LTS: Chuyến thăm chính thức
Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama và bài phát biểu của ông tại
Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đã để lại một dấu ấn đặc biệt
trong dư luận truyền thông quốc tế cũng như trong lòng người dân Việt
Nam.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết,
nguyên Đại biểu Quốc hội gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài
phân tích của ông về sự kiện này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu
bài viết của Giáo sư đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài
viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính
thức Việt Nam và có bài phát biểu đầy cảm hứng tại Trung tâm Hội nghị
Quốc gia Mỹ Đình hôm 24/5. Bài phát biểu trước trí thức, sinh viên và đại
diện nhiều giới khác nhau hôm đó đã vượt qua khuôn khổ của một sự kiện
ngoại giao thường thấy, trở thành một hiện tượng xã hội.
Người dân Việt Nam từ Hà Nội đến
thành phố Hồ Chí Minh dõi theo từng cử chỉ, lời nói, hành động của
ông Obama với một tình cảm nồng nhiệt, yêu mến, khâm phục và kính
trọng. Đặc biệt là trên truyền thông và mạng xã hội tuần qua, có
thể nói Tổng thống Obama đã trở thành tâm điểm, hiện tượng mà dư
luận quan tâm.
Cá nhân người viết cho rằng, làm nên hiện tượng Obama không
phải kỹ xảo, thủ thuật chính trị hay cách đánh bóng hình ảnh quá
chuyên nghiệp của chính khách nước ngoài, mà chính là sự lịch duyệt,
thân thiện và chân thành sẵn có trong tố chất của con người ông, trong
thói quen hằng ngày của ông.
Sự chân thành làm nên sức hấp dẫn của
"hiện tượng" Obama
Yếu tố đầu tiên và quan trọng hơn cả
làm nên sức hút của ông Obama chính là sự chân thành của ông đối với
Việt Nam. Trước ông Obama, chưa có vị Tổng thống, Ngoại trưởng hay quan
chức cấp cao nào của Hoa Kỳ đến thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ.
Việc ông Obama chọn địa điểm này để
gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho thấy, nhà lãnh
đạo Hoa Kỳ thực sự chân thành muốn hòa giải và hợp tác.
Bởi lẽ Chủ tịch Hồ Chí Mình là
một lãnh tụ cộng sản và là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc, hai cuộc kháng chiến trường kỳ trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Năm trước, trong khi tại Hoa Kỳ vẫn
còn những nhận thức và tranh cãi khác nhau về ý thức hệ, Tổng
thống Obama đã quyết định mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang
Phòng Bầu dục, Nhà Trắng với vị thế quốc khách, nguyên thủ quốc
gia.
Và lần này, đến thăm Việt Nam, ông đã
đến nhà sàn, ao cá Bác Hồ. Cá nhân tôi cho rằng phải là một chính
khách bản lĩnh, thông minh và chân thành, thiện chí mới làm được
điều đó.
Sự chân thành của Tổng thống Obama
đã "chạm đến trái tim" của mọi người Việt Nam khi ông nhắc
tên vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và đọc hai câu thơ thần trong
bải "Nam Quốc sơn hà" – bài thơ được coi như bản Tuyên ngôn Độc
lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Thật thú vị và ý nghĩa, cách đây 71
năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng
quốc Hoa Kỳ khi viết Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa.
71 năm sau, cũng chính tại Thủ đô Hà
Nội, nguyên thủ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lại nhắc đến bản Tuyên
ngôn Độc lập đầu tiên của Việt Nam.
Điều đó cho thấy, quyền sống, quyền tự
quyết của mỗi dân tộc là tư tưởng chung, là lẽ sống, là lựa chọn chung
của hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ. Điều này càng được khẳng định
trong bài phát biểu của ông Obama với tuyên bố:
"Việt Nam là một nước độc
lập, có chủ quyền và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí của họ
lên người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền của Việt Nam do người dân Việt Nam
quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam."
Quan trọng hơn nữa là sự chân thành ấy không chỉ dừng ở
những lời nói đi vào lòng người, mà còn là hành động rất thiết
thực:
Tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm
vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng
lực tuần tra hàng hải trên Biển Đông, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và
hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ để tránh lệ thuộc vào một
"quốc gia duy nhất nào đó"…
Trong số những hành động thể hiện
sự chân thành ấy, có thể nói quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí là
món quà cực lớn của ông Obama dành cho Việt Nam.
Sở dĩ người viết nhận định như vậy
là vì, những năm trước đây các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bao giờ cũng đòi
có đi có lại nếu Việt Nam muốn dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này, đặc
biệt là có đi có lại trong vấn đề nhiều người quan tâm và được cho là
khá nhạy cảm - nhân quyền.
Nhưng ông Obama không đặt ra bất cứ
điều kiện gì cho việc dỡ bỏ lệnh cấm, ít nhất về mặt công khai. Cá
nhân tôi cho rằng, sự chân thành này thể hiện cách tiếp cận rất mới của
cá nhân ngài Tổng thống Obama, đúng như khẩu hiệu của ông lúc tranh cử:
“Change we need” (Chúng ta cần thay đổi).
Bởi lẽ Việt Nam có mua những vũ khí
hiện đại như máy bay, tên lửa, tàu ngầm thì cũng để phòng thủ, bảo vệ
đất nước chứ không phải để chống lại nhân dân.
Việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
không ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa nhà nước với nhân dân. Ghép hai
vấn đề này vào với nhau thật khiên cưỡng và chẳng giúp ích gì cho
quan hệ hai nước.
Tổng thống Obama là một người lịch duyệt, thân
thiện
Yếu tố thứ hai làm nên sự lôi cuốn của "hiện tượng
Obama" chính là sự lịch duyệt và thân thiện. Riêng với cá nhân
người viết, ấn tượng đặc biệt về sự lịch lãm trong con người Tổng
thống Obama nằm ngay ở một chi tiết rất nhỏ.
Đó là khi ông cùng Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm áo cá Bác Hồ và cho đàn cá ăn. Lúc
được mời đi tiếp, ông Obama đã cười rất tươi và vẫy tay chào đàn cá.
Cử chỉ đó tuy rất nhỏ nhưng rất tinh tế, thể hiện tầm vóc văn hóa của
ông Obama. Ông là một người thật lịch lãm.
Sự lịch lãm ấy của ông
Obama còn thể hiện rất rõ trong cách tiếp cận khéo léo với những
vấn đề nhạy cảm, như Chiến tranh Việt Nam hay nhân quyền. Nói về
chiến tranh ông đã rất chân thành và khéo léo không để mất lòng ai,
mượn lịch sử để đặt vấn đề cho tương lai.
Có 2 điểm nổi bật nhất
trong cách tiếp cận những chương buồn trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ
của ông Obama: Một là ông chỉ ra, có rất nhiều cách giải quyết vấn
đề chứ không phải chỉ có chiến tranh.
Hòa bình luôn tốt đẹp
hơn chiến tranh và quan hệ Việt - Mỹ là bài học cho thế giới. Tôi cho
rằng, việc Tổng thống Mỹ đúc rút ra được điều này từ quan hệ Việt
- Mỹ là cực kỳ sâu sắc và tinh tế.
Điểm nổi bật thứ hai
khi nói về chiến tranh, ông Obama đã hướng tới tương lai bằng cách
không quên quá khứ: Mỗi khi hai nước có khúc mắc nào đó, hãy nghĩ
đến những người đã ngã xuống trong chiến tranh để tìm cách xử lý hòa
bình, bởi vì nền hòa bình này đã phải đánh đổi bằng xương máu của cả hai bên.
Đây là một gợi mở, một cách ứng xử nhân văn sâu sắc.
Về các giá trị dân chủ
hay nhân quyền mà dư luận vẫn xem là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ
Việt - Mỹ, ông Obama tiếp cận rất khiêm tốn, thông minh, khách quan và
cầu thị.
Lâu nay, dư luận vẫn có
những người ấn tượng rằng, Mỹ là nước lớn thường lấy nhân quyền để
gây sức ép trong quan hệ với các nước khác.
Nhưng khi thăm Việt Nam,
ông Obama tiếp cận rất khéo, không lên lớp, không áp đặt. Ông nói rất
lịch sự khi cho biết, chính phủ Mỹ luôn bị người dân phê bình, nhưng
chính nhờ phê bình mà nhận ra sai sót. Đó là tinh thần Hiến pháp Mỹ
- người dân có quyền bộc lộ bất bình, đòi chính phủ điều chỉnh
chính sách.
Nói cho cùng chân lý
của Hoa Kỳ hay Việt Nam cũng chỉ là một. Bởi lẽ cách đây mấy chục
năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần: Ở đất nước
ta nhân dân làm chủ, chính phủ là đầy tớ của dân, dân có quyền đôn
đốc chính phủ, chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính
phủ.
Nói cho đúng là Cụ Hồ
phát biểu còn mạnh hơn ông Obama rất nhiều, nhưng cả hai người đều khẳng
định chân lý lấy dân làm gốc.
Sự trùng hợp giữa hai ý
kiến khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tại sao Mỹ và các nước phương Tây
phát triển mạnh mẽ? Đó là vì tự do, dân chủ được đề cao và có cơ
chế thực thi hiệu quả. Ở đâu cũng vậy, càng có tự do dân chủ thì
càng có sáng tạo, càng ngăn ngừa và hạn chế được lạm quyền, tham
nhũng, càng kịp thời ngăn chặn và sửa chữa những sai sót của người
cầm quyền.
Thiết nghĩ đó cũng là
lý do tại sao Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ Việt Nam khóa mới
nhấn mạnh chiến lược xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ,
thay vì chỉ đóng vai trò là một cơ quan quản lý nhà nước.
Với sự thân thiện bộc
lộ rất rõ qua từng nụ cười, ánh mắt, cử chỉ khi giao tiếp với các
nhà lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ đã chiếm
trọn tình cảm của người Việt và tình cảm của người Việt đã in sâu
trong trái tim ông chủ Nhà Trắng.
Sự thân thiện của ông Obama
không chỉ thể hiện ở những nụ cười tươi thường trực trên môi, những
cái bắt tay thân thiện, chọn ăn tối ở quán bún chả bình dân hay dừng
lại cổng làng Mễ Trì mua cốm, trú mưa và trò chuyện ít phút với
người dân.
Dù rằng tất cả những
hoạt động này đã có kịch bản từ trước, đồng thời nằm trong một
chương trình truyền hình thực tế mà ông Obama tham gia, nhưng cái bắt
tay nồng ấm, nụ cười thân thiện của vị Tổng thống này hoàn toàn
không phải "diễn", không phải tự nhiên mà có.
Nó là một thói quen
thường trực.
Obama rất hiểu nền văn
hóa, tập quán văn hóa của Việt Nam. Ba lần các nhà lãnh đạo cao nhất
của Hoa Kỳ "lẩy" Kiều, lần nào và câu nào cũng hay, cũng
trúng, cũng giàu cảm xúc và ý nghĩa.
Nhưng người viết tâm đắc
và đánh giá cao nhất là câu Kiều mà Tổng thống Obama đã chọn, nhất
là việc lấy đó làm câu kết bài phát biểu quá hợp cảnh hợp tình,
khó có thể có câu nào trong truyện Kiều hợp hơn câu Kiều ấy:
"Rằng:
Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi".
Của tin gọi một chút này làm ghi".
Trước tấm chân tình đối
với Việt Nam, sự lịch duyệt và thân thiện cũng như tầm vóc mà Tổng
thống Obama đã thể hiện, tôi xin gửi tặng ngài Tổng thống một câu
Kiều nói lên ấn tượng sâu sắc của tôi cũng như rất nhiều người dân Việt Nam về
ông:
"Thiên
tư, tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa".
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa".
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét