Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

ĐINH KIM PHÚC : PHẢN BIỆN QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ TRUNG QUỐC VỀ CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA-TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM (2)


ĐINH KIM PHÚC
1. Tư duy biển cả của Trung Quốc
Giới hạn cương vực vùng Hoa Nam của Trung Quốc
Bộ Hải ngoại Ký sự của nhà sư Thích Đại Sán đã được nhiều người biết đến khi nghiên cứu quan hệ quốc tế của Đại Việt vào thế kỷ XV-XVII. Tác giả là một nhà sư đời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa dưới triều Nguyễn Phúc Chu ngày 13/3/1695 và rời chùa Thiền Lâm vào Hội An để về Quảng Đông ngày 7/8/1695.
Đọc các đoạn văn tại quyển III của Hải ngoại Ký sự, chúng ta có thể nhận thấy rằng trong thế kỷ XVII chủ quyền VN trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được quản lý dưới nhiều hình thức khác nhau:
“Khách có người bảo mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước và sau ngày lập Thu. Chừng ấy gió Tây Nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4,5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn.
Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía Đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn.
Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; Động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cắt khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn lý Trường Sa”, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; Nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi.
Khoảng cách đến Đại Việt là bảy canh đường, bảy canh bằng khoảng 700 dặm. Các quốc vương thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào.
Mùa thu nước dòng cạn rút về hướng Đông bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm, gặp khi gió mạnh, càng sợ gặp hiểm hoạ Trường Sa.(5)
Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc.
Những dữ liệu kể trên chúng tôi thấy phù hợp với tất cả các bản đồ mà các nhà hàng hải phương Tây và kể cả bản đồ của Trung Quốc đương thời đã miêu tả cương vực vùng Hoa Nam của Trung Quốc từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX.


Bản đồ 1:


              Bản đồ Trung Quốc năm 1625 của Samuel Purchas
[Ấn tượng sâu đậm về bản đồ Trung Quốc của ông Purchas, bản đồ được nhiều người xem như là bản đồ đầu tiên của Trung Quốc xuất bản ở châu Âu, bắt nguồn trực tiếp từ các nguồn ở Trung Quốc.
Bản đồ hiếm hoi bằng tiếng Anh và quan trọng xuất hiện rất sớm này là mô hình cho các bản đồ sau này của De Bry và Semedo. Nó được xuất bản lần đầu tiên trong Purchas his Pilgrimes, bộ sưu tập các tác phẩm du lịch, dựa trên công việc của nhà địa lý nổi tiếng, ông Richard Hakluyt (1552-1616). Purchas đã ghi lại rằng bản đồ của ông ban đầu dựa vào bản đồ Trung Quốc, ghi lại bởi Captain Saris, một thương gia người Anh tại cảng Bantam  (Indonesia). Có thể bản đồ Trung Quốc này là “Cao Map” năm 1593, bản đồ mà hiện tại chỉ có một bản duy nhất làm ví dụ. Các hình vuông và hình tròn mô tả các thành phố và các khu định cư. Các tỉnh của Trung Quốc được đánh dấu và ranh giới cho thấy, có lẽ lần đầu tiên nó có trên bản đồ phương Tây. Lưu ý rằng Macau và Quảng Châu đều được đặt tên. Các họa tiết ở các góc đã vẽ Matteo Ricci và một cặp vợ chồng Trung Quốc].
Bản đồ 2:


China Veteribus Sinarumregio nunc Incolis Tame dieta năm 1636 của Hondius,
Jodocus & Jansson, Jan
[Một bản đồ khu vực thanh lịch được chạm khắc với phần phía đông của Trung Quốc (phía tây bắc giáp ranh với Vạn Lý Tường Thành) trong đó có nhiều hồ lớn. Chaimay Lacus hư cấu cho thấy có nhiều con sông chảy về phía Nam vào Ấn Độ và Xiêm. Hàn Quốc được mô tả là một hòn đảo có hình dạng kỳ lạ ngăn cách với đất liền bằng một eo biển hẹp. Đài Loan nằm ở vị trí khá chính xác, cả hai được đặt tên là Pakan al I. Formosa và Tayoan. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn còn là một hòn đảo, và Nhật Bản gồm ba hòn đảo. Bản đồ được trang trí với nhiều con tàu châu Âu chạy bằng buồm và những chiếc thuyền tam bản của Trung Quốc, trang trí các khoảng cách cố định, và tiêu đề được vẽ hình xoắn ốc, hai bên là một người đàn ông và một người phụ nữ Trung Quốc. Dựa trên các cuộc điều tra của các thầy tu dòng Tên, bản đồ đại diện cho phiên bản chính tiếp theo trong bản đồ học của Trung Quốc, theo sau bản đồ Ortelius 1584].
Bản đồ 3:

Bản đồ Trung Quốc năm 1655 của Blaeu/Martini
[Bản đồ Trung Quốc do nhà xuất bản Blaeu phát hành, dựa trên dòng Tên Martini.Amsterdam phát hành lần đầu năm 1655. Kỹ thuật: khắc bằng đồng]


Bản đồ 4:

Bản đồ Trung Quốc năm 1781 của Bellin, J.N
[Bản đồ Trung Quốc với Hàn Quốc và Đài Loan. Tiêu đề trang trí theo hình xoắn ốc ở ba góc. Phát hành không phổ biến của Ý. Các thị xã, thành phố chính được thấy với một điểm màu đỏ (Hàn Quốc ở phía bắc với các khu định cư chính. Sông và núi cho thêm chi tiết địa hình). Đảo Hải Nam được tô màu xanh và là giới hạn phía Nam của Trung Quốc].


Bản đồ 5:

Bản đồ năm 1812 của Trung Quốc (mười tám tỉnh) của Arrowsmith và Lewis, được in ở Boston bởi Thomas & Andrews

[Mặc dù được vẽ từ năm 1812, bản đồ này không thể hiện chính xác Trung Quốc (mười tám tỉnh) vào năm 1812.

- Giang Nam, Hồ Quảng, và Sơn Tây đã bị phá vỡ hồi thế kỷ 17 thành Giang Tô và An Huy, Hồ Bắc và Hồ Nam, Cam Túc và Sơn Tây. Điều này không thể hiện trên bản đồ, mặc dù xảy ra trước đó khoảng 150 năm.
- Hải Nam và Đài Loan được thể hiện như là các tỉnh (có lẽ, vì màu sắc của nó khác nhau). Thực tế, Đài Loan đã là một tỉnh hồi năm 1885, hơn 70 năm sau khi bản đồ này đã được lập ra, trong khi Hải Nam trở thành một tỉnh hồi năm 1988, hơn 170 năm sau khi bản đồ này được lập].

Bản đồ 6:

Bản đồ Trung Quốc năm 1855 của J.H. Colton

Bản đồ 7:

Bản đồ Trung quốc năm 1910 (thời Nhà Thanh).
[Bản đồ rõ ràng không phải của Trung Quốc mà do người phương Tây vẽ về thời nhà Thanh, Trung đế quốc vào năm 1910 AD, một năm sau chủ quyền của Trung Quốc bị đe dọa và bị bao vây hơn 70 năm.
Trong Bản đồ năm 1910 này, được vẽ một năm trước khi hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, Tuyên Thống (còn có tên Aisin-Gioro Pu Yi) thoái vị và cuối cùng đã kết thúc giai đoạn lịch sử phong kiến Trung Quốc, Trung Quốc được vẽ với ranh giới và sự xác định nhỏ nhất. Đáng chú ý là vùng Đông Bắc (Mãn Châu), và Nội Mông, cả hai vùng lãnh thổ trên danh nghĩa do Trung Quốc kiểm soát và thuộc chủ quyền của Trung Quốc được vẽ như các khu vực riêng biệt].

(Nguồn: http://www.drben.net/files/China/ChinaMaps-ALL/Historic_Maps/Qing_Dynasty-1644-1911/_Ancient_Maps__Asia_-_Chinese_Empire_1910-S_op_800×611.jpg)

Bản đồ 8:

Bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc năm 1936 do "Sheng Bao" (nhà xuất bản của một tờ báo) xuất bản cũng đã thể hiện cực Nam của Trung Quốc cũng chỉ tới đảo Hải Nam.
(Nguồn: http://commons.wikimedia.org/wiki/File:China_old_map_1936.jpg)
Những luận cứ và luận chứng kể trên càng được củng cố hơn khi tác chúng tôi phát hiện ra hàng loạt bản đồ cổ của Trung Quốc thì cương vực phía Nam của Trung Quốc cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Các học giả Trung Quốc lý giải ra sau về bằng chứng này?
Bản đồ 9:

Đường Đại Cương Vực Đồ (bản đồ Triều Đường)

[Bản đồ này là của Trung Hoa Dân Quốc ấn hành dùng để giảng dạy trong nhà trường (!)]

Bản đồ 10:

Bản đồ đời Tống vẽ trên đá

(Đây là bản đồ Trung Quốc “Vũ Tích Đồ” [Yu Ji Tu] (bản đồ về dấu tích của vua Vũ/ Đại Vũ). Bản đồ này được khắc vào đá vào năm 1137 thời nhà Tống đặt tại khu Bi Lâm (vườn sưu tập Bia cổ) Tây An.  Đại Vũ là vị vua trong thần thoại Trung Quốc ở thế kỷ thứ V tr.CN , được nhắc đến trong thiên Vũ Cống (là phần viết về địa lý trong Kinh Thư), 1 chương trong Lịch sử Cổ đại. Needham & Chavannes khẳng định rằng bản đồ gốc phải được hình thành vào thế kỷ XII.

Mỗi ô vuông trên bản đồ tượng trưng cho100 li (đơn vị đo lường cổ của Trung Hoa). Bản đồ có diện tích tổng thể là 3 feets vuông.Đường viền biển tương đối chính xác và độ chính xác của hệ thống sông ngòi thì cực kỳ chính xác. Không rõ danh tính những nhà địa lý và họa đồ viên khởi phát  làm nên tấm bản đồ này.

Vào năm 1142, một bản sao của bản đồ được bảo tồn tại Trấn Giang (Zhenjiang), tỉnh Giang Tô (Jiangsu) do một người tên  Du Trì [Yu Chi], lúc ấy là Giáo học phủ Trấn Giang. Cũng có nhắc đến một bản sao trước đó vào khoảng năm 1100, dựa trên phiên bản Chang’an. Needham xác định rằng bản đồ được sử dụng chủ yếu để dạy học sinh về các khu vực được mô tả trong thiên Vũ Cống [Yu Gong ] của Lịch sử Cổ đại Trung Quốc.

Ảnh này được Pericles của Athens chụp từ Khoa học & văn minh Trung Hoa của tác giả Joseph Needham: Chương 13, Mathematics and the Sciences of the Heavens and the Earth (Toán học & Khoa học của Thiên đường & trái đất), trang PLATE LXXXI, trang 547-549).


Bản đồ 11:


Đại Minh Hỗn nhất đồ, được vẽ trên vải lụa vào năm 1389, nhưng với chú thích bằng tiếng Mãn Châu được viết trên giấy gió dán chồng lên bản đồ này nhiều thế kỷ sau đó.
 Đây là bản đồ Trung Quốc cổ nhất còn sót lại.
“Tam Bảo Thái giám hạ Tây Dương”
Với những luận chứng như đã kể trên, tính xác thực trong những chuyến hải trình chinh phục biển cả trong lịch sử Trung Quốc nhất là của Trịnh Hòa “Tam Bảo Thái giám hạ Tây Dương” cần phải được xem xét lại một cách khoa học và nghiêm túc.
Đầu tiên có thể nói rằng, những chuyến đi của Trịnh Hòa không phải là để chinh phục biển cả cũng như không phải để củng cố hay xác lập chủ quyền trên các nơi mà ông ta đã đi qua như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn độ… huống chỉ là những quần đảo rải rác trên biển Đông mà các nhà khoa học của Trung Quốc thường nhấn mạnh!
Bản đồ 12:

Hành trình của Trịnh Hòa
Sử liệu của những chuyến “Tây Dương” đã bị bị làm sai lệch bởi các học giả Trung Quốc hiện nay nhằm gây ấn tượng rằng ở thế kỷ XV, Trung Quốc đã từng thám hiểm mặt biển không thua kém gì các quốc gia Âu Châu thời kỳ tiền tư bản và coi cuộc thám hiểm của Trịnh Hòa có tầm vóc ngang hàng với Columbus.
7 chuyến hải du của Trịnh Hòa đã đưa ra một minh chứng đầy ấn tượng về khả năng tổ chức và sức mạnh công nghệ của Trung Quốc lúc bấy giờ, nhưng đã không mở ra thời kỳ chính sách trọng thương cho đất nước này và cho cả thế giới cũng như không mở ra thời đại phát kiến địa lý (năm 1424 Minh Thành Tổ chết. Người kế nghiệp là hoàng đế Minh Nhân Tông (trị vì từ năm 1424 đến năm 1425), đã quyết định hạn chế ảnh hưởng của nội cung. Trịnh Hòa cũng đã thực hiện một chuyến đi nữa dưới thời trị vì của Minh Tuyên Tông (trị vì từ năm 1426 đến năm 1435), mở đường cho những cuộc di dân ồ ạt của người Hoa (Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông….) nhưng sau đó những chuyến tàu giao thương của người Trung Quốc đã chính thức chấm dứt. Nhà Minh bắt đầu chính sách bế quan tỏa cảng bằng chỉ dụ Hải cấm).
Nhưng có một điều chắc chắn, đó là các sự hỗ trợ của chính quyền cho hoạt động hàng hải đã suy giảm nghiêm trọng sau các chuyến đi của Trịnh Hòa. Từ đầu thế kỷ XV Trung Quốc đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các bộ lạc Mông Cổ mới trỗi dậy ở phía Bắc. Năm 1421 vua Minh Thành Tổ đã dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh như là một sự thừa nhận sự hiện hữu của mối đe dọa này cũng như là để gần với khu vực quyền lực của dòng họ này. Từ kinh đô mới ông có thể kiểm soát tốt hơn các cố gắng nhằm bảo vệ biên cương phía Bắc. Với phí tổn đáng kể, Trung Quốc hàng năm đều phải có các cuộc viễn chinh nhằm làm suy yếu người Mông Cổ. Các phí tổn cho các chiến dịch trên bộ này đã cạnh tranh trực tiếp với ngân sách cần thiết dành cho các chuyến thám hiểm hàng hải.Trong hoàn cảnh đó, ngân khố dành cho các chuyến thám hiểm hàng hải đơn giản là không còn nữa.
Nói một cách khác, không giống như các chuyến thám hiểm sau này của các quốc gia châu Âu, các tàu thuyền chở của cải của người Trung Quốc dường như bị hao hụt dần đến cạn kiệt sau các chuyến đi dài, do các chuyến đi này thiếu động cơ kinh tế. Chúng chủ yếu để làm tăng uy thế của hoàng đế và các chi phí cho chuyến đi cũng như tặng phẩm cho các vị vua chúa và sứ giả nước ngoài còn lớn hơn cả các món lợi thu được từ các cống phẩm. Vì thế khi tài chính của chính quyền nhà nước bị áp lực, thì các ngân quỹ dành cho các chuyến thám hiểm hàng hải không thể có nữa. Trái lại, vào thế kỷ XVI, phần lớn các chuyến thám hiểm của người châu Âu là có đủ lãi từ các hoạt động thương mại cũng như từ thành công trong việc xác lập một chế độ cai trị thuộc địa, sự chiếm đoạt các nguồn tài nguyên và đất của bản xứ đã có thể tự trang trải, cho phép họ có thể tiếp tục thám hiểm mà không liên quan nhiều đến ngân khố quốc gia.(6)
Tóm lại, tư duy biển của các nhà cầm quyền Trung Quốc từ thời Trung đại cho đến trước năm 1949 cũng chỉ là tư duy tập trung vào “nội địa”, đối phó với Mông Cổ và vùng Trung Á, xem biển là rào chắn thiên nhiên đối với bên ngoài, chỉ cần lệnh “Hải Cấm” là đủ vì vậy ý thức chủ quyền biển đảo của các chế độ ở Trung Hoa dừng lại đảo Hải Nam và không vượt quá hải đảo ven bờ cận duyên. Tư duy nầy đã phản ánh rõ nét khi chúng ta khảo sát các bản đồ của chính người Trung quốc vẽ (như bản đồ 8-9-10-11-13) ở trên, phù hợp với những bản đồ cổ của người phương Tây trong suốt thời gian tương ứng (xem bản đồ từ 1-7) . Hơn thế nữa, lãnh thổ của nước Trung Hoa ở theo sách lược phương Nam của Tôn Trung Sơn cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam như bản đồ dưới đây.
Bản đồ 13:

Bản đồ: “TÔN TRUNG SƠN TIÊN SINH kiến quốc PHƯƠNG LƯỢC ĐỒ”
(Nguồn: http://commons.wikimedia.org/wiki/File:%E5%AD%AB%E4%B8%AD%E5%B1%B1%E5%85%88%E7%94%9F%E5%BB%BA%E5%9C%8B%E6%96%B9%E7%95%A5%E5%9C%96.jpg)
[Tôn Dật Tiên, còn gọi là Tôn Văn hay Tôn Trung Sơn (12/11/1866 – 12/3/1925) là nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh nước Trung Hoa Dân Quốc. Ông đã nêu ra chủ thuyết “Tam dân” (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc). Ông được người Trung Hoa gọi yêu mến là “Quốc phụ Trung Hoa”].
Bản chất của chính sách Đại Minh đã được phân tích rõ: “Trong tình hình tài chính phủ phê, Vĩnh Lạc đế (nhà Minh) tích cực thúc đẩy chính sách vươn ra bên ngoài để chứng tỏ uy thế của mình, xem Trung Hoa là trung tâm của thế giới. Về mặt mậu dịch trên biển, Vĩnh Lạc đế đã kế thừa “Hải cấm chính sách” của Hồng Vũ đế không những ngăn cấm thương gia Trung Quốc ra bên ngoài mua bán mà còn cấm chỉ việc đóng tàu viễn dương, buộc những tàu đi biển khơi chuyển sang tàu chuyện chở đường thủy nội địa có cấu tạo bằng đáy ngang, Vĩnh lạc đế khống chế việc giao thương của thương nhân Trung Quốc nhưng lại mở rộng việc mậu dịch triều cống (7), ông ta liên tục gửi các đoàn sứ thần sang Triều Tiên,Việt Nam, Xiêm La, Chân Lạp, Java…Từ năm 1405 Vĩnh Lạc quyết tâm cho một đoàn tàu đi về Nam Hải với qui mô lớn chưa từng thấy và đã chọn Trịnh Hòa, vốn là người theo đạo Hồi vượt đại dương tất cả 7 lần, dài 10 vạn hải lí với số tùy tùng, phục dịch trên 27.000 người/lần trong suốt 28 năm”. (8)
Tất cả điều nầy cho thấy chủ thuyết “Hán-di” (tư tưởng lấy nước Trung Hoa là trung tâm và các chư hầu chung quanh là man di mọi rợ) đã hình thành sau khi Nhà Minh chinh phục được Mông Cổ ở phương bắc và Việt Nam ở phương Nam.
Ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc  ngày nay cố tình nhấn mạnh tên tuổi của Trịnh Hòa còn có giá trị khác phù hợp với ý chí của Trung Quốc hiện đại: “Trịnh Hòa từng khoanh vùng ở Đông Nam Á và Trung Quốc đã từng vươn ra các châu lục”(!).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét