Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

FB Tony Buổi Sáng: TRỜI KHÔNG SINH CỎ

 Trời không sinh cỏ

1. Năm 2007, tui sang Hà Lan học 1 khoá ngắn hạn về nông nghiệp, qua nhà bạn chơi thấy cây táo rụng đầy gốc thì hái đem vô rửa sạch để trên bàn. Tui nói không phân không thuốc, trồng tự nhiên, mời mọi người ăn. Anh Maik bạn tui nói, oh, cái này không ăn được, nó không được trồng để ăn, có thể có vi khuẩn, có sâu, có nấm, chim trời mang đầy mầm bệnh. Táo để ăn phải trồng ở farm chuyên nghiệp, có quy trình nhật ký ghi chép việc sử dụng thuốc, dùng phân, cách ly thời gian sao cho hết phân hết thuốc, rồi rửa sục trong nước có pha hoá chất bảo quản, có chiếu xạ để chết giòi bọ, có máy phân loại để loại bỏ trái xấu. Ai có tiền thì ăn trái cây hữu cơ, organic, phải dùng tay bọc màng từng trái từ lúc nhỏ, hoặc trong nhà kính kín mít, khi hái xong cũng phải sục rửa sạch sẽ, soi rọi từng trái, quy trình nghiêm ngặt, đắt gấp chục lần. Còn lại, mày thấy đó, cam táo lê đầy vườn, nhưng là để decor cho đẹp.

Sau sang Mỹ, Nhật, Israel, Ý..., đi trên đường phố, tui thấy những cây cam cây lựu sai quả nhưng không ai hái. Tui có nhiều bạn là những chủ farm lớn, họ nuôi gà là cho vui, khách tới không có bắt thịt, khi ăn thì vô siêu thị mua trứng mua gà đã tiệt trùng xếp trong khay. Nhiều nơi, thịt phải đông lạnh 1 thời gian đúng chuẩn mới được đem bán, họ không cho bán thịt nóng. Những con vật trong tự nhiên mang đầy mầm bệnh, do vậy thế hệ xưa tuổi thọ rất thấp, thời săn bắn hái lượm càng thấp, 60 đã là thọ. Bây giờ nước nào tuổi thọ người dân cũng bảy mấy, rõ ràng là do lợi ích của khoa học. Mấy trái cây vườn nhà, dơi chuột chim đến ăn, mà mấy con này có thể mang bao nhiêu vi khuẩn. Trứng gà còn lông còn phân, ham mua về nhét vô tủ lạnh thì thành ổ bệnh. Nên dùng hàng hoá đã xử lý bài bản. Phát minh khoa học ra là để áp dụng cho cuộc sống an toàn hơn. Qua VN tui đãi, họ hỏi this is from nature or from farming, nghe from farming thì mới ăn. Tui thấy hợp lý. 

2. Đầu những năm 2000, tui đang ở Hongkong. Hongkong lúc đó cũng như Việt Nam bây giờ, sau thời gian phát triển thì có một nhóm người chuyển sang cả ngày nói chuyện đạo lý như bảo vệ môi trường, nói không với nhựa, nói không với hoá chất, sống thuần tự nhiên, chữa bệnh cũng ngồi thiền cho khỏi chứ không uống thuốc. Họ đi làm cũng đi bộ vì nói không với xăng dầu. Tui vô nhóm này sinh hoạt vào chiều cuối tuần vì thấy hay hay. Nhưng thầy tui thì la tui, ổng nói mấy người này thuộc dạng a kind of extremism, 1 dạng cực đoan, cái gì cũng có cái tốt, cái xấu, do hiểu chưa tới. Nghe lời thầy nên tui lên hội xin nghỉ. Bữa đó, hội làm bánh để tới trung thu (tuần sau) thì đi tặng các viện dưỡng lão nghèo (bên đó có viện dưỡng lão cho người giàu, trả tiền như khách sạn bệnh viện 5 sao và viện dưỡng lão cho người nghèo, nhà nước và nhà hảo tâm tài trợ).

Đêm trung thu ở Hongkong vui lắm, nhất là khu Victoria Park. Về tắm rửa chuẩn bị ngủ thì ĐT ting ting, trưởng nhóm kêu đi họp khẩn (ở Hongkong người ta sống về đêm, có thể gặp nhau bất cứ lúc nào). Tui không đi vì không còn trong nhóm. Sáng hôm sau, lên công ty ngồi cà phê đọc báo thì thấy hình ảnh nhóm từ thiện này lên trang nhất, bánh trung thu của họ tặng gây ngộ độc hàng loạt, nhiều cụ già đi cấp cứu, một số nguy kịch, sau có tử vong. Sau điều tra mới biết là vì trong bánh do không bỏ chất bảo quản, không có chất gì có thể ức chế vi khuẩn, nấm mốc, nấm men. Đậu phộng nấu xong mà để cả tuần xong mới đem ăn, thường trong đó sẽ tự lên mốc gì độc lắm, nếu có chất bảo quản như Sorbic hay Benzoate thì mới ức chế được. Nguyên team từ thiện đó bị cảnh sát điều tra. Chiều đó, thầy tui chỉ nói vậy, tụi mày tưởng là thiện mà thật ra là ác, thiện không đúng chỗ, thiện sai phương pháp, ai hiểu biết nhỏ nhoi mà còn cực đoan thì hại mình hại người. Chất bảo quản thực phẩm, người ta phát minh ra là để sử dụng, miễn trong liều lượng theo quy định thì nó sẽ phân huỷ theo hạn sử dụng trên nhãn. Tức hết hạn thì chất bảo quản giảm xuống bằng 0, bắt đầu sinh khí, sinh nấm, sinh vi khuẩn. Tụi mày đừng có tào lao nữa. Có tặng người ta thì lấy loại bánh có nhãn mác bao bì, nhà máy này nọ. Handmade nếu mày tin thì mày tự ăn đi, đừng bán, đừng tặng, đừng có giết người. Đã ra thị trường, mua bán cho tặng người khác là phải đầy đủ chất bảo quản chuyên cho thực phẩm, tiệt trùng cẩn thận, có nhãn mác bao bì đăng ký công bố chịu trách nhiệm pháp lý đàng hoàng. Tới giờ, tui không ăn cái homemade handmade gì hết, chị nội trợ nào đó làm trong hẻm, có trách nhiệm gì đâu. Viết ra biết là cộng đồng người bán mấy cái này sẽ giận và phản đối, nhưng thực tế là vậy. Nếu đã bán ra thị trường, cần phải mở xưởng, chịu trách nhiệm pháp lý đàng hoàng. 

* Mình cũng đến lúc có nhận thức mới. Ăn uống nên mua loại có đóng gói bao bì, có date sử dụng, có thương hiệu. Nông sản thì từ farm uy tín, phân phối trong các siêu thị hay cửa hàng lớn, có chuẩn VietGap GlobalGap, nguồn gốc truy xuất được. Nông nghiệp manh mún, nhỏ xíu, hộ gia đình sẽ từ từ không phù hợp nữa. Ai chuyên thì gom đất thành thửa lớn và làm lớn. Tiêu thụ nông sản thương mại sẽ giúp các farm mở rộng quy mô lên hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Nhiều người sẽ rút lui khỏi nông nghiệp để dồn đất cho người khác làm nông nghiệp lớn. Xu thế phát triển nó như vậy, không khác được. 

**Trồng trọt ở nước nhiệt đới ẩm thì sâu bướm nhiều, chỉ có các farm lớn, xa nơi dân cư thì mới áp dụng. Chuyện hữu cơ là chuyện còn rất lâu nữa mới đại trà được, cây táo của ông Kimura là chuyện hoang đường, cứ làm farm để tự nhiên thử xem, 1 đêm không còn 1 chiếc lá. Người Nhật người Bắc Âu tối giản hay hữu cơ này nọ là do họ đã phát triển quá rồi, XH họ đã lên tầm cao quá rồi, giàu có quá rồi. Mình trình độ phát triển thấp mà cũng bắt chước tối giản hay hữu cơ thì thành câu chuyện của Sri Lanca, bắt chước hữu cơ nên hàng hoá không có, lạm phát, đói và khổ. 

*** Nuôi con này con kia để giết ăn vào đám giỗ hay lễ Tết, cũng đã đến lúc phải nghĩ lại, máu động vật chảy xuống ao hồ ruồi nhặng sẽ là nguồn lây lan dịch bệnh nguy hiểm. Nên có quy định giết thịt là phải từ lò mổ chuyên nghiệp, có kiểm soát kỹ máu và chất thải, rửa clorin xong đóng hộp bảo quản lạnh đúng nhiệt độ an toàn. Ví dụ mật ong, chỉ nên ăn mật ong nuôi, mật rừng tự nhiên là ngôi nhà của bầy ong trong rừng, khai thác mật là phá tổ của nó. Cá biển bây giờ cũng vậy, phải có hướng nuôi biển thay vì đánh bắt. Loài người từ 1 tỷ lên 8 tỷ, phải có nhận thức khác chứ không thể "trời sinh voi sinh cỏ". Voi quá trời voi rồi mà đất dành cho cỏ càng ngày càng ít. Nên phải có nhận thức khác. 

****Nếu đã chọn sống thuận tự nhiên, thì để cho tự nhiên được cân bằng, cá sông cá biển động vật hoang dã cây cỏ mọc hoang quyền được sống. Chứ sao lại lấy cây trồng vật nuôi trong tự nhiên để bản thân mình ăn uống mà bảo là thuận tự nhiên? Cái này là phá hoại tự nhiên đúng hơn. Muốn ăn gì, phải trồng phải nuôi.


Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

FB Hồ Phương Trinh: BÀI 2 - AI LÀM RA LŨ, HẠN?

MIỀN TÂY: VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ. 

BÀI 2: AI LÀM RA LŨ, HẠN?

Như bài trước đã nói, Miền Tây không có lũ mà chỉ có mùa nước nổi ba bốn tháng ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, gần biên giới trong địa phận các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Vùng tứ giác Long Xuyên là vùng sản xuất lúa chủ yếu của An Giang, mỗi năm làm hai vụ lúa, vì có mùa nước nổi nên không thể làm lúa vụ ba để tăng sản lượng lúa hơn nữa. 

Năm 1989 là năm đầu tiên sau 75 Việt Nam ta không còn lo thiếu đói mà đã có dư gạo để xuất khẩu. Từ đó ở trên cứ muốn xuất khẩu gạo nhiều, nhiều nữa, nhiều mãi. Thế là phải nghĩ cách làm lúa vụ ba ở vùng tứ giác Long Xuyên. Muốn làm lúa vụ ba thì phải không có mùa nước nổi, muốn triệt mùa nước nổi thì phải biến nó thành "lũ". Thế là đài báo thi nhau la lên: mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại abc xyz. Tới nỗi mà bạn bè tôi ở Sài Gòn, những năm ấy cứ tới mùa nước là hỏi thăm tôi ở An Giang có bị lũ cuốn chưa. Họ tưởng tượng ra rằng tôi hai tay ôm hai đứa con ngồi quặp chân vắt vẻo trên xà nhà giữa bốn bề nước ngập, chờ người tới cứu. Thực tế thì ngôi nhà tôi ở là nhà sàn, từ hồi được cất lên (1979) tới giờ chưa từng bị ngập nước, kể cả mùa nước năm 2000 cao kỷ lục thì cũng cách sàn nhà tôi ba bốn tấc. Đa số nhà trung nông ở đây là vậy, chỉ nhà nghèo quá cất tạm bợ, thấp thì mới bị ngập, mà ngập thì cũng có thời gian kê dọn đồ đạc vì nước không dâng lên tức thì mà từ từ đủng đỉnh trong mấy tháng trời. Hiếm nhà ai cất thấp tè đến nỗi ngập tới nóc. Nếu có nhà nào ngập tới nóc mà ta thấy trên hình trên phim chắc là trại ruộng ở ngoài đồng chứ không phải nhà ở.

Vì là LŨ nên phải đào kinh "thoát lũ ra biển Tây". Ui chao! Từ thời vua Gia Long đã có hai con kinh nối từ sông Hậu ra biển Tây: kinh Thoại Hà nối từ Long Xuyên tới Rạch Giá, đào năm 1817 và kinh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc tới Hà Tiên đào năm 1918. Tới thời thực dân Pháp thì bọn thực dân đào thêm bốn con kinh nữa nối từ sông Hậu qua biển Tây: hai con kinh trong vùng tứ giác Long Xuyên là kinh Tri Tôn và kinh Ba Thê. Hai con kinh khác ngoài tứ giác Long Xuyên là kinh Cái Sắn từ Cái Sắn (xuôi khỏi Long Xuyên một đoạn) nối qua Rạch Sỏi (Kiên Giang), và kinh Xà No từ sông Hậu ở Cần Thơ nối qua sông Cái Lớn Kiên Giang và cũng đổ ra biển Tây.

Tới thời đế quốc Mỹ thì chính quyền VNCH đào nhiều kinh ngang dọc như bàn cờ trong vùng tứ giác Long Xuyên, thêm nhiều kinh nối ra biển Tây mà quen thuộc nhứt là kinh Tha La, kinh Trà Sư. Kinh trong vùng này nhiều tới nỗi một số có tên và số khác thì chỉ được đánh số kinh 1, kinh 2, kinh 16 v.v...Tới giữa thế kỷ 20 thì vùng tứ giác Long Xuyên đã được khai phá xong, đất tốt, mỗi năm đều có phù sa do nước sông mang vào, lắng xuống. Lúa tốt mà không cần phân bón. "Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình" là đồ bỏ, vì chị hai làm cả năm mấy vụ lúa mới được 5 tấn, còn ở "vùng lũ" này người ta làm một vụ thôi là 6-7 tấn/ha rồi.

Vậy là "trên" chỉ đạo tỉnh An Giang đào kinh thoát lũ ra biển Tây. Kinh T5 được đào nối từ kinh Vĩnh Tế ra kinh Rạch Giá Hà Tiên rồi đổ ra biển Tây. Mà cái kinh Rạch Giá - Hà Tiên này là do thực dân Pháp đào hồi 1930, cũng góp phần điều tiết nước cho vùng Tứ Giác bấy lâu nay. Gọi kinh T5 vì đã có kinh T3 từ trước, giờ đào thêm kinh T4, T5, T6 mà chỉ có T5 là nối ra tới bờ biển Tây, còn kinh T4, T6 thì đổ vào các kinh khác trong vùng (và cũng vòng vèo ra biển)

Thử hỏi trong vùng tứ giác biết bao nhiêu là con kinh đã có, từ sông Hậu nối qua bờ biển Tây, từ kinh Vĩnh Tế  (cũng là nước từ sông Hậu) nối qua bờ biển Tây. Chỗ nào đào được kinh để cày cấy được thì người ta đã đào rồi, chỗ không đào kinh có nghĩa là đất chỗ đó không khai thác được. Bao nhiêu con kinh người ta đào là để đưa nước vào làm ruộng và thoát nước ra biển Tây là sự kéo theo thôi, và thực tế thì mùa nước lên vẫn lên, với bao nhiêu con kinh đó thêm kinh Cái Sắn kinh Xà No chảy về biển Tây mà "lũ" vẫn "lũ" có chăng là bớt vài phân vài tấc. Vậy thì đào thêm một kinh T5 chút ét, thêm T4, T6 ngắn ngủn ở chỗ người ta chừa lại không đào kinh thì có thoát lũ ra biển Tây được hay không? và góp bao nhiêu phần để khai thác vùng Tứ Giác đã được khai phá xong từ đời nảo đời nào?

Vậy mà khua chiêng gióng trống về công trình thoát lũ ra biển Tây. Vài "nhà khoa học" cũng hùa theo, báo chí thì ca ngợi nhờ kinh T5 mà vùng Tứ giác Long Xuyên được khai phá hahaha!

Chưa hết, đào kinh T5 rồi mà không "thoát lũ" xong, lại phải đắp đê bao "ngăn lũ". Những con kinh lớn trong vùng nước nổi khi đào bằng xáng múc thì đổ đất lên hai bờ. hai bờ kinh cao ráo, người ta cất nhà dọc theo bờ kinh. Các bờ kinh này thành đường lộ, thường không bị ngập nước. Khi đắp đê bao thì người ta dùng những bờ kinh có sẵn này, đắp lại những chỗ hở khi nối bờ này với bờ kia, thành một vòng đê nhỏ. Nhiều vùng nhỏ có đê bao như vậy, nước ở ngoài đê. Trong đê người ta làm lúa vụ ba, để tăng lượng lúa xuất khẩu. Chủ trương đắp đề này dân không được chống lại, mà dân phải góp tiền đắp đê. Ai không góp tiền thì khi chứng giấy tờ hay có việc với xã ấp thì không được giải quyết. Đóng tiền đi rồi nói chuyện. 

Vì bao đê rồi nên ai không muốn cũng phải làm lúa vụ ba. Có năm nước lớn, nhiều tiểu vùng bể đê, nước tràn vô chết lúa. Nếu không bể đê thì nước mưa ngập chút ít trong đê, thành nước tù đọng hôi thúi. Chuyện đắp đê này phá vỡ hệ sinh thái, sinh ra nhiều hệ lụy, nhiều chuyện cười ra nước mắt, có thể viết thành truyện dài nhiều tập!

Đó là mùa nước nổi, còn mùa khô này thì sao? có "hạn" không? Mùa khô thì có các kinh dẫn nước vô đồng, tháng 3, 4 lúa hè thu vẫn lên xanh cho tới lúc nước lên lại.

Tóm lại là, miền nước nổi nay nước hết nổi vì sông Cửu Long bị thiếu nước. Vùng nước nổi vì bị đắp đê bao nên dở dở ương ương, trồng cây ăn trái thì không có mương vườn thông ra sông rạch như miệt vườn nên không tốt, phải tưới nhiều, mà đất cũng không thích hợp với cây ăn trái. Trồng lúa thì không có nước vô nên thiếu phù sa, lúa thất hơn trước. Mà xả đê thì cũng không xong vì lỡ năm nào trên nguồn nhiều nước, nước lại nổi thì tiêu tùng cây ăn trái. 

Trong tương lai vùng nước nổi nên có kế hoạch chống "lũ" hay chống "hạn" đây?

còn tiếp bài 3: Thiếu nước ngọt không phải vì gần biển, mà vì đâu?

Hình 1: sông Hậu trước nhà tác giả, hiện nay.

Hình 2: vùng tứ giác Long Xuyên với hệ thống kinh nối từ sông Hậu ra biển Tây


Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

FB Nhóm Côn Trùng Việt Nam: ONG - NHỮNG ĐIỀU MUỐN NÓI

 <ONG - NHỮNG ĐIỀU MUỐN NÓI>

Cái túi màu vàng nặng trĩu bên hông con ong mà các bạn thấy trong hình chính là túi đựng phấn hoa của ong. Ong có hai túi phấn ở hai bên. Khi ong đi hút mật hoa đồng thời nó sẽ gom luôn phấn về cho bầy. Người ta ước tính, một con ong sẽ phải thu thập từ 500-1000 bông hoa mới đầy được hai túi phấn.

Phấn hoa sẽ được ong pha trộn với mật ong để tạo thành thức ăn (bee bread) và cất vào tổ. Đây là thức ăn chính hàng ngày của ong thợ. Nhiệm vụ của ong thợ gồm có đi thu thập mật và phấn hoa, nuôi và chăm sóc ong non, ong chúa và cuối cùng là điều chế ra mật.

Con ong tạo mật ong là để dành cho những mùa đói kém, khi hoa không còn nhiều (thường là mùa đông hoặc mùa mưa), lúc đó chúng mang mật ra đánh chén sống qua ngày. Nhưng xui thế nào, bị con người phát hiện và lấy cả tổ. Khi đó ong sẽ không còn gì để ăn, và nhiều khả năng sẽ chết cả bầy.

Còn trong môi trường nuôi nhốt, sau khi lấy mật của ong (và để lại một ít), người ta cho nó ăn thêm đường để nó sống qua ngày, đợi mùa xuân cumback. Do vậy ong ăn đường chỉ để sống, để duy trì đàn ong, để ị ra shit chứ không tạo ra mật nhé. Nhiều người còn mơ hồ việc này lắm, cứ bảo người nuôi ong cho nó ăn đường để tạo ra mật giả, lừa bán cho người khác.

Mật giả là mật bị người bán pha với đường hoặc pha với một loại chất gì đó tạo vị ngọt mà thôi. Hoàn toàn không liên quan gì đến việc ong nuôi hay ong tự nhiên cả.

Sở dĩ ngộ nhận "ong ăn đường để sinh ra mật kém chất lượng" là vì người ta không nắm rõ cách thức tạo ra mật ong. Mật hoa khi được ong thợ mang về tổ, được truyền lần lượt qua từng con ong khác, mỗi con sẽ tiết ra enzym để pha trộn hỗn hợp trong miệng, kiểu như có cây kẹo mút mà mỗi thằng liếm một phát cho tới khi còn trơ lại cái que cầm mà thôi.

Sau đó bọn chúng cất mật vào những lỗ mật, rồi dùng đôi cánh quạt thật mạnh để thổi bay hơi nước đi. Tiếng đập cánh lớn đến nỗi nếu bạn đứng bên ngoài sẽ nghe rõ tiếng ồn này. Cách thức sấy mật này khá giống với sấy lạnh các loại trái cây mà ta vẫn hay làm.

Trải qua một thời gian hong khô bằng cánh, mật sẽ cô đặc lại sền sệt, lúc này tỉ lệ nước sẽ còn rất ít, có thể bảo quản được rất lâu. Đến mùa đói kém... mang ra cống nạp cho con người để "đổi" lấy thứ rẻ tiền và kém chất lượng hơn - nước đường.

Trong cả tổ ong, ngoại trừ những khu vực tập trung để đựng mật, ong sẽ dành ra một khu "nhà trẻ" để làm nơi phát triển ong non. Mỗi cái lỗ đó, ong chúa sẽ đẻ vào 1 quả trứng. Con người phát hiện ra ong thợ tiết ra một loại "sữa" đặc biệt để nuôi ong chúa và ong non. Mỗi lần nhả sữa, là cả căn phòng ong non ngập ngụa trong sữa, sữa và sữa, đã lắm.

Loại sữa này cực kỳ giàu chất dinh dưỡng, thuộc loại quý hiếm chỉ dành cho hoàng tộc thưởng thức. Ong non sau khi uống hết sữa, vài ngày sau lớn nhanh như thổi, thánh Gióng phải gọi bằng cụ. Con người ngu gì mà bỏ qua, họ sử dụng "trí khôn của tao đây" tìm cách khai thác loại sữa quý giá này.

Họ bèn tạo ra mấy cái tổ giả, rồi gắp ong non ở các "nhà trẻ" đem bỏ vào các lỗ giả này. Cả một hệ thống tổ giả như thế gom vào chung một cái cầu để tiện cho việc khai thác tập trung (thay vì đi hút ra từ từng cái lỗ ong non ở trên).

Ong thợ thấy tổ ong non, cứ thế nhả sữa vào vì nghĩ tụi nhỏ cần phải ăn uống đầy đủ, mình vất vả tí chả sao. Bớt ly cafe sáng, bớt xem CGV lại là tụi nhỏ có sữa học đường uống rồi.

Vài ngày sau, khi tổ giả đầy sữa, con người lấy tổ ra, rồi cho tổ khác vào. Cứ thế lũ ong thật thà chăm chỉ hằng ngày tiết sữa nuôi ong con, mỗi ngày nó chửi thầm: “má, nuôi hoài tụi bay éo lớn vậy!?” 

Cái thứ sữa màu trắng ngà đó gọi là sữa ong chúa - royal jelly (sữa quý tộc hoàng gia), đang được bán rất nhiều trên thị trường.

Chưa dừng lại ở đó, con người để ý thấy con ong mang phấn về, bèn tìm cách “cướp trên giàn mướp” công sức của nó. Họ tạo những cái lỗ nhỏ ở lối vào tổ, chỉ lọt vừa con ong, hai túi phấn sẽ bị vướng và rớt ra. Cuối ngày họ gom lại thành phấn ong, đem phơi khô rồi đóng hộp đem bán. Thế là có phấn hoa bồi bổ cơ thể.

——————

Một tổ ong ngoài tự nhiên khi bị phá (lấy hết mật và ong non) thì nguy cơ cả bầy sẽ bị xoá sổ vì ong thợ sẽ già đi rồi chết mà không có lớp ong kế thừa. Chưa kể nếu cận kề với mùa đông, mùa mưa (thời điểm ít hoa) thì ong lại càng khó kiếm thức ăn, đàn ong sẽ bị đói rồi chết dần.

Khi một (hoặc nhiều) đàn ong bị diệt thì kéo theo các hệ lụy về hệ sinh thái nơi đó. Vì vậy đã đến lúc cần lên án những hành vi bắt tổ ong rừng, giống như việc săn bắt, khái thác các loài Động vật hoang dã phải bị xử lý.

Nếu cần sử dụng mật ong, hãy ưu tiên dùng mật nuôi. Và dẹp bỏ suy nghĩ “đồ rừng tốt hơn đồ nuôi” vì chưa có bằng chứng nào chứng minh điều đó cả, ngoại trừ sự cảm tính của người sử dụng, bởi vì với họ, cái gì mà gắn với chữ “rừng” cũng trở nên thần thánh cả, như thịt thú rừng, sâm rừng, mật ong rừng… Nhưng khi bị gọi là “người rừng” cho hợp tông thì họ lại tỏ ra phẫn nộ.😄

Mật nuôi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại, điều này khoa học đã chứng minh rồi, vậy thì cần gì đến mật rừng nữa.

------————

* Ảnh: Tú Oppo gửi về cho Nhóm Côn Trùng Việt Nam. Cảm ơn bạn.

FB Hồ Phương Trinh: Bài 1 - Miền Tây không có LŨ hay HẠN

Bài hay. Nên tham khảo.

MIỀN TÂY, VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ!

Bài 1: Miền Tây không có LŨ hay HẠN 

MIỀN TÂY và MIỀN ĐÔNG là hai miền Tây, Đông của miền Nam Việt Nam. Miền Tây là vùng châu thổ, lưu vực của sông Tiền, sông Hậu. Miền Tây sông, kinh, rạch chằng chịt, trong sách vở cũng nói nhiều về điều này. 

Rạch là những nhánh nhỏ của sông, xẻo là những nhánh nhỏ của rạch. Rạch và xẻo là những nhánh tự nhiên của sông. Rạch và xẻo miền Tây nhiều vô số, có tên và không tên. Kinh là những con sông do người đào để nối liền sông, rạch hoặc để thuận đường giao thông thủy hoặc dẫn nước. Miền Tây có con kinh Chợ Gạo nối từ sông Tiền ở Mỹ Tho qua sông Vàm Cỏ (Long An) để rút ngắn đường thủy từ miền Tây lên Sài Gòn và miền Đông. Kinh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên cũng là một con kinh nổi tiếng. Vùng tứ giác Long Xuyên có một hệ thống kinh dẫn nước từ sông vô đồng, do bọn "đế quốc sài lang" đào bằng "xáng cạp". Hệ thống kinh này được gọi bằng số: Kinh Bảy, Kinh Mười Ba...và vẫn đang được sử dụng tốt.

MIỀN TÂY có nhiều miệt: miệt đồng, miệt vườn, miệt thứ... v.v... nơi thì ruộng lúa cò bay thẳng cánh, chỗ thì vườn dừa ngút ngàn, chỗ khác thì toàn cam quýt bưởi, vùng khác nữa thì sầu riêng chôm chôm nức tiếng. Có vùng thì toàn ruộng trồng khóm chứ không trồng lúa.... Có vùng thì mỗi năm có ba tháng nước sông dâng lên ngập đồng, nhà vùng đó toàn nhà sàn. Có vùng thì mỗi năm ba tháng nước lợ, cây trái không chết nhưng nước sông lợ khó uống thì nhà ai cũng có một hàng lu chứa nước mua đủ uống trong mùa nắng, nước lợ, nhà giàu thì xây bồn chứa nước mưa đủ uống quanh năm. Vì sao như vậy? vì người miền Tây thuận theo tự nhiên, nương theo mùa mưa, mùa nắng, mùa nước, phù sa của sông ... mà sống, mà trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tôm cá. Bao đời như vậy đã tạo nên một miền Tây trù phú, là vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá nuôi sống cả nước và xuất khẩu. 

Miền Tây có bị HẠN không? Theo bài Địa lý học hồi tiểu học thì nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa, mỗi năm có hai mùa mưa nắng: mùa mưa từ KHOẢNG tháng tư dương lịch tới KHOẢNG tháng mười một dương lịch, các tháng còn lại là mùa khô. Mùa mưa trùng với mùa gió mùa Tây Nam (gió nồm), mùa khô là mùa gió mùa Đông Bắc (gió bấc). Những vùng gần sông rạch thì nước sông rạch không bao giờ cạn. Mùa khô, miền Tây gọi là mùa kiệt thì nước ít hơn chút, mùa mưa thì nước nhiều một chút. Vùng không gần sông rạch thì có những đìa chứa nước để tưới hoa màu trong mùa kiệt. Mà hoa màu trồng mùa kiệt tốt hơn mùa mưa: dưa hấu, đậu xanh và đậu các loại, các loại rau, bầu bí v.v...

Thực tế ba bốn chục năm nay hai mùa mưa nắng ở miền Tây đều đúng như trong bài địa lý năm xưa. Chưa có năm nào mà tới tháng năm chưa mưa, hay chưa đến tháng mười một đã hết mưa. Vậy nên, miền Tây với một mùa mưa dài hơn 6 tháng và hệ thống sông rạch chằng chịt, thì chưa bao giờ có HẠN HÁN. Trong các truyện cổ tích thì ba năm không mưa sông suối khô cạn thì mới gọi là hạn hán.

Còn nước sông Tiền sông Hậu thì sao? Mỗi năm vào tháng 6-7 âm lịch, nước trên Biển Hồ Campuchia tràn xuống, sông không chảy kịp nên nước tràn bờ, dâng lên ngày vài phân (vài centimet cm). Nước dâng lên từ từ như vậy tới tháng chín âm lịch là cao nhứt rồi từ tự rút xuống tới tháng mười âm lịch là rút cạn. Dân địa phương gọi là mùa nước nổi, chứ không phải mùa lũ. Nước dâng lên có "lịch trình" đem theo nhiều phù sa vào đồng ruộng, và tôm cá trong mùa nước nổi thì khắp đồng đâu cũng có thể đánh bắt cá được. Nước nổi làm chết đuối? Người lớn phải giữ con nít không té xuống nước, cũng giống như giữ con không cho chạy ra lộ. Không thể nói điện giựt chết người thì điện là có hại, nước nổi  cũng vậy. Thực tế thì con nít vùng nước nổi biết lội (bơi) trước khi biết chữ. (Con tui cũng vậy!)

Mùa nước nổi nước chỉ ngập vùng gần Biển Hồ: An Giang, Đồng Tháp, Long An gần biên giới. Nước chưa kịp ngập tới hạ lưu sông thì đã đến lúc nước rút. Vậy nên trên sông Tiền, từ Sa Đéc xuống hạ lưu: Vĩnh Long, Mỹ Tho; trên sông Hậu từ Long Xuyên xuôi dòng tới Cần Thơ... không có mùa nước nổi.

Tóm lại miền châu thổ Cửu Long trù phú từ xưa không có hạn hay lũ, vậy sao bây giờ cứ phải chống hạn, chống lũ?

(còn tiếp bài 2: Ai tạo ra HẠN, ra LŨ?)

hình: hệ thống sông Cửu Long

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

VÌ SAO CỨ LẨM NHẨM "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"?

 Bài viết ngắn gọn nhưng dễ hiểu về Phật giáo (lưu vào đây để lâu lâu mang ra đọc để hiểu cho đúng, cho nhớ).

Bài được copy từ fb Lê Minh Khôi.

VÌ SAO CỨ LẨM NHẨM "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"?

Đây là những góc nhìn cá nhân về văn hoá Á Đông bằng cách tóm tắt các phái Phật giáo. Bài viết được đơn giản và "bình dân hoá" cho mọi người dễ đọc, cố gắng không sử dụng các thuật ngữ chuyên môn. Mong mọi người sẽ có cái nhìn trong sáng hơn về tôn giáo lớn nhất châu Á này.

Tiến trình mấy ngàn năm lịch sử từ ngày Thích Ca Mâu Ni giác ngộ 49 ngày dưới gốc cây Bồ Đề đến nay đã trải qua biết bao thăng trầm, sinh ra biết bao môn phái, phương pháp tu tập do người đời sau tạo ra với những biến thể cả tích cực lẫn tiêu cực.

☀️ PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ (TIỂU THỪA)

Đây là sự khởi đầu và cơ bản nhất của Phật giáo. Đức Phật là một người bình thường, chỉ là đã GIÁC NGỘ. Phật giáo không phải là tâm linh tín ngưỡng duy tâm gì, mà là MỘT CON ĐƯỜNG. Diệt khổ, thoát khỏi vô minh để được giải thoát (tứ diệu đế). Phải gọi đây là một cách tư duy cực kỳ Duy vật biện chứng.

Các bạn vào những ngôi chùa ở Nam bộ (hay Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ) sẽ thấy chỉ thờ duy nhất một vị Phật (mang tính tượng trưng) dù với nhiều dáng vẻ khác nhau, thể hiện các tích cổ trong Kinh phật.

Phật giáo nguyên thuỷ đề cao nỗ lực TU TẬP của bản thân, chỉ chính mình mới giải quyết được các vấn đề của bản thân mình. Phật không tác động được cả hữu hình lẫn siêu hình lên khách thể; nên không cho, không nhận, không thưởng không phạt. Đi chùa đừng xin gì!

Phật giáo nguyên thuỷ cũng không dạy phải ăn chay. Ăn gì cũng được, đi khất thực xin gì ăn nấy, miễn không phải vì mình mà sát sinh. Ăn để tồn tại và tu tập, ăn là "công cụ" chứ không phải là mục đích, không phải là để thưởng thức hay sinh ra dục. Khi coi mọi thứ là một sự thật hiển nhiên và không màng  được.

Vô thường và giác ngộ tuyệt đối, ai cũng có thể tu tập trở thành Phật.

Phật giáo thực ra lý thuyết vô cùng "đơn giản" như vậy đấy.

☀️ PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Khi du nhập vào các quốc gia khác, đặc biệt là khi va nhập với văn hoá Trung quốc, Phật giáo đã biến đổi và tạo ra các dòng tu mới, các hệ thống kinh luận mới DO CON NGƯỜI ĐỜI SAU TẠO RA. Hệ thống thánh thần mới được sáng lập với vô vàn Phật, Bồ tát, La hán... với quyền năng & pháp thuật riêng, thậm chí có cả pet riêng (mà đa phần lại xuống hạ giới gây rối). Các bạn xem Tây Du Ký sẽ thấy được hệ thống thánh thần này rất rõ. Hiện nay, phật giáo đại thừa có rất nhiều nhánh khác nhau, xin được điểm qua ba phái chính rất phổ biến hiện nay là Thiền tông, Mật tông & Tịnh độ tông. Phật giáo đại thừa còn được gọi là Phật giáo Đại chúng.

☀️ THIỀN TÔNG (ZEN) 

Được sáng lập bởi Bồ Đề Đạt Ma vào khoảng thế kỷ 6, 7. Chủ yếu phổ biến ở TQ, Nhật Bản & Việt Nam. Kế thừa từ việc 49 ngày thiền của Thích Ca, Thiền tông cho rằng người tu tập TOẠ THIỀN là con đường ngắn nhất nhưng cũng gian khổ nhất để đến với giác ngộ.

Nôm na là môn đồ phái thiền học cách buông xả phiền não, ngồi thiền cho tâm tĩnh lặng và trống rỗng. Nhiều vị hoà thượng đã thiền định đến khi chết, cơ thể không cần ăn uống và cũng không mục ruỗng, hài cốt sau khi hỏa thiêu hoá thành xá lị.

Để nhận biết một môn đồ thiền tông đó là người thường có xu hướng trốn xã hội lánh vào với núi rừng, và ngồi tĩnh lặng ngày này qua tháng khác (khá giống anh Vũ Trung Nguyên).

Các thiền viện mọc lên khắp nơi cũng là để phục vụ cho phái này. Nhiều thiền phái nổi tiếng ở nước ta, điển hình như Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông sáng lập ra. Hay ngày nay việc thiền Vipapsana cũng rất phổ biến.

Thiền tông là sự tĩnh lặng, trái các phương pháp khác, không trì chú, không có những nghi thức rườm rà, những bài kinh khó hiểu. Thiền tông đưa sự sống con người về thiên nhiên, và tối giản mọi thứ. Thiền tông không cần chùa cao to rộng hoành tráng, thậm chí không cần tượng Phật, bát hương. Bất kỳ nơi nào thiền được trong tâm, đó là nơi thiền định.

Ngày nay, Zen chính là một lifestyle, một tinh thần và phong cách ứng dụng trong nhiều ngành nghề trong cuộc sống và được cả phương Tây hết sức chú ý và coi trọng.

☀️ MẬT TÔNG

Cái tên nói lên tất cả, đây là một phái vừa... bí mật vừa được bảo mật. Là sự kết hợp của Phật giáo đại thừa & Ấn độ giáo (từ thế kỷ 5,6) để giải quyết triệt để các nhu cầu giải đáp các hiện tượng siêu nhiên của con người, Mật tông lan sang TQ, Nhật, Việt Nam (Bắc tông) và Lào, Thái, Myanmar (Nam tông), và thực sự kết tinh và nở rộ tại Tây Tạng. Mật tông chia hai phái là Kim Cương Thừa & Chân Ngôn Thừa.

Các bạn thấy cảnh xoa đầu phật tử ban phước, vẩy nước, trao bùa, dùng chuông hay các pháp khí khác, đó là một hoà thượng Mật tông.

Nôm na cho các bạn hiểu là Mật tông có hệ thống trì chú, bùa phép phức tạp, thần chú, pháp khí, chuỳ kim cang với mandala tùm lum, chính vì vậy nó là sự bí mật và lưu truyền trong phạm vi rất hẹp, theo được & được theo là một sự khó khăn lớn. Hoà thượng còn đóng vai trò như một thầy pháp, trấn yêu, hàng quỷ. Pháp viện, chùa chiền, quần áo, bối cảnh, hành lễ rất cầu kỳ, hoành tráng (có thể nói là trái ngược với Thiền tông). Nhiều bộ phim Hollywood lấy cảm hứng từ những câu chuyện này. Hàng năm, những đại sư Mật tông hàng đầu thế giới thường tụ hội ở các đại lễ Phật giáo, trì chú, tụng kinh, làm phép để cầu cho hoà bình, cho thế gian được bình yên và giác ngộ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đứng đầu của hệ thống Mật tông Tây Tạng. Tại Việt Nam có những vị hoà thượng theo Mật tông rất nổi tiếng như cố hoà thượng Thích Viên Thành (trụ trì chùa Hương, hàng yêu sông Tô Lịch mới đâu đó 20 năm nay), hay trong lịch sử xa hơn như hoà thượng Minh Không, Từ Đạo Hạnh... với những câu chuyện tài phép trong lịch sử.

Tuyệt nhiên, không có hoà thượng phái Mật tông nào thu tiền để giải vong bằng chuyển khoản cả.

☀️ TỊNH ĐỘ TÔNG

Câu hỏi ban đầu là tại sao người Việt Nam đi chùa thì 99,99% là lẩm nhẩm câu Nam mô A di đà Phật?

Vì chúng ta đang (hầu như vô thức) niệm danh hiệu của Phật A di đà, là cốt lõi của phái Tịnh độ tông.

Ra đời thế kỷ thứ 4 tại Trung quốc do hoà thượng Huệ Viễn (TQ) sáng lập, chủ yếu chỉ phổ biến ở TQ, Việt nam & Nhật. Các hoà thượng phái này cho rằng khi vào giai đoạn Mạt pháp thì tự tu tập ...không ăn thua nữa, thứ hai là vất vả tu tập thiền định thì ...khó quá nên ít có thể phổ biến Đạo Phật rộng rãi đại trà cho nhiều tầng lớp.

Đặc trưng của phái này là niềm tin tuyệt đối vào Phật A Di Đà (một trong hàng vạn vạn vị Phật, theo những truyền thuyết phái Đại thừa). Vị này có phát nguyện là sẽ cứu độ tất cả ai chăm chỉ ...tưởng nhớ đến mình.

Vậy nên câu niệm "Nam mô A di đà Phật" nó không khác gì tính chất của câu "Oh my God" cả. Lúc này Phật trở thành một vị thánh thần tôn giáo với quyền năng cõi trên.

Chính vì vậy, trong hệ thống Phật giáo, phái này được xem là phái "dễ" nhất vì tin tưởng vào sự cứu rỗi từ bên ngoài, trông cậy vào sự cứu giúp của đấng siêu nhiên bề trên & khác với cốt lõi của Phật giáo nguyên thuỷ. Không cần tu tập đức tính bản thân nhiều, không cần ngồi thiền liên miên, không cần luyện tập, chỉ cố gắng tụng kinh niệm phật A di đà ...càng nhiều càng tốt (đây là nói nôm na ngắn gọn cho các bạn dễ hiểu). Và Phật A di đà sẽ phái Quán Thế Âm Bồ tát & Đại Thế Chí Bồ tát có mặt cứu khổ cứu nạn lập tức (nhưng lại phụ thuộc tuỳ vào sự "thành tâm" của người cầu, chính từ cái này mới sinh ra những cái gọi là công đức, cúng dường ngày nay). Cái này các bạn cũng có thể thấy ngay qua phim Tây du ký.

Và chính vì thế QUÁ HỢP với bản chất của người Việt!

⭐ LỜI KẾT

Bất kỳ phái Phật giáo nào cũng đều tốt đẹp và hướng thiện. Ngay cả Tịnh độ tông, cũng là mong muốn được an yên trong tâm, được cứu khổ cứu nạn, tai qua nạn khỏi, ốm đau thì được gặp thầy gặp thuốc, là những nhu cầu rất chính đáng của con người. Chỉ là để phù hợp với dân trí & những tầng lớp, năng lực khác nhau tạo ra những phương pháp tu tập hành pháp khác nhau. Bản thân tôi cũng cố gắng niệm Phật hàng ngày để cho an lòng, cũng gọi là một người đang mày mò tập thực hành tịnh độ. 

Còn ngày nay, trong xã hội Việt Nam thực sự là vừa loạn pháp, vừa mạt pháp, tất cả là do dân trí & đạo đức quá kém và tín ngưỡng nửa vời. Nếu được sự ủng hộ và động viên của các bạn, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ nhiều câu chuyện và góc nhìn cá nhân hơn về những vấn đề này.

St

Quý tộc- Bình dân và Lưu manh

 RẤT HAY!

Quý tộc- Bình dân và Lưu manh

Trong khi trước đây người ta hô hào về việc xóa bỏ địa chủ phú nông, thì phương Tây xóa bỏ bần nông. Trong khi trước đây người ta tự hào về việc xóa bỏ quý tộc thì phương Tây xóa bỏ lưu manh. Đây chính là hai tư tưởng trị quốc hoàn toàn khác nhau, có thể dùng câu nói nổi tiếng để khái quát: một chế độ tốt có thể làm cho người xấu trở thành người tốt, một chế độ xấu có thể làm cho người tốt biến thành kẻ xấu. Phát động lưu manh để tiêu diệt quý tộc, cũng không thể làm cho lưu manh trở thành cao thượng, chỉ có thể làm cho lưu manh càng trở nên lưu manh hơn. Dụ dỗ, đe dọa nhiều người hơn nữa biến thành lưu manh, cuối cùng biến cả xã hội thành lưu manh.

Quý tộc, bình dân và lưu manh

Nhân loại là một quần thể to lớn và phức tạp nhất trên thế giới. Nói về tính chất vốn có của tinh thần và ý thức, có thể phân thành 3 thứ bậc khác nhau: quý tộc, bình dân và lưu manh. Ba thứ bậc này được phân theo dạng hình thoi đứng, ở giữa phình to là tầng lớp bình dân, đầu nhỏ ở trên cùng là tầng lớp quý tộc, còn đầu nhỏ dưới cùng là lưu manh. Từ bình dân tới quý tộc thì không có giới hạn rõ rệt, từ bình dân tới lưu manh cũng không có giới hạn rõ rệt, nhưng lưu manh và quý tộc thì có sự khác biệt một trời một vực.

Sở dĩ được gọi là quý tộc không phải vì có nhiều của cải, cũng không phải vì có nhiều quyền lực, mà là vì họ có một tinh thần cao quý, sử sách gọi đây là tinh thần quý tộc. Người thiếu tinh thần quý tộc, thì dù giàu có không ai sánh bằng cũng chỉ là mang bản tính lưu manh mà giàu có; dù có quyền lực to đến mấy, thì cũng chỉ là kẻ độc tài chuyên chế mang bản tính lưu manh.

Sở dĩ gọi là lưu manh không phải là vì không có gì trong tay, mà là ý thức lưu manh ở bên trong nội tâm. Giai cấp vô sản không đồng nghĩa với lưu manh, giai cấp vô sản đa số là người bình dân an phận thủ thường. Trong quần thể lưu manh, có người giàu, có kẻ nghèo; có bình dân, có quyền quý; có người ngốc nghếch, cũng có kẻ thiên tài.

Tinh thần quý tộc đại diện cho đỉnh cao của văn minh nhân loại, ý thức lưu manh đại diện cho sự thấp kém nhất của nhân loại. Dường như tất cả mọi người đều có suy nghĩ hướng tới sự cao thượng, và cũng có những ham muốn dục vọng thấp kém, đây chính là cuộc chiến giữa nhân tính và thú tính. Nhân tính chiến thắng thú tính, thì con người hướng tới sự cao thượng; thú tính chiến thắng nhân tính, con người sẽ hướng tới sự hèn hạ bỉ ổi. Đối với đa số người bình dân, nhân tính và thú tính vẫn đang giằng co chưa có hồi kết, nên nó làm cho cả một đời vẫn cứ loay hoay quanh cao thượng và thấp kém. Đa số người dân đều là an phận thủ thường nên cả đời sẽ không có gì nổi bật. Bình dân nếu muốn siêu phàm thoát tục, thì phải hướng tới cao thượng để có hy vọng trở thành quý tộc. Còn nếu hướng tới sự thấp kém hèn mọn thì sẽ trở thành lưu manh. Con người vươn tới sự cao thượng thì rất khó, và để trở thành quý tộc thì lại càng khó hơn; còn hướng tới sự thấp kém hèn mọn thì rất dễ, trở thành lưu manh thì dễ như trở bàn tay. Cũng chính vì nguyên nhân này mà xã hội nhân loại hiện nay quý tộc thì ít mà lưu manh thì nhiều.

Cao thượng và cao quý không khác nhau về bản chất, nhưng cao thượng và cao quý lại có khoảng cách, đó là mức độ khác nhau, trạng thái khác nhau. Bình dân cũng biết cao thượng, nhưng thường chỉ có thể cao thượng trong thuận cảnh, chứ không thể “cố thủ” cao thượng trong nghịch cảnh. Nếu như trong nghịch cảnh mà có thể giữ được cao thượng, thì đó chính là trạng thái cao quý, cũng tức là đã thành quý tộc.

Nếu cao thượng đã  đạt đến trạng thái cao quý, thì tức là “phú quý mà không dâm, dưới áp lực mà không chịu khuất phục”. Đây chính là trạng thái của tinh thần quý tộc. Câu trên có hai tầng ý nghĩa. Tầng thứ nhất là giải thích đối với phú hào quyền quý: Anh giàu có rồi thì không thể dâm đãng, anh có quyền rồi thì anh không thể lấy quyền đấy để bắt người khác khuất phục. Tầng thứ hai là giải thích với tầng lớp bình dân: Anh không giàu có, nhưng anh không thể bị phú quý dụ dỗ mê hoặc để rồi từ bỏ cao thượng; anh không có quyền lực nhưng anh không thể khuất phục trước quyền lực, anh chỉ có thể tâm phục khẩu phục trước sự công bằng và chân lý. Đạt đến trạng thái này rồi, thì dù có là bình dân nhưng anh vẫn có tinh thần quý tộc.

Tinh thần quý tộc là gì?

Tinh thần quý tộc có 3 nội hàm cao quý đó là: thành tín, đạo nghĩa, ý thức trách nhiệm.

Thành tín là linh hồn của văn minh nhân loại, không có thành tín, thì không có đạo đức, cũng không có văn minh; thành tín cũng là linh hồn của phẩm cách cá nhân, không có thành tín, thì không thể có phẩm cách cao thượng. Người thiếu sự thành tín, thì hoặc là người vô lại hoặc là kẻ lưu manh. Dân tộc thiếu sự thành tín, thì chắc chắn là dân tộc ngu muội không có văn hóa. Thành tín cũng là gốc rễ của chế độ dân chủ, vì không có thành tín, thì không có dân chủ đúng nghĩa. Cụ thể, dân chủ dựa vào hiến pháp, và hiến pháp chính là khế ước của xã hội. Thành tín chính là gốc rễ của khế ước, không có thành tín thì khế ước cũng chỉ là tờ giấy vứt đi.

Quý tộc sở dĩ là quý tộc, là bởi vì quý tộc coi thành tín quan trọng hơn cả mạng sống, thành tín mang đến sự cao thượng, sự tôn nghiêm và giá trị cao quý của sinh mệnh. Ví dụ, quý tộc châu Âu thà dùng quyết đấu sòng phẳng thẳng thắn để phân thắng thua, chứ  không muốn dùng âm mưu quỷ kế để tranh cao thấp. Đây thực chất chính là thà chết để giữ lấy giá trị của thành tín. Sử quan thời Trung Quốc cổ đại thà chết chứ không muốn vì đế vương thay đổi lịch sử, cũng chính là thà chết để giữ lấy giá trị của sự thành tín.

Đạo nghĩa bao hàm nhân đạo và công đạo. Nhân đạo là tiền đề của công đạo, chính là sự tôn trọng đối với sinh mệnh của con người. Người ngay cả ý thức nhân đạo cũng không có, thì về cơ bản không thể có công đạo. Tôn thờ bạo lực chính là coi thường nhân đạo. Nhân đạo và công đạo hòa quyện sinh ra chủ nghĩa nhân quyền của nền văn minh hiện đại, sở dĩ châu Âu có thể sinh ra Công ước Nhân quyền, thực chất chính là do sự thúc đẩy của tinh thần quý tộc.

Tinh thần đạo nghĩa mang tới nhân từ, mang tới khoan dung, mang tới sự quan tâm, mang tới sự công chính. Quý tộc quan tâm tới những người yếu, các sự nghiệp từ thiện trên thế giới dường như đều do quý tộc đầu tư xây dựng, và cái mà họ dựa vào chính là tinh thần đạo nghĩa.

Tinh thần trách nhiệm chính là tinh thần dám gánh vác. Chịu trách nhiệm với lương tri của xã hội nhân loại, chịu trách nhiệm với văn hóa truyền thống của nhân loại, bảo vệ đạo đức, duy trì công bằng xã hội, bảo vệ sự phát triển hòa bình của xã hội.

Chính tinh thần trách nhiệm mang tới lòng tin và sức mạnh không gì lay chuyển được của quý tộc, một khi dân tộc rơi vào khủng hoảng, quý tộc sẽ đứng phía trước dân tộc, bảo vệ an toàn cho dân tộc. Chính tinh thần trách nhiệm này mang đến cho họ tinh thần “Prometheus cướp lửa thần trao cho nhân loại”, và tinh thần “ta không vào địa ngục thì còn ai vào nữa”. Cũng chính tinh thần này đã bảo vệ và thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển hơn.

Ba loại tinh thần này đều đến từ tín ngưỡng tôn giáo, chỉ có tín ngưỡng tôn giáo mới có thể chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần kiên định và bền bỉ, đạt đến trạng thái cao quý.

Dù cá nhân quý tộc có tồn tại khuyết điểm này khuyết điểm nọ, nhưng quần thể quý tộc vẫn là lực lượng chủ đạo thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển.

Tinh thần quý tộc thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển

Trong mỗi cá nhân đều tồn tại cuộc chiến nhân tính và thú tính, và nó làm cho cả một đời cứ loay hoay giữa cao thượng và thấp kém: thượng đế kêu gọi con người hướng đến cao thượng, ma quỷ dụ dỗ con người hướng đến sự thấp kém; người cao quý cao thượng thì gần quý tộc hơn, người hướng tới thấp kém bỉ ổi thì gần với lưu manh hơn; hoặc có thể nói, người gần với quý tộc thì trở nên cao thượng, kẻ gần với lưu manh thì trở nên thấp kém. Tục ngữ gọi hiện tượng này là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Mở rộng ra, một dân tộc cũng tồn tại cuộc chiến giữa nhân tính và thú tính, điều này thực chất là cuộc chiến giữa văn minh và vô văn hóa, cũng là cuộc chiến giữa quý tộc và lưu manh. Một dân tộc do quý tộc chủ đạo, thì sẽ mang đến sự tiến bộ cho nền văn minh; do lưu manh chủ đạo thì sẽ lùi lại về không có văn minh, đây không phải là sức sản xuất vật chất bị thụt lùi, mà là sự thụt lùi về văn minh tinh thần, về văn hóa, đạo đức. Điều này đã được chứng minh bởi lịch sử.

Lịch sử phát triển của nhân loại là do quý tộc chủ đạo, do đó nhân loại mới từ không văn minh mà hướng đến văn minh, nhưng trong quá trình lịch sử phát triển lâu dài, có lúc cũng bị lưu manh kiểm soát, lưu manh chiếm cứ địa vị chủ đạo, kết quả làm cho văn minh bị thụt lùi, do đó, tiến trình phát triển của văn minh nhân loại mới xuất hiện nhiều khúc khuỷu, tiến lùi.

Ý thức tinh thần của con người là thể đa diện phức tạp, tức có ý thức giữ gìn cao thượng, thì cũng có ham muốn tình cảm thấp kém. Tuy nhiên, con người hướng tới cao thượng lại giống như leo núi, rất khó; còn hướng tới thấp kém lại rất dễ, giống như đang ngồi cầu trượt. Do đó mà xã hội nhân loại từ trước đến nay lưu manh vẫn nhiều hơn quý tộc.

Xã hội nhân loại trước giờ lưu manh vẫn nhiều hơn quý tộc, vậy sao quý tộc có thể chiếm địa vị chủ đạo trong sự phát triển của xã hội? Điều này quyết định bởi thái độ của tầng lớp bình dân: tầng lớp bình dân ủng hộ quý tộc, thì quý tộc chiếm thượng phong, tức chiếm vị trí chủ đạo, và dân tộc này sẽ duy trì nền văn minh cao thượng; tầng lớp bình dân mà ủng hộ lưu manh, lưu manh chiếm thượng phong, tức lưu manh chiếm vị trí chủ đạo, thì dân tộc này sẽ duy trì sự thấp kém không văn minh. Đây chính là nguyên nhân cơ bản các dân tộc khác nhau có tiến trình văn minh và mức độ văn minh khác nhau.

Dân tộc ủng hộ quý tộc, quý tộc dễ chiếm thượng phong; dân tộc ủng hộ lưu manh, lưu manh dễ chiếm thượng phong. Nếu lưu manh chiếm thế thượng phong, chiếm vị trí chủ đạo, thì tất nhiên sẽ mê hoặc và dụ dỗ nhiều người hơn nữa biến thành lưu manh, ép buộc nhiều người hơn nữa biến thành lưu manh, cuối cùng biến thành một đại quốc lưu manh, văn hóa đạo đức sẽ bị thoái lui toàn diện, xã hội sẽ đổ vỡ.

Sáng tạo văn minh và sáng tạo lịch sử

Thành tựu văn minh nhân loại dường như đều là quý tộc sáng tạo, từ tư tưởng triết học thời viễn cổ, tín ngưỡng tôn giáo, lòng tin đạo đức, đến văn hóa nghệ thuật thời trung cổ,  đến khoa học tự nhiên thời cận đại, cho đến cơ chế dân chủ thời hiện đại, tư tưởng mở ra thời đại mới của lịch sử nhân loại, dường như đều là quý tộc sáng tạo ra. Có thể nói thế này, không có quý tộc, thì không có văn minh nhân loại. Không cần tìm đâu xa, chỉ cần tìm những nhà triết học, văn học, nghệ thuật, tư tưởng, thần học, khoa học vĩ đại trên thế giới, có ai không phải là quý tộc?

Quý tộc không chỉ sáng tạo văn minh, mà còn sáng tạo ra lịch sử. Những nhà quý tộc thời cận đại của châu Âu, họ đã sáng tạo ra “Quân chủ lập hiến”, sáng tạo “Tuyên ngôn độc lập”, sáng tạo “Tuyên ngôn nhân quyền”, anh hùng  dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi đã sáng tạo ra “Cách mạng phi bạo lực”, Martin Luther King của Mỹ sáng tạo ra “Tôi có một ước mơ”, họ đem những tư tưởng văn minh này vào thực tế, sáng tạo ra lịch sử huy hoàng, trở thành những cột mốc cho nhân loại hướng tới văn minh.

Sáng tạo lịch sử khác sáng tạo văn minh

Từ trước tới nay, lưu manh không biết sáng tạo văn minh, chỉ biết sáng tạo sự ngang tàn bạo ngược. Tuy vậy lưu manh cũng có thể sáng tạo lịch sử, nhưng lưu manh không thể sáng tạo lịch sử của văn minh, chỉ có thể sáng tạo lịch sử của sự phá hoại, sáng tạo lịch sử tàn sát. Lưu manh từ trước giờ chỉ biết sáng tạo bạo lực, sáng tạo chiến tranh, sáng tạo sự hoang đường, sáng tạo tai nạn.

Nếu một dân tộc mà nhóm người lưu manh giữ vai trò chính trong thời gian dài, thì sẽ trở thành dân tộc “ỷ mạnh hiếp yếu”, trở thành một dân tộc hung bạo, trở thành một dân tộc hủ bại biến chất.

Đạo lý như thế này, lẽ nào còn cần ai chứng minh sao?

Hoàng Hà (biên dịch từ 360doc.com)

Nguồn: Chu Vĩnh Hải

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Bác sĩ Phan Xuân Trung: Nói chuyện bệnh tiểu đường (phần 3)

 Nói chuyện bệnh tiểu đường (phần 3)

Trong các loại đường đơn thì chỉ có Glucose là được chuyển thành năng lượng cho tế bào. Các loại đường đơn khác phải được gan chuyển đổi sang Glucose hoặc chuyển hóa thành mỡ béo. Đường mía là Sắc ca rô (Sucrose) là đường đôi, bao gồm 1 Glucose và 1 Fructose liên kết nhau. Ăn đường mía, có nhiều Fructose sẽ làm tăng tải cho gan và gây tình trạng gan nhiễm mỡ.

XỬ LÝ BOM HÀNG 

Nói về chuyện bom hàng. Tình trạng này mang tính tương đối, xảy ra từ từ. Khi tế bào từ chối nhận Glucose thì tuyến tụy tích cực tăng cường tiết Insuline thêm để ép tế bào phải nhận Glucose. Doanh nghiệp nào cũng như Tuyến Tụy thì mức độ thành công sẽ rất cao, hạn chể đến mức thấp nhất lượng hàng bị bom.

Tuy nhiên, quá trình cố gắng tăng tiết insuline này sẽ làm cho tụy tạng kiệt quệ, không có khả năng tiết insuline được nữa. Công ty ship hàng bị phá sản sau một thời gian hoạt động.

Tế bào não thì không cần đến insuline.

Khi đường trong máu quá cao thì sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác. Đường sẽ bị chuyển thành thể Ceton, gây chua máu, tức tình trạng nhiễm acid máu, làm cho hôn mê. Khi này nước tiểu có mùi trái cây chín. Nói nhỏ, nước ion kiềm Kangen gì đó không giúp ích gì cho việc trung hòa acid này.

Đường máu cao sẽ bị chuyển hóa thành mỡ, tích tụ trong màng bụng, dưới da.

Các mạch máu nhỏ, lớn đều bị ảnh hưởng, hư hại gây ra hư hoàng điểm, suy thận, đột quỵ não hay bệnh mạch vành. Các vết thương sẽ dễ bị nhiễm trùng, lâu lành.

LÀM GIẢM LƯỢNG ĐƯỜNG HUYẾT LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG 

Do vậy, bác sĩ sẽ phải tìm mọi cách để hạ đường huyết đến mức chấp nhận được. Nhiều giải phảp được đưa ra:

- Ăn ít đường, bột. Chỉ ăn vừa đủ nhu cầu sử dụng hàng ngày. 

- Tăng cường vận động để tế bào cơ tiêu thụ hết lượng đường dư thừa.

- Ăn các thức ăn khó phân giải như các loại tinh bột đường đa, hơn là ăn các loại đường hấp thu nhanh như đường đơn hay đường đôi (đường mía, bánh, kẹo, trái cây ngọt...). Gạo lứt là một loại thức ăn cung cấp tinh bột khó phân hủy, phóng thích đường chậm hơn các loại gạo trắng khác.

THUỐC MEN 

Về thuốc men thì có nhiều thuốc với nhiều công dụng khác nhau:

- Thuốc kích thích tăng cường insulin.

- Thuốc kích thích tế bào mở kênh tiếp nhận đường.

- Thuốc phóng thích đường trong gan ra máu từ từ.

- Thuốc đào thải đường ra nước tiểu.

- Chích trực tiếp insuline vào máu.

Mỗi giải pháp đều có mặt lợi và mặt hại, tác dụng phụ trên bệnh nhân. Vận dung loại thuốc nào, cơ chế nào, liều lượng bao nhiêu là tùy theo tình trạng bệnh nhân già hay trẻ, mập hay ốm, mức đường huyết, HbA1c cần điều chỉnh ra sao, tác dụng ngoại ý của từng loại thuốc.

Không phải cứ kéo mức đường về các chỉ số bình thường là tốt. Kiểm soát chặt quá sẽ gây tuột đường huyết, nguy hiểm cho bệnh nhân hơn.

Các bác sĩ giỏi ở Mỹ thì nói chỉ có một loại thuốc mang lại lợi ích cho bệnh nhân là Metformin, với cơ chế là phóng thích đường chậm từ gan vào máu, phản đối việc tiêm Insuline cho bệnh nhân tiểu đường type 2. Các thông tin mới cho rằng tiểu đường type 2 là một diễn tiến trong hội chứng chuyển hóa, xảy ra ở người cao tuổi. Trước đây người ta xem tiểu đường, mỡ máu cao và tăng huyết áp là 3 bệnh riêng biệt. Ngày nay 3 bệnh đó là chung trong 1 diễn tiến bệnh gọi là Rối Loạn Biến Dưỡng. Việc điều trị mang tính đồng bộ cho cả 3 tình trạng bao gồm: tăng huyết áp, tăng mỡ máu và tăng đường huyết chứ không phải can thiệp riêng lẻ.

Theo quan sát trong quá trình khám bệnh thì tôi thấy hầu hết các ca "bom hàng" này có truyền thống gia đình. Hỏi ra thấy trong nhà có cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác... đã từng mắc bệnh tiểu đường II trước đó.

Một số bài thuốc dân gian có thể giúp ổn định đường huyết, nhưng chưa được nghiên cứu, công bố hiệu quả như ăn trái khổ qua (mướp đắng), trái nhàu, lá ổi... Các dược liệu này có thể giúp ích khi xung quanh không có thuốc men.

THÔNG TIN TÀO LAO VÀ CÓ HẠI

Theo cơ chế của bệnh Tiểu Đường, ta thấy việc can thiệp để hạ đường huyết là một hành trình thận trọng. Không điều trị thì gây biến chứng mãn tính, khó khắc phục. Điều trị quá tay thì không mang lại lợi ích cho bệnh nhân mà đôi khi có hại.

Các loại sữa được quảng cáo là để trị tiểu đường thì không thuộc nhóm nào trong các giải pháp hạ đường huyết kể trên. Một số sữa nói rằng có khả năng kích thích tuyến tụy tăng tiết Insuline hay phục hồi chức năng của đảo beta trong tuyến tụy cũng không đáng tin cậy. Các nghệ sĩ Cát Tường, Quyền Linh quảng cáo sữa trị tiểu đường, dùng ảnh hưởng của mình để dẫn dắt bệnh nhân điều trị sai cách.

Còn ông thầy chùa không học hành mà bài bác thuốc tây thì khỏi bàn, nói bậy bạ quá sức. Xúi bậy cho bệnh nhân trễ nải điều trị, gây biến chứng nguy hiểm, khó khắc phục. Đó là tội ác.

Trên đây là những thông tin cơ bản, ngắn gọn để người đọc phổ thông có thể hiểu về bệnh, hiểu về tác hại và cách trị bệnh tiểu đường. Quý vị nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và can thiệp sớm, tránh các biến chứng tai hại về sau.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Phạm Xuân Cần: GÀ CÔNG NGHIỆP

 GÀ CÔNG NGHIỆP

Mình còn nhớ hồi đầu Đổi mới, khoảng năm 1987, 1988 gì đó, báo Hà Nội mới có đăng một loạt bài của một nhà tâm lý học, phân tích tâm lý của dân ta khi chuyển sang kinh tế thị trường khá thú vị. Trong đó có bài phân tích về một kiểu tâm lý mà tác giả gọi là tâm lý “gà công nghiệp”. 

Đại loại chú gà công nghiệp béo tốt, đứng trong chuồng nhìn ra thấy mấy chàng gà trống chạy nhảy loăng quăng, lại còn nhảy lên đống rơm, đập cánh gáy vang lừng, rồi sau đó tha hồ đạp mái. Nhìn thấy vậy, chú mới biết, té ra lâu nay mình ở trong này tưởng sung sướng, no đủ, hóa ra là tù túng, là thiếu tự do quá. Trời ơi, chú khao khát tự do. Tự do còn quý hơn vạn lần thức ăn, nước uống. Thế là chú kiên quyết đấu tranh để được tự do. Dường như cũng thấu cảm với khát vọng cao cả của chú, ông chủ bèn mở cửa cho cậu ra ngoài. Trời đất! Thế này mới là sống chứ! Cả một khu vườn rộng mênh mông, chú muốn đi đâu cũng được, làm gì cũng được. Chú định đập cánh nhảy lên đống rơm, như chàng choai nọ, nhưng không thể nào nhấc nổi thân hình to béo lên khỏi mặt đất. Chú định cất tiếng gáy thật hào sảng cho giống chú gà cồ kia, nhưng âm thanh mà chú phát ra chẳng khác gì chiếc cát sét bị rối băng. Rồi không đợi chú đến gần, mấy chị gà mái đã vội lảng đi, lại còn ra hiệu cho nhau rằng đừng gặp thằng bất lực đó mần chi.

Quá trưa, chú bắt đầu thấy đói. Lúc còn ở trong chuồng chú đã để ý thấy mấy chị gà mái bươi đất để tìm giun, hoặc bới chỗ đống rơm này để tìm thóc. Chú cũng làm theo, nhưng than ôi, cái chân của chú không bươi đất, không nhặt cỏ, không bới rơm được. Cũng có lần thấy mấy hạt thóc lẫn trong sỏi, hoặc một con giun đất đang quằn quại, nhưng cái mỏ của chú không dám mổ. Eo ơi, bẩn thế, mất vệ sinh quá. Thế là, không đợi chiều xuống, cuộc phiêu lưu tìm tự do của chú kết thúc sớm. Chú lại quay về chuồng, nơi có thức ăn và nước uống đang đợi sẵn. 

Mấy chục năm đã trôi qua trong kinh tế thị trường, chắc là dân ta cũng đã có những trưởng thành và tiến bộ. Cũng đã có nhiều chú gà công nghiệp không chỉ tự bươi đất, lặt cỏ để kiếm sống, mà còn sáng tạo giúp đời, giúp mình, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Thế nhưng, xem ra tâm lý “gà công nghiệp” hãy còn rất nặng nề, thậm chí ngày càng có nhiều ‘biến chủng” tinh vi và sâu sắc. Mà, nặng nề nhất là trong tư duy. Vốn đã quen được bao cấp cả về trí tuệ, rất nhiều người, kể cả những người lao động trí tuệ cũng mất đi khả năng tư duy độc lập. Trước khi nói, hay viết họ đều ngó lên trên, dò ý lãnh đạo, để nói và viết theo. Rất tiếc, số này lại được xã hội cho là khôn ngoan, thức thời. Kết quả là báo chí, văn chương rặt một thứ ba phải, đèm đẹp, suôn suôn, còn khoa học xã hội thì hầu như chỉ biết chứng minh cho nghị quyết đúng, minh họa cho chính sách hay. Ngay cả khi được phép nói thật, nhiều người cũng không biết ý nghĩ thật của mình là như thế nào nữa! Trước những sự kiện chính trị xã hội trong nước, hoặc trên thế giới, đa phần ngóng đợi định hướng từ trên. Trên bật đèn xanh hướng nào là y như rằng cả hàng nghìn tờ báo, cơ quan ngôn luận rầm rập hành quân theo hướng đó. Trên bật đèn đỏ là y như rằng câm như thóc. Cũng có lúc trên bật “đèn vàng”, rứa là loạn cào cào, khối anh việt vị. 

Người ta chỉ có thể làm được cái gì đã nghĩ trong đầu. Khi trong đầu không có độc lập, không có sáng tạo thì có thể làm được gì? Khi hàng vạn, hàng triệu người tự đánh mất đi khả năng tự do trong tư duy, đó chính là lúc mầm nô lệ sẽ mọc lên.

Tự do là khát vọng ngàn đời của nhân loại. Nhưng tự do không tự đến, ngay cả khi đã có ai đó đem đến cho ta. Tự do cũng cần được nuôi dưỡng và rèn tập, thử thách và đấu tranh, khí phách và kỹ năng. 

Nếu không, rồi chúng ta lại như những chú gà công nghiệp năm nào…

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Luật sư Đặng Bá Kỹ: VỤ “NỢ THẺ TÍN DỤNG 8,5 TRIỆU ĐỒNG SAU 11 NĂM THÀNH 8,8 TỶ ĐỒNG”

 VỤ “NỢ THẺ TÍN DỤNG 8,5 TRIỆU ĐỒNG SAU 11 NĂM THÀNH 8,8 TỶ ĐỒNG”: NGƯỜI VAY CHỈ CẦN TRẢ CHO NGÂN HÀNG 8,5 TRIỆU ĐỒNG LÀ ĐƯỢC “GIẢI THOÁT” KHỎI MỌI TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ!

   Nếu như trong khoa học tự nhiên, có những Bài toán có nhiều cách giải, thì trong thực tế cuộc sống, có những vướng mắc cũng có nhiều hơn một phương án giải quyết. Và đương nhiên, khi đó - Sẽ có những cách giải/phương án cực kỳ đơn giản/nhanh chóng/hiệu quả - So với – Những cách giải/phương án rất lằng nhằng/phức tạp/tốn thời gian/kém hiệu quả khác. Mà vụ việc “Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng” là một ví dụ điển hình. 

   Thật vậy! Rất nhiều Người khi đánh giá và tìm lời giải cho vụ việc, đã phải loay hoay với một đống Văn bản luật/Quy định của Ngân hàng/Thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, để trả lời cho được câu hỏi rằng: Bằng cách tính nào mà Ngân hàng có thể đôn một khoản nợ từ 8,5 triệu sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng? Có lẽ phải giỏi về toán, ngoài hiểu biết về luật, thì Họ mới có thể tính ra được các khoản tiền cụ thể như nợ gốc, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn, phí phạt chậm trả là bao nhiêu… 

    Trong khi có một cách giải khác hiệu quả hơn bội phần, mà lại chẳng cần phải quan tâm đến những điều đó! Ở đây, Chúng ta cứ cho khoản nợ là có thật, theo như thông tin mà Ngân hàng đã cung cấp cho báo chí, và Ngân hàng khẳng định rằng: Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên đã thành khoản nợ xấu. Cũng có nghĩa, Khách hàng vay đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ của mình vào thời điểm muộn nhất là tháng 9 năm 2013. 

   Hay nói cách khác, kể từ tháng 9 năm 2013 – Ngân hàng biết và buộc phải biết, quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm – Do đó, THỜI HIỆU KHỞI KIỆN ĐƯỢC TÍNH KỂ TỪ ĐÂY đối với tranh chấp về hợp đồng vay. Khi khách hàng không tự nguyện trả nợ, thì Ngân hàng buộc phải khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án buộc Người vay phải trả nợ theo hợp đồng. Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng là 03 năm (Quy định cũ là 02 năm), dù tính theo cách cũ hay mới, thì thời hiệu khởi kiện cũng đã hết từ lâu. 

   Cho nên, nếu Ngân hàng khởi kiện ra Tòa, mà Người vay vận dụng quy định về thời hiệu, thì Vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết, do đã hết thời hiệu khởi kiện. Khoa học pháp lý gọi trường hợp này với một thuật ngữ rất kêu “Thời hiệu tiêu diệt” – Có nghĩa rằng, khi một thời gian trôi qua đã lâu, thì trách nhiệm pháp lý cũng được giải phóng, Kẻ có quyền bị xâm phạm, mất cơ hội mưu cầu Cơ quan công quyền bảo vệ lợi ích dân sự bị xâm phạm đó. Đây cũng là lý do vì sao, Tác giả đã nhiều lần khuyến cáo Bà con phải chú ý đến quy định về các loại thời hiệu (Ngoài “Thời hiệu tiêu diệt” còn có “Thời hiệu thủ đắc” đã được đề cập từ lâu).

   Trong tình huống cụ thể này, Ngân hàng chỉ còn cách là khởi kiện đòi lại tài sản, vì tranh chấp về quyền sở hữu thì không bị áp dụng thời hiệu, nhưng như vậy thì Ngân hàng chỉ có thể đòi lại số tiền đã cho vay là 8,5 triệu đồng, không hơn không kém. Nếu biết về quy định này, chắc hẳn nhiều Bạn sẽ không còn có những bình luận đại khái như, nếu Ngân hàng để thêm 10 năm nữa mới đòi, thì khoản tiền đã có thể lên đến 800 tỷ. Bởi một khi quy định về “Thời hiệu tiêu diệt” được kích hoạt, tức Ngân hàng mất quyền khởi kiện, thì chẳng còn thiết chế nào có thể bảo vệ lợi ích cho Họ trong trường hợp này. Tất nhiên, Ngân hàng không bao giờ được quyền tự ý lấy tài sản của Khách hàng để bù trừ nợ vay. 

    Trong một bộ phim nổi tiếng của TVB về đề tài pháp đình, có một câu thoại rất ấn tượng: “Nói đến pháp luật, là nói đến áp dụng trình tự - Ai giỏi vận dụng trình tự, đó là Người nắm được lợi thế”! Cái sai của rất rất nhiều Sinh viên luật (Bao gồm cả Tôi lúc đó), là Chúng ta quá chú tâm vào những môn học về luật nội dung khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Chúng ta quá “đắm chìm” vào những vụ việc như mua được con cá có chiếc nhẫn vàng trong bụng cá, thì chiếc nhẫn của ai – Mà ngó lơ, không mặn mà, thậm chí là xem thường các môn học về tố tụng. Trong khi, đó mới chính là lĩnh vực đưa lại nhiều va chạm nhất, ngay cả khi Bạn chỉ là một Luật sư tư vấn, bạn vẫn phải am hiểu về tố tụng, để định hình trước cho Khách hàng biết về những phong ba…

Viết tại Sài Gòn, ngày 16/03/2024 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Luật sư Đặng Bá Kỹ: CẦN XÁC ĐỊNH ĐÚNG BẢN CHẤT CỦA GIAO DỊCH GỬI TIỀN TIẾT KIỆM: PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN!

 CẦN XÁC ĐỊNH ĐÚNG BẢN CHẤT CỦA GIAO DỊCH GỬI TIỀN TIẾT KIỆM: PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN!

    Việc làm rõ bản chất của giao dịch gửi tiền tiết kiệm cũng chính là việc xác định quan hệ pháp luật của việc gửi tiền tiết kiệm – Điều này, hết sức quan trọng! Bởi việc định danh quan hệ pháp luật, liên quan đến việc lựa chọn luật áp dụng cho quan hệ pháp luật đó. Hiển nhiên, việc xác định sai quan hệ pháp luật, dẫn đến lựa chọn không đúng luật áp dụng, hệ quả kéo theo là nhận diện sai tư cách pháp lý của các Chủ thể có liên quan, áp đặt không đúng quyền, nghĩa vụ của Chủ thể - Từ đó xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của Người có quyền. 

   Trong giao dịch gửi tiền tiết kiệm, thuật ngữ “gửi” đã khiến cho nhiều Người lầm tưởng, đây là giao dịch gửi giữ tài sản – Dù đương nhiên, không phải vậy. Trong giao dịch gửi giữ tài sản, Người có tài sản (Ví dụ Ông A) gửi tài sản (Ví dụ chiếc xe) cho Người trông giữ (Ví dụ Ông B), thì hoặc Ông A phải trả tiền phí trông giữ cho Ông B, hoặc đôi khi vì lòng tốt mà Ông B có thể trông coi miễn phí, tuy nhiên sẽ không thể nào có chuyện Ông B vừa mất công trông giữ xe cho Ông A, lại còn phải đi trả tiền cho Ông A (Ngôn ngữ bình dân, Bà con ta sẽ gọi đó là chuyện ngược đời). Trường hợp xảy ra, nếu Ông A giao xe tạm thời cho Ông B, mà Ông B phải trả tiền cho Ông A, thì bản chất đó chỉ có thể là giao dịch cho thuê tài sản (Cho thuê xe), mà không thể là giao dịch trông giữ tài sản. 

   Giao dịch gửi tiền tiết kiệm cũng hoàn toàn hiểu y chang như vậy! Ông N gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng, sau một thời hạn nhất định, Ông N được nhận lại cả tiền gốc lẫn tiền lãi, thì đó phải là giao dịch cho vay tài sản, chứ không thể là giao dịch gửi giữ, bởi nếu là gửi giữ thì theo luật, chính ông N phải trả tiền phí gửi giữ, hoặc cùng lắm là Ngân hàng “trông hộ miễn phí”, chứ không thể có chuyện Ngân hàng phải trả thêm tiền lãi, ngoài tiền gốc cho Người gửi. Do đó, cần phải khẳng định chắc chắn rằng, khi Người dân gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng, nghĩa rằng giữa hai bên đã tồn tại một hợp đồng cho vay tài sản, bản chất quan hệ pháp luật là quan hệ cho vay tài sản. Ngoài ra, dưới góc độ kinh doanh, việc nhận tiền gửi đó, còn được coi là nghiệp vụ kinh doanh của Ngân hàng, đó là hình thức huy động vốn, để cho người khác vay lại, nhằm hưởng chênh lệch về lãi suất. 

   Khi xác định giao dịch gửi tiền tiết kiệm bản chất là quan hệ vay tài sản. Dẫn đến hệ quả là khi Người cho vay đã chuyển tiền cho Ngân hàng, thì đồng thời quyền sở hữu cũng được chuyển giao theo luật định, lúc này tiền không còn là của Người cho vay nữa, mà là của Ngân hàng, quyền sở hữu chuyển giao, thì rủi ro cũng chuyển giao, nên nếu có mất mát gì, Người phải chịu rủi ro là Ngân hàng (Người vay). Lúc này, thứ mà Người gửi tiền nắm giữ, sau khi cho Ngân hàng vay, là một quyền tài sản, cụ thể là quyền đòi nợ, chứ không phải là chính bản thân số tiền đã gửi đó. Ví dụ, Ông A gửi 10 tỷ tiết kiệm cho Ngân hàng B, kể từ thời điểm Ngân hàng nhận tiền, thì quyền sở hữu 10 tỷ này là của Ngân hàng B, mà không phải của Ông A, nên Ngân hàng muốn làm gì với 10 tỷ này là việc của Ngân hàng, Ông A không được quyền ý kiến, nếu Ngân hàng cho Ông C vay lại 10 tỷ này, việc Ông C có trả nợ cho Ngân hàng hay không, không liên quan đến nghĩa vụ trả nợ cho Ông A của Ngân hàng (Tức Ngân hàng không được lấy lý do là chưa đòi được từ ông C, nên chưa trả cho Ông A).

   Tương tự như thế, như đã nêu quyền sở hữu chuyển giao, thì rủi ro cũng chuyển giao, nên nếu có mất mát, hư hỏng gì đối với tài sản vay thì Người vay (Ngân hàng) phải gánh chịu. Giả định nếu có ai đó làm giả hồ sơ, giấy tờ, giả mạo Người cho vay (Ví dụ giả mạo Ông A) – Tức giả mạo Chủ thể có quyền đòi nợ để chiếm đoạt tiền, thì Người bị chiếm đoạt tiền là Ngân hàng, Bị hại cũng là Ngân hàng, chứ không thể là Người bị giả mạo. Việc hung thủ giả mạo ai, giả mạo bằng cách nào, đó chỉ là hình thức, phương thức thực hiện hành vi phạm tội. Không thể có chuyện vì hung thủ giả mạo Ông A (Người gửi tiền) mà lại bắt Ông A phải chịu mất khoản tiền Ngân hàng bị chiếm đoạt, trong khi bản thân Ông A không có bất kỳ một hành vi pháp lý nào để phải chịu trách nhiệm pháp lý trong tình huống như vậy. 

Viết tại Sài Gòn, ngày 31/03/2024 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!