Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

Trần Lâm: Chúng ta nên chọn mô hình hộ kinh doanh hay công ty?

Chúng ta nên chọn mô hình hộ kinh doanh hay công ty? 

Đây không phải là câu hỏi mới, nhưng mỗi lần ai đó nhắc lại, mình đều thấy đáng để suy nghĩ. Bởi vì tùy vào giai đoạn, năng lực và mục tiêu mà mỗi người sẽ cần một mô hình khác nhau.

Tuần rồi mình ngồi cà phê với vài người bạn đang kinh doanh trên các sàn TMĐT, có người đã mở công ty, có người vẫn chạy hộ kinh doanh, cũng có người đang phân vân chuyển đổi. Cuộc trò chuyện hôm đó khiến mình muốn viết lại vài suy nghĩ — để bạn nào đang băn khoăn thì có thêm góc nhìn tham khảo.

Tương lai có thể bị “bắt buộc” – vậy tại sao không chủ động chọn từ đầu?

Mình đoán thôi, nhưng có vẻ như nhà nước đang dần siết lại việc quản lý kinh doanh cá nhân. Gần đây thì hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ/năm đã bị yêu cầu phải xuất hóa đơn điện tử rồi.

Vậy nên không loại trừ khả năng trong tương lai gần:

Doanh thu < 1 tỷ: vẫn được coi là kinh doanh nhỏ lẻ, không bắt buộc gì.

Doanh thu trên 1 tỷ: bắt đầu bị yêu cầu kê khai đầu ra – đầu vào.

Trên 5,6 hay 10 tỷ: phải chuyển qua mô hình công ty, không được làm hộ kinh doanh nữa.

Nếu điều đó là thật thì việc chọn mô hình không còn là “quyền chọn lựa” nữa, mà sẽ là “bị bắt buộc phải theo.”

Và nếu đã biết khả năng đó có thể xảy ra, thì sao chúng ta không chủ động chọn trước – chọn một mô hình phù hợp với mình ở thời điểm hiện tại, và chuẩn bị tinh thần cho giai đoạn tiếp theo?

5 mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay và lời khuyên thực tế

1. Cá nhân bán hàng chơi vui (dưới 100 triệu/tháng)

Rất nhiều bạn sinh viên, mẹ bỉm sữa, nhân viên văn phòng bắt đầu từ đây. Mỗi tháng bán đâu đó vài chục đơn, thêm vài triệu xài, cũng vui rồi.

→ Với nhóm này, không cần công ty. Làm hộ kinh doanh thuế khoán là đủ. Đóng 1% VAT và 0.5% thu nhập doanh nghiệp trên tổng doanh thu là xong, không phải làm báo cáo gì nhiều.

→ Nếu còn nhỏ, bạn hoàn toàn có thể bán với tư cách cá nhân không đăng ký cũng được. Nhưng lưu ý, càng về sau rủi ro càng lớn, nên nếu xác định làm lâu dài thì nên đăng ký hộ kinh doanh sớm để chủ động.

2. KOC bán hàng – vừa làm nội dung, vừa có thu nhập từ bán hàng & affiliate

Những bạn kiểu này thường làm rất tốt trên TikTok, YouTube, Instagram... Bạn vừa bán được hàng, vừa kiếm tiền từ affiliate, vừa có thể đi làm quảng cáo thuê.

→ Mô hình này có thể sớm chạm mốc 3–5 tỷ/năm, nên nên cân nhắc chuyển qua hộ kinh doanh kê khai.

→ Đừng lên công ty vội nếu bạn vẫn còn làm một mình. Vì chi phí vận hành công ty rất lớn (kế toán, báo cáo thuế, BHXH, hóa đơn, kiểm toán...). Không phù hợp nếu bạn chưa có đội nhóm hoặc chưa tách bạch được tài chính.

🧠 Gợi ý: Nếu bạn là KOC có sẵn traffic, hãy cẩn thận với việc định giá sản phẩm sai. Vì traffic miễn phí lúc đầu rất dễ đánh lừa cảm giác, nhưng khi bạn cần bỏ tiền ra chạy ads, thuê KOL khác, chi phí sẽ đội lên rất nhiều.

3. KOC xây dựng thương hiệu riêng

Lúc này bạn không còn muốn bán sản phẩm của người khác nữa, mà bắt đầu sản xuất sản phẩm riêng, công bố sản phẩm, làm bao bì, làm R&D...

→ Phải lên công ty. Bạn bắt buộc cần pháp nhân để làm công bố sản phẩm, làm thương hiệu bài bản, xuất hóa đơn, ký hợp đồng.

→ Nhưng hãy nhớ một điều: đừng để thương hiệu phụ thuộc vào bạn. Vì nếu bạn là KOC và xây thương hiệu mà chỉ có mình bạn biết cách bán, thì sau này bạn rất khó scale.

→ Hãy tách rời bạn ra khỏi thương hiệu. Tách chi phí booking, quảng cáo, bán hàng – và đo lường nó như một người ngoài. Đó là cách bạn xây được một business thật sự, chứ không phải chỉ là “tiểu thương nổi tiếng”.

4. Nhà phân phối

Bạn phân phối nhiều nhãn hàng, hoặc bán nhiều SKU khác nhau, có thể đạt doanh số hàng chục đến hàng trăm tỷ/năm.

→ Chắc chắn phải là công ty. Vì không có công ty, bạn không thể:

Chứng minh nguồn gốc hàng hóa

Làm hợp đồng đại lý

Có hóa đơn đầu vào đầu ra đầy đủ

Tồn tại lâu dài trong chuỗi cung ứng

5. Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu từ đầu

Bạn không xuất phát từ KOL, không làm bán hàng lặt vặt, mà vào thị trường với một mindset bài bản: tạo brand, xây team, chạy sản xuất, mở rộng hệ thống.

→ Phải là công ty từ đầu. Mọi thứ nên được làm chỉn chu ngay từ đầu thì sau này mới lớn nhanh được.

Chọn mô hình xong – thì phải chọn đúng chiến lược hoạt động

Một trong những sai lầm lớn nhất là:

❌ Chọn mô hình cá nhân nhưng lại đi làm kiểu công ty

❌ Chọn mô hình công ty nhưng lại vận hành kiểu buôn bán linh tinh

Nếu bạn đang ở mô hình cá nhân mà lại muốn chạy ads, booking KOL, mở chi nhánh... thì sớm muộn gì bạn cũng bị “bể” vì chi phí.

Ngược lại, nếu bạn mở công ty rồi mà vẫn tư duy kiểu “kiếm đơn lẹ”, không đầu tư thương hiệu, không xây hệ thống, thì bạn cũng không đi được xa.

Lời kết:

Kinh doanh giống như một hành trình – và ở mỗi chặng, bạn cần một chiếc xe phù hợp. Có lúc bạn chỉ cần chiếc xe máy, có lúc bạn cần chiếc xe tải, có lúc lại cần một con tàu lớn.

Hộ kinh doanh, công ty, hay cá nhân – không có mô hình nào tốt nhất. Chỉ có mô hình phù hợp nhất với bạn tại thời điểm đó.

Hiểu mình đang ở đâu, muốn đi đâu, và chọn đúng phương tiện – sẽ giúp bạn đi xa hơn, bền hơn và nhẹ nhàng hơn.

-Trần Lâm-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét