Giờ này thì họ đã đóng máy, đóng lại tập cuối của tập phim cuộc
đời, cùng nắm tay nhau phiêu du miền Cực Lạc. Mong rằng họ sẽ có nhiều niềm
vui.
*
Lê
Hoàng Hoa, người đạo diễn của Ván bài lật ngửa
Lê Hoàng Hoa đã mất từ 2012, cái chết của ông ở SG không đình đám
như Chánh Tín, tài tử đóng vai chính trong phim của ông. Nhưng ông và Chánh Tín
đều là những người đã sống hết mình trong bộ phim cuộc đời từng người. Với
nhiều bi hài kịch, hỷ nộ ái ố, giữa những ngổn ngang lịch sử.
Lê Hoàng Hoa trước 1975 đã cực kỳ nổi tiếng. Ông từng là giám đốc
Đài truyền hình Việt Nam Cộng Hòa. Từ 1958, ông đã từng lăn lộn khắp Việt Nam
quay phim tài liệu cho USSOM. Ông cống hiến hết sức mình cho những ngày đầu của
truyền hình VN. Hồi đó đài đang chờ xây anten nên phải phát sóng qua máy bay
trực thăng. Ông vất vả chạy cho chương trình mỗi ngày, vừa phục vụ Sài Gòn vừa
chuyển băng về các tỉnh ngay sau đó. Đài khi đó có 15 phút thời sự. Còn lại có
nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ công chúng, có nhạc tiền
chiến và cải lương, và nhất là những bộ phim kinh dị “kể lúc không giờ"
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa tên thật Đoàn Lê Hoa (nghệ danh Khôi Nguyên,
ghép từ tên hai đứa con trai đã mất tích), sinh năm 1933 tại Nha Trang. Ông
từng học tại trường Khải Định, Huế. Cha là tỉnh trưởng Quảng Bình. Năm 1952, vì
học giỏi, ông là một trong số ít người VN nhận học bổng qua Mỹ. Nhưng tới
Paris, ông thích kinh đô Ánh Sáng nên trốn lại đi chơi mút mùa. Tới lúc gia
đình kêu quá, mới ra trình diện Tòa đại sứ Mỹ và nói chỉ qua Mỹ để học ... điện
ảnh. Vào đại học USC danh tiếng, ông học và mê điện ảnh Mỹ như điếu đổ, cho tới
khi về VN.
Đẹp trai, có tài, ông làm phim Chân trời tím đình đám vốn là phim
nhựa màu đầu tiên của điện ảnh VN. Năm 1970, ông lấy vợ là ca sĩ Phương Hồng
Loan rất xinh đẹp, sinh 2 con trai. Nhưng sau 1975, mọi chuyện đều đảo lộn. Lê
Hoàng Hoa cùng vợ con vượt biên. Chuyến đi thất bại, ông còn sống và phải vào
tù , nhưng vợ và con chết mất xác ngoài biển.
Lê Thanh Hải, một người bạn vong niên của ông kể lại " Người
dân miền Bắc và lớp trẻ lớn lên sau 1975 chỉ biết đến anh qua bộ phim Ván Bài
Lật Ngửa – câu chuyện từng khiến không ít những người bạn cũ bên các nước
phương Tây có thời phản đối anh rất dữ. Thế nhưng, nếu bạn đi vượt biên thất
bại và vợ con đều chết, bản thân ngồi tù, bộ phim Chân Trời Tím được bày bên
cạnh bộ truyện chưởng Kim Dung trong nhà Trưng bày tội ác Mỹ Ngụy, thì bạn còn
lựa chọn nào khác hơn là đi làm phim cho một ông cán bộ đang làm vua trong ngành
văn hóa văn nghệ ở Sài Gòn lúc bấy giờ – Trần Bạch Đằng? Không đơn thuần là cúi
đầu phụng sự, mà Lê Hoàng Hoa đã xây dựng lại hoàn toàn một câu chuyện đầy chất
phim với những nhân vật đi vào lòng người xem từ mọi tầng lớp và quan điểm
chính trị, từ vai chính đẹp trai mặc măng tô trong rừng cao su giống như “17
khoảnh khắc mùa xuân”, cho đến “gã đầu bạc” với những chiếc xe sport mui trần
làm nên sắc thái cho Sài Gòn."Chính ông là người ra điều kiện với Trần
Bạch Đằng" phải đưa Chánh Tín ra khỏi trại giam, cũng vì tội vượt biên, về
thủ vai chính, và không can thiệp vào chuyện làm phim. Thực vậy, nhờ ông mà
khán giả Việt Nam, nhất là người miền Bắc biết được thế nào là văn hóa tiệc
đứng, văn hóa khiêu vũ, văn hóa trượt ván nước, được thưởng thức bộ ngực đẹp
trên màn ảnh không thua gì phim Pháp, được xem cảnh rượt đuổi xe hơi trên đường
đèo không kém gì phim Mỹ, được xem đoàn rước trên lưng voi hoành tráng không
thua gì phim da đỏ của Đức, được theo dõi những màn đấu trí thông minh hồi hộp
không kém gì các bộ phim nổi tiếng."
Và nhiều khán giả miền Bắc khi đó, qua bộ phim này biết được hình
ảnh chân thực của đời sống Miền Nam. Nào nhà cửa, nào cách ăn mặc, nào nếp
sống, những con người và đời sống khác xa với những gì mà họ hiểu qua tuyên
truyền trước đó. Mà nói thật ra có nhiều điều làm họ vô cùng bất ngờ và ngạc
nhiên. Thành ra phim của ông, cùng vai chính do Chánh Tín đóng, gián tiếp là
một cánh cửa giúp cho người miền Bắc hiểu miền Nam nhiều hơn. Bỏ qua cốt truyện
tình báo gay cấn này nọ mà nay phần lớn mọi người không còn nhớ nữa.
Lê Hoàng Hoa sau đó lấy vợ, có một con gái và nay cô con gái này
đã là nhà tạo mẫu nổi tiếng tại London. Ông tiếp tục làm phim rồi qua Ba Lan
sinh sống. Rồi về lại TPHCM sống những năm cuối đời và mất.
Lê Hoàng Hoa, và Chánh Tín, có lẽ là những chứng nhân của một
thời. Nhiều người khen họ, nhiều người chê trách họ. Những ý kiến khác nhau,
đồng nhất và chia rẽ. Nhưng phải chăng đó chính là cuộc đời.
Giờ này thì họ đã đóng máy, đóng lại tập cuối của tập phim cuộc
đời, cùng nắm tay nhau phiêu du miền Cực Lạc. Mong rằng họ sẽ có nhiều niềm
vui.
(Theo FB Nguyễn Thị
Bích Hậu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét