Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Nguyễn Trung Dân - Chuyện bây giờ mới kể

Huy Đức: Nhiều bạn sinh sau 1975 cho rằng mình không có nghĩa vụ phải hòa giải với ai cả vì các bạn ấy "không làm gì sai với ai". Nhưng các bạn ấy có lẽ cũng nên đọc những câu chuyện như thế này để hiểu thêm về hai chế độ, để thấy làm người tử tế không thể quay lưng lại với những nỗi đau của đồng bào mình

Mấy hôm nay cả Lề trái, Lề phải, trong ngoài nước đều nói đến Hoà giải, hoà hợp. Nhiều bài viết, nhiều cách suy nghĩ, suy luận... Tôi thử kể lại một câu chuyện thật 100%. Để ta có một cách nhìn khác hay không ?

Từ 1962, gia đình tôi có nhà cho thuê, một người thuê nhà lúc ấy là một Đại uý VNCH tên Toàn. Hai vợ chồng người gốc Bắc (Nam Định) có 5 con, 3 trai 2 gái. Các con gái đẹp như tượng Đức Mẹ đồng trinh. Hai gia đình chúng tôi kết thân và quý trọng nhau cho dù qua nhiều lần trao đổi ông sĩ quan VNCH này biết chắc Ba tôi là VC nằm vùng, hoạt đông trí vận. Kịp đến khi Ba Tôi bị bắt tù vào năm 1966, ông Toàn lên cấp bậc Trung tá và 1972 là Đại Tá phụ trách Quân Nhu toàn Quân Khu 1 lúc bấy giờ cho đến 1975. Có hai điều cần nói là Quân nhu VNCH chính như Tổng Cục Hậu Cần Quân Khu. Cả nước VNCH lúc ấy chỉ có 4 QK và QK 1 rất lớn bao gồm từ Vĩ tuyến 17 đến hết các tỉnh Miền Trung. Nghĩa là trong tay Đại Tá Toàn này không thiếu một thứ gì và phương tiện quân vận như máy bay, tàu biển, xe ô tô không thứ gì là không có. Vậy mà cuộc sống gia đình ông rất thanh bạch, nhà thì ở Khu gia binh ( đường Trần Phú ĐN ), không có nhà riêng sau khi hết thuê nhà tôi.

Điều thứ hai cần kể là lúc Ba tôi bị giam ở nhà lao Thừa Phủ Huế thì ông Đại Tá này thường xuyên cấp máy bay trực thăng cho Mẹ tôi ra thăm nuôi Ba tôi! Khi Ba Tôi bị đưa ra xét xử công khai ở Toà án Quân sự mặt trận lưu động tại rạp hát Trưng Vương Đà Nẵng cuối năm 1967 thì Trung Tá Toàn đã hộc tốc chạy về nhà tôi chở Mẹ tôi lên chỗ xử và can thiệp cho Mẹ tôi được gặp Ba tôi. Vậy đó người sĩ quan VNCH này có sợ ảnh hưởng không? Tôi chắc rằng ở cương vị đó ông thừa sức hiểu những phiền toái sẽ đến với mình, nhưng tôi hiểu ông xem tình nghĩa bạn bè gặp lúc hoạn nạn lớn hơn việc phải đối phó sau này! Hoặc giả trong quân đội ấy, trong xã hội cũ ấy cái tình, cái nghĩa được trân trọng để không sợ những hậu quả trong giao tiếp, quan hệ.

Sau này khi tôi còn học năm cuối ở trường Đại học (năm 1976) năm lần bảy lượt tôi được Đoàn trường gọi lên yêu cầu tôi không được ở cùng các bạn học mà tôi đã ở từ năm thứ nhất (1973). Lý do là họ con Đại tá, Trung tá Nguỵ, còn tôi được xem là gia đình CM. Tôi đã không chịu, vẫn ở với nhau cho đến ngày ra trường. Có lẽ đó là một lý do để tôi không được vào Đoàn, Hội gì hết!

Vậy đó, cho đến ngày Đà Nẵng nhốn nháo chờ quân giải phóng vào thành. Gia đình tôi hết sức căng thẳng vì sợ Ba tôi bị thủ tiêu trước khi chế độ cũ sụp đổ. May mắn việc đó đã không xảy ra dù Ba tôi đúng là có trong danh sách cần giải quyết trước khi rút chạy. Tôi còn nhớ vào khoảng ngày 26/3/1975, ông Đại tá Toàn đã lái xe về nhà tôi, đòi gặp Ba tôi cho được và chỉ để đặt ra một câu hỏi là ông nên ở lại hay nên di tản. Câu hỏi đặt ra vào lúc cận kề nhưng với quyền lực, khả năng của ông ta thì việc ra đi, di tản như thò tay vào túi lấy món vật nhỏ. Thời điểm ấy, với tấm lòng thành thực, niềm tin và sự hứng khởi CM thành công đã gần kề, Ba tôi đã không ngần ngại trả lời: ở lại thôi Bác ạ, Hoà bình rồi, đất nước của mình làm lấy mà ăn chứ chạy đi đâu! Ông Đại tá đã đồng tình: đúng rồi, tôi đã đi Mỹ học, đã làm việc nhiều năm với Mỹ, tôi hiểu thân phận người mình khi đi tản như vậy. Điều ông còn băn khoăn là liệu có sự trả thù hay lỡ ra vô tình bị quét chung với tàn quân không? Bằng tất cả tấm lòng và sự hiểu biết qua tài liệu tuyên truyền, Ba tôi bảo đảm sẽ không có sự trả thù, sẽ sớm ổn định để mọi người dân bình đẳng như nhau sống và làm việc trong chế độ mới! Tội nghiệp cho Ba tôi, ông đã bảo đảm một điều quá sức mình với lỏng tin trong sáng, thơ ngây đầy tính nhân văn mà tôi nghĩ hầu hết người miền Nam vào lúc ấy đều chung cách suy nghĩ ấy cho dù mỗi người lo âu mỗi cách, và dù hoàn cảnh có khác biệt nhau. Cho đến sau này nhiều năm, Ba tôi vẫn giữ niềm ân hận, ray rứt trong lòng cho đến lúc gặp lại người bạn cũ từ trại cải tạo trở về.

Ông Đại tá và gia đình đã ở lại ĐN, không di tản theo đoàn quân thất trận dù cho đến lúc cuối cùng của ĐN, ông cũng đủ sức lo một chổ an toàn cho cả gia đình ông trên chuyến tàu Trường Thành còn neo ở Cảng ĐN khi Quân giải phóng tiến vào. Để an toàn trong cơn biến loạn ấy, ông đưa vợ con về nhà tôi ở từ tối ngày 28/3 cho đến 3,4 /4 mới trở về nhà sau khi đã đi đăng ký tại UB quân quản.

Tan nát, chỉ có thể nói đúng tận cùng nghĩa tan nát sau khi ông Đại tá lên đường đi học tập cải tạo với lời hứa hẹn chỉ tập trung học trong vòng 15 ngày trở lại. Năm đầu tiên, gia đình ông còn được ở trong khu gia binh cũ. Đối phó với cái ăn, cái mặc của một gia đình lính không nhiều của ăn của để và không quen xoay xở, chạy chợ là vô cùng vất vả, tối tăm. Các con phải bỏ học gần hết do cha ở cấp bậc ấy và được liệt vào loại có nợ máu. Mô Phật, lạy Chúa, tôi biết cả gia đình này chưa từng dám cắt cổ một con gà, bản thân ông học hết trường này đến trường khác, máu me nào mà nợ. Nhưng thôi, trong một nghĩa nào đó của người thắng trận, tham gia, tiếp tay cho quân đội Nguỵ là đã vay nợ hay dây nợ rồi ! Thời gian này gia đình tôi chỉ biết lui tới, động viên và đau khổ nhìn họ ngày càng khó khăn, bế tắc.

Sang đến năm thứ hai, khu gia binh này được trưng dụng, có lẽ để làm nhà ở cho đoàn quân vào tiếp thu, xây dựng xã hội mới. Gia đình ông Đai tá có tên đi Kinh Tế Mới đầu tiên của ĐN. Và một buổi chiều sập tối cả gia đình cùng một số hoàn cảnh tương tự được bỏ xuống cánh rừng hoang vu như chưa hề có bóng người ở, sau này đặt tên là Khu KTM Khuê Ngọc Điền ! Lương ăn được phát cho 30 ngày gạo, vài chiếc rựa...không nhà, không điều kiện sống mà tất cả phải tự làm lấy. Tan nát, tan nát, còn chữ nào hơn không khi một cậu con trai sau một thời gian lao động bị nhiễm trùng uốn ván, không phương tiện chạy chữa đã chết. Cô gái đến tuổi cập kê, đẹp như Đức Mẹ ngày xưa đã lấy một chàng thợ mộc làng cho xong một đời. Nhưng cũng không xong, đẻ hai đứa con, chàng thợ mộc rượu chè, đổ đốn, cô gái trẻ một mình vác hai con về mẹ dù khó khăn cùng khó. Những người con khác làm rẫy kiếm sông cho qua kiếp người vẫn hy vọng bố về.( Những chuyện này được kể khi tôi gặp lại năm 1991). Gia đình tôi biệt tin, mất liên lạc nhiều năm vào giai đoạn cả nước khổ lo cơm áo.

Năm 1991, tôi làm TNXP xây dựng kinh tế, đưa quân lên Buôn mê Thuộc xây mấy cái Kho Bạc cho NN, tôi vẫn cố tâm tìm cho được gia đình ông Đại tá đâu đó vùng này. Thời may, anh thợ mộc (chồng cô con gái như Đức Mẹ ấy, lúc ấy vẫn còn sống với nhau) lại xin làm chỗ công trình. Lân la dò mãi tôi tìm được gia đình ấy, lúc bấy giờ nhờ phong trào khai khẩn làm cây cà phê, anh con trai đầu và bà mẹ khuê các năm xưa kịp làm được chục hecta cà phê, cuộc sống bắt đầu khá lên. Gặp nhau chỉ có nước mắt, không lời than vãn, không trách cứ ai, họ làm và chờ ngày ông Đại tá ra tù.

Ba năm sau, tôi gặp lại ông Đại tá ngày nào. Già, gầy nhưng hình như có điều gì đó tan vỡ trong ông? Ông hỏi tôi giờ này ông còn làm được gì, và cười buồn yên phận người nông dân.

Hai năm sau ngày ông cựu Đại tá trở về, gia đình tôi vui mừng đón người bạn cũ đầy tang thương tại nhà tôi ở ĐN. Cùng đi có cậu con trai đầu, năm ấy đã 40 tuổi nhưng nhất quyết không chịu lập gia đình. Nhỏ hơn tôi hai tuổi, nhưng trông cậu già hơn tôi đến 10 tuổi. Lầm lì, không cởi mở, không hiểu có oán trách gì Ba tôi không, nhưng cậu gần như thiếu thiện cảm mọi chuyện cho dù Ba tôi đã rất cố gắng chuyện trò, hỏi han. Riêng với tôi, có thể những giọt nước mắt cùng nhau ngày gặp lại ở Daklak cũng làm cậu phần nào thông cảm nên cậu nói nhờ tôi nói với Ba tôi có lời khuyên Ba cậu ( ông Cựu Đại tá ) chấp nhận đi Mỹ theo diện H.O mà ông Cựu Đại tá còn rất phân vân. Chưa biết phải nói chuyện với Ba tôi thế nào vì tôi vẫn là thằng con mà Ba tôi không mấy tin cậy về "tinh thần CM", nếu không muốn nói là luôn cảnh giác với những suy nghĩ đáng ngờ, không đủ lòng tin cuộc CM XHCN của Tôi, thì sau ba, bốn hôm ở chơi thăm viếng mọi người, cha con ông Cựu Đại tá chuẩn bị hôm sau về lại Daklak. Tối hôm ấy, ông mời Ba tôi và tôi ngồi nói chuyện. Có lẽ ông nghĩ tôi bây giờ đã làm đủ chuyện, có thể tham gia nên cho ngồi dự thính. Nhiều tâm sự được nói ra và lần đầu tiên ông hé mở cho chúng tôi biết những ngày trong trại cải tạo của ông và bạn bè. Chỉ là nước mắt nuốt ngược vào trong và một tinh thần cam chịu vô bờ bến để còn mong ngày trở về gặp được vợ con ! Cuối cùng, ông nói ( đại ý ) : hôm nay ông muốn gặp lại Ba tôi, người đã có lời khuyên ông ở lại ngày nào. Ông không chút nào oán trách Ba tôi hay bất cứ ai vì ông tin sự khổ nạn Chúa bắt ông phải gánh chịu cho cuộc sống trước đây của ông, nhưng ông quá thương các con và gia đình nên giờ đây ông muốn Ba tôi trả lời với ông là ông và gia đình ông nên đi hay ở lại. Giờ đây gia đình ông có hàng vài chục hecta cà phê. Cuộc sống bắt đầu đi vào ổn định, nhưng hơn ai hết ông hiểu con người không chỉ cần có cuộc sống no đủ, sung túc, mà họ cần một tương lai, cần sự bình đẳng giữa quá khứ Nguỵ quân với người Công Dân hiện tại. Ông cần Ba tôi nói cho ông là ông nên làm thủ tục đi H.O hay không?

Nước mắt ở một người như Ba tôi thật là hiếm có, vậy mà hôm ấy nước mắt ròng ròng Ba tôi nói tôi có lỗi với Bác, với các cháu do sự thiếu hiểu biết của tôi. Tôi có ngờ đâu hôm nay Bác buộc tôi phải nhìn lại mình, nhìn lại niềm tin mà mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân, cả gia đình mình mà tôi đã rất muốn quên cho qua ngày tháng. Tôi cũng chờ mong sự thay đổi, nhưng tôi có biết đến bao giờ để nói Bác cùng chờ với tôi. Tận đáy lòng mình tôi mong bác ở lại cùng tôi, cùng dân tộc mình nhưng điều tôi phải khuyên Bác bây giờ là Bác hãy ra đi nếu có thể ! Hai người đàn ông luống tuổi cầm tay nhau rơi nước mắt. Hai mươi mốt năm sau vẫn câu hỏi ấy mà sao xé lòng đến vậy ! Đi hay ở ? Khoảng cách nào sâu thẳm đến vậy mà bao nhiêu năm vẫn cứ khoét sâu. Lòng người sao yên khi quá nhiều điều làm chia xa đến vậy!

Hai năm sau ( năm 1988 ), chúng tôi được tin cả gia đình ông Cựu Đại tá đã ra đi theo diện H.O. Rồi lại bặt tin nhau lâu lâu, cho đến khi Ba tôi qua đời. Có dịp Ba tôi hỏi Tôi, con đi Mỹ như vậy có gặp hay có tin tức gì về nhà Bác Toàn không ? Tôi nói ông không dễ đâu Ba ạ. Nước Mỹ to lớn thế kia, người như bác Toàn lại muốn yên lặng, không xuất hiện, không ồn ào thì khó hỏi ra. Tình thật tôi không muốn Ba tôi thêm buồn khi biết thêm đời sống ở Mỹ của họ. Tôi có dò hỏi, liên lạc nhưng sự việc là thế này.

Một lần gặp người quen cũ ở cùng xóm cho tôi số ĐT liên lạc cùng gia đình Bác Toàn. Qua người quen này Tôi biết được ông sông yên ổn ở Virginia gần Washington, có căn nhà nhỏ, sống bằng tiền hưu bổng. Các con ông đều ở riêng, ổn định không giàu có gì và bằng lòng cuộc sống. Một lần, trên đường đi, tôi gọi vào số ĐT nhà ông, ông trả lời, vui mừng hỏi thăm Ba tôi và những người quen biết. Cuộc ĐT hơn 30' nhưng ông không hề có ý mời tôi đến thăm nhà. Khi Tôi bảo sẽ đến Washington và có thể tìm đến thăm vợ chồng ông. Ông ngập ngừng rồi bảo thời gian đó ông bà đi khỏi không có nhà! Hơi buồn nhưng Tôi hiểu những lo ngại của người Việt nước ngoài khi có người đang công tác trong nước đến chơi nhà. Họ sợ những phiền toái mà Cộng đồng người Việt truy chụp họ khi có nhiều mối giao du với người trong nước. Nên thôi. Tôi không còn ý mong muốn gặp lại họ dù lòng rất buồn.

Một dịp khác, khi đến Boston ( Masachuset ), biết cậu con đầu của ông Toàn ở đây, tôi tìm đến gặp. Rồi lại thêm buồn vì khi chuyện trò, cậu em này cứ luôn miệng hỏi tôi nhận nhiệm vụ gì của VC để đến Mỹ và hỏi tôi có nhiều tiền do tham ô, tham nhũng gì không ? Thì ra theo cách tuyên truyền của các tổ chức chống cộng hải ngoại là hầu hết người Việt trong nước đi ra là có nhận nhiệm vụ ( như là gián điệp hay tuyên truyền...). Còn loại người có tiền đi ra nước ngoài phải là cán bộ cấp cao biết tham ô, tham nhũng!


 Cái gì, điều gì đã khiến người Việt với nhau khó nhìn nhận nhau trong thiện chí. Khoảng cách nào đã làm cho tình thân giữa chúng tôi dẫn đến tình trạng hôm nay? Hỏi, lòng nặng trĩu,ngàn câu trả lời nhưng tôi thấy giữa người Việt chúng ta không còn lòng thành thật với nhau, nghi kỵ, sự dối trá đã mài mòn, giết chết tất cả. Cho nên làm sao nói cho Ba tôi hiểu được điều này, chỉ làm ông thêm buồn mà thôi. Hơn nữa ông đã già rồi, không còn đủ thời gian hay sức lực để làm điều gì khác cái ông đã tin yêu. Cho dù tôi biết im lặng trong trường hợp này cũng là sự dối trá. Đành vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét