TRUMP ĐÂU “BỐC ĐỒNG” NHƯ TA NGHĨ: CƠ HỘI NÀO CHO VIỆT NAM TRONG VÁN CỜ THUẾ QUAN?
Một cách nhìn chiến lược từ tài liệu của cố vấn thân cận Tổng thống Trump
⸻
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”
Chúng ta vẫn quen nhìn Tổng thống Trump như một người “lên đồng chính trị”: thay đổi xoành xoạch, nói trước quên sau, phản ứng bốc đồng và thiếu chiến lược rõ ràng.
Tôi cũng vậy. Cho đến khi đọc được một tài liệu từ một giáo sư đại học ở Mỹ gửi. Tài liệu ấy được viết bởi Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Trump. Nhờ những thông tin trong đó, mọi nước đi tưởng như ngẫu hứng của Trump đều hiện lên đầy tính toán và chiến lược.
Nó lý giải:
- Vì sao Trump sốt ruột với Ukraine.
- Vì sao Việt Nam bất ngờ bị áp thuế lên đến hơn 40%.
- Vì sao Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi vào bàn đàm phán, nhưng Việt Nam thì có thể.
⸻
A. TÀI LIỆU CHIẾN LƯỢC: TRUMP ĐANG CHƠI VÁN CỜ LỚN
Tài liệu “Làm sao để tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu” không phải một bản hướng dẫn chi tiết, mà là “bản đồ địa chính trị” cho Trump: nó chỉ ra những đòn bẩy, điểm yếu và hậu quả tiềm ẩn để Tổng thống tự chọn con đường.
Vấn đề cốt lõi:
1. Đồng đô la quá mạnh: Cả thế giới xem USD như “két sắt toàn cầu” khiến nó bị “đẩy giá” lên cao. Hệ quả là hàng Mỹ khó xuất, hàng ngoại tràn vào như nước vỡ bờ.
2. Công nhân mất việc, nhà máy đóng cửa: Như “Cú sốc Trung Quốc” cướp đi hàng triệu việc làm Mỹ từ 2000–2011.
3. Mỹ đang trả giá cho vai trò “người gác cổng” của thế giới, trong khi các nước khác hưởng lợi.
Giải pháp chiến lược:
1. Siết thuế quan
Dựng lại “cổng thu phí” để kiểm soát dòng hàng. Mục tiêu 3 trong 1:
• Bảo vệ sản xuất nội địa
• Ép đàm phán thương mại
• Kiếm tiền bù cho vai trò “két sắt” và “người gác cổng”
Nếu WTO là một sân chơi mở, thì Trump đang “dựng lại hàng rào” để soát vé từng người bước vào.
2. Chỉnh chính sách tiền tệ
Làm đồng USD “bớt béo” để hàng Mỹ rẻ hơn ra thế giới. Cách làm: thương lượng tỷ giá, trừng phạt người gom USD, hoặc điều chỉnh chính sách lãi suất.
3. Tạo cú sốc có kiểm soát
Trump sẵn sàng để thị trường rung lắc ngắn hạn nếu điều đó giúp nước Mỹ giành lại thế chủ động dài hạn.
B. CHIẾN LƯỢC CỦA CHÍNH QUYỀN TRUMP VỀ THUẾ QUAN & THƯƠNG MẠI
Dựa theo tài liệu, có thể thấy Trump và đội ngũ phân loại các quốc gia dựa vào 2 tiêu chí chính:
- Thặng dư thương mại với Mỹ
- Giá trị chiến lược (an ninh, địa chính trị, chuỗi cung ứng)
Đây là các lựa chọn chiến lược tôi thấy qua tài liệu:
1. Lôi kéo (Close Allies): Đồng minh thân như Nhật Bản (thặng dư nhỏ, an ninh chặt chẽ, ít bị thuế nặng).
2. Thỏa hiệp (Partners): Nước có thặng dư lớn nhưng giá trị chiến lược (như Việt Nam, Hàn Quốc) bị thuế cao nhưng có cửa đàm phán.
3. Tranh thủ (Potential Allies): Chưa thân nhưng có tiềm năng (như Ấn Độ) thuế vừa phải, chờ họ “vào đội”.
4. Chèn ép (Competitors): Đối thủ như Trung Quốc với thặng dư khổng lồ, bị thuế 60%, không có đường thương lượng.
Trung Quốc bị nhắc mãi như “kẻ thù” với mức thuế được thiết kế 60% (khi ra công khai vừa rồi thì là 20% + 34%, có lẽ để tăng lên từ từ), họ đánh trả 34%, vì tài liệu công khai họ chẳng còn đường lùi.
C. VIỆT NAM Ở ĐÂU TRONG VÁN CỜ NÀY?
- Thặng dư lớn: Hơn 120 tỷ USD năm 2023 – đủ để lọt “vùng radar” của Trump.
- Vị trí chiến lược: Làm đối trọng mềm với Trung Quốc tại Đông Nam Á.
=> Việt Nam thuộc nhóm “Thỏa hiệp”, có thể đàm phán, nhưng bị “đẩy” lên mức thuế trên 40% để buộc phải chọn phe. Nếu tỷ lệ này nằm ở nhóm dưới 20%, rất có thể Việt Nam sẽ cắn răng chịu trận. Chỉ khi “hình phạt” đủ nặng thì mới đánh động được dư luận. Và chính phủ Việt Nam cũng dễ đoàn kết và thống nhất ý chí của quần chúng nhân dân ủng hộ quyết định thay đổi hơn vì họ dễ dàng thấy được “what’s in it for me”.
Lời khen kiểu “họ thích tôi, tôi thích họ” là tín hiệu mở cửa, chờ ta bước vào. Nhưng nếu Việt Nam không phản hồi, có thể bị đẩy về nhóm đối thủ.
---
D. KỊCH BẢN THUẾ QUAN CHO VIỆT NAM
Dựa trên vị trí của Việt Nam trong nhóm "Thỏa hiệp" và các đòn bẩy đàm phán, có thể hình dung mấy kịch bản sau:
Kịch bản 1: Tốt (Thuế 0%)
- Mô tả: Việt Nam đạt được Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Mỹ, dẫn đến mức thuế 0% cho một số ngành hàng chiến lược (những gì Mỹ rất cần nhưng lại không thể tự sản xuất được) như dệt may, nông sản.
- Cơ sở: Việt Nam tận dụng vị trí chiến lược trong khu vực để đàm phán FTA. Cam kết mua hàng hóa Mỹ với giá trị lớn và hợp tác an ninh sâu rộng. Đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, và nguồn gốc hàng hóa mà Mỹ yêu cầu.
- Xác suất: Thấp, vì FTA đòi hỏi thời gian và sự nhượng bộ lớn từ cả hai phía.
Kịch bản 2: Khá (Thuế ~10%)
- Mô tả: Việt Nam được xem là "bạn tốt" và hưởng mức thuế ưu đãi khoảng 10%, tương đương mức cơ sở toàn cầu mà Mỹ có thể áp dụng.
- Cơ sở: Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh nhưng không đạt được FTA. Cam kết giảm thặng dư thương mại bằng cách nhập khẩu thêm hàng Mỹ. Mỹ muốn duy trì Việt Nam như một đối tác trong khu vực để đối phó Trung Quốc.
- Xác suất: Cao, vì đây là mức cân bằng giữa lợi ích của Mỹ và khả năng đàm phán của Việt Nam.
Kịch bản 3: Xấu (Thuế 46% hoặc cao hơn)
- Mô tả: Việt Nam không đàm phán thành công, trong quá trình đàm phán lại vô tình lộ ra rằng mình còn quá nặng lòng với kẻ thù không đội trời chung của Mỹ (là Trung Quốc) và phải chịu mức thuế cao hiện tại hoặc thậm chí tăng thêm.
- Cơ sở: Mỹ nghi ngờ Việt Nam "lách thuế" cho hàng Trung Quốc hoặc không minh bạch chuỗi cung ứng. Việt Nam không đưa ra nhượng bộ đủ lớn trong thương mại hoặc an ninh. Mỹ áp dụng chính sách cứng rắn để bảo vệ sản xuất nội địa.
- Xác suất: Thấp, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì đối thoại tích cực.
---
Kịch bản 4: Tạm ổn (Thuế 17%-20%)
- Mô tả: Đây là mức thuế trung bình của hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ mà chính quyền Trump muốn. Việt Nam chưa được xem là "bạn tốt" nhưng vẫn thể hiện được nhiều thiện chí đáng kể, và do vậy tạm nhận mức thuế trung bình này. Tuy vậy, cần hiểu đây là mức thuế tạm thời, và như hướng dẫn của tài liệu, mỗi tháng có thể sẽ tăng thêm 2% để gây áp lực, không cho đối tác câu giờ mua thời gian.
- Xác suất: Cao, vì nếu không đủ quyết liệt và dứt khoát, sẽ khó có được sự thuyết phục cho chính quyền Mỹ.
E. CHÌA KHÓA NẰM TRONG TAY CHÚNG TA
Trump không “ngẫu hứng”. Ông đang chơi một ván cờ thương mại kiểu mới, đầy chiến lược.
Việt Nam không yếu thế như ta nghĩ. Chúng ta có vị trí địa chính trị, có lợi thế thương mại, có các quân bài để mặc cả, và có cơ hội để nâng cấp quan hệ chiến lược với Mỹ.
Vấn đề duy nhất là:
Ta có đủ quyết tâm để chơi cuộc chơi này không?
“Đừng sợ thay đổi luật chơi. Nếu mình không chơi, người khác sẽ viết luật cho mình.”
Trong thực tế, hoàn toàn có thể triển khai nhanh các biện pháp cải tổ nền kinh tế, miễn là chúng ta thực sự muốn:
1. Giải quyết quan ngại “đội lốt”: truy ngược từ hồ sơ xuất khẩu đi Mỹ sẽ ra doanh nghiệp và lượng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu tỷ lệ trên một mức nào đó, tiến hành thanh tra toàn diện. Và hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ điều hành (thanh tra, môi trường, an toàn, PCCC, thuế, tài chính…) để xử lý. Hoặc kết hợp với các công cụ chính sách, ví dụ đề xuất tỷ trọng nội địa tối thiểu (ví dụ 40%) cho từng nhóm ngành cho các doanh nghiệp FDI. Nhờ vậy, không chỉ giảm được nhập khẩu từ Trung Quốc, giảm được xuất khẩu đi Mỹ, đồng thời thêm được giá trị gia tăng cho hàng hoá và thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển.
2. Giảm thuế cho các nhóm hàng hoá mức thuế cao nhưng số lượng nhỏ nhập từ Mỹ, nhất là nhóm mà Việt Nam không tự sản xuất được như ô tô, máy bay hay vũ khí. Nên nhớ rằng, thuế áp với một số nhóm là lớn kinh khủng (như xe ô tô lên đến 300%) nên khi ta giảm xuống gần bằng 0% thì đây sẽ ghi điểm thực sự với chính quyền Trump. Nhất là khi đây cũng là những ngành mà Trump muốn khuyến khích. Trời ơi, nghĩ đi: Thuế ô tô (mấy trăm triệu USD) 300% giảm về 0% có thể đổi lấy thuế dệt may Việt Nam vào Mỹ (mười mấy tỷ USD) giảm từ 46% xuống 10%.
3. Nhiệt tình tham gia các cuộc tập trận cùng Mỹ và đồng minh trong khu vực. Vừa nâng cao năng lực quân đội, vừa giảm khoảng cách với Mỹ, vừa tạo đối trọng với Trung Quốc. Hãy nhớ rằng Philippines đã giảm được thuế thép từ 25% xuống 15% nhờ tập trận năm 2024.
4. Tuyệt đối khống chế các kênh bán hành không nguồn gốc kiểu như KOL, livestream hay sàn không kiểm tra nguồn gốc vì đa phần hàng hoá là từ Trung Quốc. Điều này giúp giảm giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc (5 tỷ USD mỗi năm), giảm lo ngại của Mỹ, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng. Qua vụ Kera (Hằng Du Mục, Quang Linh), tôi đang thấy đây đã là một mối quan tâm của chính phủ.
Mức thuế cuối cùng sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán cụ thể và chính sách thương mại của chính quyền Trump trong tương lai. Thế nhưng, chìa khoá của mọi việc lại nằm trong tay chúng ta.
Chỉ là chúng ta thực sự muốn đến mức nào.
#DrNeo #giaiphapphattrien #theodongthoisu
P/s: Cho các bạn muốn đọc tài liệu chiến lược của Miren, tôi có nhờ trợ lý dịch thành 41 slides và sẽ post trong nhóm InnoLead - Biến Ý tưởng thành Cơ đồ để trao đổi sâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét