Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Alan Phan – Âm Thanh Của Im Lặng


People talking without speaking
People hearing without listening
People writing songs that voices never share
And no one dared
Disturb the sound of silence
(Simon & Garfunkel)

Tôi còn nhớ lúc lên 5, 6 tuổi gì đó, có một đám bạn chạy theo tôi theo như một “lãnh tụ”, vì tôi là thằng con nít rất sáng tạo, bày ra nhiều thú chơi độc đáo. Người lớn thì chỉ kết tội tôi là thằng quậy nhất đám. Cho đến một hôm, lãnh tụ Alan lên mặt can ngăn và dạy dỗ cho 2 thằng đệ tử đang choảng nhau vì một tranh dành nào đó tôi không còn nhớ. Hai thằng quên mất chuyện xích mích của nhau và cùng quay lai, đập tôi một trận nhừ tử có lẽ vì lối lên mặt dậy đời xấc láo của tôi (có nên Email cho John Kerry về câu chuyện này?).

Đó là bài học đầu tiên của tôi về sự can thiệp ngu xuẩn trong khi các địch thủ đang có cảm xúc cao độ, dù hoàn toàn phi lý, về bất cứ vấn đề gì. Khi con người đang nóng giận, trí tuệ là nạn nhân đầu tiên. Cho nên, con người khôn ngoan là con người biết “câm miệng”. (Xét trên khía cạnh này thì 90 triệu dân Việt là những con người khôn ngoan nhất thế giới).

Lớn lên, nghĩ sâu xa thêm về những hành xử trước những đụng chạm tranh cãi của xã hội, tôi thấy sự im lặng không những cần thiết cho những kẻ đứng ngoài cuộc, mà còn cần thiết cho mọi người trong trận đấu.

Năm 1964, tài tử vô danh Clint Eastwood xuất hiện trong một cuốn phim cao bồispaghetti (gọi vậy vì đây là phim cowboy đầu tiên của Mỹ quay tại Ý) gọi là A Fistful of Dollars. Anh hùng Eastwood gần như không nói một lời nào trong suốt cuốn phim, lầm lì giết từng kẻ thù one-by-one với khuôn mặt lạnh như đồng. Cái im lặng chết người đó đánh trúng một tâm lý nào của đám đông, và một sớm một chiều, Clint Eastwood trở thành một hình tượng của phim ảnh không kém John Wayne lúc xưa. Anh hùng đích thực trong mọi trận chiến dường như là loại người không thích nói nhiều, chắc chắn không phải là một cái loa phát thanh suốt ngày lải nhải chuyện chiến thắng vĩ đại, hy sinh vì đại nghĩa hay sống chết cho nhân loại đại đồng…

Không phải chỉ tại Mỹ, mà Khổng Tử ngàn xưa của văn hóa Tàu cũng ca ngợi cái “Dũng” của thánh nhân là “cùng cực của sự điềm đạm. Điềm đạm, tức là cái tính “như như bất động”, thản nhiên bình tĩnh, “không thể cho ngoại vật động đến tâm của mình”. Người điềm đạm, tức là người đã làm chủ được tính dục và ý chí của mình. Nói một cách khác, người điềm đạm, tức là người “chủ động”, không “bị động” vì những vật không theo mình nữa.” (trích Thu Giang Nguyễn Duy Cần).

Gần đây, trong cuộc tranh chấp lãnh hải giữa 2 bên Trung Quốc và Việt Nam, một người ít nói khác đã viết nên một trang sử bi hùng bằng một hành động vị tha thật cảm động. Bà Lê Thị Tuyết Mai tự thiêu để làm một ngọn đuốc soi sáng con đường trước mặt cho những người đang lần mò phía sau:

“Suốt mười ngày qua tôi sống thầm lặng và sôi sục lòng yêu nước, hôm nay tôi quyết chí đốt thân mình hòa ánh đuốc soi đường do những người xâm lược và ngoan cố chiếm đóng lãnh hải chúng tôi… Nguyện hồn thiêng đất nước cho con làm một việc yêu nước không gặp trở ngại, không có gì ngăn cản và đừng tìm cách cứu sống… Xưa kia hai bà Trưng hy sinh Thy Sách để nung nấu ý chí quân sỹ và nhân dân để chiếm đánh thành Ngọc Hồi, hôm nay tôi nguyện làm ngọn đuốc để hậu thuẫn, thêm sức mạnh cho cảnh sát biển cùng ngư dân” (Trích Lê Thị Tuyết Mai)

Đó là một đởm lược mà chắc chắn cá nhân còn “tham, sân, si” của tôi không bao giờ làm được.

Và cũng là điều mà ông Vũ Mão, quan chức cao cấp và đại diện cho một bộ phận không nhỏ của đất nước Việt Nam, phải bào chữa để lấp liếm những sai lầm của quá khứ, ““Chúng ta nên nói với nhân dân thế nào về phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ đối ngoại hai nước. Tôi cho rằng, 16 chữ ấy có thể có lúc không đạt được nhưng nó vẫn là cái mong muốn muôn thuở….Mối bang giao với Trung Quốc đã có thời kỳ rất tốt đẹp mà Bác Hồ góp công xây dựng nên. Chúng ta cần giữ và phát huy điều đó. ” (Trích Vũ Mão).

“Cái mong muốn muôn thuở” của ông Vũ Mảo và các đồng chí Việt-Trung làm tôi nghẹn ngào.

Nhiều bạn BCA thăm hỏi tại sao tôi lại quá im lặng trong vài tuần lễ qua. Không phải là tôi không có ý kiến hay sợ không dám nói lên ý kiến của mình. Tuy nhiên, trong những tiếng động và phẫn nộ của đám đông từ nhiều phía, lời nói của một phó thường dân không những bị âm thanh chung quanh làm chìm khuất mà còn có thể tạo một nguyên cớ để gây kích động cho những lợi ích hiểm mưu nào đó. Những con chó sói luôn luôn rình mò và chúng luôn nhìn thấy cơ hội từ những biến động.

Trong khi đánh giá những mưu mô thủ đoạn cũng như những lực chuyển tốt lành cho quê hương, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ là hãy giữ mình trong “sự điềm đạm” để còn được hữu dụng khi đất nước đòi hỏi. Các bạn sẽ biết “chân lý” và “dối trá” khi nhiều sự kiện bắt đầu phơi bày rõ hơn trong những ngày tới. Muốn quyết định số phận của mình thì đừng bao giờ làm một con tốt thí.


Nếu không thấy giải pháp nào đúng nghĩa, quay vào vỏ bọc của con rùa, rút đầu chờ đợi cơn bão tố qua đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét