngày... 2/95 (nhằm...).
Người ta đề nghị nên lấy ngày lập xuân của trời đất làm ngày tết của con người để Thiên - Địa - Nhân - hòa hợp. Ta biết nhiều nước trên thế giới, kể cả nước bạn láng giềng Campuchia, Lào đều ăn tết vào những ngày khác với ta và Tây. Thậm chí, dân tộc Chăm trong nước ta cũng có hai tết khác nhau giữa người Chăm Hồi giáo và Chăm Bà Ni.
Cũng đã có người đưa ý kiến là thường người ta đón giao thừa vào lúc 24 giờ (0 giờ hay 12 giờ đêm) là chưa đúng với sự vận chuyển âm dương của giờ khắc đêm hết sang ngày mới, và đề nghị nên đón giao thừa (giao=trao đổi; thừa = tiếp nối) vào đầu giờ Tý tức vào lúc 23 giờ đêm trừ tịch. Giờ Tý là đầu 12 chi và là giờ đầu của một ngày mới (nguyên đán).
GIỜ KHẮC VIỆT NAM QUA NHIỀU BIẾN ĐỔI
Chúng ta biết từ lâu, giờ được quốc tế thừa nhận dựa theo kinh tuyến 0 là múi giờ (thời đại) khởi điểm GMT (Greenwich mean time = giờ quốc tế = giờ lấy kinh tuyến chạy ngang qua thành phố Greenwich nước Anh làm gốc). Quả đất dựa theo kinh tuyến, được chia làm 24 múi giờ.
Ở Việt Nam múi giờ quốc tế GMT+7. Với những chiếc đồng hồ do người phương Tây du nhập vào Việt Nam thế kỷ trước, đều theo cách tính ấy. Khi đồng hồ chỉ 7 giờ là ở ta mặt trời đã mọc lên 1 sào (theo cách nói của người xưa).
Thời thuộc Pháp, nước ta vẫn giữ giờ quốc tế ấy (GMT+7). Bấy giờ mặt trời vừa mọc tại Việt Nam, quãng 6 giờ sáng. Khi Nhật xâm lược Đông Dương, bắt đầu có sự thay đổi 1 rồi 2 giờ trong ngày:
1/ Kể từ khuya 31/12/1942 rạng 1/1/1943, giờ Việt Nam (đã dùng từ thời thuộc Pháp = GMT+7) phải kéo đồng hồ lên thêm 1 giờ. Vậy là GMT+8. Mặt trời vừa mọc là đã 7 giờ. Giờ ngọ (đứng bóng) không còn là 11 giờ đến 13 giờ nữa, mà là từ 12 giờ đến 14.
2/ Kể từ khuya 31/3/1945 rạng 1/4/1945 lại tăng thêm một giờ nữa. Tức GMT+9. Mặt trời vừa mọc là đã 8 giờ, giờ ngọ từ 13 đến 15 giờ.
Người ta biết Nhật cưỡng ép tăng 2 lần 2 giờ là để phù hợp với múi giờ của nước Nhật (GMT+9), quan lính Nhật sang Đông Dương khỏi phải điều chỉnh đồng hồ đang dùng.
3/ Kể từ 19/8/1945, giờ Việt Nam trở lại như cũ (GMT+7).
4/ Ở miền Nam Việt Nam, khi quân Mỹ đổ sang, kể từ khuya 31/12/1959 rạng 1/1/1960, giờ của miền Nam Việt Nam bị kéo lên thêm 1 giờ. Tức GMT+8.
Mặt trời vừa lên đã là 7 giờ sáng. Giờ ngọ là 12 đến 14 giờ. Mỹ làm thế là để phù hợp với cái đồng hồ chỉ giờ (gồm 12 số) tại nước Mỹ, cách Việt Nam 11 múi giờ. Khi được kéo lên thêm 1 giờ thì đồng hồ ta chỉ 8 giờ thì ở Mỹ là 20 giờ, kim trên mặt đồng hồ ở Washington chỉ số 8. Tức ở miền Nam Việt Nam 8 giờ sáng (đã kéo thêm 1 giờ) là 8 giờ tối của thủ đô Mỹ.
5/ Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ 1/5/1975 giờ Việt Nam (Đông Dương) trở lại đúng GMT+7 (ngày 13/6/1975 có thông báo của Nhà nước thống nhất cả nước dùng giờ Đông Dương theo múi giờ GMT+7; nhưng đã thay đổi giờ ngay sau ngày giải phóng).
Người xưa, trên văn bản cũng như bói toán, chia ngày đêm làm 12 giờ dựa theo thập nhị chi (12 con giáp) có tương ứng với giờ GMT+7 bắt đầu một ngày mới như sau:
Giờ Tý = 23 giờ (+ tíc tắc) đến 1 giờ
Sửu = 1 giờ (+ tíc tắc) đến 3 giờ
Dần = 3 giờ (+ tíc tắc) đến 5 giờ
Mẹo = 5 giờ (+ tíc tắc) đến 7 giờ
Thìn = 7 giờ (+ tíc tắc) đến 9 giờ
Tỵ = 9 giờ (+ tíc tắc) đến 11 giờ
Ngọ = 11 giờ (+ tíc tắc) đến 13 giờ
Mùi = 13 giờ (+ tíc tắc) đến 15 giờ
Thân = 15 giờ (+ tíc tắc) đến 17 giờ
Dậu = 17 giờ (+ tíc tắc) đến 19 giờ
Tuất = 19 giờ (+ tíc tắc) đến 21 giờ
Hợi = 21 giờ (+ tíc tắc) đến 23 giờ.
Như thế, một người ra đời khoảng 1/4/1945
đến 19/8/1945 vào lúc 12 giờ trưa theo giấy khai sinh đã ghi sẽ không
phải thuộc giữa giờ ngọ như hiện nay, mà muốn lấy số tử vi cho đúng
phải kể là giờ tỵ (9 giờ 11 giờ chớ không phải 12 đến 14 giờ).
Theo Kiến Thức Ngày Nay
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét